Bách hại tôn giáo hãy coi chừng “Trời cao có mắt” !

Lịch sử tôn giáo tại Việt Nam đã có nhiều giai đoạn thăng trầm đáng ghi nhớ gắn liền với sự thịnh suy của đất nước. Nhìn chung thì thời nào nhà vua quan biết trọng đạo, quí trọng người tu hành, v.v… thời ấy quốc gia được thái bình, kinh tế, văn hoá đều phát triển rực rỡ như các thời vua Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tôn. Ngược lại xã hội gặp lúc nhiễu nhương, tôn giáo lẽ ra càng phải được xem trọng vì có thể góp phần cứu nhân độ thế, thì oái oăm thay sư sãi cha cố lại lâm cảnh còn khốn đốn hơn cả giáo dân, tín đồ.

Vua Lê Ngọa Long vào đầu thế kỷ XI từng dám có những hành vi bạo ngược đến mức “đặt mía trên đầu bậc tu hành là Đức tăng thống Quách Mão mà róc, rồi giả vờ sút tay dao phập vào đầu Quách Mão chảy máu ra, vua cười rầm lên“ (Wikipedia). Cùng với những việc làm thất đức trên, triều đại này còn gây nên bao cảnh khốn cùng cho dân chúng. Trời cao có mắt, Lê Ngọa Long cũng chính là ông vua cuối cùng thời Tiền Lê.

Những sự khổ đau mà 117 anh hùng tử đạo gánh chịu đã xảy ra dưới thời các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức vào giữa thế kỷ XIX mà về tài năng đức độ thì ba ông vua này đã làm gì được cho đất nước? Nếu đem “công đức” của cả ba vị vua trên cộng lại so với chỉ mỗi Minh Trị Thiên Hoàng xứ Nhật, mới thấy thật là thảm hại!

Trong khi vua Nhật khôn ngoan mở cửa cho tự do giao thương với tàu bè phương Tây thì các vua mình bất chước nhà Thanh Trung Quốc lại “bế môn tỏa cảng” cho “chắc ăn” vì sợ bị mất ngai vàng. Và cũng bằng những suy nghĩ nông cạn ấy, để diệt trừ hậu họa họ tàn sát luôn cả đạo công giáo!

Nhưng tai hoạ cho dân tộc hơn cả là chính vì bị lạc hậu không theo kịp thiên hạ ngay từ thời kỳ này, mà ông Hồ chí Minh mới có cơ hội thuận lợi để lôi chủ thuyết cộng sản tàn ác đến với dân tộc Việt Nam. Vì đi đôi với sự nghèo đói là dốt nát, dân chúng đang đói khổ nghe lời rỉ tai về “một xã hội công bằng dân chủ không có cảnh người bóc lột người…” ai mà chẳng ngỡ mình đã gặp được đấng cứu tinh, mà họ có ngờ đâu giúp họ là đang rước “ác quỉ” vào nhà mình.

“Rau nào sâu nấy”, không biết bi kịch “chính trị - xã hội - tôn giáo” diễn ra cho dân tộc lần này dưới “triều đại” công sản là lần thứ bao nhiêu trong lịch sử bốn ngàn năm đất nước?

Cuộc chiến “nồi da xáo thịt” Bắc – Nam mà những người Cộng sản cho là chính nghĩa nhưng nay lấy gương soi nhìn lại mục đích “giải phóng quê hương” ấy thì… than ôi! Trên một triệu người chết để đuổi đưọc người Mỹ ra khỏi đây, nhưng lại cũng cái chính quyền Cộng sản ấy và nay còn kéo thêm 80 triệu dân đang phải lệ thuộc vào nước Mỹ hơn bao giờ hết. Nếu không có thị trường nước này cứu cho gần 10 tỷ USD nhập siêu từ “đàn anh” Trung Quốc hằng năm, thì không hiểu nên cái nền kinh tế thị trường “made by CH-XHCN-Việt Nam” này còn lao đao đến cỡ nào?

Vậy vì cớ gì mà hàng triệu mạng người đã phải hy sinh vô lý để phong tặng hai chữ “anh hùng” cho đảng cộng sản, để rồi họ “ngủ mê” với hai chứ ấy khiến đất nước đến nay vẫn chưa có độc lập, tự chủ thật sự?

