Bức tâm thư gửi Luật sư Lê Trần Luật

Anh Lê Trần Luật thân mến

Đến hôm nay, tôi mới viết được mấy dòng này để gửi tới anh, dù những khó khăn anh đã gặp phải không chỉ mới vài ngày gần đây. Nhưng xin hãy hiểu và thông cảm cho nhau nhiều khi con người ta vẫn phải chấp nhận câu nói “lực bất tòng tâm”.

Chắc anh hiểu, để có thể nói lên những lời nói chân thành, trung thực với nhau nhiều khi cũng không phải dễ dàng. Càng khó hơn khi chúng ta muốn nói lên những điều dựa trên Sự thật, Công lý. Sự dối trá và bạo lực trong xã hội đang chúng ta đang sống lại quá nhiều, nhiều khi, để nói lên được những sự thật trong cuộc sống, thật khó lắm thay.

Gửi tới anh những dòng này là điều cách đây chỉ mấy ngày thôi tôi chưa hề nghĩ tới. Bởi, tôi vẫn cứ nghĩ rằng trên con đường ra toà ngày mai của giáo dân Thái Hà, sẽ có anh đi bên cạnh. Dù anh là một người không ở trong đạo Công giáo, nhưng những giáo dân vẫn tin tưởng và giao phó cho anh một nhiệm vụ: Bảo vệ quyền lợi cho họ theo các quy định của pháp luật trước một phiên toà mà họ là bị cáo. Họ muốn được anh hướng dẫn họ những thủ tục, những hiểu biết pháp luật để hành xử trong môi trường của một nhà nước được gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, nhất là trong vụ án này.

Những tưởng rằng, đó là việc làm bình thường của một luật sư, nhưng quả thực cuộc sống không hề đơn giản, phải vậy không anh?

Những ngày qua, anh trở thành nổi tiếng trên các diễn đàn thông tin nhiều chiều, chính thống và không chính thống. Ở đó, nội dung thông tin về anh hầu như trái ngược.

Các báo của nhà nước nói anh là một con người không trung thực, một người dối trá, ăn quỵt, lừa đảo và nhiều những điều khác nữa… Nhưng trên các trang thông tin khác, anh lại là con người dũng cảm, can đảm, được sự tin tưởng và yêu mến của những người dân thấp cổ, bé họng và những người cần lao. Những người đó đang đứng bên anh và chính họ tự do, tự nguyện nói lên những điều đó.

Thôi, sự đời nhiều khi cũng đành phải để cho thực tế và thời gian phán xét, miệng lưỡi thế gian nhiều khi còn cay hơn cả ớt, sắc hơn cả dao cau, thậm chí còn độc ác hơn cả những loài rắn độc. Cha ông ta đã từng nói:

Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm

Trời còn luân chuyển, huống chi mồm thế gian.

Chắc anh đã có quá nhiều kinh nghiệm với điều này trong suốt quá trình anh đã sống, nhất là những ngày vừa qua?

Với tôi, sự kiện Thái Hà đã đưa anh đến với những người dân công giáo chúng tôi, và cũng từ sự kiện đó tôi được biết anh. Thời gian biết nhau chỉ mới mấy tháng, số lần gặp nhau chỉ mới vài ba lần, chưa đếm nổi trên đầu ngón tay của một bàn tay. Nhưng cũng như bao giáo dân Việt Nam và những người dân bình thường khác, ở anh có nhiều điều không dễ quên.

Nghĩ lại, anh cũng chỉ là một luật sư như muôn vàn luật sư khác, được học hành và sống bằng nghề nghiệp mình đã chọn, kiếm sống bằng trí tuệ sức lao động của mình. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, nghề đó cũng không phải là ít người.

Phải chân thành mà thừa nhận rằng: Trong xã hội, kể cả nghề luật sư của anh cũng không thiếu những người có thể coi là nhiều kinh nghiệm và tài giỏi hơn anh, nhưng chẳng ai biết đến họ. Thậm chí, còn có những người được người ta biết đến với sự khinh bỉ và coi thường.

Nhưng, anh đã trở thành một người nổi tiếng, một hiện tượng được nhiều người quan tâm. (Dù tốt hay xấu, thì chúng ta sẽ có thời gian để đánh giá, người đời sẽ có cái nhìn khách quan hơn sau những cơn xúc động cá nhân của mình, khi những sự thật trắng đen được chỉ rõ, vàng, thau không còn lẫn lộn, tôi tin là có ngày đó).

