ĂN XỔI - Ở THÌ

Trước khi vào Nhà Dòng, lam lũ kiếm cơm ngày ba bữa với công việc nhặt nhạnh. Một hôm, Giám đốc gọi vào “tâm sự đời”. Chuyện là sau mấy năm thương yêu ấp ủ thì mấy ông anh bỏ Công ty ra ngoài làm ăn riêng. Giám đốc đau đớn vì đã tin tưởng cũng như hướng dẫn tận tình cho các đệ tử. Ấy vậy mà chúng đã quên ơn của ông, bỏ ông ra ngoài lập công ty riêng. Chia sẻ suy nghĩ của ông về những đệ tử không trung tín như vậy ông chỉ nói với tôi: những người ấy là những người thuộc loại “ăn xổi - ở thì”. Ông còn căn dặn tôi thêm: Sống trên đời phải có trước có sau, phải có nhân có nghĩa.

Nghe cụ giám đốc đầy tình thương, đầy lòng mến với dưới cấp nói câu đó tôi thấy chạnh lòng với anh. Những người ấy phải chăng là những người quên đi ơn nghĩa của ông, lập công ty khác cùng làm ngành nghề ấy để cho ông phải đóng cửa công ty của mình, để phá đi những gì mà ông đang có.. Những người ấy đã sống vội vã, làm ăn chụp giựt.

Nhớ lại câu nói “ăn xổi - ở thì” của cụ giám đốc ngày xưa nhìn lại những sự kiện vừa qua đã, đang diễn ra trong xã hội tôi trộm thấy ngày nay có quá nhiều và quá nhiều người sống theo cái lố “ăn xổi - ở thì” chứ không cứ gì vài ba đệ tử của cụ giám đốc xưa kia.

Công Viên Hàng Trống và Công Viên 178 Nguyễn Lương Bằng là một điển hình được những người thuộc loại “ăn xổi - ở thì” xây dựng một cách mau lẹ đến chóng mặt như vậy. Hai công viên ấy nếu gửi danh sách được xây dựng nhanh nhất thế giới thì chắc chắn đoạt không chỉ đạt giải nhất mà còn được thêm giải đặc biệt. Hậu quả của “ăn xổi - ở thì” ở 2 công viên đấy chắc không cần nói nhiều ai ai cũng biết cả.

Chuyện ô nhiễm môi trường là chuyện khẩn cấp trong những ngày này nhưng hình như người ta cũng chỉ giải quyết nó ở cái mức độ “ăn xổi - ở thì” mà thôi.

Con sông Thị Vải, hàng trăm ngàn con người sống cạnh dòng sông đen đang ngày đêm cất tiếng kêu ai oán lên những ngành, những cấp có chức năng nhưng chẳng hiểu tại sao tiếng kêu ai oán đó đã bị dập tắt từ khi Bộ Môi Trường lại quyết định cho Vedan hoạt động. Tờ báo vietnamnet.vn đã đưa tin:

- Kết quả xét nghiệm mẫu nước thải tại khu vực bể bán âm và bồn chứa của Công ty Vedan cho thấy các thông số về độ màu, COD, BOD5... tỷ lệ vượt từ 10 cho đến 2.000 lần, cá biệt lên tới 3.675 lần

- Vedan, 14 năm âm thầm "giết" sông Thị Vải...

- Mỗi tháng Vedan "đầu độc" sông Thị Vải bằng 105.600m3 nước thải.

Trên đây chỉ là vài thông tin “nho nhỏ” mà vietnamnet.vn trích dẫn thôi, còn nhiều tờ báo và nhiều cơ quan hữu quan nói về Vedan, nói về dòng sông Thị Vải.

Và Vedan chỉ là một trong không biết bao nhiêu vụ án về môi trường đang được phanh phui. Còn nhiều và nhiều công ty nữa đang nằm trong danh sách vi phạm như công ty Hào Dương (Tp. HCM), Cty TNHH TM & SX giấy, bao bì Trường Sơn (thị trấn Thủ Thừa); Cty Đa Năng, Xí nghiệp chế biến trái cây Foodtech; Cty TNHH Royal, Cty cổ phần Mía đường Hiệp Hòa... (Long An), Cty TNHH thương mại Đức Giang, Cty CP nhập khẩu hoá chất và thiết bị Kim Ngưu, Cty CP hoá chất VietChem (Hà nội)…

Mới đây, người ta lại phát hiện “vùng đất chết” ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh – Thành phố HCM và Tân Phú Trung - Củ Chi.

Đã là công dân đất Việt, đã là con người Việt Nam thì ai ai cũng yêu nước thương dân cả. Không ai không chạnh lòng khi nhìn thấy nước mình nghèo, dân mình khổ cả. Có những chuyện làm cho dân nghèo dân khổ do thiên tai, tai ương thì chẳng ai biết trước được nhưng có những chuyện người ta biết trước dân khốn khổ vì quyết định của những người có trách nhiệm thì đau lòng lắm !

Thế hệ những người đang cầm cân nẩy mực, đang cầm quyết định vận mệnh đất nước này rồi sẽ qua đi nhưng những thế hệ con cháu sau này sẽ phải gánh những hậu quả khôn lường do cách hành xử “ăn xổi - ở thì” của một số quyết định mang đậm chất ai oán lòng người. Trước mắt thì không biết bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu xí nghiệp, bao nhiêu khu chế xuất mọc lên và đưa về quá nhiều nguồn lợi trước mắt nhưng nhìn về lâu về dài hậu qủa để lại cho môi trường cũng chẳng kém chút nào cả.

Chục năm về trước, đất nước còn nghèo, còn thiếu thốn nhưng vẫn có nguồn nước sạch, có môi trường sạch để cung cấp cho con người. Ngày nay, đất nước khá lên nhưng tìm đâu còn có bầu không khí sạch, tìm đâu được nguồn nước sạch.

Thời gian sẽ qua đi, con cháu còn ở lại. Chắc có lẽ chúng sẽ ngân nga tiếng ca ai oán do cha ông chúng đã quyết định nhiều chuyện một cách “ăn xổi - ở thì”. Dù có oán, có hận đi chăng nữa nhưng thực tế môi trường mà chúng đang sống là môi trường độc hại do cha ông chúng để lại. Tưởng chừng cha ông để lại cho con cháu những gia sản quý báu nào ngờ gia sản quý ấy lại là môi trường quá ô nhiễm, quá nhơ bẩn.