Theo ký giả Jonah McKeown của hãng tin CNA, vào ngày có chuyến thăm Đài Loan gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng trên Twitter một bức tranh biếm họa chính trị bị nhiều người chỉ trích vì thông điệp chống Công Giáo rõ ràng.



Hình ảnh được tạo ra bởi một nghệ sĩ và nhà tuyên truyền người Trung Quốc tên là Wuheqilin, cho thấy một người phụ nữ gầy gò, đội mũ trùm đầu và giống như phù thủy – đầu có hào quang các ngôi sao, gợi nhớ đến Đức Mẹ Đồng trinh - nhảy qua cửa sổ nhà trẻ, cố gắng giật một đứa trẻ khỏi nôi của em. Một người đàn ông lực lưỡng cầm một cái búa, một biểu tượng rõ ràng của chủ nghĩa cộng sản, đang trông chừng.

Khuôn mặt của người phụ nữ là khuôn mặt của Pelosi, chú thích của bức biếm họa cũng nói rõ bằng hai hashtags: #Taiwan và #Pelosivisit. Tuy nhiên, dòng tweet cũng bao gồm tiêu đề của bức tranh bằng tiếng Trung Quốc, mang ý nghĩa thứ hai: "Mary, Kẻ trộm Trẻ con."

Pelosi là một trong những người Công Giáo nổi tiếng nhất trong chính trường Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm hôm thứ Ba của bà tới đảo Đài Loan - nơi mà Hoa Kỳ không chính thức công nhận là độc lập với Trung Quốc -, như tờ Washington Post đưa tin, là chuyến thăm cấp cao nhất của một viên chức Hoa Kỳ tới hòn đảo tự quản trong nhiều thập niên.

Chú thích trên đầu bức tranh được viết bằng tiếng Anh: "Không ai thích chiến tranh, nhưng không người cha nào cho phép ai đó đánh cắp con mình". Trên tường có bản đồ Trung Quốc cũng như hình ảnh một con ếch trên đầu em bé.

Trong một bài nhận định viết cho UCA News, nhà thần học và nhân chủng học văn hóa Michel Chambon nhận định rằng đã có tiền lệ về hình ảnh một con ếch được sử dụng ở Trung Quốc như một lời gièm pha để chỉ người dân Đài Loan. Ông cũng cho biết hoạt hình mô tả Pelosi là "một phù thủy muốn cướp Đài Loan khỏi quê cha đất tổ."

Benedict Rogers, một nhà đấu tranh nhân quyền người Anh nghiên cứu về Trung Quốc, gọi bức tranh này là “cực kỳ thô thiển, phạm thánh và xúc phạm sâu xa đến người Công Giáo và nhiều Kitô hữu thuộc các truyền thống khác khắp thế giới”.

Rogers nói trong các bình luận viết cho CNA: “Đây là một thí dụ cho thấy chế độ côn đồ, đồi trụy, ghê tởm và vô nhân đạo nhất của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời báo hiệu sự sẵn lòng muốn tấn công Nancy Pelosi vì đức tin Công Giáo của bà cũng như nền chính trị của tình hình”.

“Điều này báo hiệu điều mà những người theo dõi Trung Quốc chúng ta đã biết từ lâu - chế độ thù địch tuyệt đối của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tôn giáo. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng của việc đàn áp các Kitô hữu, bao gồm cả Công Giáo, và một cuộc đàn áp nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo nói chung ”.

Tác giả bài viết cho UCA News nhận định rằng Tòa thánh là một trong những thực thể duy nhất có “ý nghĩa hoàn cầu” vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, trong khi Đài Loan tuyên bố độc lập.

Chambon viết: “Đối với những nhà tuyên truyền Trung Quốc mắc hội chứng bách hại, việc kết hợp chính sách của Hoa Kỳ với Công Giáo hoàn cầu là một bước dễ dãi".

Newsweek đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Lu Shaye, đã nói tới chuyến viếng thăm của Pelosi như một "hành động khiêu khích không cần thiết" và cho biết trong tuần này rằng một khi Trung Quốc đạt được mục tiêu từng được họ tuyên bố là thiết lập quyền kiểm soát đối với Đài Loan, thì sau đó sẽ là một quá trình "cải tạo" người dân trên đảo. Điều này dường như ám chỉ một quá trình tương tự như những gì đang diễn ra hiện nay ở Tân Cương, theo đó hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong những năm gần đây đã bị dồn vào các trại “cải tạo” và bị buộc phải hòa nhập vào văn hóa Trung Quốc.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn trong tuần này, bao gồm việc phóng tên lửa lớn ra vùng biển xung quanh Đài Loan nhân chuyến viếng thăm.

Chambon, người phụ trách chuyên mục của UCA News, nhận định rằng bức tranh được tweet “không chỉ gây khó chịu mà còn báo hiệu việc ngầm quay trở lại với ý thức hệ cộng sản thuở đầu có thể gây hại cho nhiều người”. Ông giải thích rằng một lớp ý nghĩa khác của bức ảnh có thể gợi nhớ lại một “huyền thoại” được chính phủ tuyên truyền vào những năm 1950 rằng “các trại trẻ mồ côi Công Giáo là nhà máy để ăn cướp và giết trẻ sơ sinh Trung Quốc”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền vô thần chính thức, và các tín hữu tôn giáo thuộc mọi tuyên tín đã phải đối diện với sự đàn áp ở Trung Quốc trong nhiều năm. Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc bị chia rẽ giữa Giáo Hội Công Giáo “hầm trú”, bị đàn áp và trung thành với Đức Giáo Hoàng, và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, bị chính phủ kiểm soát.

Năm 2018, Vatican đã đạt được một thỏa thuận tạm thời chưa được công bố với chính phủ Trung Quốc nhằm mang lại sự thống nhất của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc được nhà nước công nhận và Giáo hội hầm trú hiệp thông với Rome. Thay vào đó, cuộc đàn áp đối với Giáo hội hầm trú vẫn tiếp tục và theo một số người, ngày càng gia tăng. Đức Hồng Y Joseph Zen của Hồng Kông, 90 tuổi, một nhà phê bình lớn tiếng đối với thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc, sẽ phải đối diện với phiên tòa vào tháng 9 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác.

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng có điều Bộ Ngoại giao gọi là “một mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ”, bao gồm các mối quan hệ thương mại sâu xa không chính thức. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã hoạt động theo “chính sách một Trung Quốc” để tránh làm cho chính phủ Trung Quốc tức giận. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã nói rằng chuyến thăm không phải là dấu hiệu cho thấy chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan đã thay đổi.

Rogers, người chỉ trích gay gắt về thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, cho rằng sự thù địch rõ ràng của chính phủ Trung Quốc đối với Công Giáo - đã được biết đến từ lâu nhưng được hiển thị đầy đủ trong hoạt hình - cung cấp “một lý do khác khiến Vatican nên suy nghĩ lại mối quan hệ của họ với Bắc Kinh.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài hy vọng thỏa thuận giữa Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo sẽ được gia hạn trong thời gian hai năm lần thứ hai vào tháng 10.

Rogers nói với CNA “Khi thời hạn gia hạn thỏa thuận với Bắc Kinh đến gần, Vatican nên xem xét việc đình chỉ thỏa thuận vì tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, phá bỏ các quyền tự do của Hồng Kông, vụ bắt giữ Đức Hồng Y Hồng Kông 90 tuổi Joseph Zen, sự đàn áp nghiêm trọng đối với các Kitô hữu ở Trung Quốc và bây giờ đây là sự xúc phạm trắng trợn đối với những người Công Giáo trên toàn thế giới”.