1. Ma quỷ tìm cách thao túng các linh mục như thế nào? Tường trình của nhà trừ quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #143: Satan Tries to Manipulate Priests”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 143. Ma quỷ tìm cách thao túng các linh mục”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một linh mục trẻ có thiện chí đã gọi cho tôi và hỏi ý kiến của tôi. Ngài đang giúp một phụ nữ trẻ bị ma quỷ khống chế hoàn toàn, người đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nhà trừ tà. Ngài tự nguyện nhập cuộc và bắt đầu thường xuyên cầu nguyện cho cô ấy bằng những lời cầu nguyện trừ tà đơn sơ, không sử dụng nghi thức long trọng. Về mặt kỹ thuật, điều này nghe có vẻ ổn vì ngài không làm một lễ trừ tà trọng thể cũng không đọc Nghi thức trừ tà chính thức.... nhưng...

Sau đó, người phụ nữ trẻ bắt đầu phàn nàn về việc không thể ngủ vào ban đêm. Vì vậy, trước khi cô ta đi ngủ, vị linh mục đã cầu nguyện cho cô và cô chìm vào giấc ngủ ngon. Cuối cùng, ngài bắt đầu cầu nguyện cho cô mỗi đêm trước khi cô đi ngủ, để cô ấy có thể ngủ được. Chuyện gì sẽ xảy ra với bức tranh này?

Có thể bạn hơi ngạc nhiên nhưng tôi đã gặp ít nhất bốn tình huống khác nhau, trong đó các linh mục trẻ, có thiện chí kết thúc việc trừ tà của họ trong việc cầu nguyện ru ngủ hàng đêm cho những phụ nữ trẻ bị quỷ ám để họ có thể yên giấc. May mắn thay, trong mỗi tình huống như thế, khi điều này được phát hiện, nó đã được ngăn chặn ngay lập tức.

Nhiều năm trước, một nhà trừ tà cao niên đã cảnh báo tôi một cách khôn ngoan rằng hãy đề phòng đừng đến gần những người phụ nữ bị quỷ nhập một cách quá tình cảm. Ngài biết một số linh mục đã làm như vậy và, ngay cả khi mối quan hệ không trở thành các hành vi tình dục, bản thân sự gần gũi không thích hợp này đã là một sơ hở cho Satan. Ma quỷ sẽ sử dụng điều đó để tiếp cận với linh mục. Do đó, bản thân linh mục có thể bị rối loạn, và thậm chí bị quỷ nhập. Tôi đã thấy điều này xảy ra.

Cuộc chiến thực sự trong một cuộc trừ tà không phải là chính bản thân buổi trừ tà đó. Satan biết mình thua trong cuộc chiến trực diện với Giáo hội tràn đầy quyền năng của Chúa Phục sinh. Nhưng, Satan là một bậc thầy của những thao túng lắt léo.

Thông thường, một vị trừ tà là một linh mục lớn tuổi. Ngay cả khi đó, ngài cũng cần phải cẩn thận về việc thiết lập các ranh giới vững chắc trong chức vụ thường khi nguy hiểm này. Nếu một linh mục trẻ hơn được chọn, ngài phải được giám sát chặt chẽ bởi một nhà trừ tà lớn tuổi hơn. Satan là một kẻ thù xảo quyệt và không thể coi thường.
Source:Catholic Exorcism

2. Xung đột quanh tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro

Vào trước lễ kỷ niệm 90 năm thành lập, tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro đã là trung tâm của nhiều cuộc xung đột giữa Giáo Hội, cơ quan chính phủ quản lý khu bảo tồn thiên nhiên xung quanh và chủ sở hữu của một số cửa hàng nằm trong khu vực tượng đài.

Được khánh thành vào ngày 12 tháng 10 năm 1931, sau 5 năm xây dựng, bức tượng cao 98 feet, tức là khoảng 30m - được tài trợ hoàn toàn bởi Tổng giáo phận Rio de Janeiro và các nhà tài trợ khác - đã được xây dựng trên đỉnh núi Corcovado, một khu vực đã được chính thức được chính phủ liên bang Brazil cấp cho Giáo Hội.

Vào những năm 1960, chính phủ đã tạo ra Công viên Quốc gia Tijuca với mục tiêu bảo vệ những khu rừng núi rộng lớn bao quanh bức tượng.

Gần đây, đã xảy ra xung đột giữa Giáo Hội và cơ quan quản lý công viên, là Viện Bảo tồn Đa dạng Sinh học Chico Mendes, gọi tắt là ICMBio.