Điều đọng lại trong tôi và trong những người đã gặp anh, đó là sự dũng cảm hi sinh cho những nhu cầu tối thiểu trong một xã hội: Được sống trong một xã hội bình đẳng, mọi người cùng nhau đoàn kết, xây dựng đất nước này ngày càng ấm no, hạnh phúc và hùng cường. Chỉ đơn giản vậy thôi mà đã làm anh trở thành người nổi tiếng.

Qua đó, thật đáng suy nghĩ nhiều điều phải không anh? Trong một đất nước chúng ta với hơn 84 triệu dân, đầy đủ những gương mặt anh tài, đầy đủ tầng lớp trí thức, sỹ phu… học hành bằng cấp có đủ cả, thậm chí học tây học tàu cũng không thiếu. Đất nước chúng ta đã từng được tự hào khi nói về những sỹ phu Bắc Hà nêu cao khí tiết trong lịch sử. Những người dân Nam bộ chân chất “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc” ngày xưa.

Nhưng ngày nay, có một luật sư chấp nhận chịu đựng những khó khăn và nhiều gian nan đứng ra bảo vệ những người Công giáo, những giáo dân Thái Hà đang đòi sự thật, công lý đòi luật pháp được thực thi qua hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm hiện nay, đã trở thành người nổi tiếng.

Phải chăng, nghĩ cho cùng, đó là một điều lạ, một sự lạ lùng mà ngay cả chính bản thân anh cũng không hề muốn? Đơn giản là vì đã quá ít ỏi những con người như vậy trong xã hội mình.

Anh Luật thân mến,

J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Những ngày đã qua và những ngày tới, điều gì sẽ đón đợi anh, có thể nhiều người đã nghĩ tới. Dù trong hoàn cảnh nào thì cũng cần nói lên điều này: Anh sẽ luôn cảm thấy thoả mãn và không ân hận với những việc mình đã làm vì sự thật, vì công lý.

Với những người Công giáo chúng tôi, sự hi sinh vì sự thật, vì công lý… đó là một nghĩa vụ và một mệnh lệnh, một niềm tin. Nhưng với những người không hoặc chưa là người Công giáo như anh, sự hi sinh này lớn lao hơn nhiều, bởi nó là lương tâm và lẽ sống. Đó là điều mà không có mấy người có được, khi xã hội đang trong cao trào suy thoái nhiều mặt: Kinh tế, đạo đức, lối sống. Vì vậy, những người Công giáo và không Công giáo càng kính trọng anh nhiều hơn.

Anh Luật thân mến,

Cũng như anh, tôi cứ nghĩ ngày mai, khi các giáo dân, các đồng đạo của mình ra Toà, tôi sẽ có mặt bên cạnh họ như một sự động viên, an ủi họ trong lúc khó khăn, cho họ đỡ cảm thấy đơn độc.

Nhưng với cả tôi, điều đó cũng không còn được là hiện thực. Ngày mai, khi các giáo dân ra Toà, tôi phải có mặt ở Cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hà Nội theo giấy triệu tập để “Hỏi về nội dung một số bài viết trên mạng internet”.

Giấy triệu tập
Như đã bao lần “làm việc” với họ từ trước đến nay, tôi đều khẳng định rằng: Đó là những sự thật, những điều tôi viết ra là những suy nghĩ chân thành của mình. Tôi muốn tìm một lối ra, một cách giải quyết hợp lòng dân, đượm tình người trong những sự việc vừa qua. Đặc biệt, tôi phản đối những việc làm dối trá, kỳ thị và chia rẽ đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để ngày càng hèn kém đi trước sự nhăm nhe xâm lấn của ngoại bang.

Nhưng, như anh đã biết, nhiều khi những điều mình cho là tốt, chắc gì đã hợp với người khác? Ngày nay, sự lẫn lộn trắng đen vẫn thường diễn ra ngay cả trong những điều tưởng như đơn giản nhất. Vì vậy mà vẫn có những sự việc như ngày hôm nay.

Ngày hôm nay, khi các giáo dân, các thân chủ của anh đứng trước Toà, anh ngồi vọng từ Miền Nam ra đất Bắc khắc khoải nhớ về họ. Còn tôi, khi các đồng đạo của tôi đang trước vành móng ngựa của một phiên toà “công khai”, dù ở ngay Thành phố Thủ đô này, lại chỉ có thể cầu nguyện cho họ trong trụ sở Công an Thành phố Hà Nội.

