1. Romney thừa nhận Tổng thống Trump sẽ giành được đề cử tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa 'một cách long trời lở đất'

Thượng nghị sĩ Mitt Romney của bang Utah đã thừa nhận rằng tổng thống Donald Trump nắm thế thượng phong trong cuộc nội chiến đang diễn ra bên trong Đảng Cộng hòa.

Romney từ lâu đã là một đối thủ quyết liệt của cựu tổng thống Trump và đã bỏ phiếu kết tội trong cả hai phiên tòa luận tội tại Thượng viện.

Hôm thứ Ba, bàn về các quyết định của mình, Romney nói rằng ông ta bỏ phiếu theo lương tâm của mình và bất chấp “những hậu quả sẻ xảy ra” để giúp ông ta “ngủ ngon vào ban đêm”.

Mặc dù tiếp tục chỉ trích cựu tổng thống, thượng nghị sĩ đã thừa nhận rằng Tổng thống Trump vẫn có sự ủng hộ to lớn trong Đảng Cộng Hòa.

“Liệu Tổng thống Trump có tiếp tục đóng một vai trò nào đó trong đảng của tôi không? Tôi chắc chắn là ông ấy sẽ làm được. Ông ấy cho đến nay là người có tiếng nói lớn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong đảng của tôi”, ông nói với trong một hội nghị ảo do tờ The New York Times tổ chức.

Ông nhấn mạnh rằng: “Tôi không biết liệu ông ấy có tranh cử vào năm 2024 hay không, nhưng nếu ông ấy ra tranh cử, tôi chắc chắn rằng ông ấy sẽ giành được sự đề cử”.

Nhà lập pháp Romney cho biết nếu Trump có tên trong danh sách, “ông ấy sẽ thắng đậm.”

Romney đưa ra nhận xét tương tự sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, nói với NBC's Meet the Press: “Không nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Trump là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong đảng của chúng tôi. Ông ấy sẽ có tác động to lớn đối với đảng của chúng ta trong tương lai”.

“Tôi tin rằng tuyệt đại đa số những người đã bỏ phiếu cho Donald Trump muốn bảo đảm rằng các nguyên tắc và chính sách của ông ấy sẽ được theo đuổi.”

Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa chống Tổng thống Trump đã phải chịu đựng những lời chỉ trích từ những người trung thành với Tổng thống Trump.

Trong cuộc trò chuyện với các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện Utah hôm thứ Ba, như được Deseret News đưa tin, Romney được đảng Dân Chủ cảm ơn vì đã bỏ phiếu để kết tội Tổng thống Trump.

Thượng nghị sĩ Mitt Romney từ lâu đã ngắm nghé việc ra tranh cử tổng thống và đã hai lần tìm cách kết tội Tổng thống Trump.

Trong phiên tòa luận tội Tổng thống Trump đầu tiên tại Thượng viện, Romney là đảng viên Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu kết tội. Trong phiên tòa thứ hai trong tháng này, ông là một trong bảy thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã làm như vậy. Mười thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu để luận tội Tổng thống Trump vào tháng trước.

Tổng thống Trump đã không loại trừ khả năng tái tranh cử vào năm 2024. Phát biểu trên Newsmax vào đầu tháng này, ông nói: “Tôi chưa nói chắc, nhưng chúng tôi có sự ủng hộ to lớn. Tôi đang xem xét các con số thăm dò đang diễn ra”.


Source:Newsweek

2. Các giám mục Công Giáo Âu Châu chỉ trích nghị quyết của Nghị viện Âu Châu về luật phá thai của Ba Lan

Các giám mục Công Giáo trên khắp châu Âu đã chỉ trích một nghị quyết của Nghị viện Âu Châu về luật phá thai của Ba Lan.

Trong một bức thư được công bố vào ngày 25 tháng 2, các giám mục nói rằng nghị quyết, được thông qua vào ngày 26 tháng 11 năm 2020, sẽ có “tác động rất tiêu cực” đối với cách nhìn nhận của Liên minh Âu Châu đối với các quốc gia thành viên.

Nghị viện Âu Châu, cơ quan xây dựng luật của Liên Minh Âu Châu, đã thông qua nghị quyết với số phiếu 455 phiếu thuận sau khi tòa án cấp cao nhất của Ba Lan ra phán quyết rằng luật năm 1993 cho phép phá thai vì những bất thường của thai nhi là vi hiến.

