Hãng tin Catholic World News, ngày 10 tháng 10 năm 2023, đăng tải bản tin với nội dung như sau về ngày 9 tháng 10 tại Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị:
Vào ngày 9 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục Thường lệ lần thứ 16 đã hướng sự chú ý của họ đến một chủ đề thảo luận mới: “Làm thế nào chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa nhân loại?”
Giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội đồng (4-7 tháng 10) được dành để thảo luận về đơn vị thảo luận đầu tiên của Thượng hội đồng (Đối với một Giáo hội đồng nghị: Một kinh nghiệm toàn diện). Đơn vị thảo luận thứ hai của Thượng Hội đồng (“Hiệp thông, tham gia, sứ mệnh: Ba vấn đề ưu tiên của Giáo hội Thượng Hội đồng”) được chia thành ba chủ đề:
• B1. Một sự hiệp thông tỏa sáng: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ trọn vẹn hơn của sự kết hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?
• B2. Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các hồng ân và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?
• B3. Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền: Những tiến trình, cơ cấu và tổ chức nào trong một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị
Thượng phụ Maronite giảng về ‘thu hoạch’ và ‘người lao động’ của Thượng Hội đồng
Vào buổi sáng, những người tham gia tập trung tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để cử hành Phụng vụ Thánh theo nghi thức Byzantine. Đức Thượng Phụ Youssef Absi, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Melkite, chủ trì phụng vụ, và Đức Hồng Y Be-chara Boutros al-Rahi, Thượng Phụ của Giáo hội Maronite, đã thuyết giảng.
Suy gẫm lời Chúa dạy “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, Đức Thượng phụ Maronite nói rằng:
"Mùa gặt thách thức chúng ta với tư cách là một phiên họp thượng hội đồng được nhận diện như sau. Thí dụ, xây dựng một nền hòa bình công bằng nơi có chiến tranh đẫm máu trên hành tinh của chúng ta; chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta trước tình trạng biến đổi khí hậu; chống lại một hệ thống kinh tế gây ra sự bóc lột, bất bình đẳng và lãng phí; hỗ trợ những người bị bách hại thậm chí đến mức tử đạo; chữa lành các vết thương do lạm dụng: tình dục, kinh tế, thể chế, quyền lực, lương tâm; đề cao phẩm giá chung của con người, bắt nguồn từ phép rửa làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa; đào sâu các mối quan hệ huynh đệ với các Giáo hội và các cộng đồng giáo hội khác; thực hành nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại với tín đồ của các tôn giáo khác; bác ái ưu tiên cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ đầy đủ cho những người ly hôn tái hôn; những người trong cuộc hôn nhân đa thê; đặt người trẻ vào trung tâm của các chiến lược mục vụ; đánh giá cao sự đóng góp của người cao tuổi vào đời sống cộng đồng Kitô giáo và xã hội: quả thật mùa gặt rất lớn!
“Chúng ta đọc trong Tài liệu làm việc rằng trong một phiên họp thượng hội đồng, Chúa Kitô hiện diện và hành động, biến đổi lịch sử và các sự kiện hàng ngày, ban Thánh Thần để hướng dẫn Giáo hội tìm ra sự đồng thuận về cách cùng nhau bước đi hướng tới Vương quốc và cách thức để giúp nhân loại tiến lên theo hướng hiệp nhất”, Đức Hồng Y Thượng Phụ al-Rahi nói tiếp. “Những người thợ gặt là các giám mục, linh mục, phó tế, nam nữ thánh hiến, giáo dân đã được rửa tội: mọi người cần được đào tạo theo cách thức tiến hành đồng nghị”.
Đức Hồng Y Hollerich giới thiệu chủ đề thứ hai của Thượng Hội đồng
Sau khi những người tham gia tập trung tại Phòng Yết kiến Phaolô VI, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã giới thiệu đơn vị thảo luận B1 (“Một sự hiệp thông lan tỏa: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại?”).