“Theo truyền thống, Giáo hội là một nhà hòa giải xung đột. Tuy nhiên, trong tình huống này, Giáo Hội đã là một phần của cuộc xung đột. Đã đến lúc phải sửa chữa những vấn đề đó,” Cha Omar Raposo, Giám đốc tượng đài Chúa Cứu thế, nói với Crux.

Theo Cha Raposo, trong nhiều năm ICMBio không tôn trọng quyền của Giáo Hội được tự do sử dụng khu vực xung quanh bức tượng. Các nhân viên an ninh của Viện thường xuyên tạo ra các chướng ngại vật đối với các công nhân và các linh mục của Thánh địa khi họ cố gắng vào công viên và đến nhà nguyện nằm dưới chân tượng đài.

Vào ngày 11 tháng 9, Cha Raposo đã bị cản trở bởi các nhân viên an ninh khi ngài chuẩn bị cử hành lễ rửa tội. Gia đình của đứa trẻ cũng bị cấm vào khu vực tượng đài. Phải mất hai giờ trước khi vị linh mục cuối cùng được phép đi đến nhà nguyện.

ICMBio tuyên bố rằng vì lý do an ninh, tất cả các phương tiện phải được xác định một cách chính xác trước khi vào công viên Tijuca và quá trình này có thể mất thời gian, nhưng Cha Raposo cho biết cơ quan nhà nước đang cố gắng “làm cho hoạt động của Giáo Hội tại Thánh địa Chúa Kitô là không thể thực hiện được”.

“Tôi không thể bị cản trở để vào tượng đài. Bức tượng đó thuộc sở hữu của Giáo Hội. Chúng tôi phải tố cáo những tội lạm dụng chức quyền và bất khoan dung tôn giáo,” ngài nói.

Một số cửa hàng truyền thống hoạt động trong khu vực gần đây đã bị ICMBio đóng cửa, mặc dù một số cửa hàng đã thuộc về cùng một gia đình trong bốn thế hệ. Giờ đây, khách du lịch và những người đi nhà thờ thậm chí không thể mua một chai nước khi họ đến thăm tượng Chúa.

“Tất cả khu đất đó đã được chuyển giao cho Nhà thờ vào năm 1931, nhưng ICMBio đã trục xuất các chủ cửa hàng”

Tổng giáo phận đã cố gắng hủy bỏ các quyết định đó về mặt pháp lý để các cửa hàng có thể mở cửa trở lại.
Source:Crux

3. Một số đồ bị đánh cắp từ nhà thờ giáo xứ Denver đã được thu hồi

Một số đồ vật có giá trị thuộc về một giáo xứ Công Giáo Denver, bao gồm nhà tạm và các bình dùng cho Thánh lễ, đã được tìm lại vào cuối tuần trước, sau khi nhà thờ bị cướp gần một tháng trước. Các bánh thánh bị đánh cắp vẫn không được tìm thấy.

Giáo xứ Curé d'Ars chủ yếu là người Mỹ gốc Phi, nằm ở phía bắc Denver, đã bị đột nhập và cướp trong đêm 30-31 tháng 8. Tất cả các bình của nhà thờ được sử dụng cho Thánh lễ đã bị đánh cắp, sau khi những tên trộm xông vào bằng cách đá bể một cánh cửa gỗ.

Nhà tạm của nhà thờ, chứa Thánh Thể, đã bị đánh cắp khỏi cung thánh.

Trong một bài đăng ngày 25 tháng 9 trên trang Facebook của nhà thờ, Phó tế Clarence McDavid báo cáo rằng ngài đã được một thám tử làm việc trong vụ án gọi đến để xem xét các đồ vật được thu hồi từ một người đàn ông mà Cảnh sát Denver vừa bắt giữ gần đây.

Các đồ vật được thu hồi bao gồm một nhà tạm, một bình đựng Mình Thánh Chúa, một dĩa cho rước lễ và một chiếc thùng được sử dụng để đựng các bánh thánh của linh mục.

“Những món đồ này rõ ràng là của chúng tôi và đã được lấy về từ sở cảnh sát. Người đang bị cảnh sát giam giữ được cho là đã đột nhập vào một số nhà thờ khác trong khu vực”, Phó tế McDavid viết.

Thầy McDavid cho biết các bánh thánh được cất giữ trong nhà tạm, tuy nhiên, vẫn bị mất tích và “có lẽ đã bị vứt bỏ”.

Các bình kim khí được tìm thấy hiện đã được làm sạch và đang ở trong nhà thờ. Thầy lưu ý rằng một bình đựng Thánh Thể lớn hơn vẫn chưa tìm ra.

