Tin Zenit ngày 26 tháng Năm cho hay Đức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Florence, Ý, là Đức Cha Giuseppe Betori nhận định rằng hiện đang có một cuộc đối thoại căn bản giữa đức tin và lý trí, và ta có thể dùng một hội nghị quốc tế về Galileo để chứng minh điều vừa nói.

Đức Cha Betori phát biểu điều trên khi lên tiếng trước một hội nghị đang diễn ra tại Florence với chủ đề: “Vụ Galileo: Một Tái Xét có tính Lịch Sử, Triết Học và Thần Học”. Cuộc hôị nghị này được khai mạc vào ngày 26 tháng Năm tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá, nơi Galileo được chôn cất. Hội nghị này do sáng kiến của Qũy Niels Stensen của Dòng Tên, và là một phần trong các cử hành nhân Năm Quốc Tế Thiên Văn do UNESCO bảo trợ.

Tổng thống Ý là ông Giorgio Napolitano cũng hiện diện trong lễ khai mạc nói trên. Tại Hội Nghị này, 33 diễn giảng sẽ góp tiếng, với sự tham dự của 18 định chế quan trọng, trong đó có Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học, và Đài Quan Sát Vatican.

Theo tường trình của tờ L’Osservatore Romano, Đức TGM Betori lên tiếng về Galileo và Giáo Hội. Ngài quả quyết rằng vụ án của ông cả hàng mấy thế kỷ qua vẫn được người ta coi như “một hiểu lầm bi thảm và hỗ tương”. Ngài cho hay ngài muốn Năm Thiên Văn “tái lập và tái trình bày một cách sáng tạo cuộc đối thoại căn bản vốn hiện hữu giữa đức tin và lý trí, xét từ viễn ảnh hợp tác thường xuyên giữa Giáo Hội và các định chế nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế và thăng tiến xã hội”.

Theo ngài, “Đức tin không lớn lên bằng việc bác bỏ lý tính, mà đúng hơn tự tích nhập mình vào một chân trời rộng lớn hơn của lý tính”. Khi lý trí tách rời khỏi đức tin, thì nguy cơ sẽ xẩy tới là nó sẽ “bị rút gọn lại chỉ còn là tính toán và duy nhất ước đoán lợi ích mâu thuẫn” mà thôi. Trong trường hợp này, lý trí “thường không ý thức hay để cho mình ra mù lòa, không nhìn ra các vấn đề sinh tử, các giá trị căn bản và tình huống nhân bản quan yếu”.

Đức TGM Betori cũng cho rằng hội nghị về Galileo “không những có giá trị cao về văn hóa và biểu tượng, mà nó còn cho thấy hiện vẫn có những điều kiện để ta chia sẻ một cách xây dựng các trách nhiệm, trong khi vẫn ý thức được các vai trò và trách vụ của nhau”. Cuộc hội nghị này sẽ chấm dứt vào ngày 30 tháng Năm này.

Ý niệm phát sinh

Tư liệu của ban tổ chức hội nghị thuật lại món quà gửi cho hoàng thân Flanders là Maurice thành Nassau vào năm 1609 với hàng chữ ghi chú “một chiếc kính thám thính chế tạo cách khéo léo đến độ làm cho những vật ở một khoảng cách rất xa cũng có thể nhìn thấy thật gần”. Trong thư gửi cho người em rể ấy, Galileo đã dùng mấy lời trên để mô tả món đồ chơi đang làm ông hết sức chú tâm. Chỉ sau đó không lâu, món đồ chơi ấy đã trở thành một dụng cụ cách mạng thay đổi căn để ý niệm về thế giới vật lý, sản sinh ra một cái nhìn vũ trụ hết sức mới mẻ.

Galileo là người đầu hết đã trực giác được cách sử dụng “bất thích hợp” món đồ chơi trên. Ông đã hướng nó lên bầu trời để quan sát những vì tinh tú xa xăm, và từ đó đã kích thích trí tưởng tượng và óc tò mò của không biết bao nhiêu con người sau ông.

Sau khi hiểu rõ cơ phận vận hành của món đồ chơi ấy, Galileo bèn tái sản xuất nó, áp dụng hai lăng kính vào hai đầu một chiếc ống, một lăng kính với một mặt phẳng còn mặt kia cong lõm (concave) đặt gần mắt quan sát, lăng kính kia với một mặt phẳng mặt kia cong lồi (convex) đặt ở phía đối diện.