Đức Hồng Y Hollerich giải thích rằng thành phần của 35 nhóm làm việc của Thượng Hội đồng đã thay đổi để thảo luận về đơn vị thảo luận thứ hai. “Bạn nhận ra điều này ngay khi ngồi xuống bàn của mình,” ngài nhận xét. “Lần này, các nhóm được thành lập dựa trên các sở thích về cả ngôn ngữ lẫn chủ đề.”
Ngài cũng giải thích rằng các nhóm làm việc khác nhau sẽ xem xét các câu hỏi khác nhau.
Ngài nói: “Không giống như đơn vị thảo luận đầu tiên, các nhóm không đi theo cùng một lộ trình, mà mỗi nhóm chỉ giải quyết một trong năm Bảng Câu Hỏi mà Tài liệu làm việc đặt ra trong Phần B1”. Năm bảng tính được dành cho các chủ đề sau:
• B 1.1 Làm thế nào việc phục vụ bác ái và dấn thân cho công lý cũng như chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta nuôi dưỡng sự hiệp thông trong một Giáo hội đồng nghị?
• B 1.2 Làm thế nào một Giáo hội đồng nghị có thể khiến lời hứa rằng “tình yêu và sự thật sẽ gặp nhau” (Tv 85:11) trở nên đáng tin cậy?
• B 1.3 Làm thế nào mối quan hệ trao đổi ân phúc năng động giữa các Giáo hội có thể phát triển?
• B 1.4 Làm thế nào một Giáo hội đồng nghị có thể hoàn thành sứ mệnh của mình thông qua một cam kết đại kết được đổi mới?
• B 1.5 Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra và thu thập được sự phong phú của các nền văn hóa và phát triển đối thoại giữa các tôn giáo dưới ánh sáng của Tin Mừng?
“Chúng ta là những người đầu tiên hiệp thông với Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” Đức Hồng Y Hollerich nói. “Chúa Ba Ngôi là nền tảng của mọi sự hiệp thông. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo dựng nên nhân loại, mỗi con người; và Thiên Chúa này, Đấng là tình yêu, yêu thương toàn thể tạo vật, mọi tạo vật và mọi con người một cách đặc biệt.”
Ngài tiếp tục: “Tình yêu của Thiên Chúa lớn lao đến nỗi quyền năng cứu độ của Người chính là cách mà tình yêu của Người tữ biểu lộ. Là Giáo hội, là dân Chúa, chúng ta đang ở trong tính năng động cứu rỗi này. Và bên trong tính năng động này là nền tảng của sự hiệp nhất giữa nhân loại. Lịch sử bản thân của mỗi người và sự đa dạng của kinh nghiệm nhân loại của chúng ta, được thu thập theo cách thức đồng nghị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn các câu hỏi mà Phần B1 của Tài liệu làm việc nêu ra và cố gắng tìm ra câu trả lời”.
Sau khi chia sẻ giai thoại về một gia đình nhập cư châu Phi không cảm thấy được chào đón trong cộng đồng giáo xứ châu Âu, Đức Hồng Y Hollerich nhấn mạnh rằng “tất cả đều được mời trở thành thành viên của Giáo hội”.
Tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những chữ “todos…todos” [mọi người, mọi người]. Và trong bài giảng của ngài tại Thánh lễ khai mạc Phiên họp của chúng ta: “tutti… tutti” [mọi người, mọi người]. Trong sự hiệp thông sâu sắc với Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã mở rộng sự hiệp thông này đến với tất cả mọi tội nhân. Chúng ta có sẵn sàng làm điều tương tự không? Chúng ta có sẵn sàng làm điều này với những nhóm có thể khiến chúng ta khó chịu vì cách sống của họ dường như đe dọa danh tính của chúng ta không? Todos... tutti... Nếu chúng ta hành động giống như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới. Không làm được như vậy sẽ khiến chúng ta trông giống như một câu lạc bộ có bản sắc riêng.