Phát biểu với CNA ngày 27 tháng 9, Phó tế McDavid cho biết thầy muốn cảm ơn tất cả mọi người, những người cảm động trước câu chuyện về vụ cướp, đã liên lạc để quyên góp, đưa ra các lời chúc tốt đẹp và các lời cầu nguyện.

“Điều đó chắc chắn cho thấy chúng ta được liên đới với nhau như thế nào với tư cách là một Giáo hội. Thật là xúc động khi được chứng kiến như thế,”

Cảnh sát Denver xác nhận với CNA rằng một vụ bắt giữ đã được thực hiện liên quan đến vụ trộm tại giáo xứ Cure d'Ars, và cho biết người bị bắt là Deshaun Glenn, ba mươi bảy tuổi.

Tưởng cũng nên nhắc lại là bọn cướp đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo Curé d'Ars và cướp sạch tất cả các áo lễ được sử dụng cho các thánh lễ từ tủ áo. Chúng đã xông vào bằng cách đá bể cánh cửa gỗ. Chúng cũng lấy một máy tính xách tay dùng để phát trực tiếp Thánh lễ và một bảng âm thanh dùng để kết nối với micrô của nhà thờ.

Cha Joseph Cao, linh mục Việt Nam, cha sở của nhà thờ, cho biết ngài vẫn chưa biết những ai đã thực hiện vụ cướp, diễn ra vào khoảng đêm thứ Hai 30, rạng sáng thứ Ba 31 tháng 8. Cha Cao nói, đây là vụ đột nhập đầu tiên vào nhà thờ.

Những kẻ tấn công cũng loại bỏ bốn camera an ninh khắp nơi trong cung thánh, để bảo đảm rằng chúng không bị quay video. Chúng cũng cắt tất cả các đường ống bằng đồng nối từ lò sưởi của tòa nhà ở tầng dưới, và các ống đồng tại một cầu thang bên ngoài tòa nhà, và làm nước ngập tầng hầm của nhà thờ.

Khoảng 8:40 sáng ngày 31 tháng 8, Cha Cao phát hiện cửa ngoài của nhà thờ đã bị cạy tung. Ngài tìm thấy một chiếc ghế lật ngửa và một số bánh thánh chưa được thánh hiến trên mặt đất khi ngài bước vào gian cung thánh. Sau đó ngài nhận ra rằng nhà tạm đã biến mất, và phát hiện ra tình trạng lũ lụt trong tầng hầm.

“Trái tim tôi chùng xuống. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Chúng tôi cầu nguyện cho sự trở lại an toàn của Thánh Thể.”

Bảo hiểm có thể sẽ thanh toán cho hầu hết các món đồ bị đánh cắp, nhưng tất nhiên, Mình Thánh Chúa Kitô là vô giá.

“Như bạn có thể tưởng tượng, điều này rất tàn khốc đối với toàn bộ cộng đồng,” Phó tế Clarence McDavid nói với CNA.

“Chúng tôi có những người đã ở đây có lẽ từ giữa những năm 60. Tôi đã là một phó tế ở đây được 34 năm”.

Giáo xứ Curé d'Ars có từ năm 1952, và tên của ngôi thánh đường là nhằm tôn vinh Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục quản xứ đã chăm sóc các linh hồn ở Ars, bên Pháp, vào thế kỷ 19.

Cho đến những năm 1970, chủ yếu nhờ vào sự thay đổi nhân khẩu học trong khu vực, giáo xứ Curé d'Ars đã phục vụ khoảng 200 gia đình chủ yếu là người da đen.

Cung thánh đã được làm phép và trang trí lại như một không gian linh thiêng vào ngày 31 tháng 8.

Cha Cao đã cử hành thánh lễ đền tạ để chuộc tội cho những kẻ đã đánh cắp nhà tạm. Ngài và Phó tế McDavid đã đi khắp nhà thờ, làm phép và rảy nước Thánh lên những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ cướp.

“Những đồ vật có thể được thay thế, nhưng Thánh Thể là một món quà quý giá vô cùng, và đó là điều không thể được thay thế,” Cha Cao nói trong bài giảng.

“Cái ác dường như chiến thắng; nhưng chúng ta biết cuối cùng Chúa sẽ thắng, chúng ta thực sự tin như vậy. Bởi vì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ rất nhiều”, Cha Cao nói.

Cuối thánh lễ, một số giáo dân đã xin vị linh mục và vị phó tế chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Tòa nhà hiện tại của nhà thờ được cung hiến vào năm 1978 dưới thời Cha sở Robert Kinkel. Giáo xứ sau đó đã chào đón Charlie Bright với tư cách là phó tế người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong tổng giáo phận Denver.

