1. Los Angeles, San Diego bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ Guadalupe với những đám rước, và Thánh lễ sau nhiều năm bị gián đoạn

Hôm Chúa Nhật vừa qua, Tổng Giáo Phận Los Angeles đã tổ chức cuộc rước hàng năm lần thứ 90 và thánh lễ ngoài trời tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe. Cuộc rước kiệu này là truyền thống tôn giáo lâu đời nhất ở Los Angeles, được thành lập bởi những người Công Giáo chạy trốn sự đàn áp của chính phủ Mễ Tây Cơ trong cuộc Chiến tranh Cristero năm 1931.

“Thật vui khi được gặp gỡ anh chị em trong năm nay để kỷ niệm Đức Mẹ Guadalupe,” Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José Gomez cho biết trong một thông cáo.

Sự kiện năm nay là một phần của Năm Thánh của tổng giáo phận, “Tiến lên trong việc Truyền giáo”, kỷ niệm 250 năm đức tin Công Giáo đến với khu vực.

“Chúng tôi tập trung ở đây với mong muốn 'luôn hướng về phía trước và đoàn kết trong sứ mệnh và hy vọng', đó là chủ đề của cuộc rước kiệu của chúng tôi năm nay, và như anh chị em biết, đó là một năm lịch sử,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

Năm học sinh của East Los Angeles từ Trường Trung học Bishop Mora Salesian đã khởi đầu cuộc rước bằng một cuộc chạy tiếp sức dài 6 dặm và rước đuốc Guadalupano từ cứ điểm truyền giáo San Gabriel đến Sân vận động Trường Cao đẳng Đông Los Angeles, nơi Thánh lễ được tổ chức.

Cuộc rước bao gồm các nhạc công, vũ công Aztec và nhiều chiếc kiệu đầy màu sắc tôn vinh Đức Mẹ Guadalupe, Đấng đã là biểu tượng của “hy vọng, lòng trắc ẩn, sự hiệp nhất và tình yêu thương” trong suốt một năm khó khăn, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.

“Hình ảnh của Mẹ là biểu tượng của sự thống nhất, hòa bình, lòng trắc ẩn và hy vọng cho mọi người trên khắp thế giới,” Tổng giáo phận Los Angeles cho biết trong một tuyên bố.

Cuộc rước và Thánh lễ kỷ niệm 490 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra, và đánh dấu đỉnh cao của cuộc hành hương kéo dài nhiều tháng với các hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe và Thánh Juan Diego khắp Los Angeles. Hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe được rước trong cuộc rước kiệu này là bản sao kỹ thuật số chính xác hình ảnh gốc ở Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe của Thành phố Mễ Tây Cơ, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm phép.

“Bất cứ khi nào tôi hiện diện trước hình ảnh của Đức Mẹ Guadalupe, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ được yêu thương,” Đức Tổng Giám Mục José Gomez nói trên Twitter khi chuẩn bị cho sự kiện này. “Khi có sự hiện diện của Đức Mẹ, bạn có thể cảm nhận được sự ấm áp từ đôi mắt dịu dàng của Mẹ đang nhìn xuống bạn. Đó là một cảm giác mạnh mẽ - một cảm giác đẹp đẽ khi được bảo vệ”.

Năm ngoái, một số lượng hạn chế người tham gia chỉ có thể tham gia vào cuộc rước kiệu bằng xe hơi do đại dịch COVID-19.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch trong sự kiện năm nay.

“Đặc biệt là trong ngày hôm nay, chúng ta hãy dâng lên lời cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch,” Do Thái Giáo Gomez nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong lễ kỷ niệm song ngữ. “Chúng ta dành những lời cầu nguyện đặc biệt cho phần rỗi đời đời của những người đã qua đời, cũng như những người bị bệnh và những người giúp đỡ họ.”

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Gomez cũng kêu gọi các tín hữu tiếp tục theo Chúa Giêsu.

Ngài nói: “Chúng ta cần ngày càng gia tăng tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu, sự hiểu biết về những gì Thiên Chúa muốn trong cuộc sống của chúng ta, với ước muốn làm theo thánh ý Ngài”.

Giáo phận San Diego cũng đã cử hành Lễ Đức Mẹ Guadalupe bằng một cuộc rước và Thánh lễ vào hôm Chúa Nhật. Giám Mục Phụ Tá Ramón Bejarano đã tham gia vào cuộc rước và cử hành Thánh lễ song ngữ, được tổ chức trong phòng tập thể dục tại Trường Trung học Thánh Augustinô.

Aida Bustos, Giám đốc Văn phòng Truyền thông của Giáo phận San Diego, cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng khoảng 1,000 tín hữu sẽ tham gia vào cuộc rước của chúng tôi, nhưng gần 2,000 người đã tham dự Thánh lễ, một trong những con số đông nhất trong những năm gần đây”.

