HUẾ, Việt Nam - Hàng trăm ngọn nến lung linh đã được các anh chị sinh viên công Giáo tại Huế thắp lên trong hội trường Dòng Chúa Cứu Thế để tri ân Thiên Chúa về Hồng Ân Sự Sống và cùng nhau cầu nguyện cho công tác bảo vệ sự sống con người sau một buổi làm việc hết sức thú vị với Cha Giuse Nguyễn Hồng Phước và Bác Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu Nguyễn Lan Hải về chủ đề “CON NGƯỜI LÀ MỘT KỲ QUAN”.

Đối với hơn 550 Sinh viên Công Giáo hiện diện, những hình ảnh mở đầu trích từ đọan phim do các nhà Khoa học Mỹ ghi lại thật khó xóa mờ. Nó cho thấy rõ sự ác độc đối với thai nhi vô tội và sự tàn phá ghê gớm môi trường bên trong cơ thể của chị em phụ nữ: trong từng vụ phá thai, người ta phải dùng đến những dụng cụ kìm, que bằng kim loại để nong tử cung và người ta phải xé nát thân thể của thai nhi bằng đủ lọai dụng cụ. Những hình ảnh này càng được khắc sâu vào tâm khảm mỗi người xem, khi chúng được trải ra trên nền âm thanh như tiếng nấc của một thai nhi bập bẹ van xin người mẹ mà nó chưa một lần nhìn thấy khuôn mặt: “Mẹ ơi!. ..Xin đừng bỏ con...Chỉ một lần thôi, hai tiếng à ơi!...Mẹ ơi...Xin đừng bỏ con... Chỉ một lần thôi, hai tiếng à ơi!...à ơi...”

Mađalêna Nguyễn Thành Tiên, người Sinh viên năm 2 trường Cao Đẳng Huế nói, suốt giờ cầu nguyện, cô mãi bị ám ảnh bởi cái bàn tay to lớn dính đầy máu dùng những dụng cụ bằng kim loại kẹp lôi một cánh tay nhỏ xíu đặt lên một xu tiền Mỹ ấy! “Tôi thấy cánh tay của em nhỏ bé bỏng quá, tội nghiệp quá? Tại sao thế?!’’ Thành Tiên 22 tuổi, nói như thổn thức.

Mở đầu buổi nói chuyện hôm Chúa Nhật 6-5-2007, Linh mục Giuse Nguyễn Hồng Phước, một thành viên trong nhóm mục vụ Sự Sống Con Người đến từ thành phố Hồ Chí Minh, đã xót xa kể cho cử tọa sinh viên câu chuyện ngài vừa khám phá trên đường đi tham quan Khu Du Lịch Hồ Thủy Tiên bên cạnh Đan Viện Thiên An: “Người hướng dẫn hỏi tôi những túp lều tranh nho nhỏ xa xa hai bên đường ấy là gì, cha biết đó là gì không?”...Tôi trả lời: “Tôi không biết gọi tên các túp lều đó là gì, nhưng mà tôi biết rõ hậu quả mà chúng gây ra: đó là những túi ny lông đựng thai nhi vất vưởng đây đó và những ngôi mộ mới, nhỏ, vô danh được vùi dập gấp gáp dưới nhiều tàng cây hai bên đường!”...Và theo ngài, đa số chị em phải lén lút tìm tới với bàn mỗ phá thai cũng chỉ do trình độ thiếu hiểu biết về chu kỳ thụ thai của chính mình và về giá trị sự sống...

Tiếp đến, qua những hình ảnh cụ thể được minh họa trên một màn hình lớn và với cách trình bày dí dỏm, sống động, bác sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu Nguyễn Lan Hải đã giúp cho các anh chị sinh viên hiểu rõ các khái niệm y học về giới tính, tính dục và tình dục cũng như những yếu tố thể lý, tâm lý và tâm linh làm nên người nam người nữ. Đặc biệt, những khái niệm về cách vận hành của chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Một điều kỳ diệu của thế kỷ 21 là người ta đã chụp ảnh được cổ tử cung của người phụ nữ bình thường được đóng kín bằng một chất nhầy đặc quánh để giữ cho buồng tử cung hòan tòan được vô trùng không có mặt của bất cứ vi khuẩn nào như buồng tim. Và để tạo điều kiện cho việc sinh sản, cổ tử cung chỉ ở trạng thái mở trong thời kỳ rụng trứng kéo dài từ 5 đến 6 ngày trong mỗi vòng kinh nguyệt, dù dài hoặc ngắn. Khi cổ tử cung hé mở, các tuyến tiết ra chất dịch trong suốt để đưa tinh trùng lên đường, tạo điều kiện cho sự thụ tinh. Đây là thời gian Thiên Chúa mở cửa sự sống nơi người đàn bà.