Anh Luật thân mến

Với những người Công giáo chúng tôi, chúng tôi tin chắc chắn ở một điều: Công lý, Sự thật sẽ chiến thắng mọi rào cản và trở lực. Bởi Thiên Chúa, đấng tối cao sẽ nghe những lời khẩn cầu tha thiết từ nguyện vọng được sống trong an bình, trong ánh sáng của Chân lý, sự thật và lẽ công bằng của người dân nước Việt chúng ta. Để có những điều đó, đâu có phải giản đơn mà không chấp nhận khó khăn, gian khổ. Chính vì vậy, mới có những con người hùng dũng và họ đang là thân chủ của anh ra trước phiên toà ngày hôm nay. Như anh đã biết, họ ra trước toà hoàn toàn tự nguyện chấp nhận những khó khăn và gian lao như một niềm vui của sự tận hiến.

Những người Công giáo chúng tôi sẵn sàng chết cho điều mình tin, và coi đó là Hồng phúc của mình. Vì vậy, những khó khăn, gian nan gặp phải, nhiều khi chính là những Hồng ân Thiên Chúa đã ban tặng, và chúng tôi vẫn lạc quan, yêu đời trong tình yêu thương.

Lịch sử Công giáo trên đất nước này cũng đã chứng minh điều đó hết sức sống động.

Nhưng, những người chưa, hoặc không Công giáo như anh, đã hi sinh vì đơn giản chỉ là lương tâm và là lẽ sống, tình người, gặp những gian nan trắc trở, khó khăn trong cuộc sống, anh lấy gì để làm niềm tin hôm nay?

Phải chăng anh, chúng ta đã cùng tin những điều mà chúng ta đã được nghe, được đọc để hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn? Tôi chưa hiểu những điều này anh đã đọc nhiều chưa, nhưng tôi đã đọc những lời này nhiều lắm. Cũng chính vì đã đọc những lời này, mà tôi thấy mình tự tin hơn để nói lên sự thật. Đó là:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối”. (http://vietnamnet.vn/vanhoa/2007/02/662935/)

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói trong cuộc họp tổng kết năm 2005 của Hội đồng lý luận được chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam đưa ngày 24/01/2006: “Tôn trọng những ý kiến khác biệt”

Ông Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên BCT, nguyên Bí thư thành uỷ Hà Nội cũng nhắc lại tại cuộc mít tinh kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng 3/2 tại Hà Nội: “Sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác nhau” của các tầng lớp nhân dân.

Tôi từng nghe một cán bộ công an hàm Trung tá nói: Có những sự thật nói ra sẽ là tội ác. Nhưng tôi nghĩ rằng dù sự thật có đau đớn bao nhiêu cũng còn hơn gấp vạn lần sự dối trá, kể cả sự dối trá ngọt ngào.

Anh Luật thân mến,

Ngày hôm nay, giáo dân sẽ lại đứng trước vành móng ngựa một lần nữa với những bộ y phục tuyệt đẹp, ngẩng cao đầu để nhìn lên Thiên Chúa, hi vọng Sự thật, Công lý, Hoà Bình sớm được thành hiện thực. Tôi tin họ có đủ lòng tin nơi mục đích họ đã nhắm đến, tôi tin là họ sẽ thấy hạnh phúc và không cô đơn dù không có anh bên cạnh, không có tôi bên ngoài hàng rào, bên lề đường để hiệp thông cùng họ trong những khi khó khăn cho trọn nghĩa một người đồng đạo.

Nhưng, tôi xin nguyện cầu cùng Thiên Chúa sẽ quan phòng và luôn gìn giữ anh trong cuộc sống, trong những công việc chính nghĩa anh đã làm vì Sự thật, vì Công lý và vì những người dân nghèo khổ.

Tôi cũng tin rằng, trong những lời kinh tiếng hát vang lên của cộng đồng cầu nguyện cho 8 giáo dân Thái Hà ngày hôm nay, cũng sẽ có lời cầu nguyện cho anh.

Hà Nội, vài giờ trước phiên Toà Phúc thẩm, 27/03/2009

J.B Nguyễn Hữu Vinh