Năm ngoái, Thánh lễ San Diego được tổ chức bên ngoài với số lượng người tham dự hạn chế do đại dịch, và không có đám rước nào diễn ra. Theo một báo cáo, năm nay, lễ kỷ niệm ở San Diego có sự tham gia của 32 tổ chức và giáo xứ Công Giáo trong khu vực, cùng với các ban nhạc và vũ công mariachi.

Sau thánh lễ, giáo phận tổ chức lễ tưởng nhớ cựu Giám Mục Phụ Tá Gilbert Chavez, qua đời vào tháng 3 năm 2020. Đức Cha Chavez là người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ thứ hai được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá tại Hoa Kỳ
Source:Catholic News Agency

2. Doanh nhân bị buộc tội tống tiền Vatican sắp bị dẫn độ

Một doanh nhân bị cáo buộc tống tiền các quan chức Vatican trong quá trình mua một tài sản có giá trị ở London sẽ bị đưa về Ý để đối mặt với cáo buộc hình sự, một thẩm phán Anh đã đưa ra phán quyết trên.

Gianluigi Torzi, 42 tuổi, bị nhà chức trách Ý truy nã về tội lừa đảo và rửa tiền. Doanh nhân này bị cáo buộc đã âm mưu lừa đảo Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến việc mua bất động sản ở London vào năm 2018.

Các luật sư của Torzi đã lập luận rằng anh ta có nguy cơ gặp nguy hiểm gấp đôi nếu trở về Ý và có thể phải đối mặt với phiên tòa về những vấn đề tương tự hai lần. Ông khẳng định các nhà chức trách Ý đã bị lừa bởi những người đồng cấp ở Vatican.

Torzi sẽ vẫn được tại ngoại và các luật sư của anh ta cho biết họ sẽ kháng cáo.

Tổng cộng, Vatican đã chi khoảng 350 triệu euro, tức là khoảng 396 triệu Mỹ Kim, để mua lại khu bất động sản sang trọng và thanh toán các khoản phí, theo một phán quyết vào tháng Ba. Chỉ sáu năm trước đó, tòa nhà ở vùng Chelsea này đã được mua với giá 129 triệu bảng Anh, tức là 151 triệu euro. Như thế, những người bán đã kiếm được từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gần 200 triệu euro. Tòa Thánh đang định bán lại toà nhà này, lỗ ít nhất 100 triệu euro.

Phiên tòa xét xử Vatican về vụ mua tòa nhà ở số 60 Sloane st. hiện đang được tạm hoãn, sau khi thẩm phán cho rằng công tố viên đã bỏ qua một số bước thủ tục. Công tố viên hiện đang tiến hành các cuộc điều tra thêm và cuối cùng dự kiến sẽ bắt đầu lại các cáo buộc.

Ban đầu được phát triển như một phòng trưng bày xe hơi cho công ty Harrods, tòa nhà có diện tích hơn 170,000 feet vuông, tức là 16,000 mét vuông gồm các văn phòng và không gian bán lẻ với mặt tiền bằng đất nung tân cổ điển.
Source:Bloomberg

3. Những người cực đoan đã tấn công trường Công Giáo ở Ấn Độ

Một trường học Công Giáo ở Ấn Độ đã bị một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu tấn công vào ngày 6 tháng 12 sau khi một kênh YouTube cáo buộc nhà trường đã rửa tội cho học sinh theo đạo Hindu.

Vụ việc diễn ra tại trường Thánh Giuse ở Ganj Basoda thuộc bang Madhya Pradesh.

Kênh YouTube “Aayudh” đã sử dụng một bức ảnh vào ngày 31 tháng 10 về các trẻ em Công Giáo tại nhà thờ giáo xứ được rước lễ lần đầu từ Đức Cha, và cáo buộc rằng đó là lễ rửa tội tại trường học cách đó gần 1.6 km.

“Những kẻ côn đồ đã la hét chống lại người Công Giáo cũng như Ban Giám Hiệu nhà trường và cáo buộc đã tiến hành lễ rửa tội cho học sinh của trường. “Họ ném đá vào cửa kính cao phía trước và phá vỡ cửa sổ và đốt cháy một chiếc xe hơi,” cha Maria Stephen, Giám đốc văn phòng Quan hệ Công chúng của giáo phận Madhya Pradesh, cho biết như trên.

Vị linh mục nhấn mạnh rằng Giáo phận Sagar đã thông báo cho cảnh sát về vấn đề này, họ đưa ra lời bảo đảm rằng các cơ sở Công Giáo sẽ được bảo vệ.

“Tuy nhiên, họ đã không ngăn chặn cuộc tấn công,” Cha Stephen nói.

Thầy Antony Pynumkal, thuộc Dòng Anh em Truyền giáo Malabar và là hiệu trưởng của trường, nói với tờ Crux rằng cáo buộc cải đạo là “giả mạo và vô căn cứ.”

