TRUYỀN THỐNG VÀ LINH ĐẠO CÁT-MINH

 Hương Vĩnh

VII.- MỘT TRUYỀN THỐNG - NHIỀU KHUÔN MẶT

(tiếp theo)

  

5.- THÁNH TÊRÊXA LISIEUX (1873-1897)

NHIỆT TÌNH TUỔI TRẺ


“Yêu thương là cho đi tất cả và cho chính bản thân”

 

Vị Thánh trẻ vĩ đại và bất hạnh

 

Chỉ cần 24 năm sống trên trần gian để thiếu nữ Têrêxa Martin trở thành “vị thánh vĩ đại nhất của thời hiện đại” (lời Thánh Giáo Hoàng Piô X) và quan thầy các xứ truyền giáo trên hoàn vũ.

 

Dù vậy, chị đã đi vào cuộc sống với một chuỗi dài bất hạnh: sau vài năm ấu thơ hạnh phúc ở AlenÇon, nơi chị chào đời ngày 02-01-1873 (con út trong gia đình 9 người con mà 4 người đã qua đời lúc còn bé). Mẹ chị qua đời vì chứng ung thư vú, lúc chị lên 4 tuổi rưỡi. Cái chết của mẹ đã để lại một vết thương sâu đậm trong tâm hồn chị.

 

Cha và năm chị em Têrêxa dời về Lisieux trong ngôi nhà “Les Buisonnets” xinh xắn. Hai chị lớn nối tiếp nhau vào Đan Viện Cát-Minh Lisieux, gây buồn khổ thêm cho chị. Vì gặp khó khăn trong việc học, Têrêxa ngã bệnh trầm trọng. Nhờ cầu xin Đức Mẹ Maria, chị được khỏi bệnh ngày 13-05-1883, lúc vừa tròn 10 tuổi. “Đức Trinh Nữ mỉm cười” trở thành Mẹ của chị.

 

Têrêxa cũng nghĩ đến chuyện dâng hiến cuộc đời cho Chúa Giê-su. Lần rước lễ đầu tiên của chị (08-05-1884) là cả một sự “chan hòa trong tình yêu”. Đêm Giáng Sinh năm 1886 sẽ là đêm biến đổi tâm hồn chị, khiến chị hoàn toàn hoán cải. Chị nhận được sức mạnh của Chúa Kitô và được chữa lành những yếu đuối tâm thần, không còn quá nhút nhát, quá nhậy cảm hoặc dễ bối rối lương tâm.

 

Cuộc đời dâng hiến

 

Từ đó, chị bắt đầu cuộc tranh đấu để được vào Đan Viện Cát-Minh. Chị đã vượt qua mọi trở ngại: cha chị, cậu chị, linh mục tuyên úy Đan Viện, Đức Giám Mục, và cả đến không ngần ngại van xin Đức Giáo Hoàng Lêô XIII nhân một cuộc hành hương ở Ý. Không còn gì có thể ngăn chận được bước chân chị để chứng tỏ tình chị yêu mến Chúa Kitô, Đấng mời gọi chị dâng hiến đời mình để cứu trần gian.

 

Chị đã đem hết nhiệt tình cầu nguyện cho Pranzini, một tên sát nhân đáng sợ: Bất ngờ, dưới chân máy chém, hắn đã xin được hôn cây thánh giá. Cuối cùng, ngày 09-04-1888, Têrêxa đã được nhận vào Đan Viện Cát-Minh, vừa mới 15 tuổi 3 tháng.

 

Trong tu viện, chị gặp “nhiều gai hơn hoa hồng”, nhưng chị dâng tất cả, kể cả người cha bị bệnh mất trí và bị nhốt trong một bệnh viện tâm thần ở Caen, để “cứu các linh hồn và để giúp các linh mục”. Chị tuyên khấn vào ngày 08-09-1890. Giữa cuộc sống hàng ngày có vẻ âm thầm tăm tối trong đan viện, chị cầu nguyện và làm việc.

 

Nữ tu Têrêxa không bằng lòng với một thứ đời tu tầm thường. Chị không sao hiểu nổi có những nữ đan sĩ Cát-Minh lại sợ Thiên Chúa. Khi cha linh hướng của chị sang Canada, chị cảm thấy lẻ loi trên con đường kiếm tìm sự thánh thiện. Cho đến một ngày, cuối năm 1894, đang khi cầu nguyện, chị thấy bừng sáng lên với hai câu trong Cựu Ước:

 

“Vì Đức Chúa phán như sau:

Nầy Ta tuôn đổ xuống Thánh Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,

Và Ta khiến cửa cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.

Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,

được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.

Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy;

tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.”

(Is 66, 12-13)

 

Dù luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé, quá yếu đuối, quá bất lực, chị vẫn có thể nên thánh: “chiếc thang máy” sẽ đưa chị lên cao dường ấy, chính là đôi tay của Chúa Giêsu! Chị phải hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa, buông mình cho Chúa, giữ mình luôn nhỏ bé và “càng ngày càng thêm nhỏ bé hơn”.

 

Cầu nguyện và phó thác

 

Ơn linh hứng ấy của Chúa Thánh Thần đã biến đổi đời chị. Ngày 09-06-1895, chị đã dâng mình cho Tình Yêu đầy thương xót của Chúa. “Các ân sủng ngập lút tâm hồn chị như nước đại dương”. Và cũng đúng năm ấy, Bề Trên Đan Viện yêu cầu chị ghi lại những ký ức của chị. Trên một tập vở học trò, chị bắt đầu hát lên “bài hát ca ngợi lòng thương xót của Chúa” đối với chị.

 

Vì vâng phục, chị cũng viết những bài thơ và vở kịch giải trí cho cộng đoàn. Dù cơn bệnh ngày thêm trầm trọng (chị bị lao phổi), dù đang lâm cơn thử thách nặng nề về đức tin và đức cậy (nhờ đó, giờ đây, từ trong nội tâm, chị hiểu thấu tâm trạng những người không tin, và dâng tất cả để cầu nguyện cho họ), chị vẫn giữ tấm lòng bạo dạn, tin tưởng, phó thác nơi Chúa Giêsu Cứu Thế. Chính trong tuần tĩnh tâm cuối cùng (tháng 09-1896), chị đã khám phá ra ơn gọi của mình: “Giữa lòng Giáo Hội, Mẹ con, con sẽ là Tình-Yêu”.

 

Sau khi nhận hai vị thừa sai trẻ làm anh em trên đường tâm linh, chị ngày càng thêm dâng hiến đời mình cho các xứ truyền giáo trên khắp thế giới. Kiệt sức, chị sống ba tháng cuối đời trong bệnh xá, thân xác đau đớn, mửa máu, nhưng luôn tươi cười vui vẻ, bơ vơ như một đứa bé bị bỏ rơi mà vẫn không ngừng quan tâm đến chị em.

 

Chị sống “con đường phó thác và yêu thương” của chị, con đường mà chị muốn truyền lại cho cả thế giới. Chị đã sống con đường thơ ấu ấy một cách anh hùng, cho đến cả trong những chuyện nhỏ nhặt. Càng ngày chị càng linh cảm rằng chị sẽ có sứ mạng “tuôn ơn lành xuống trên địa cầu cho đến tận thế”. Chị tắt thở ngày 30-09-1897 trong tiếng kêu: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!”

 

Truyện “Một Tâm Hồn”

 

Một năm sau, quyển truyện “Một Tâm Hồn” ra đời, một tập sách viết từ những bút ký của chị. Quyển sách đã được phiên dịch ra hơn 40 thứ tiếng và đã chinh phục cả thế giới. Từng đoàn người tuôn đến mộ “cô bé Têrêxa”. Nhiều bệnh tâm linh và thể chất được chữa lành. Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh được phong thánh năm 1925, chỉ 28 năm sau khi chết, một thời gian kỷ lục.

 

Cả thế giới biết đến chị. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện tại nơi chị đã nằm điều trị. Ngày 02-06-1980 ấy, ngài tuyên bố rằng điều cơ bản trong sứ điệp của Têrêxa cũng là điều cơ bản trong Tin Mừng: cô gái trẻ ấy đã nhắc cho thế giới nhớ rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta, người Cha do Chúa Giêsu Kitô mặc khải.

 

Trong quyển “Thủ Bản Tự Thuật”, chị Thánh Têrêxa đã kể lại đời mình:

“Sống hay chết, nào có sá gì!

Ôi Giêsu, niềm vui của con là được yêu mến Chúa.”

 

Trong một bức thư gởi đi, chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã viết:

“Đừng sợ…

Càng nghèo…

Chúa Giêsu càng yêu hơn…

Điều xúc phạm Chúa Giêsu,

Điều làm tổn thương trái tim Ngài,

Chính là thiếu lòng tín thác.”

 

Tu huynh Guy Gaucher

Đan sĩ Carmel

(CÒN TIẾP)