KHÔNG CỦA RIÊNG AI
“Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc!”


Một chuyện cổ Do Thái kể rằng, sau khi vượt qua Biển Đỏ, thấy xác người Ai Cập trôi dạt vào bờ, Môisen và toàn dân Israel hí hửng hát ca múa nhảy vì say men chiến thắng. Chính lúc ấy, Thiên Chúa hiện ra với Môisen mà bảo, “Thôi đủ rồi, đủ rồi! Không khéo ngươi làm cho thiên hạ tưởng rằng, Ta chỉ là Chúa của Israel dân ngươi và hoàn toàn phù trợ các ngươi bằng cách tiêu diệt mọi kẻ khác. Người Ai Cập chẳng phải là con cái Ta sao? Ta đã chẳng dựng nên họ sao? Hãy biết, Ta là Đấng không của riêng ai!”

Kính thưa Anh Chị em,

“Không của riêng ai!”, không chỉ nói về Thiên Chúa, nhưng còn nói đến tất cả ‘những ai’ và tất cả ‘những gì’ thuộc về Ngài. Đó là một trong những chủ đề của Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.

Qua bài đọc thứ nhất, Giêrêmia nói đến ơn gọi của mình, “Có lời Chúa phán cùng tôi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Làm tiên tri cho các dân tộc nghĩa là làm người nói lời Thiên Chúa cho nhiều nước, nhiều dân; cho cả chư quốc trần ai, chứ không chỉ riêng cho dân tộc của ông. Nói cách khác tiên tri là người ‘không của riêng ai’. Và số phận của Giêrêmia cũng như số phận các tiên tri mọi thời là bị chống đối bởi dân mình. Thế nhưng, Thiên Chúa đã trấn an họ như đã trấn an Giêrêmia, “Chúng sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng chúng không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”. Vì thế, bất chấp mọi khó khăn, các tiên tri vẫn sẽ “loan truyền sự Chúa công minh” và sống chứng tá yêu thương của mình, “tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả” một cách ngoan cường như lời Thánh Vịnh đáp ca và thư Côrintô hôm nay khẳng định.

Điều đã xảy ra với Giêrêmia, với các ngôn sứ cũng đã xảy ra với Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Ngài trở lại quê nhà mà buồn vui lẫn lộn. Thoạt đầu, người ta ngưỡng mộ Ngài; nhưng chẳng lâu sau, họ đố kỵ, “Người này không phải là con ông Giuse sao?”, đến nỗi Ngài buột miệng thốt lên, “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Hầu hết các bản dịch đều dịch động từ “dektos” theo nghĩa bị động: được tiếp nhận, được ưu ái; vậy mà, theo cha Guillemette, nó có thể hiểu theo nghĩa chủ động: ưu đãi, thương đoái… vốn đã được Thánh Kinh sử dụng nhiều lần. Và như thế, câu nói của Chúa Giêsu sẽ là, “Không một ngôn sứ nào ưu đãi quê hương mình”; từ đó, chúng ta hiểu được ý Luca, một Tin Mừng dành cho dân ngoại. Như Êlia và Êlisa đã không ưu đãi Israel; cũng thế, Chúa Giêsu không ưu đãi người đồng hương của Ngài. Ngài không muốn giới hạn sứ mệnh của Ngài trong làng mạc hay trong đất nước Ngài; có lần Ngài đã nói, “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa”. Ở đây, thái độ của Chúa Giêsu thật dứt khoát, không ai độc quyền chiếm hữu Ngài, Ngài được sai đến ‘không của riêng ai!’ Vì thế, từ thái độ tán thành và thán phục, đồng hương của Ngài những muốn loại trừ Ngài bằng cách xô Ngài xuống vực thẳm.

Anh Chị em,

“Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc!”. Giêrêmia ý thức mình được chọn để nói lời Thiên Chúa cho các dân tộc. Ông không được chọn chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của dân mình; vì thế, ông bị dân mình hằm hè giết chết; cũng vậy với Chúa Giêsu, Ngài ý thức Ngài được sai đến là để loan báo Tin Mừng và cứu chữa cả nhân loại; vì thế, đồng hương của Ngài sẽ giết chết Ngài. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được gọi, được chọn không phải chỉ để sống cho bản thân và gia đình mình… nhưng để nên mọi sự cho mọi người, trở thành người nói lời của Thiên Chúa, nhất là trong thời đại internet này. Mỗi chúng ta, rõ ràng, cũng ‘không của riêng ai!’

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết luôn cảm tạ mà không đòi hỏi một điều gì. Cho con biết ngày càng nên giống Chúa hơn, trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người, mà ‘không của riêng ai!” Amen.

(Tgp. Huế)