Nghị quyết phàn nàn về cái mà nó gọi là “lệnh cấm trên thực tế đối với quyền phá thai ở Ba Lan”.

Trước phán quyết của Tòa án Hiến pháp vào ngày 22 tháng 10, luật pháp Ba Lan chỉ cho phép phá thai trong các trường hợp hiếp dâm hoặc loạn luân, hay trong trường hợp có nguy cơ đến tính mạng của người mẹ hoặc những bất thường của thai nhi.

Sau khi phán quyết được công bố vào ngày 27 tháng Giêng, phá thai sẽ tiếp tục hợp pháp trong các trường hợp hiếp dâm hoặc loạn luân và có nguy cơ đến tính mạng của người mẹ nhưng cấm phá thai vì những bất thường của thai nhi.

Trong lá thư đề ngày 22 tháng 2, các giám mục đã phản bác khái niệm “quyền phá thai” của Liên minh Âu châu: “Từ góc độ pháp lý, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng cả luật pháp của Liên minh Âu Châu và Công ước Âu Châu về Nhân quyền đều không quy định quyền phá thai. Vấn đề này phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên”.

Bức thư đã được gửi đến David Maria Sassoli, chủ tịch Nghị viện Âu Châu, và có chữ ký của các thành viên trong ủy ban thường trực của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu Châu.

Trong một tuyên bố ngày 2 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Gądecki chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói rằng không thể có sự thỏa hiệp về quyền được sống.

Ngài nói: “Quyền sống là quyền cơ bản của con người. Quyền này luôn phải được ưu tiên hơn bởi vì không ai có thể cho phép một cách có thẩm quyền khả năng giết người khác”.

Các giám mục Âu Châu nhấn mạnh sự hỗ trợ của Giáo Hội Công Giáo đối với những phụ nữ gặp khó khăn khi mang thai cũng như bảo vệ sự sống của thai nhi.

Các ngài chỉ trích nghị quyết đã hạ thấp “một nguyên tắc cơ bản của Liên minh Âu Châu” được gọi là “nguyên tắc đồng thuận”, hạn chế Liên Minh Âu Châu chỉ có quyền hành động trong giới hạn mà các quốc gia thành viên nhất trí.

Các ngài cũng nhận định rằng nghị quyết xem ra đang muốn đặt vấn đề đối với quyền phản đối lương tâm.

“Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, những người phản đối vì lương tâm trong nhiều trường hợp bị phân biệt đối xử. Theo quan điểm của chúng tôi, không nên thúc đẩy sự kỳ thị vô cớ như vậy”.


Source:Catholic News Agency

3. Bạo loạn trong các nhà tù Ecuador: 79 tù nhân bị giết, nhiều người bị phanh thây

Đức Tổng Giám Mục Luis Gerardo Cabrera Herrera, Dòng Anh Em Hèn Mọn, của tổng giáo phận Guayaquil đã bày tỏ nỗi buồn của ngài về vụ bạo loạn diễn ra hôm thứ Ba 23 tháng Hai khiến ít nhất 79 tù nhân bị thiệt mạng, trong đó có nhiều người bị phanh thây. Đức Cha đã thường xuyên cảnh báo chính quyền về tình trạng quá đông trong các nhà tù và than phiền rằng các nhà tù tại Ecuador chỉ đơn thuần là các tầng đầu địa ngục trong đó con người bị trừng phạt thay vì được giáo dục để tái hội nhập vào đời sống xã hội.

Bạo loạn đã diễn ra trong 4 nhà tù với ít nhất 79 người chết, trong đó có 18 tù nhân bị phanh thây tại cùng một địa điểm. Đây là một trong những đợt bùng phát bạo lực trong tù đẫm máu nhất trong lịch sử nước này.

Ngay khi các nhà chức trách cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát sau cuộc bạo động ban đầu, người đứng đầu cảnh sát quốc gia Ecuador đã viết trên Twitter vào đêm thứ Tư rằng một cuộc binh biến mới vừa diễn ra trong nhà tù của thành phố Guayaquil.

Cảnh sát và quân đội đã đóng quân tại các trung tâm giam giữ ở các thành phố Guayaquil, Cuenca và Latacunga, nơi các băng đảng hôm thứ Ba giao chiến với nhau bằng vũ khí thủ công trong điều kiện mà các nhà chức trách cho là một sự bùng phát bạo lực phối hợp.