Sau chiến tranh, cũng vì sợ dân chúng biết nhiều về tình hình dân chủ ở thế giới bên ngoài mà đảng Cộng sản Việt Nam cấm đoán, hạn chế các quyền tự do của người dân, bức bách tôn giáo và trường học được dùng làm nơi tuyên truyền bao điều giả dối cho các thế hệ trẻ y hệt thời phong kiến. Họ “có công” chẳng thua kém gì mấy ông vua trên trong việc làm nghèo nàn lạc hậu đất nước ngày trước, khiến cho đạo lý xã hội và những giá trị tinh thần cao quí bị xói mòn nghiệm trọng.

Nhìn ra thế giới bên ngoài, việc tranh giành tài sản với các tôn giáo là điều rất hiếm khi nghe xảy ra ở các nước Âu Mỹ Úc. Lãnh đạo các quốc gia này cũng chẳng bao giờ đi rêu rao với thiên hạ về tự do, dân chủ. Bởi họ hiểu đó là những quyền căn bản mà mọi người đều được hưởng đi đôi với nghĩa vụ công dân, chẳng những họ không có quyền ban phát mà còn phải lo bảo vệ nó.

Trong khi ở xứ mình thật đúng như câu nói của ông bà xưa “thùng rỗng kêu to”, mấy chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” gắn liền bên dưới tên nước trên mọi loại giấy má nghe rất là “kêu” nhưng thực chất chỉ dùng để “khoe mẽ”, chẳng những thế có khi nó còn phản tác dụng với người hiểu biết và tinh tế. Vì sao cần phải gắn chúng cạnh tên nước nếu chẳng phải lý do chúng đang sắp… “tuyệt chủng”?

Sống trong một xã hội tôn ti trật tự mọi thứ ngày càng “bát nháo”vì phải tuân theo những điều giả dối, trong nước hiện ngày càng có nhiều người tự “cứu rỗi” mình tìm về với cội nguồn tôn giáo, đảng viên cũng tỏ ra rất “sốt sắng” đi chùa trong những dịp lễ tết.

Đảng Cộng sảnViệt Nam tất nhiên biết rõ đây là dấu hiệu “bụt Hồ” đã hết thiêng, bởi vậy mới có chuyện họ bật đèn xanh cho các báo “kiếm chuyện” với những chiếc xe công mang biển số xanh xuất hiện ở chùa ầm ĩ trên các báo một dạo sau Tết vừa qua, lý do bảo là lãng phí nhưng thực ra là để “dằn mặt” những quan chức, đảng viên nào rục rịch mò đến các chùa chiền.

Nhưng “thua keo này bày keo khác”, mặc kệ cho dân chúng nhiều nơi còn nheo nhóc nền kinh tế đang có những dấu hiệu lạm phát nghiêm trọng, đảng vẫn rất rộng lượng, sẵn sàng chi tiền tỷ bảo trợ và tổ chức những lễ hội linh đình mang nhiều màu sắc tôn giáo.

Chuyện những vua Hùng ngày xưa được “tái lên ngôi” dưới triều đại XHCN này là điều trước kia khó ai nghĩ nó có thể xảy ra. Gần đây hơn, là lễ hội tái diễn tế đàn Xã Tắc - lễ hội cuối cùng trong chuỗi lễ hội tại Festival Huế 2008 mà theo một tờ báo mô tả “ lễ hội đã được tổ chức trang nghiêm và trọng thể, khi vương triều Nguyễn suy vong, việc tế tự ở đàn này bị bỏ bê, khu vực quanh đàn bị lấn chiếm v.v…“ nghe thật cảm động. Điều ly kỳ với lễ hội này cũng theo các báo là hàng trăm em ăn xin bị hốt về đồn nhốt suốt thời gian Festival diễn ra để khỏi “làm phiền” du khách, sau khi xong việc lại được thả về lại hè phố như thể thả hổ về rừng vậy.

Với cách làm mang nặng tính đối phó như vậy càng bộc lộ rõ hơn bản chất lưu manh của đảng Cộng sảnViệt Nam, chỉ xem trọng hình thức che chắn bề ngoài hơn giá trị đích thực về đạo lý.

Ban Tôn giáo Chính Phủ hay “lò tái chế” đạo?

Người Việt Nam mình có tiếng là thông minh tháo vát. Ở những nước giàu người nào việc nấy, trong công việc không có chuyện đem râu ông nọ cắm cằm bà kia, còn dân mình vì phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thiếu thốn mà trở nên giỏi ứng phó

Dưới “triều đại” XHCN lầm than thời bao cấp, đức tính cao quí ấy càng được đề cao hơn bởi những cuộc thi “phát huy sáng kiến” mặc dù hiệu quả vá víu nhưng lại được tuyên dương công trạng như những “inventors” phát minh ra các loại sản phẩm mới.

