Một Nghiên Cứu Về Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt

GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN
THÁNH PIÔ X ĐÀ LẠT, VIỆT NAM
(1957-1975)


Tác giả: Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm

MỤC LỤC:

PHẦN MỘT:
GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM


Chương I
Bối Cảnh Lịch Sử Hình Thành Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt


1/. Tương Quan Lực Lượng Việt Minh và Pháp
2/. Thời Suy Tàn Của Chủ Nghĩa Thực Dân
3/. Chế Độ Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam, Một Bản Sao Của Trung Hoa Đỏ

Chương II
Đường Hướng Giáo Dục Xây Dựng Giáo Hội


1. Cổ Vũ Một Nền Thần Học, Trong Giáo Dục Nhân Bản, Khai Phóng, Dân Tộc, Hữu Thần
2. Nền Giáo Dục Miền Nam Bổ Sung Thực Trạng ở Miền Bắc Việt Nam
3. Ý Thức Hệ Tôn Giáo
4. Hiệp Thông Với Giáo Hội Hoàn Vũ
Lá Thư Thông Báo Về Số Phận Đất Nước Và Giáo Hội Việt Nam (1966)
Tóm Tắt Lá Thư Đức Giáo Hoàng Phaolô VI Gửi Các Giàm Mục Việt Nam ngày 15/6/1966
Bản Dịch Tiếng Việt Nguyên Văn Lá Thư Nói Trên

Chương III
Đà Lạt: Môi Trường Tu Trì Trong Điều kiện Đa Năng


1. Cao nguyên Đà Lạt: Khi Hậu Thiên Nhiên Trong Lành Yên Tĩnh, Cảnh Trí Thoáng Đãng Duyên Dáng
2. Môi Trường Thuận Lơi Cho Nhiều Hoạt Động Mà Nhất Là Giáo Dục Và Tu Trì

Chương IV
Trường Hợp Dẫn Đến Ủy Nhiệm Dòng Tên


1/. Vài Hàng Lược Sử Dòng Tên ở Việt Nam (1615-1975)
1. Giai đoạn 1615 – 1773
2. Giai Đoạn 1957-1975
[Chú thích: Dù không thuộc phạm vi bài viết, người biên tập đề nghị chú thích thêm phần Lược sử Dòng Tên từ sau 30/4/1975 đến khi có Tỉnh Dòng Tên Việt Nam (2007)]:
3. Giai đoạn 1975-2007
2/. Những Đặc Điểm Của Dòng Tên Thể Hiện ở Việt Nam
3/. Mười Đặc Điểm Chung Nhất Của Dòng Tên Trên Thế Giới, do Hồng Y Averel Dulles Tổng Kết

PHẦN HAI
SINH HOẠT GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN


Chương V
Quá Trình Xây Dựng Và Hình Thành Cơ Sở Học Viện


Chương VI
Hệ Thống Cơ Cấu Điều Hành và Giảng Huấn


1. Tổ Chức Quản Trị
Biểu 1. Các Viện Trưởng Giáo Hoàng Học Viện
Biểu 2. Sơ Đồ Cơ Cấu Quản Trị Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt
2. Một Vài Chi Tiết Về Các Linh Mục Giáo Sư
Biểu 3.Các Linh Mục Giáo Sư Giáo Hoàng Học Viện
Thường Trú Hay Thỉnh Giảng
3. Công Trình Nghiên Cứu, Dịch Thuật, Truyền Thông Ngoại Khóa
Biểu 4. Các Linh mục Giáo Sư giảng dậy tại Giáo Hoàng Học Viện sau 30/4/1975

Chương VII
Tổ Chức Sinh Hoạt Chủng Sinh


1/ Hội Đồng Chủng Sinh
2/. Sinh Hoạt Thường Ngày Của Chủng Sinh
3/. Giáo Trình Học Vấn
a. Ban Dự Bị
b. Ban Triết Học
c.Ban Thần Học
Lễ Khánh Thành Phân Khoa Thần Học
Đề Biện Trọng Thể
Hoàn Chỉnh Thủ Tục Cho Phân Khoa Thần Học
Thư Viện Tham Khảo
Khóa Học Thuật Tôn Giáo

Chương VIII
Tổ Chức Huấn Luyện Tu Đức


1/. Chương Trình Sinh Hoạt Đạo Đức
GM Nguyễn Văn Thuận
GM Cassaigne
2/. Vai Trò Của Linh Mục Linh Hướng
3. Các Văn Kiện Căn Bản Về Đời Sống Linh Mục.
Linh mục Paul Deslierres

Chương IX
Các Sinh Hoạt Ngoại Khóa Khác


1/. Thực Tập Mục Vụ
2/. Đối Thoại Giao Lưu
3/. Những Mẩu Chuyện Đáng Nhớ
1. Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc Vùng Đà Lạt
2. Một Mùa Gặt Mục Vụ Truyền Giáo
3. Chuyến Thăm Viếng Bất Ngờ Của Tổng Thống Và Bà Nguyễn Văn Thiệu Tháng 12/1970.
4. Kim Khánh Linh Mục LACRETELLE
5. Cuộc Đi Tản Khỏi Thị Xã Đà Lạt Ngày 20/3/1975.

PHẦN BA
NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH VÀ THÀNH QUẢ ĐÀO TẠO


Chương X
Thành Quả Đào Tạo Từ Dữ Liệu Thống Kê


1. Thành Phần Giảng Huấn:
Tồng kết mười năm hoạt động của học viện
2. Thành Quả Đào Tạo Chủng Sinh Theo Số Liệu Thồng Kê:
Biểu 5. Tổng Kê Số Chủng Sinh Thụ Huấn
Biểu 6. Thống Kê Phân Tích Các Chủng Sinh Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đàlạt (1958-1976)
Biểu 7. Mười Cựu Chủng Sinh Được Tấn Phong Giám Mục
Biểu 8. Lịch Biểu Những Sự Kiện Chính

CHƯƠNG XI
Những Suy Nghĩ Chung Quanh Thành Quả Tinh Thần


1. Định Kiến Mặc Cảm
2. Giáo Dục Và Đào Tạo
3. Những Thành Quả Tinh Thần.