Các băng đảng bắt đầu cuộc chiến giành quyền lãnh đạo trong hệ thống nhà tù vào tháng 12 khi một thủ lĩnh của Los Choneros, là băng nhóm quyền lực nhất của hệ thống du đảng tại Ecuador, bị giết trong một trung tâm mua sắm vài tháng sau khi được thả ra.

Bạo loạn hôm thứ Ba đã diễn ra trong các khu vực an ninh tối đa của nhà tù Guayaquil và Cuenca.

Cơ quan quản lý nhà tù SNAI cho biết tất cả những người thiệt mạng trong vụ bạo loạn đều là tù nhân, với các báo cáo đầu tiên cho biết 50 người chết, trước khi tăng lên 62 và cuối cùng là 79 trong báo cáo mới nhất. Theo dữ liệu chính thức, có thêm hàng chục tù nhân và cảnh sát bị thương.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Lenin Moreno thừa nhận hệ thống nhà tù có dân số quá đông khoảng 130% so với sức chứa và thiếu kinh phí và nhân sự.

Bạo loạn diễn ra sau khi nhà chức trách phá dỡ các phòng thí nghiệm chế biến cocaine và thu giữ 128 tấn ma túy vào năm 2020, một kỷ lục đối với Ecuador, tổng thống Moreno cho biết.

Tổng thống Moreno đã tuyên bố hệ thống nhà tù của Ecuador đang trong tình trạng khẩn cấp vào năm 2019 sau làn sóng các vụ bạo loạn khiến 24 người thiệt mạng.


Source:Reuters

4. Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Bình đẳng, mà các giám mục cảnh báo sẽ 'trừng phạt' các nhóm tôn giáo

Hạ Viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã thông qua Đạo luật Bình đẳng, mà các giám mục Hoa Kỳ đã cảnh báo sẽ chà đạp các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo trong khi hệ thống hóa ý thức hệ giới tính trong luật liên bang.

Bằng một cuộc bỏ phiếu với tỷ số 224 trên 206, Hạ viện đã thông qua Đạo luật Bình đẳng chỉ sáu ngày sau khi nó được đề nghị vào ngày 18 tháng 2. Đạo luật, được bảo trợ bởi Dân biểu David Cicilline thuộc đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, công nhận việc bảo vệ bằng pháp lý khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính, và cấm phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính tự nhận trong một số lĩnh vực.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã phản đối đạo luật này, nói rằng nó đề cao ý thức hệ giới tính và định nghĩa lại hôn nhân và coi giới tính đơn giản là một “cấu trúc xã hội”. Hơn nữa, nó sẽ “ trừng phạt” các nhóm tôn giáo chống lại những tin tưởng kỳ quái này.

Một bức thư ngày 23 tháng 2 của năm chủ tịch các ủy ban USCCB đã được gửi đến các thành viên của Quốc hội. Bức thư cảnh báo rằng thông qua dự luật này nghĩa là Quốc hội đang áp đặt các “quan điểm mới lạ và gây chia rẽ liên quan đến” giới tính “đối với các cá nhân và tổ chức”.

Các giám mục ký tên trong thư bao gồm Đức Cha Michael Barber, của Oakland, chủ tịch ủy ban giáo dục USCCB; Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của thành phố Oklahoma, chủ tịch ủy ban tư pháp quốc nội USCCB; Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của USCCB; Đức Cha David Konderla của Tulsa, chủ tịch tiểu ban hôn nhân; và Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Thành phố Kansas, chủ tịch ủy ban phò sinh của USCCB.

Các vị nhận định rằng:

“Đạo luật Bình đẳng sẽ áp đặt các quy định sâu rộng gây tổn hại cho toàn xã hội. Chỉ riêng các định nghĩa của Đạo luật sẽ loại bỏ phụ nữ và trẻ gái khỏi sự tồn tại được luật pháp bảo vệ. Chúng ta trân trọng các quyền tự do ngôn luận, lập hội, tự do lương tâm và tự do tôn giáo của Tu Chính án Thứ nhất. Đạo luật Bình đẳng khiến những điều này gặp nguy cơ bằng cách đòi hỏi sự đồng thuận bắt buộc độc dạng đối với những tin tưởng mới về bản sắc con người, trái ngược với những niềm tin được nhiều người tin tưởng - cả những người theo các tín ngưỡng đa dạng lẫn những người không có tín ngưỡng.”
Source:Catholic News Agency