Dụng cụ được chính Galileo chế tạo đó cho phép khuếch đại sự vật quan sát lên tới 8 lần, do đó tự chứng tỏ là tốt hơn bất cứ “kính thám thính” nào của Miền Xứ Thấp (Hòa Lan). Vào ngày 21 tháng Tám năm 1609, Galileo đem dụng cụ mới biến chế tới Venice để gây ấn tượng đối với một nhóm qúy tộc; ông tổ chức một buổi trình diễn trên đỉnh tháp chuông Nhà Thờ Thánh Marco và ba ngày sau, dâng nó cho Pháp Quan (Doge) làm quà, nhấn mạnh tới giá trị lớn của nó về phương diện quân sự, cả cho hải quân lẫn lục quân. Theo ông, trong trường hợp bị quân ngoại quốc tấn công, chỉ cần nhìn vào dụng cụ này cũng có thể thấy trước đường tiến quân của địch cả mấy giờ đồng hồ và nhờ thế tổ chức được tuyến phòng thủ và phản công kịp thời. Để tưởng thưởng cho thành công khoa học này, chính phủ của Cộng Hòa Venice đã ban tặng ông một chức vụ suốt đời tại Đại Học Padua, với lương một nghìn Florins một năm.

Để khai triển hơn nữa dụng cụ này và để tạo ra một dụng cụ có thể giúp ông khuếch đại sự vật ở xa lên 30 lần, Galileo muốn có những lăng kính mà không nhà tạo kính nào lúc đó có thể thực hiện được. Do đó, được khuyến khích nhờ đã thành công chế ra các dụng cụ khác (La bàn hình học và quân sự, một nhiệt kính [thermoscope], nam châm “quân sự”), ông bắt tay chế tạo một “viễn vọng kính” (telescope) để quan sát bầu trời.

Nhờ viễn vọng kính này, trong khoảng từ 1609 tới 1610, Galileo đã khám phá được một loạt các chi tiết, được dần dần và sâu sắc đem ra thảo luận chung quanh ý niệm hiện hành về vũ trụ của trường phái Aristốt và Ptôlêmê.

Galileo quan sát Mặt Trăng, Dải Ngân Hà, Sao Mộc (Jupiter), Sao Thổ [Saturn] “ba thân”, các giai đoạn của Sao Kim (Venus) cũng như những đốm mặt trời. Tháng Ba năm 1610, tại Venice, cuốn Sidereus Nuncius (Sứ Giả Tinh Cầu) được xuất bản, trong đó, Galileo công bố với toàn thế giới những khám phá phi thường đầu tiên do ông thực hiện được nhờ dùng viễn vọng kính; quan trọng hơn nữa, tác phẩm này còn là một điển hình trong vấn đề truyền thông khoa học hiện đại.

Truyền thống Aristốt và Ptôlêmê, theo đó, vũ trụ được phân chia thành hai lãnh vực với hai bản chất khác nhau (một lãnh vực bên dưới Mặt Trăng, trong đó, các yếu tố liên tục thay đổi, và lãnh vực kia ở trên Mặt Trăng, trong đó, mọi vật đều bất biến và trường cửu) đã hết khả năng, không giải thích được các hiện tượng do viễn vọng kính của Galileo tìm ra. Không nói, thì biến đổi này đã mang họa lại cho bản thân Galileo.

Đề tài

Sự thật về vụ đó như thế nào sẽ là chủ đích của cuộc hội nghị này, với những đề tài thật sôi động. Ngay ngày đầu tiên, người ta đã được nghe các đề tài ‘nóng bỏng’ rồi: Kiểm duyệt của Giáo Hội và triết học tự nhiên thời Galileo do Vittorio Fraiese trình bày; chủ thuyết Copernic và thần học, do Mauro Pesce trình bày; các thiên thể mới và bản văn thánh, do Maurice Clavelin trình bày; Dòng Tên: Người Chuyển Giao Khoa Học Galileo, do Rivka Feldhay trình bày; Thiên nhiên và Sách Thánh, do Pietro Redondi trình bày; Vụ xử năm 1633, do Annibale Fantoli trình bày; cơ phận kiểm soát xã hội và hệ thống bảo hộ: Gia đình Farnese và Galileo, do Federica Favino trình bày; Galileo và luận điểm của Đức Urbanô VIII, do Luca Bianchi trình bày.