Một Số Tài Liệu Tham Khảo

1/ Tài liệu trực tiếp về lịch sử GHHV
2/ Một số tài liệu khác về nhiều vấn đề khác nhau
3/ Tài liệu hình ảnh

PHẦN PHỤ LỤC

PHỤLỤC I
Giáo Trình Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện

PHỤ LỤC II
Các (18) Danh Sách Chủng Sinh Theo Từng Niên Khóa (1956-1976)
Biểu 9. Thống Kê Tổng Hợp Các Chủng Sinh (1958-1976)
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đàlạt
Danh sách từ 1 -18: Sinh viên GHHV Niên Khóa 1958-59 – 1975-76
Lời cẩn báo


PHẦN MỘT:
GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM


Chương I
Bối Cảnh Lịch Sử Hình Thành Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt


Từ lâu trong Giáo Hội Việt Nam đã từng có Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Albertô ở Nam Định. Trước kia thuộc Giáo Phận Miền Đông Bắc Việt, sau này khi Giáo phận được chia tách thêm, thì chủng viện này vẫn ở trong lãnh địa Nam Định giáo phận Bùi Chu, thuộc quyền quản nhiệm khi đó của các linh mục Dòng Đa Minh tỉnh Manila, Phi Luật Tân.

Nay tại Miền Nam, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X được thành lập ở Đà Lạt, Vì thế học viện này chỉ có một lịch sử ngắn ngủi vỏn vẹn chưa đầy hai chục năm, theo số phận chết yểu của Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975), nhưng rất phong phú về nhiều phương diện. Ở đây ta chỉ nhấn mạnh về khía cạnh chính trị xã hội.

Cùng với làn sóng đỏ trào dâng, đúng như một dòng thác cách mạng, không có sức gì ngăn cản nổi, muốn lan tràn khắp địa cầu. Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã thắng như thế chẻ tre trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh nẩy lửa, vũ bão, nhưng đầy đau khổ chết chóc, tang thương cho biết bao sinh linh trong biển người ở lục địa Trung Hoa. Cuộc Cách Mạng Cộng Sản như muốn bứt phá tận gốc rễ phá toàn thể nền tảng cổ truyền của văn hóa ngàn đời.

1/. Tương Quan Lực Lượng Việt Minh và Pháp

Tại Việt Nam, phe thực dân Pháp đã phải ngậm cay, nuốt đắng, ôm hận thất bại trong một trận chiến do chính mình chủ động bố trí ở thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ miền núi Tây Bắc Bắc Việt.

1. Nhưng một bên, phe kháng chiến Việt Minh, với thế “chuyển bại thành thắng” trong tình hình quốc tế khi đó, đã ngốn hết những đợt tiếp trợ này đến đợt khác từ hậu phương, như vận động dân công, thồ xe, kéo pháo, chở đạn, chở gạo dưới máy bay của đối phương, lấy xác người bịt lỗ châu mai của đối phương, cùng với những viện quân và khí tài từ Trung Quốc, Liên Xô đổ đến ào ạt. Tất cả tập trung cho chiến trường Điện Biên Phủ để vây khổn, tập trung đánh nhanh, thắng nhanh, đánh mạnh, thắng mạnh, đánh vũ bão, tràn lan trên khắp các trận tuyến, bất ngờ, liên tục, không ngừng của Việt Minh và Bộ Đội Nhân Dân Trung quốc, và Liên Xô trong mặt trận đối ngoại, tình báo của khối Cộng Sản quốc tế trên thế giới.

2. Trong khi đó, phe Mỹ còn chần chừ trong việc trợ giúp cho lực lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương, vì nhiều lý do, nhưng chính yếu là các nguyên nhân sau đây:

*Phe Mỹ cầm chừng Khối Cộng Sản Liên Xô và Trung Quốc có thể liều lĩnh can thiệp vào chiến trường Việt Nam. Và từ đó theo cách nhìn đó, thế trận domino tại Đông Nam Á khiến lực luợng Công Sản làn tràn trên khắp Đông Nam Á và các phần khác của thế giới ở Áchâu. Nơi nào có đau khổ nghèo nàn, nơi đó có Cộng sản hoạt động, vì dễ lừa ép dân ăn bánh vẽ cơm áo, nhà đất và tự do.

*Nhưng lý do trực tiếp là cạnh tranh quyền lợi thực dân giữa hai nước liên minh, bề ngoài có vẻ bền vững, là Pháp và Mỹ. Đối phương đã cố khai thác, thổi phồng, khoét sâu những mâu thuẫn này, để làm suy yếu thế liên kết cần thiết cổ truyền của hai nước.

Về căn bản, Pháp phần nào vẫn còn mạnh thế, dựa vào nền tảng tinh thần văn hóa Công Giáo phương Tây, còn văn hóa Mỹ coi trọng tự do cá nhân trong chọn lựa tín niệm tôn giáo, bộc lộ trong phong trào Cải Cách Tin Lành phóng khoáng đi đến Ly giáo trong thế giới Công giáo cổ truyền..

*Quyền lợi kinh tế và các quyền lợi liên hệ khác trong việc chiếm đóng Đông Dương là một khía cạnh trọng yếu khác, tăng cường mối xung khắc Pháp Mỹ tại Đông Dương. Thái độ lấp lửng không rõ ràng ấy trong quyết định chiến trường, và trong chính sách tổng quát, tác động mạnh mẽ lên tinh thần chiến đấu thiếu can đảm và thiếu nhuệ khí của toàn thế binh sĩ Liên Hiệp Pháp tham chiến.