Điều này có ý nghĩa gì đối với chủ nghĩa đại kết? Làm thế nào chúng ta có thể sống đức tin Công Giáo của mình theo cách mà sự hiệp thông sâu sắc mà chúng ta cảm nhận được trong buổi cầu nguyện trước khi tĩnh tâm không phải là một ngoại lệ đẹp đẽ, mà trở thành thực tại bình thường? Làm thế nào chúng ta có thể sống đức tin sâu sắc trong nền văn hóa của mình mà không loại bỏ những người thuộc các nền văn hóa khác? Làm thế nào chúng ta có thể cùng với những người nam nữ thuộc các truyền thống đức tin khác dấn thân cho công lý, hòa bình và sinh thái toàn diện?
Khi mỗi nhóm làm việc xem xét một trong năm câu hỏi trong Bảng Câu Hỏi, Đức Hồng Y Hollerich khuyên những người tham gia nên đặt ưu tiên vào kinh nghiệm.
Ngài nói: “Chúng ta cần suy nghĩ, chúng ta cần suy gẫm, nhưng sự suy gẫm của chúng ta không nên mang hình thức một chuyên luận thần học hay xã hội học. Chúng ta cần bắt đầu từ những kinh nghiệm cụ thể, kinh nghiệm bản thân của chúng ta và trên hết là kinh nghiệm tập thể của dân Chúa đã lên tiếng qua giai đoạn lắng nghe.”
Suy ngẫm: Cha Timothy Radcliffe và giáo sư Anna Rowlands
Sau đó, những người tham gia Thượng Hội đồng đã nghe “nhập lượng thiêng liêng” từ Cha Timothy Radcliffe, OP, “nhập lượng thần học” từ giáo sư Anna Rowlands, và bốn chứng từ.
Trong suy tư thiêng liêng của mình, Cha Radcliffe, cựu bề trên Dòng Đa Minh (1992-2001), đã nói về cuộc gặp gỡ của Chúa Kitô với người phụ nữ Samaria.
“Làm thế nào để chúng ta trở thành những người đầy nhiệt huyết—đam mê phúc âm, tràn đầy tình yêu thương lẫn nhau—mà không có tai họa?” Cha Radcliffe hỏi. “Đây là câu hỏi căn bản cho việc đào tạo của chúng ta, đặc biệt là đối với các chủng sinh của chúng ta. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho người phụ nữ vô danh này đã giải phóng cô. Cô trở thành nhà truyền giáo đầu tiên nhưng chúng ta không bao giờ nghe nói đến cô ấy nữa”.
“Một Giáo hội đồng nghị sẽ là một Giáo hội trong đó chúng ta được đào tạo cho một tình yêu không chiếm hữu: một tình yêu không chạy trốn người khác cũng như không chiếm hữu họ; một tình yêu không lạm dụng cũng không lạnh lùng,” ngài nói tiếp và nói thêm:
Rất nhiều người cảm thấy bị loại trừ hoặc bị gạt ra ngoài lề trong Giáo hội của chúng ta bởi vì chúng ta đã gán cho họ những nhãn hiệu trừu tượng: ly dị và tái hôn, người đồng tính, người đa thê, người tị nạn, người châu Phi, tu sĩ Dòng Tên! Một ngày nọ, một người bạn đã nói với tôi: ‘Tôi ghét nhãn mác. Tôi ghét mọi người bị nhốt trong hộp. Tôi không thể tuân theo những người bảo thủ này.’ Nhưng nếu bạn thực sự gặp ai đó, bạn có thể trở nên tức giận, nhưng sự căm ghét không thể được duy trì trong một cuộc gặp gỡ thực sự có tính bản thân. Nếu bạn nhìn thoáng qua nhân tính của họ, bạn sẽ thấy người tạo ra họ và duy trì họ tồn tại với tên là TA HIỆN HỮU .
Nền tảng của cuộc gặp gỡ yêu thương nhưng không chiếm hữu của chúng ta chắc chắn là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa, mỗi người tại giếng nước riêng của mình, với những thất bại, yếu đuối và ước muốn của chúng ta. Người biết chúng ta như thế nào và cho chúng ta tự do gặp gỡ nhau bằng một tình yêu giải phóng chứ không kiểm soát. Trong sự thinh lặng cầu nguyện, chúng ta được giải thoát.