Thầy cho biết nhà trường đã nhận được một tuyên bố vào ngày 30 tháng 11 từ các nhóm Hindu địa phương cáo buộc cải đạo học sinh. Ban Giám Hiệu đã lập tức liên lạc với cảnh sát.

Thầy Pynumkal cho biết đám đông gây ra thiệt hại hơn 20,000 Mỹ Kim.

“Trường của chúng tôi có 1500 học sinh, trong đó chỉ có 4 học sinh Công Giáo, khoảng 20 học sinh theo đạo Hồi, và số còn lại thuộc cộng đồng Hindu đa số”.

Đức Tổng Giám Mục Felix Machado, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, cho biết ngài rất đau buồn vì vụ tấn công.

“Nó làm trái tim tôi đau đớn. Tôi thậm chí không muốn nhắc đến họ thuộc tôn giáo nào. Nhưng băn khoăn rằng họ có phải là con người không? Với tư cách là những công dân Ấn Độ, chúng ta đang sống ở đâu trong thế kỷ 21?”

“Như tôi đã được tường trình, một đám đông 300 người có trang bị đá và thanh sắt đã xông vào khuôn viên trường học khi các kỳ thi đang diễn ra, khi các học sinh lớp 12 đang thi Toán,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Các học sinh và nhân viên nhà trường có mặt trong vụ việc đã chạy thoát trong gang tấc, bất kỳ ai cũng có thể bị thương trong vụ bạo lực kinh hoàng này. Có luật pháp và trật tự ở đất nước thân yêu này của tôi không? Tôi không tranh luận về tôn giáo ở đây; mỗi cuộc sống đều quý giá”.

Madhya Pradesh có hơn 90% là người theo đạo Hindu, và người Công Giáo chỉ chiếm 0.3% dân số, so với 2.3% trên toàn quốc. Tiểu bang gần đây đã thông qua Dự luật gọi là Tự do Tôn giáo, nhưng thực chất đó là luật “chống cải đạo” nhằm ngăn cản những người theo đạo Hindu gia nhập các tôn giáo khác.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu thường cáo buộc những người Công Giáo sử dụng vũ lực và các chiến thuật lén lút để cải đạo, họ thường xông vào các ngôi làng và tiến hành các nghi lễ “cải đạo lại” trong đó những tín hữu Kitô buộc phải thực hiện các nghi lễ của Ấn Giáo.

Những áp lực này đối với các Kitô Hữu, cũng đè nặng lên những người Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác, là một phần trong những gì mà các nhà quan sát mô tả là một chương trình rộng rãi nhằm “Ấn Giáo hóa” Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi. Đó là một nỗ lực nhằm áp đặt các giá trị và bản sắc của Ấn Giáo trong khi loại bỏ các niềm tin đối thủ.

Modi là thành viên của Đảng Bharatiya Janata (BJP), là đảng đã cai trị Ấn Độ từ năm 2014. BJP được liên kết với Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Hindu.

Madhya Pradesh - cũng do BJP cai trị - là một trong số các bang ở Ấn Độ ban hành luật chống cải đạo, bất chấp quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong hiến pháp của Ấn Độ.

Theo các quy định của luật mới, việc chuyển đổi tôn giáo có thể dẫn đến án tù từ một năm đến năm năm và tiền phạt tối thiểu khoảng 350 đô la. Nếu người cải đạo là trẻ vị thành niên, thì thời hạn tù và tiền phạt có thể tăng gấp đôi.
Source:Crux

4. Đức Thượng phụ Pizzaballa ca ngợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Síp

Đức Thượng phụ Pizzaballa, chủ chăn của các tín hữu Công Giáo Latinh ở đảo Cipro, nhận định rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày 02 đến 04 tháng Mười Hai vừa qua tại đảo này mang lại an ủi và khích lệ cho toàn thể cộng đoàn Công Giáo tại địa phương.

Đức Pizzaballa cũng là chủ chăn của các tín hữu Công Giáo Latinh ở Thánh địa và Vương quốc Giordani. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican ngài nói: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Síp thực là một dấu hiệu khích lệ rất tích cực. Những lời của Đức Thánh Cha chống lại những bức tường và chia cách ở Síp cũng rất can đảm”.

Trong huấn từ tại buổi cầu nguyện đại kết với những người di dân tại thủ đô Nicosia của Síp, ngài tố giác những hàng rào kẽm gai và các trại tị nạn. Đức Thượng phụ nói: “Đây là những vết thương còn mở toang và sẽ còn tiếp tục như thế, và rất tiếc chúng ta không có ảo tưởng gì về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ thật là điều can đảm khi Đức Giáo Hoàng nói lên điều đó. Sự kiện là những hàng rào kẽm gai ấy là một sự lăng mạ đối với nhân loại và thường người ta không nói như vậy. Mỗi chia cắt hoặc mỗi hàng rào là một dấu hiệu sợ hãi, thiếu viễn tượng, thiếu hy vọng và thiếu cái nhìn về tương lai”.
Source:National Catholic Register