2/. Thời Suy Tàn Của Chủ Nghĩa Thực Dân

Thực ra, đây cũng là thời kỳ suy đồi của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử thế giới, nghĩa là đã đến khá trễ thời điểm các nước thực dân phương Tây, sau thế chiến thứ II, như Pháp, trao trả độc lập cho các lãnh thổ, hay xứ sở chậm tiến, từng bị nhiều nước phương Tây chiếm làm thuộc địa, mà Pháp vẫn còn nấn ná cố chấp bám lấy quyền lợi của mình, theo lối cũ để sinh sống.

Kết quả là sau khi bị thất bại ở chiến trường Điện Biên Phủ chỉ với giúp đỡ hạn chế của Mỹ ở Đông Dương, trong khi ngược lại quân kháng chiến Việt Minh được viện trợ ào ạt của khối Cộng Sán Xô Trung, Pháp đã phải ký kết Hiệp Định Genève ngày 20/7/1954, chia cắt Việt Nam, nhường cho Việt Minh một nửa nước phía Bắc, rút vào miền Nam, khi đó có xu hướng hỗn loạn với tình thế bất lợi vì sự hiện diện của Pháp chưa dứt khoát và nội bộ chia rẽ giữa các phe phái quốc gia, cùng lực lượng Cộng Sản nằm vùng hay trà trộn.

3/. Chế Độ Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam, Một Bản Sao Của Trung Hoa Đỏ

Ngay sau Hiệp Định Gènève về Việt Nam, chia cắt đất nước làm hai miền Bắc Nam theo lằn ranh thực tế là sông Bến Hải (cầu Hiền Lương) ở khoảng vĩ tuyền 17. Miền Nam Việt Nam về sau được gọi là Việt Nam Cộng Hòa phải đối phó với nhiều khó khăn, tiếp theo việc Đảng Cộng Sản thắng thế tại Trung Hoa, và nhất là chính thức công bố thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1/10/1950.

Chế độ mới trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc khỏi Trung Hoa. Chính quyền miền Nam do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo khi đó, với sự thúc đẩy tích cực của Giám Mục Ngô Đình Thục kêu gọi các tín đồ Công Giáo, nhất là những người bị trục xuất khỏi Trung Hoa, góp phần xây dựng chế độ giáo dục tại miền Nam. Cuộc di cư của gần một triệu người Việt Nam, trong đó có gần 700.000 người Công giáo từ miền Bắc vào miến Nam, là một bài toán hóc búa. Việc chuyên chở và tái định cư một triệu người trên vùng đất mới nẩy sinh biết bao vấn đề trong một thời gian trước mắt. Nếu không có trợ giúp quốc tế do Hoa Kỳ đừng đầu, thì Miền Nam không thế chịu đựng nổi một tình trạng xã hội phức tạp và đa diện như cuộc di cư và tái định cư ở Việt Nam năm 1954-55 và sau đó.

Chương II
Đường Hướng Giáo Dục Xây Dựng Giáo Hội


1. Cổ Vũ Một Nền Thần Học, Trong Giáo Dục Nhân Bản, Khai Phóng, Dân Tộc, Hữu Thần

Cùng với những người có thiện chí trong cộng đồng dân tộc và quốc tế, Giáo Hội Việt Nam đã có định hướng xây dựng ngay một nền giáo dục nhằm chỉnh đốn hàng ngũ ở miền Nam, đào tạo nhân tài cho đất nước, trong đó có hàng giáo sĩ Công giáo, trên một nền tảng vững chắc “une sérieuse formation intellectuelle et spirituelle” [một đào tạo nghiêm chỉnh về trí thức và thiêng liêng].

Dường như song song với việc đào tạo các giáo sĩ trong hệ thống chủng tu viện tại Việt Nam, trong đó có Giáo Hoàng Học Viện, thì về phương diện giáo dục thế tục, một hệ thống giáo dục ở các cấp tiểu trung và cao đẳng, như Viện Đại Học Đà Lạt. Hai hệ thống giáo dục quyện chặt với nhau và bổ sung cho nhau, như bóng với hình, để đào tạo nhân sự tài đức cho Giáo Hội và đất nước trên cơ sở khai phóng, nhân bản, tự do.

Chính trong hoàn cảnh đất nước bị qua phân, lại phải đối phó với cuộc di cư và đe dọa của CSVN xâm lăng từ miền Bắc, miền Nam Việt Nam phải tính toán, đế có thế trong tương lai vừa chiến đấu để tồn tại, vừa xây dựng và phát triển. Vì thế, dù có người phủ nhận, lý tưởng giáo dục cho các linh mục phải mang nội dung hữu thần, đối phó với chủ nghĩa Cộng sản vô thần của toàn thể khối Liên Xô Trung Hoa.

Nền giáo dục đó bổ sung một cách nào đó tình hình thực tế có mầu sắc, không những chỉ chống tôn giáo, mà còn thù nghịch triệt tiêu tôn giáo. Thay vì mô tả một cách trừu tượng bằng lý thuyết, người ta có thể hình dung chế độ miền Bắc đối xử thực tế thế nào với Công giáo, qua mấy nét chấm phá dưới đây.

2. Nền Giáo Dục Miền Nam Bổ Sung Thực Trạng ở Miền Bắc Việt Nam

Người Công Giáo Việt Nam biết rất rõ tình hình ấy. Vì thế khi Cộng sản Việt Nam nắm quyền ở miền Bắc, không vì bất cứ lời tuyên tuyền đường mật, áp lực hay xuyên tạc nào khác, họ phải chạy đi Nam tìm tự do. Năm 1954, theo Hiệp Ðịnh Genève, trong số một triệu rưỡi giáo dân miền Bắc hồi ấy, hơn 700.000 người đã bỏ ruộng vườn, nhà cửa, mồ mả cha ông ra đi, cùng với mấy trăm ngàn người thuộc các thành phần ngoài công giáo, và không kể một số binh sĩ đi theo các đơn vị khác nhau. Trong thời hạn ấn định do Hiệp Định đình chiến Genève, chứng một triệu người miền Bắc đã đi vào Nam, bất chấp những toan tính ngăn cản và tuyên truyền của Cộng sản miền Bắc, trong khi có lẽ có chừng 100.000 du kích và cựu kháng chiến từ miền Nam ra Bắc qua một số địa điểm chỉ định ở miền Nam.