Trong suy tư thần học của mình, Giáo sư Anna Rowlands của Đại học Durham (Anh) đã nói về sự hiệp thông, “thực tại về sự sống của chính Thiên Chúa, sự hiện hữu của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa này, đó là điều có thực nhất: nền tảng của thực tại và nguồn gốc sự hữu thể của Giáo hội”.
Bà nói tiếp: “Việc tham gia vào đời sống hiệp thông là vinh dự và phẩm giá của cuộc đời chúng ta. Hiệp thông là cách chúng ta hiểu mục đích cuối cùng của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại: thu hút tạo vật mà Người yêu quý trở nên hoàn thiện hơn bao giờ hết vào cuộc sống của chính Người, trong vòng tay ôm ấp, và qua việc làm đó, để sai chúng ta đi canh tân bộ mặt trái đất.”
Bà nói thêm, sự hiệp thông “là vẻ đẹp của sự đa dạng trong sự hiệp nhất, hiện hữu trong những thực tại cụ thể, hữu hình” và “là sự tham gia gắn kết chúng ta với những người khác xuyên thời gian và không gian.”
Các chứng từ
Sônia Gomes de Oliveira (chủ tịch Hội đồng Giáo dân Toàn Quốc Batây), Tổng Giám Mục Chính thống giáo Job của Pisidia (Đại diện thường trực của Tòa Thượng phụ Đại kết tại Hội đồng Giáo hội Thế giới), Cha Clarence Davedassan (Malaysia), và bà Siu Wai Vanessa Cheng (một giáo dân Công Giáo đến từ Hồng Kông) sau đó đưa ra các chứng từ.
Tổng Giám Mục Job đã vẽ ra một sự tương phản rõ rệt giữa việc thực hành đồng nghị ở phương Đông và Thượng hội đồng mà ngài đang chứng kiến ở Rome (xem bản tin hôm qua trên Vietcatholic: https://vietcatholic.net/News/Html/285315.htm.)
Cha Davedassan nói về kinh nghiệm của Giáo hội tại Châu Á trong bối cảnh có sự đa dạng tôn giáo và sự bất khoan dung ngày càng gia tăng.
Ngài nói: “Trong khi các nỗ lực xây dựng cầu nối và hòa giải đang diễn ra, chúng ta cũng phải đối mặt với tình trạng bất khoan dung về tôn giáo và xã hội ngày càng gia tăng, dẫn đến đàn áp, điều kiện sống của người dân ngày càng tồi tệ và thậm chí là các mối đe dọa đối với mạng sống con người. Giữa những cơ hội và thách thức, những giáo hội bị bách hại này vẫn trung thành với Thiên Chúa theo những cách thức mới mẻ và sáng tạo. Mặc dù sống trong điều kiện thiểu số và đôi khi khắc nghiệt, các giáo hội ở Châu Á nhìn thấy hy vọng cho tương lai và cố gắng trở thành những biểu thức đích thực của sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mệnh – đối với một giáo hội đồng nghị”.
Trong lời chứng ngắn gọn của mình, bà Cheng đã suy gẫm về tính đồng nghị và văn hóa châu Á. Bà giải thích:
Đối với người châu Á, nguyên tắc căn bản quan trọng nhất ủng hộ việc “lắng nghe” là TÔN TRỌNG, vì vậy cần có thái độ tôn trọng khi chúng ta lắng nghe và đối thoại, biện phân và quyết định. Nói như vậy, chúng ta cũng phải lưu ý rằng nhiều nền văn hóa châu Á không ủng hộ sự thẳng thắn vì nhiều lý do, chẳng hạn như sợ mắc sai lầm và mất “thể diện”, không được xã hội chấp nhận, bị coi là có vấn đề, thiếu tôn trọng và thách thức trước mọi loại quyền lực, v.v. Kết quả là, nhiều tín hữu có thể có xu hướng giữ im lặng thay vì bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình. Vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến những người im lặng vì một lý do nào đó.