Các đề tài ngày thứ hai không kém nóng bỏng: Vụ Galileo trong Văn Hóa Ý thế kỷ 17, do Franco Motta trình bày; Vụ Galileo trong Văn Hóa Anh thế kỷ 17, do Franco Giudice, trình bày; Các hậu quả đầu tiên của vụ Galileo nơi các nhà phóng túng và triết gia Pháp, do Isabelle Pantin trình bày; Vụ Galileo và suy tư thần học, do Jean-Robert Armogathe trình bày; Hoạt động khoa học theo cái nhìn của các nhà kiểm duyệt của Giáo Hội, từ “Licet ab initio” (1542) tới “Sollicita ac provida” (1753), do Ugo Baldini trình bày; phong trào Ánh Sáng và vụ Galileo do Vincenzo Ferrone trình bày; Vụ Galileo và Văn Phòng Thánh (Bộ Tín Lý ngày nay) 1820-1822: Chấm dứt Cuộc Tranh Cãi?, do Francesco Beretta rình bày.

Ngày thứ ba, 29 tháng Năm, ngày thảo luận cuối cùng, cũng vẫn những đề tài nóng bỏng: Galileo và Bruno “các tử đạo vì Tự Do Tư Tưởng”, do Michele Ciliberto trình bày; Galileo và cuộc thống nạn của Resorgimento, do Massimo Bucciantini trình bày; Vụ Galileo và trường phái tân Tôma của thập niên 1800, do Luciano Malusa, trình bày; Vụ Galileo và vấn đề Thánh Kinh, do Claus Arnold trình bày; việc diễn tả Galileo trong lối vẽ tranh thế kỷ 19, do François de Vergnette trình bày; Galileo và Bellarmino giữa Duhem và Feyerabend, do Jean-François Stoffel trình bày; Galileo thời Quốc Xã, do Volker R. Remmert trình bày; Công đồng Vatican II, Paschini và Galileo, do Alberto Melloni trình bày; và cuối cùng: Galileo bị phán đoán: từ Urbano VIII tới Gioan Phaolô II, do George Coyne trình bày.

Diễn giả

Tất cả 33 diễn giả đều có tiểu sử trong tài liệu của ban tổ chức. Họ đều là các chuyên gia thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Như diễn giả sau cùng vừa kể trên đây, linh mục George Coyne, Dòng Tên. Ngài vốn tốt nghiệp ĐH Fordham năm 1958, với văn bằng về toán học và triết học. Sau đó, ngài còn tốt nghiệp thiên văn học tại ĐH Georgetown vào năm1962. Năm 1976, được đề cử làm Chuyên Viên Nghiên Cứu Cao Cấp tại viện Thí Nghiệm Mặt Trăng Và Hành Tinh (Lunar and Planetary Laboratory) của Trường Đại Arizona. Sau đó, ngài được đề cử vào chức vụ Giám Đốc Đài Quan Sát Catalina của ĐH Arizona, và Phó Giám Đốc của Viện Thí Nghiệm Mặt Trăng và Hành Tinh. Trong hai năm 1979-1980, ngài xử lý thường vụ chúc Giám Đốc Đài Quan sát Steward của Đại Học Arizona kiêm giáo sư tại phân khoa Thiên Văn của ĐH này. Từ 1978 tới năm 2006, ngài là Giám Đốc của viện Specola Vaticana, và hiện là Giám Đốc về hưu của nó. Các tác phẩm mới xuất bản gần đây của ngài bao gồm: Đức Tin và Nhận Thức Hướng Tới Cuộc Hội Ngộ Mới giữa Khoa Học và Thần Học (2007) và với E.Boncinelli, L'Universo e il Senso della Vita. Un Ateo e un Credente: Due Uomini di Scienza a Confronto (2008).