Báo Time xuất bản tại Mỹ ngày 2 tháng 8 năm 1954 cho biết tờ Osservatore Romano của Vatican tỏ ra vui mừng, vì cảnh đổ máu chém giết nhau tại Đông Dương đã chấm dứt, nhưng lo ngại cho số phận các tín hữu Công giáo phải sống dưới chế độ toàn trị của cộng sản. Nỗi lo ngại ấy hoàn toàn có cơ sở, không những qua bài học Trung Hoa được coi là quan thầy của Hà Nội, mà còn do chính kinh nghiệm thực tế ờ Việt Nam.

Tại những vùng Cộng Sản kiểm soát, họ đã đối xừ ác nghiệt với các tôn giáo, nhất là Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội miền Bắc đã phải trải qua những ngày đen tối. Tất cả các trường học, và hầu hết các tu viện đều bị nhà nước tịch thu. Một số các linh mục và chức sắc của xứ đạo bị bắt đi tù trong chính sách cải cách ruộng đất đẫm máu, với những cuộc đấu tố rùng rợn dã man (1955-1956), mà ngày nay thế giới thấy rõ ràng hơn bao giờ hết.

Như chiến dịch đấu tố địa chủ bắt đầu từ 1953, một chiến dịch mà Bernard Fall, cũng như nhiều tác giả và chứng nhân Việt Nam khác sau này, ước tính đã giết hại 50.000 người, và bỏ tù hơn 100.000 người, trong đó khá nhiều linh mục và giáo hữu Công Giáo Việt Nam đã bị hành hạ và trừ diệt dưới danh nghĩa này. Đối với Cộng Sản, hơn bất cứ tổ chức tôn giáo tín ngưỡng nào, Công Giáo là một thế lực thù địch cần phải ưu tiên tìm mọi cách loại trừ, hoặc ít nhất cũng đổi thành công cụ nhà nước.

Stephen Denney trong phần nói về Giáo Hội Việt Nam trong cuốn Catholicism and Politics in Communist Countries do Sabrina P.Ramet chủ biên, xuất bản năm 1990, cho hay trong giai đoạn này, để thi hành chính sách trên, ngay tức khắc họ tìm cách ly gián và giam giữ các giám mục và linh mục bị coi là “phản động”, nghĩa là hầu hết các vị còn ở lại miền Bắc, vì lý do này hay lý do khác.

Vị Khâm Sứ Tòa Thánh John Dooley bị cộng sản Hà Nội tìm cách tống xuất từ lâu mà chưa được. Sau Đại hội Thánh Mẫu tại Sài Gòn (tháng 2 năm 1959), ngài và Giám mục Trình Như Khuê bị công an thẩm vấn. Không hiểu vì sao, sau đó ngài ngã bệnh nặng phải trao toà khâm sứ cho linh mục O’Driscoll xử lý, để qua Nam Vang chữa bệnh, và Ngài không bao giờ được trở lại Hà Nội.

Giám mục Trịnh Như Khuê bị mời ra uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, làm việc sau khi tỏ ra “tiêu cực” với đại hội “Những Người Công Giáo Yêu Tổ Quốc, Yêu Hòa Bình” họp tại Hà Nội tháng 3 năm 1955.

Giám mục Hoàng Văn Đoàn, người có lần đã gửi thư chúc mừng buổi ra mắt của Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước tại Hà Nội, nhưng khi qua Hồng Kông chữa bệnh, thì cũng không được trở lại giáo phận nữa, chỉ vì sau đó đã gửi một lá thư khác đính chính lá thư trên!

Giám mục Trần Hữu Đức bị lôi ra trước hội đồng nhân dân 17 xã, bắt phải ký nhận tội bỏ thuốc độc xuống giếng, giết hại dân lành, âm mưu ám sát cán bộ.
Giám mục Khuất Duy Tạo bị đem ra tòa, chỉ vì tội đã dám cấp bằng công nhận các tín hữu thành viên ban hành giáo.

Các giám mục ngoại quốc như Jacq Mỹ của Lạng Sơn, Mazé Kim của Hưng Hóa hay Coonan Hành của Thanh Hoá… cũng như các linh mục của Hội Thừa Sai Ba Lê và Dòng Chúa Cứu Thế Gia Nã Đại lần lượt bị trục xuất.

Giám mục già nua Hedde Minh của Lạng Sơn được lệnh phải ra đi, nhưng đã qua đời trước ngày lên đường. Trước đó, ngài viết cho người em: “Ngày tôi ra đi chưa đến, nhưng sắp đến. Tôi chỉ ước mong được gửi tấm thân già này ở Lạng Sơn, và chính giáo dân của tôi cũng muốn thế, nhưng tôi để mặc ý định của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Ngài đã lặp lại những lời của Chúa Kitô trên thập giá!