Những về chiếc vỏ Michelin xe lam 3 bánh bị khan hiếm sau 1975 được “cải lùi” bằng vỏ cao su đặc ruột, dầu thắng Lockheed xe tải nghe nói thay bằng xà phòng nước v.v… là những chuyện “cười ra nước mắt” có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có.

Thay vì lãnh đạo đất nước đi theo văn minh tiến bộ như nhiều quốc gia láng giềng, đảng Cộng sản Việt Nam đưa dân chui vào ngõ cụt, phải ráng hết sức giẫy dụa mới thoát ra khỏi, rồi lại tự khen nhau “nhiệm vụ khó khăn nào cũng hoàn thành, trở ngại nào cũng vượt qua” nghe thật nực cười! Bởi vậy dân Sàigòn khi ấy hay mỉa mai những phong trào thi đua kiểu vậy là “phát huy sáng kiến cải tiến cái khổ” (thay vì cải tiến sản phẩm) trước khổ ít, cải tiến rồi còn khổ hơn.

Trong lĩnh vực văn hoá, tôn giáo cũng vậy. Mặc dù thuộc về lĩnh vực đời sống tình cảm tinh thần, tâm linh không dễ gì kiểm soát mọi suy nghĩ của người khác, nhưng đảng cũng làm bằng mọi cách không “tư tưởng HCM” thì cũng “đạo đức cách mạng” hoặc “đậm đà bản sắc dân tộc” v.v…mà mục đích không gì hơn nhằm kềm chế quyền tự do tư tưởng để kiểm soát.

Việc pha chế trong tôn giáo đã có Ban Tôngiáo Chính phủ lo và với mỗi đạo các “thầy lang” trong ban này nghiên cứu rất kỹ từng hoàn cảnh lịch sử, tập tục thờ cúng một cách rất chi tiết và cụ thể và qua đó sẽ bào chế ra những loại thuốc “đặc trị” riêng cho từng tôn giáo. Với đạo công giáo họ đã thực hiện việc này rất công phu vì là tín ngưỡng của một tôn giáo lớn thứ hai trong nước, nếu “chế biến” không khéo làm “hư bột hỏng đường” thô thiển quá sẽ dễ bị phát hiện. Công thức ấy chính là mấy từ “công giáo và dân tộc” nghe quen quen bấy lâu.

Vài năm trước trên mạng internet có xuất hiện một số tài liệu liên quan đến đạo công giáo ở Việt Nam, theo tiết lộ thì ngay từ thập niên 50 sau khi chiếm được miền Bắc, chính phủ của ông HCM khi ấy qua đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội đã nhờ một số linh mục Ba Lan sang Việt Nam một thời gian khá dài để cố vấn cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ thời ấy về các chính sách liên quan đến giáo hội công giáo vì dân chúng Ba Lan hầu hết đều là công giáo và quốc gia này khi ấy là đồng minh của Hà Nội.

Các chi tiết của việc cố vấn này ra sao và nó có ảnh hưởng gì với giáo hội Việt Nam bấy lâu, chỉ những ai trực tiếp tham gia và Ban Tôn giáo Chính phủ mới biết rõ. Tuy nhiên trong năm 2007 vừa qua, khi tin tức về những chuyện làm nội gián cho cộng sản Ba Lan có liên quan đến một số tu sĩ nước này được báo chí công bố, rất có thể đã khiến nhà nước Việt Nam cảm thấy hơi “nhột”.

Về phần giáo hội, tin trên chắc hẳn đã khiến ai nấy đều ngỡ ngàng vì chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” Tuy nhiên từ chuyện này, khi nhìn lại giáo hội mình càng thấy có lý do để tự hỏi, chiêu bài “công giáo và dân tộc” được nói đến bấy lâu liệu sẽ giống với giáo hội Ba Lan?

Chiêu bài “dân tộc” núp bóng đạo công giáo đã đến lúc cần phải chấm dứt!

Hai chữ “dân tộc” được gắn liền với “công giáo” khiến cho mọi người thoạt nghe dễ lầm tưởng vai trò của đạo này được đảng nâng lên tầm vóc quốc gia, được quan tâm ngang hàng với những chuyện quốc gia đại sự khác. Việc ai đó đặt tên cho tờ báo công giáo quốc doanh là “công giáo và dân tộc” cũng không nằm ngoài toan tính này.

