Đọc bản báo cáo toàn diện về dự án khai thác bô-xít nhôm của chính phủ gửi quốc hội tôi thấy có nhiều thông tin mang tính chất cảm giác và thiếu hẳn tính khoa học. Tỉ dụ như về giá thành của nhôm trong vòng 20-30 năm tới theo chính phủ dự báo là sẽ tăng. Điều này hoàn toàn không có dẫn chứng.

Chỉ làm một cái phản biện nho nhỏ có thể thấy được sự rủi ro: hiện giờ công nghiệp tái chế biến rác thải đang trở thành một giải pháp được các nước công nghiệp phát triển ưa thích. Tại các nước này, rác thải được phân loại và tái chế biến một cách tối đa, từ vỏ chai nhựa thủy tinh, tới lon nhôm, kim loại đều được tận dụng triệt để.

Nền công nghiệp xanh đang được phát triển và áp dụng nhanh chóng nhằm hạn chế sự bóc lột môi trường thái quá, nhất là giảm thiểu sự lệ thuộc vào tài nguyên không tái tạo. Giá nhôm trên thị trường thấp tới mức ngạc nhiên như hiện nay là một dấu hiệu cho thấy sự bão hòa nhu cầu loại nguyên liệu này.

Hơn nữa việc lấy tuổi đời của các công trình khai thác nhôm 50 năm để làm bảo đảm rằng giá nhôm sau 50 năm nữa sẽ tăng là hoàn toàn thiếu cơ sở. Năm mươi năm là một thời gian rất dài, đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát triển thay đổi từng ngày với biết bao nhiêu biến động thì ai cũng thấy rõ là không có gì đảm bảo rằng giá nhôm sẽ luôn tăng trên thị trường. Các nhà lãnh đạo quên mất một điều rằng nhôm khác với dầu thô. Nếu như giá dầu thô luôn có xu hướng tăng vì là nguyên liệu không thể tái sử dụng, thì nhôm lại là một loại nguyên liệu có thể tái sử dụng với hiệu năng rất cao gần như có thể trên 90%.

Cũng thế, trong vòng năm mươi năm có thể nhân loại đã chứng kiến sự ra đời của các loại công nghệ xanh rất thân thiện với môi trường. Công nghệ giấy, công nghệ nhựa, công nghệ gỗ đã và đang phát triển cả về kĩ thuật cũng như phạm vi áp dụng vì những công nghệ này đều thuộc loại công nghệ tái sử dụng.

Một trong những công nghệ tái sử dụng vĩ đại nhất, bền vững nhất và tuyệt vời nhất là công nghệ du lịch và đây lại chính là điểm mạnh của Tây Nguyên mà các nhà hoạch định quốc gia lãng quên. Tây Nguyên nổi tiếng với rừng ngàn, thác bạc, với “cái nắng cái gió không mang tên” vì rất là độc đáo không nơi nào có.

Tây Nguyên còn nổi tiếng với nền văn hóa Tơ-rưng, nền văn hóa buôn bản rất sâu sắc và gắn quyện với thiên nhiên. Chỉ cần nghe tiếng đàn Tơ-rưng cũng cảm thấy được tiếng suối trong trẻo ngân nga, chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng cũng đã cảm nghiệm được hồn thiêng rừng núi âm vang. Đây chính là thế mạnh cần khai thác của Tây Nguyên chứ không phải là những dự án bóc đi da thịt và bóc đi tâm hồn của Tây Nguyên.

Đại dự án khai thác nhôm Tây Nguyên tiểm ẩn một nguy cơ lớn, vì những núi tiền đổ vào dự án này sẽ phá vỡ những liên hệ giữa quy luật tự nhiên và xã hội đã gắn kết với nhau từ lâu trên vùng đất này.

Sự bấp bênh của giá nhôm thành phẩm, vốn đầu tư hạ tầng khổng lồ, giá trị văn hóa bị “nhôm hóa,” giá trị du lịch bị lãng quên…tất cả tạo nên nguy cơ rủi ro lớn. Chỉ hình dung một cách đơn giản, một khi tuyến đường sắt vắt ngang những sườn núi Tây Nguyên chạy xuống vùng duyên hải được khởi công, nó sẽ kéo theo sự mất mát của các dải rừng nguyên sinh. Các khu vực dân sinh mọc lên dọc theo tuyến đường sắt cũng báo trước những khó khăn về bảo vệ rừng đầu nguồn. Liệu thành phố Hồ Chí Minh có bền vững trong mùa lũ khi mà rừng đầu nguồn mất đi? Liệu các lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có bị nhiễm kiềm khi các mạch nước đầu nguồn từ Tây Nguyên được dùng để rửa nhôm?

Thêm vào đó việc bảo dưỡng cho một tuyến đường sắt leo đỉnh núi là một trang trải khổng lồ. Liệu giá thành nhôm có bù nổi?

Núi tiền khổng lồ mà chính phủ đầu tư vào Tây Nguyên sẽ chắc chắn mang lại lợi ích thiết thực và bền vững nếu như được đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, phát triển văn hóa và quảng bá du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nơi vùng đất có một không hai này. Những dự án này bền vững hơn nhiều, lợi ích thì nhãn tiền và mang lại hiệu quả nhanh chóng trong khoảng một thập kỉ, không cần phải đợi tới năm mươi năm sau mới kết luận lỗ hay lãi. Đây mới chính là những dự án đặt con người làm trọng tâm, thay vì dự án khai thác bauxite lấy con người phục vụ cho các lợi ích kinh tế.