Rất nhiều linh mục bị phát vãng, thủ tiêu hay tù tội, kể cả hai linh mục Nguyễn Ngọc Oánh và Nguyễn Văn Thông từ Mỹ và Pháp về lại Hà Nội phục vụ. dù ngày 14/06/1955, Hồ Chí Minh ban hành “Sắc Lệnh Tôn Giáo” nhìn nhận tự do tôn giáo và tự do mở trường. Trường hợp điển hình là Linh Mục Nguyễn Văn Vinh, vì không chấp nhận treo hình Hồ Chí Minh trong các lớp của trường Dũng Lạc cũ thay cho cây thánh giá, và không chào cờ đỏ sao vàng ngày khai trường. Dù đang giảng dậy la tinh tại Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội, ngài đã bị bắt giam tại Hỏa Lò Hà Nội và về sau bị đưa đi giam ở nhiều trại tù, và cuối cùng bị kiên giam đến chết rũ tù tại nhà tù Cổng Trời, khét tiếng tàn ác, vùng biên giới phía Bắc Việt Nam giáp ranh Trung Quốc. Nhiều người đã chứng kiến trường hợp người tù kiên cường này, khi ở trong tù ngài còn hát bài “Vết Tử Hùng”, ca tụng lòng can đảm của các vị tử đạo tiền nhân ở Việt Nam thời cấm đạo.

Stephen Denney trong tài liệu trên cũng cho hay, sau khi Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước thành hình (1955), các giám mục và linh mục không còn được liên lạc thư từ gì với Vatican nữa. Thậm chí, không một giám mục nào được phép tham dự Công Đồng Chung Vatican II; thậm chí các tài liệu của Công Đồng này cũng không lọt được vào miền Bắc.

Phải đợi tới năm 1974, lúc cộng sản Hà Nội tuyệt vọng, đi tìm hậu thuẫn quốc tế, họ mới miễn cưỡng để Giám mục Trình Như Khuê qua Rôma, tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Nhưng vị Giám mục này vẫn không tin cộng sản Hà Nội, nên đã cử giám mục phó Trịnh Văn Căn đi thay thế.
Chính vị giám mục này đã trình bầy cho toàn thể Giáo Hội và thế giới biết tình thế bi đát của Giáo Hội miền Bắc như sau:

"300 linh mục, phần lớn già nua, coi sóc hơn 1 triệu giáo dân. Cũng nên nhớ sắc lệnh tôn giáo năm 1955 nhìn nhận quyền mở trường dạy học của các tôn giáo. Nhưng chữ ký của họ Hồ chưa khô mực, thì trường Dũng Lạc ở Hà Nội đã bị đóng cửa, rồi lần lượt các tiểu và đại chủng viện…

Có lẽ nên đọc lại thư Giám Mục Khuất Văn Tạo viết năm 1963: “các nhà xứ có nơi sửa chữa được nhà thờ, có nơi bỏ bớt nhà ở vì củ nát, chữa cũng không có người ở, vì cả địa phận còn lại, tính cả tôi, cũng chưa được một chục người có chức thánh, ba thầy với mấy cậu ở nhà chung, nhà xứ. Còn giáo hữu tối thứ bẩy như ở Hải Phòng có khi được vài chục người nhớn bé…”

Ngoại trừ Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng nữ tu Thánh Phaolô còn lại ở miền Bắc, các dòng khác đều rút lui vào miền Nam. Các giám mục và các linh mục còn lại phải sống khổ cực như thế, và một ngày một già yếu, trong khi các chủng viện đều bị đóng cửa và bị cấm hoạt động.

Trường hợp duy nhất lạ lùng là có một đại chủng sinh đang thụ huấn tại Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Vĩnh Long, Miền Nam Việt Nam đã xin về Hà Nội, đó là Thầy Nguyễn Văn Sang gốc thuộc giáo phận Hà Nội. Sau này sau khi thụ phong, linh mục Sang đã được bố trí, với sự đồng ý của chính quyền Cộng Sản, làm giáo sư Chủng Viện Gioan Hà Nội, còn tồn tại một thời gian, cho đến khi nhà nuớc đòi kiểm soát nội dung giảng huấn của chủng viện này.

Chính đó là Giám Mục Nguyễn Văn Sang, thuộc giáo phận Thái Bình hiện nay. Vào thời gian đó, có người dám thầm nghĩ phải chăng Cộng Sản đã cài người như thầy Sang vào Nam, rồi xin bỏ Nam trở về Hà Nội, giữa thủ đô miền Bắc, để tuyên truyền và khuynh đảo hàng ngũ tu sĩ Công giáo miền Nam, hay người miền Bắc đã di cư vào miền Nam?

Nhiều Giám Mục vì nhu cầu đã phải phong chức "chui" cho một số tân linh mục. Tổng số linh mục cho các giáo phận Miền Bắc trong năm 1992 là 277 vị, gồm cả 30 linh mục được phong chức "chui". Còn về trình độ văn hóa đạo đời, ở miền Bắc, phần đông các linh mục hiện còn thi hành nhiệm vụ không có cơ hội để được học tại chủng viện.

Ðiều này có nghĩa là một chương trình đào tạo cấp tốc rất thiếu sót - nếu có thể gọi là một chương trình - để đáp ứng nhu cầu mục vụ của một linh mục, chưa nói đến đòi hỏi mục vụ của một giám mục. Mãi đến thập niên 1980, mới có một ít linh mục ở miền Bắc được tuyển chọn và được gởi qua Roma để thụ huấn thêm về Thần Học hoặc về Giáo Luật. Nhưng kết quả không trọn vẹn, vì các vị đi du học chưa đủ nền tảng giáo dục cơ bản vững chắc.

Ðể phân hóa Giáo Hội, nhà nước đã dựng lên nhóm "Công Giáo Yêu Nước Yêu Hòa Bình" (1955), giống như Hội Công Giáo Yêu Nước tại Trung Hoa, làm nòng cốt tạo nên Giáo Hội Công Giáo Tự Trị ở Trung Hoa. Nhóm này xuất bản tờ "Chính Nghĩa", sau đổi là tờ "Người Công Giáo Việt Nam" chủ yếu là để tuyên truyền cho người Công giáo, và để thông tin liên lạc và hoạt động trong hàng ngũ các cán bộ làm công tác tôn giáo trong khuôn khổ của đảng Cộng Sản.