Bác sĩ Lan Hải, hiện đang phục vụ tại Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cho biết, đây là cơ sở mà Giáo Hội dùng để huấn luyện cho các đôi vợ chồng Công Giáo theo cách điều hoà sinh sản tự nhiên. Qua một tư liệu được phóng lớn trên màn hình, Bác Sĩ Lan Hải dùng nhiều ô nâu màu đất chỉ những ngày khô hạn không có khả năng thụ tinh, chỉ có chừng 6, 7 ô màu trắng đặt cạnh ô đất nâu thứ 14 trước kỳ kinh nguyệt mới là lúc đất gặp mưa có khả năng giúp nẩy mầm sự sống.

Nhiều Sinh viên hỏi rằng, khi nào bắt đầu có sự sống con người? Bác sĩ Lan Hải khẳng định:‘’Khi trứng và giao tử gặp nhau, kết hợp làm một, đó là lúc bắt đầu có sự sống con người, bởi vì lúc nầy một nửa của người cha, một nửa của người mẹ đã gặp gỡ nhau và giới tính của thai nhi đã được quyết định.”

Vicente Phạm Văn Phương sinh viên năm 3 đang theo học Khoa triết Đại học Huế nói rằng: Yêu thật là phải biết tôn trọng người mình yêu, vì người yêu cũng là hình ảnh của Thiên Chúa.

Têrêsa Nguyễn Thị Thảo Hiền, 24 tuổi Sinh viên năm 4 trường đại học Duy Tân Đà Nẵng, thuộc nhóm Sinh viên đến từ thành phố Đà Nẵng, cho biết lần đi Huế này thật là tuyệt vời, vì ngoài việc được tham quan Cố Đô, họ còn học hỏi rất nhiều điều quý hóa khi được sinh họat với nhóm Bảo Vệ Sự Sống.

Theo Linh Mục Đặc trách Sinh viên Công Giáo Huế, một trong những mục tiêu của sinh họat sinh viên tại Huế là nhằm giúp cho các bạn Sinh viên mặc dù sống xa gia đình, xa giáo xứ, vẫn giữ được nếp sống đạo đức. Và theo ngài, lọat bài về chủ để ‘’con người là một kỳ quan’’ do Cộng Đòan Dòng Chúa Cứu Thế đảm trách đã thật sự giúp cho sinh viên tại Huế ngày càng đào sâu thêm chiều kích cao cả của sự sống con người để trở nên những chứng tá can đảm bảo vệ sự sống trong môi trường xã hội nhiều nguy cơ hôm nay.

Điều đáng mừng là mặc dù Pháp lệnh về Dân số kế hoạch hoá gia đình chương 10 dành cho phụ nữ Việt Nam quyền phá thai, mới đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vẫn có những tiếng nói chính thức lên án tệ nạn đau thương này.

Giờ gặp gỡ sinh viên tại Huế tháng Năm đã khép lại với Giờ Tĩnh Nguyện do Linh mục Xuân Đường đặc trách Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế Huế hướng dẫn. Điểm đặc biệt là Giờ Tĩnh Nguyện lần này đã được thực hiện không phải trước Mình Thánh Chúa, mà trước màn hình rộng với những hình ảnh sống động gợi nhắc giá trị vô song của Sự Sống con người qua nụ cười dễ thương của những bé trai bé gái đang nô đùa, qua cử chỉ âu yếm của một người mẹ đang cho con bú, qua những đôi tay bé bỏng chắp lại nguyện cầu...cùng với tiếng nhạc nền của lời van xin tha thiết như vọng lại từ cõi lương tâm sâu thẳm của nhân lọai hôm nay: “Mẹ ơi!. ..Xin đừng bỏ con...Chỉ một lần thôi, hai tiếng à ơi!...Mẹ ơi...Xin đừng bỏ con... Chỉ một lần thôi, hai tiếng à ơi!...à ơi...”