Theo cha Coyne, vào ngày 31 tháng Mười năm 1992, Đức GH Gioan Phaolô II, trong một bài diễn văn, có nói với Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học rằng: “Từ vụ Galileo, có thể rút ra một bài học áp dụng cho thời đại ta ngày nay, xét vì các tình huống tương tự đang xẩy ra bây giờ và sẽ xẩy ra trong tương lai”. Đúng 350 năm về trước, Đức GH Urbanô VIII công bố rằng Galileo đã làm cho mình phạm tội vì “một ý kiến rất sai lạc và rất lầm lỗi và đã đem lại gương xấu cho toàn thể thế giới Kitô Giáo”.

Cha cho hay: Sự tương phản giữa hai phán đoán chính thức của Giáo Hội ấy đối với Galileo, cách nhau 350 năm, quả là lớn lao. Vấn đề là: nó báo hiệu điều gì cho 350 năm sắp đến? Bởi thế bài tham khảo của Cha Coyne không hẳn có tính khoa bảng, nhưng nó nhằm trình bày một phán đoán đối với dĩ vãng và hiện tại hướng tới một tương lai.

Diễn giả trình bày đề tài “Vụ Galileo và suy tự thần học” vào ngày thứ hai cũng là một linh mục, cha Jean-Robert Armogathe, thuộc Tổng Giáo Phận Paris. Hiện nay, cha là Giám Đốc Nghiên Cứu Lịch Sử Các Ý Niệm Tôn Giáo và Khoa Học ở Âu Châu Hiện Đại của Trường Thực Tế Cao Học tại Paris và cũng là thành viên của Hàn Lâm Viện Quốc Tế về Lịch Sử và Triết Lý Khoa Học, chủ nhiệm tập san “Communio». Tại Ý, Cha là thành viên của Úy Ban Khoa Học tại Trung Tâm Nghiên Cứu Descartes và Triết Học về Sáu Trăm Năm tại ĐH Lecce và Ủy Ban Tiến Sĩ tại Phân Khoa Nghệ Thuật và Triết Học tại ĐH “La Sapienza” ở Rôma. Trong các công việc của mình, cha tra cứu sự phát nguyên và khai triển của tư tưởng triết học và thần học thời hiện đại, nhất là về chủ nghĩa Descartes. Trong các công trình gần đây của cha, phải kể: Thế giới Trung Cổ và Xã Hội Chartres (Paris, 1997); Lý Lẽ của Giáo Hội (Paris, 2001); Ba Ngôi Thiên Chúa (Paris, 2001); Thư Mục Descartes (1960-1996) (Lecce 2003); Kitô giả thời Cổ Điển: Khoa Chú Giải và Chính Trị (Paris 2004).

Diễn giả trình bày đề tài: “Galileo thời Quốc Xã” là Volker R. Remmert. Diễn giả này là một nhà toán học kiêm sử gia. Ông hiện dạy lịch sử toán học và khoa học tại ĐH Mainz. Sở thích của ông là nghiên cứu lịch sử khoa học, nghệ thuật và văn hóa tại Âu Châu thời tiền cận đại và lịch sử toán học tại Đức trong các thế kỷ 19 và 20. Các trước tác mới đây của ông bao gồm: Cổ thời, Qúy Tộc và Tiện Ích: Tưởng Nghĩ Các Khoa Toán Học Vào Đầu Thời Cận Đại đăng trong Thủ Bản Oxford về Lịch Sử Toán Học (Oxford 2009); Tự Nhiên và Sách Thánh trong các Tôn Giáo Abraham (Boston 2009)…

Remmert nhận định rằng: trọng tâm bài trình bày của ông là số phận có tính sử và địa dư của Galileo Galilei tại nước Đức thời Quốc Xã. Galileo đóng một vai trò đáng lưu ý đối với việc tuyên truyền của Quốc Xã cũng như việc họ hợp pháp hóa các mục iêu chính trị của họ. Tại Đệ Tam Reich, điển hình lên án Galileo của Giáo Hội Công Giáo vào năm 1633 đã trở thành một biểu tượng cho việc Giáo Hội này chống lại các kết quả “khoa học” mới, tức lý thuyết Quốc Xã về chủng tộc. Sau khi người Công Giáo lên cao điểm trong việc chống lại chủ thuyết chủng tộc của Quốc Xã vào năm 1937, thì vụ án Galileo đã được bộ máy tuyên truyền của Quốc Xã triệt để khai thác nhằm chống lại Giáo Hội Công Giáo.