Nhưng tiếc cho “thiện ý” của họ vì dân tộc và tôn giáo là hai thế giới hoàn toàn tách biệt nhau. Cả hai tuy đều mang những ý nghĩa tinh thần hết sức cao đẹp và cùng tồn tại trong một quốc gia, nhưng không vì sự chung sống ấy mà có thể hiểu một cách mơ hồ trộn lẫn hai cái tốt lại với nhau vẫn làm nên “sản phẩm” vô hại. Về mặt logic nó chẳng còn đúng như khi ta làm toán, “cộng” đi với “cộng” luôn cho ra giá trị dương.

Bởi kết quả của một sự pha trộn như vậy không còn lệ thuộc vào bản chất tốt xấu hay tính âm dương của từng thành phần mà ý nghĩa của chúng mới là điều cần phải xem xét cẩn trọng.

“Dân tộc” được dùng để chỉ về một tập thể nhiều người có chung giống nòi, biểu hiện bằng sự tương đồng về đặc điểm màu da, vóc dáng, chung một phong tục tập quán và một lịch sử gắn liền với một vùng lãnh thổ nhất định nào đó. Vì vậy ý nghĩa của hai từ “dân tộc” chỉ có giới hạn trong phạm vi một quốc gia, đó là chưa nói đến việc trong mỗi quốc gia còn có thể có nhiều dân tộc hay sắc dân khác nhau cùng chung sống.

Ngược lại, “tôn giáo” vì không được làm nên bởi xương thịt, cũng chẳng có thói quen tập quán như con người, nên không phải mang trên mình bất cứ đặc điểm, đường nét riêng của dân tộc, quốc gia nào. Tầm vóc tôn giáo theo đà phát triển của nhân loại, nay đã vượt ra khỏi biên giới mọi quốc gia. Đạo Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo v.v… đang hiện diện ở khắp các lục địa.

Sự khác biệt rõ như ban ngày là vậy nhưng tại sao đảng Cộng sảnViệt Nam lại cứ muốn pha trộn cả hai chung lại với nhau như pha chế món cooktail để làm gì? Thưa, không gì hơn là nhằm làm giảm bớt tính bao quát và nhạt bớt chất tinh túy của các tôn giáo, biến tôn giáo trở thành một thứ đạo bé nhỏ hơn, nằm lọt trong tầm kiểm soát của chính quyền.

Họ những tưởng cái trò chơi chữ khá “lưu manh” có phần tinh tế ấy sẽ làm khó cho mọi người nhận ra cái bản chất bất lương của họ, vì thế mà cho đến nay đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn đem ra áp dụng. Bằng chứng là mỗi khi có các sự kiện lớn của giáo hội truyền thông trong nước do đảng kiểm soát cần phải đưa tin, chúng ta đều nghe rất quen điệp khúc “giáo hội đồng hành cùng dân tộc” “sống tốt đạo đẹp đời” được nhai đi nhai lại không mệt mỏi.

Mà đồng hành với dân tộc là gì? làm sao có thể đồng hành với dân tộc nếu giáo hội Việt Nam chưa ly khai khỏi tòa Thánh Vatican? “Đẹp đời” là phải tuân phục những gì đảng nói kể cả việc sai nhưng Chúa Giêsu lại bảo “một tôi không thể cùng lúc làm tớ cho hai chủ” hơn nữa đường lối của Hội Thánh cũng chẳng song song cùng chiều với những chính sách họ ít nhất là về các quan điểm tôn giáo, vậy làm sao đẹp cả hai theo ý họ muốn?

Điều này cũng còn lý giải được vì sao các nhà nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc cho đến nay vẫn không chấp nhận việc tòa thánh Vatican chọn và phong chức cho các giám mục mà không tham khảo họ và đây chính là một trong số những trở ngại lớn nhất trong việc thiết lập bang giao mà sau 15 lần gặp gỡ vẫn chưa đi đến đâu.

Vì vậy, con xin các đấng giáo quyền và mọi người có đạo đặc biệt lưu ý đến thâm ý của chính quyền Việt Nam mỗi khi nghe họ dùng hai từ “dân tộc” đi kèm cùng đạo công giáo chúng ta, xin đừng thờ ơ lẫn lầm tưởng đó là điều vinh dự cho giáo hội.

(Một giáo dân Sàigòn)