3. Ý Thức Hệ Tôn Giáo

Khác biệt tôn giáo – cách riêng là Công giáo - với chủ nghĩa Cộng Sản không hẳn một cách tống quát như vẫn được nói là chủ nghĩa tam vô - vô gia đình, vô tổ quốc và vô tôn giáo -, nhưng điểm căn bản là chủ nghĩa vô thần, bất tín vào linh giới:

Không có niềm tin vào linh giới, vào cõi thần, vào cõi siêu nhiên, vào Thiên Chúa. Từ đó người Cộng sản suy diễn ra những hệ luận làm nên chủ nghĩa duy vật, vô tín vào cõi vô hình, mà sức con người không thế khẳng định được điều gì một cách rõ rệt, khác như lý trí con người trong phạm vi hữu hình. Không hiểu được không có nghĩa là không có, là vô lý, mà là huyền nhiệm đối với con người. Đó là côi vượt khả năng tự nhiên của lý trí con người.

Các hệ luận về tính nhân bản, xã hội con người, giá trị đạo đức trong mọi hành vi ý nghĩ của con người cũng từ đó mà ra. Một chủ nghĩa nhân bản vô thần là thiếu nền tảng, mất nguồn gốc, lạc hướng, vì con người hữu hình không thể hiện diện mà không kết hợp một cách nào đó với linh giới vô hình.

Các hệ luận về thế giới vật chất và tất cả những nhãn giới khác đều bị đảo lộn, và làm xáo trộn cuộc sống xã hội nhân bản trên thế giới. Do đó mà nhiều người đi đến kết luận chủ nghĩa cộng sản là vô gia đình và vô tổ quốc, vì tham vọng xây dựng một thế giới đại đồng, không nhất thiết lấy gia đình làm căn bản, mà cho tự do kết hôn, bất chấp đạo lý nhân bản.

Khác với chủ trương nhân bản vô thần, Giáo hội Công giáo xây dựng một nền thần học hữu linh hữu thần, dựa trên triết thuyết tổng hợp đông tây kim cổ và các khoa học do kinh nghiệm của cả tập thể nhân loại trong lịch sử đúc kết lại qua các môn học.

4. Hiệp Thông Với Giáo Hội Hoàn Vũ

Lá Thư Thông Báo Về Số Phận Đất Nước Và Giáo Hội Việt Nam (1966)

Phúc đáp thỉnh nguyện của Giáo Hội Miền Nam Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói đến nhiều điều về tình hình Việt Nam, trong đó có việc thành lập Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X tại Đà Lạt.

Có thể tóm tắt những điểm chính mà lá thư nói trên đề cập đến:

Tóm Tắt Lá Thư Đức Giáo Hoàng Phaolô VI Gửi Các Giàm Mục Việt Nam ngày 15/6/1966:

*Cuộc họp sắp diễn ra của Hội Đồng Giám Mục Miến Nam Việt Nam trong năm 1966.

*Cảm thông những băn khoăn lo lắng của các giám mụcViệt Nam về tình thế và những khó khăn của đất nước và giáo hội phải đối phó, phản ảnh qua lá thư mục vụ của TGM Sàigòn và Giám mục Đà Lạt.

*Giới thiệu đặc sứ Sergio Pignodeli thay mặt Đức Giáo Hoàng, đến tham dự Hội nghị trực tiếp nghe và tiếp nhận những yêu cầu cụ thể của Việt Nam từ chính các giám mục tham dự hội Nghị.

*Qua Khâm Sứ Angelo Palmas Thường Trú tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng thấu hiểu và khâm phục các Giám Mục Việt Nam thể hiện tinh thần can đảm làm việc tông đồ có kết quả.

*Việc thành lập Phân Khoa Thần Học trong Giáo Hoàng Họa Viện Thánh Piô X Đà Lạt, đào sâu và hoàn thiện nền triết học và thần học theo truyền thống văn hóa Việt Nam

*Thành quả tốt đẹp môt năm thành lập cơ quan Bác ái Công giáo Việt Nam.

*Khuyên các linh mục sống kết hợp với các giám mục trong mọi thừa tác vụ linh mục.

*Nguyện chúc và khuyên mọi người sống tinh thần hòa hợp hòa giải.

*Nhất là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lo chính niềm lo của Cộng đồng Công giáo Việt Nam, của Dân tộc, Đất nước và Giáo hội Việt Nam, cố gắng vận dụng mọi cơ hội cổ vũ cho hòa bình và thịnh vượng của VN, và xin gửi phép lành Tòa Thánh đến mọi người trong cộng đồng dân Chúa Việt Nam.

Vì tầm quan trọng của lá thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ta có thể ghi nhận toàn bộ bản dịch tiếng Việt lá thư từ nguyên văn tiếng Pháp, đề ngày 15/6/1966 tại Rôma, gửi các Giám Mục Việt Nam.

Bản Dịch Tiếng Việt Nguyên Văn Lá Thư Nói Trên

[Chư Huynh Đáng Kính,

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sắp hội họp từ đây đến đó không bao lâu nữa, sẽ qui tụ chư huynh lại. Cuộc họp ấy cho Ta chứng kiến lòng chư huynh nhiệt thành và tận tụy phục vụ cộng đoàn Công Giáo của đất nước. Chư Huynh Giám mục đáng kính, chư huynh hiến thân cho đất nước bằng tinh thần quảng đại và hy sinh gương mẫu. Đó chính là động lực khiến Ta được ủi an và đầy khâm phục.

Ta biết chư huynh đang xao xuyến trước thời cuộc hiện tại, và chư huynh lo lắng trước một tương lai đầy bất trắc. Nhiều vấn đề còn đè nặng hơn nữa lên việc củng cố và phát triển Giáo Hội trên đất nước chư huynh.