Cha Cao hiện vẫn còn đang phải để tang mẹ là bà cố Maria Đỗ Thị Đượm qua đời ngày 10 tháng 11 năm ngoái 2020 vì coronavirus. Thánh lễ an táng cho bà cố đã được cử hành tại nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Denver hôm 21 tháng 11, 2020.
Source:Catholic News Agency

4. Đại học Anh đã chấp nhận bổ nhiệm một tuyên úy Công Giáo phò sinh

Đại học Nottingham đã thông báo hôm thứ Bảy rằng họ sẽ công nhận Cha David Palmer là tuyên úy cho trường Đại Học, sau khi từ chối việc bổ nhiệm ngài vì những bình luận về việc hỗ trợ tự tử và phá thai mà ngài đã đăng trên mạng xã hội.

“Sau cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hữu ích với Giáo phận Nottingham trong những tuần gần đây, chúng tôi đã đồng ý rằng Cha David Palmer sẽ được công nhận là tuyên úy Công Giáo,” trường đại học cho biết hôm 25 tháng 9.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Đại học Nottingham, miền trung nước Anh, xác nhận vào ngày 25 tháng 8 rằng họ đã từ chối công nhận chính thức Cha David Palmer là tuyên uý. Cha David là một linh mục của Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.

“Mối quan tâm của chúng tôi không liên quan đến chính các quan điểm của Cha David, nhưng là cách mà những quan điểm này được thể hiện trong bối cảnh cộng đồng đa dạng của chúng tôi gồm những người thuộc nhiều tín ngưỡng”, một phát ngôn viên của trường đại học nói với CNA.

Cha Palmer đang phục vụ tại Giáo phận Nottingham, đã được Đức Cha Patrick McKinney, Giám Mục bản quyền, bổ nhiệm làm tuyên úy cho cộng đồng Công Giáo tại Đại học Nottingham.

Đức Cha cũng yêu cầu ngài làm tuyên úy Công Giáo cho Đại học Nottingham Trent.

Trong khi Đại học Nottingham Trent chấp nhận bổ nhiệm này, Đại học Nottingham đã mời Cha Palmer đến phỏng vấn vào ngày 17 tháng 6.

Sau cuộc phỏng vấn, trường đại học đã viết thư cho Đức Cha McKinney bày tỏ quan ngại về việc bổ nhiệm Cha David.

Tại một cuộc họp sâu hơn vào ngày 1 tháng 7, trường đại học chỉ rõ rằng những lo ngại của họ liên quan đến các bài của Cha Palmer đăng trên mạng xã hội, nhấn mạnh một số vấn đề về trợ tử và một vấn đề khác về phá thai.

Vị linh mục đã viết trên Twitter vào ngày 24 tháng 8 rằng trường đại học cũng phản đối một bài thứ hai trong đó ngài mô tả phá thai là “tàn sát trẻ sơ sinh”, và khẳng định rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không nên được cho rước lễ vì ông ta ủng hộ việc phá thai hợp pháp..

Cha Palmer nói rằng ngài bị từ chối vì niềm tin Công Giáo truyền thống của mình.

Trước diễn biến mới này, Đức Cha Patrick McKinney của Nottingham nhận xét rằng: “Tôi rất vui mừng khi trường đại học đã đồng thuận với việc tôi bổ nhiệm Cha David Palmer làm Tuyên úy Công Giáo, để làm việc cùng với các tuyên úy đại học khác, những người đã hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên và nhân viên.”

Trường đại học đã đưa ra một thủ tục mới để công nhận các tuyên úy, trong đó “cho phép một năm dự bị để cho phép các tuyên úy được đề cử, tổ chức tôn giáo bổ nhiệm và trường đại học cùng khám phá xem vai trò đó có phù hợp với môi trường đa tín ngưỡng tại Nottingham hay không.”

Cha Palmer lưu ý trên Twitter vào ngày 27 tháng 9 rằng “Rất nhiều người đã giúp chúng tôi ở hậu trường” trong việc bảo đảm việc bổ nhiệm tôi, và lời khuyên pháp lý của ADF International và Free Speech Union ‘là vô giá’.”

Free Speech Union, hay Liên minh Tự do Ngôn luận, đã viết thư cho phó hiệu trưởng của trường Đại Học vào hôm 2 tháng 9, nhắc nhở ông rằng “Đạo luật Bình đẳng năm 2010 khiến một tổ chức công cộng phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo hoặc triết học là bất hợp pháp, và thực tế là việc bổ nhiệm Cha David đã bị cản trở theo cách này. Rõ ràng cha ấy nạn nhân của sự phân biệt đối xử bất hợp pháp”.


Source:Catholic News Agency