Ta biết rõ điều đó, và đã nhiều lần đoan chắc với chư huynh: Ta gần gũi chư huynh trong thử thách, và ước ao cảm thấu nhiều hơn những vất vả của chư huynh, và chia sẻ thân mật hơn các băn khoăn tông đồ của chư huynh. Chỉ như thế, Ta thiết nghĩ, Ta mới có thể đáp ứng lòng tận tụy sâu xa chư huynh bày tỏ với những đại diện yếu hèn của Chúa. Và các Tín điệp của Chư Huynh Tổng Giám Mục Sàigòn và Giám Mục Đà Lạt cho thấy điều đó. Ta không thể đọc mà lòng không xúc động sâu xa. Đó là một bằng chứng mới mẻ và đầy khẩu khí.

Muốn bày tỏ với chư huynh lòng yêu mến đặc biệt Ta thể hiện nơi mỗi người trong chư huynh, nơi các tín hữu được trao cho chư huynh chăm sóc, và nơi đất nước đang bị thử thách của chư huynh, Ta muốn ban tặng chư huynh một dấu hiệu hữu hình. Và Ta hy vọng dấu hiệu đó sẽ làm chư huynh vui lòng, như Ta hiện diện giữa chư huynh, khi họp Hội Đồng Giám Mục, qua việc cử nhiệm Vị Tôn Huynh đáng kính, Đức Sergio Pignedoli, Tổng Giám Mục hiệu tòa Iconium và Đặc Phái Viên Tông Tòa tại Canađa.

Ta đã trao cho ngài sứ mệnh mang đến anh em lời chào thân ái. Và ngài bầy tỏ cho chư huynh thấy, Ta mãn nguyện với nhiệt tình chư huynh bộc lộ, khi thực thi thánh chức. Ngài nhắc lại những điều Ta khuyến khích, ngõ hầu tiếp nhận, qua miệng chư huynh trình bày, các nhu cầu khẩn thiết nhất của các giáo phận của chư huynh. Ngài bàn luận với chư huynh những sáng kiến có vẻ thích hợp nhất, để chắc chắn đem ra thi hành các quyết định của Công Đồng.

Nhiều khó khăn và trở ngại đủ loại, đến từ mọi nơi, làm cho công cuộc tông đồ, trên đất nước này, còn khó khăn hơn nữa. Nhưng xứ sở này vẫn được Chúa độ lượng chúc lành, giàu có tài nguyên thiên nhiên, cũng như người dân đầy quảng đại. Dân chúng nước này bảo lưu một cảm thức thiêng liêng sống động, và biểu lộ điều đó qua các truyền thống, nghi lễ và tín ngưỡng, lấy gia đình làm trung tâm thể hiện những điều đó. Các khó khăn mà Ta nói đến, không ngăn cản, đà thúc đẩy chư huynh làm tông đồ, mà còn làm sống động cảm thức trách nhiệm mục tử cho các tâm hồn. Khó khăn đó cũng khiến chư huynh trở nên nhạy cảm hơn, tích cực hơn, đương đầu với những điều cần thiết, cấp bách hơn của thời cuộc hiện tại. Đối với chư huynh, hỡi chư huynh đáng kính, chính chính chư huynh đoán biết điều ấy, một lý do làm mãn nguyện sâu xa. Cũng như đó là tư tưởng tôn trọng và kính mến, chư huynh bền bỉ bày tỏ, đối với vị thay mặt Ta nơi chư huynh, Vị Tôn Huynh đáng lính, Đặc Sứ Tông Tòa, Đức Angelo Palmas, chư huynh đều biết rõ. Ngài có nhiều đức tính thông minh và trái tim, đức khôn ngoan và tâm hồn thanh thiết.

Ngài đã đến, nơi chư huynh, vì mục đích duy nhất là phục vụ Giáo Hội cùng với chư huynh. Và chư huynh trong lúc đến tiếp nhận những điều ngài gợi ý huynh đệ, đã cho thấy một tình cảnh ủi an là lập lại kiên quyết đời sống công giáo, một lý do vững chắc để hy vọng vào tương lai. Thực sự, nhiều sáng kiến chư huynh đã có, trong những năm cuối cùng này, không phải không mang lại hoa trái dồi dào, ngay cả trong nhiều phạm vi khác của Đất Nước.

Để khen ngơi chư huynh, Ta chỉ ra một vài điều trong đó. Việc thành lập Đại Chủng Viện, đặt dưới bảo trợ của Thánh Piô X, và Ta muốn trang trí bằng danh hiệu giáo hoàng, là một dấu chỉ chắc chắn về ý Ta muốn chắc chắn chuẩn bị luôn thích hợp bằng những định mệnh của “các người cộng tác khôn ngoan thuộc hàng giám mục, có ngài giúp đỡ và công cụ của ngài” (Hiến Chế Tông Tòa (Const. Ap.) “Lumen Gentium”, N. 28).

Việc thành lập một Phân Khoa Thần Học nơi Giáo Hoàng Học Viện “Thánh Piô X”, ở Đà Lạt, vào thời hậu Công đồng quyết định này, sẽ kích thích mọi người thiện chí hiến mình thức hiện khẩu hiệu Phaolô “veritatem facientes in charitate” [thi hành chân lý trong đức bác ái] (Eph. 4, 15); Đó sẽ là một điểm gặp gỡ, ngõ hầu tôn trọng, theo ánh sáng của Giáo Hội, di sản triết học và tôn giáo phong phú Quốc Gia; và chắc chắn điều đó sẽ đóng góp để là tập hợp, khi tìm kiếm công ích, các nhóm không thuần nhất, và cho đến nay vẫn bị chia rẽ.

Trong tổ chức “Caritas-Vietnam” [Bác Ái-Việt Nam] - đã rất hưng thịnh và có hiệu quả trong năm đầu đời - Ta muốn thấy chứng cớ về việc chư huynh mau mắn xoa dịu nhiều nỗi đau khổ biết bao, đem ủi an và cứu giúp đến những người đã chịu nhiều những hậu quả đáng buồn của tình hình hiện nay.

Ở đây chính hoàn toàn tự phát và quí mến Ta bảy tỏ tư tưởng tri ân và trân trọng đối với các vị linh mục, triều cũng như dòng, đáng quí.Ta rất quí trọng lòng nhiệt thành sốt sắng và tính từ bỏ phú thác của các ngài. Ta lấy tình hiền phụ, ước ao khuyên các ngài hãy lắng nghe những điều Công Đồng Vatican II đề nghi họ suy niệm, theo Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis [Hàng Linh Mục] về tác vụ và đời sống các linh mục. Chớ chi các ngài duy trì liên hệ chặt chẽ với các Giám mục của các ngài. Các ngài là đại diện cho các vị Giám mục đó tại các cộng đoàn địa phương; chớ gì các ngài cộng tác huynh đệ giữa các cộng đoàn, ngõ hầu làm tông đồ chân lý luôn luôn và khắp nơi. Trong khi theo đường lối hướng dẫn đó, Ta chắc chắn rằng các ngài sẽ có thể chu toàn các tác vụ khác nhau, trong các hoàn cảnh đặc biệt của xứ sở các ngài đòi hỏi hôm nay.

Đó là công lao giá trị của chư huynh, hỡi chư huynh đáng kính, và của những người cộng tác với chư huynh, nếu người Công giáo Việt Nam tiếp tục cống hiến – và cống hiến giữa biết bao thử thách và khó khăn - một gương mẫu kỳ diệu gắn bó với lòng tin của tổ tiên mình. Vì họ nhiệt thành và dễ tuân phục những chỉ thị của Hàng Giáo Phẩm, và phó thác không điều kiện cũng như tin tưởng vô hạn vào trợ lực của Thiên Chua, họ tự lo cho mình được quyền đặc biệt là toàn thể Giáo Hội quí trọng, yêu mến và giúp đỡ về thiêng liêng và vật chất. Ở nơi những người con yêu quý này, Ta cũng khâm phục tính cộng tác quảng đại vào tất cả mọi sáng kiến tông đồ xã hội, nhất là vào xoa dịu đau khổ những kẻ có số phận bị tác động vì khốn nạn và chết mòn mỏi vì đau khổ.

Ý thức về trách nhiệm của họ là thành viên của xã hội dân sự mình dự phần vào, họ tham gia tích cực vào đời sống quốc gia, và đóng góp vào tiến bộ xã hội cũng như củng cố các định chế. Và ở đây Ta ngỏ ý khuyến cáo họ sốt sắng để luôn dấn thân gắn bó, trong khi họ hành động, vào những qui chuẩn thận trọng sáng suốt và có kỷ luật chung, như tình thế hiện nay đòi hỏi.

Ta coi là thừa để nhắc lại Ta xem như của Ta những vấn đề của đất nước cao đẹp này, và Ta không ngừng khẩn khoản mời gọi mọi công dân, ngay cả những người nắm số phận của dân tộc trong tay họ, để làm việc nhằm mục đích các tâm hồn biết hòa hợp, và các khối óc hiểu biết nhau: Đấy chính là những nhân tố cần thiết, để trở lại làm việc đồng ruộng hoà bình và yên tĩnh, và để thi hành cái cách xã hội và chính trị mà mọi người ước mong biết bao.

Mối quan tâm của Ta đối với chư huynh và Tổ Quốc của chư huynh đã thúc đẩy Ta đảm nhận những cuộc vận động mới mẻ, nhằm làm cho ngày ấy mau tới. Trong ngày đó, người không còn nghe thấy tiếng kêu của vũ khí, các khối óc sẽ có thể đến lại gần nhau, và lợi dụng từng cợ hội, nếu mong manh thế nào đi nữa, ngõ hầu tiến tới một giải pháp công bằng và hòa bình của cuộc khủng hoảng.

Ta nghĩ rằng Ta có nghĩa vụ làm tác vụ Tông tòa, đó là tiếp tục nỗ lực này cho đến lúc, mà ở đó Chúa Kitô sống lại nguyện ước và cứu độ “Bình An Cho Các Ông”, trở thành hiện thực cho dân tộc Việt Nam yêu quí.

Chớ chi bình an ngự trị trong lòng mọi người; chớ chi tấm lòng biểu lộ những hành vi có lợi cho mọi thành viên của cộng đoàn; chớ chi các tấm lòng đếu đâm rễ sâu trong trật tự, tiến bộ xã hội và công lý. Muốn cho bình an tiến tới – và không nhằm đến lợi ích nhỏ mọn nhất của trần thế - Ta sẵn sàng hợp tác vô giới hạn, đồng thời nhắc nhở các nguyên tắc, nhất thiết phải làm chỗ dựa cho hoà bình, nếu hoà bình muốn được công chính và bền vững.

Chớ chi Đấng Tối Cao, đầy lòng nhân từ thương xót, tiếp nhận những lời khấn xin và ước nguyện mà Ta kết thành lời nguyện đầy khiêm tốn và tin tưởng.

Chớ chi Phép Lành Tông Tòa rất đặc biệt Ta chuẩn ban cho chư huynh, hỡi Chư Huynh Đáng Kính, cho Hàng Giáo Sĩ triều [giáo phận] và dòng, cho các nữ tu và cho các tín hữu. Họ tháp tùng chư huynh và nâng đỡ chư huynh trong công cuộc xây dựng chư huynh được kêu gọi thực hiện: xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và trở lại nền hòa bình mà mọi người nóng lòng chờ đợi, nhằm mục đích làm cho Tổ Quốc yêu quí của chư huynh được thịnh vượng.

Ban hành tại Rôma ngày 15/9/1966, vào lễ Đức Bà Đau Khổ, năm thứ tư triều đại Giáo Hoàng của Ta.

Giáo Hoàng Phaolô VI (PAULUS PP. VI)


(Còn tiếp)