Bài 4. TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC

Tự bản chất của chúng, tôn giáo và khoa học không thể mâu thuẩn nhau. Muốn giải quyết những mâu thuẩn có thể xảy ra trong thực tế, cần phân biệt lãnh vực riêng của mỗi bên.

1. XÁC ĐỊNH LÃNH VỰC.

Khoa học tìm hiểu định luật của sự vật, nghĩa là giải thích cơ cấu, cách vận chuyển của các vật thể và tương quan giữa các hiện tượng thiên nhiên.

Khoa học có nhiều ưu điểm như : minh bạch, chính xác, chắc chắn, phổ quát. Tuy nhiên phạm vi của khoa học có giới hạn : đối tượng của nó là thế giới vật thể.

Vì thế khoa học không giải đáp được mọi vấn đề. Nó chỉ là một trong những cách nhìn thế giới. Còn có nhiều lối nhìn và hiểu không kém quan trọng và cần thiết khác để bổ túc cho khoa học như : nghệ thuật, thi ca, luân lý, triết học, tôn giáo.

Như đã nói trong một đoạn trên, tôn giáo giải đáp những vấn đề căn bản về nguồn gốc và ý nghĩa của mọi sự, nhất là của con người. Những vấn đề này vượt ra ngoài phạm vi của khoa học.

2. TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC KHÔNG MÂU THUẨN NHAU.

Vì không thuộc cùng một lãnh vực, nhưng thuộc hai phạm vi khác nhau nên tôn giáo và khoa học không thể mâu thuẩn nhau. Nếu trong thực tế có mâu thuẩn thì là bởi có một trong hai bên lấn sang phạm vi của bên kia.

Cùng một người có thể vừa là một tín hữu tốt vừa là một nhà khoa học có uy tín. Nếu mỗi bên tôn trọng phạm vi của bên kia, khoa học và tôn giáo chẳng những không mâu thuẩn nhau nhưng còn có thể hỗ trợ cho nhau.

3. THÁNH KINH VÀ KHOA HỌC.

Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được ghi thành văn. Nội dung của Thánh Kinh là chân lý Thiên Chúa tỏ cho loài người biết để được cứu rỗi. Thánh Kinh không chủ ý dạy khoa học, nhưng dạy chân lý tôn giáo. Vì không chủ ý dạy khoa học nên không thể nói nội dung của Thánh Kinh phản khoa học.

Điều có thể gây ngộ nhận là nhiều khi để trình bày chân lý tôn giáo, Thánh Kinh dùng những kiểu nói thông dụng, những hình ảnh bình dân, những quan niệm khoa học thời xưa, nay đã trở nên lỗi thời.

Ta cần phân biệt nội dung và cách diễn tả của Thánh Kinh. Nội dung của Thánh Kinh có giá trị tuyệt đối. Cách diễn tả thì tương đối, nhiều khi phải hiểu theo nghĩa bóng hợp với ý của soạn giả. Khi dùng các quan niệm khoa học thời xưa để trình bày chân lý tôn giáo, Thánh Kinh chỉ dùng như một phương thế diễn đạt chứ không quả quyết những quan niệm đó đúng hay sai. Vì thế cần có một số hiểu biết chuyên môn (các thể văn, phong tục, tâm lý Do Thái. .. ) mới có thể hiểu Thánh Kinh thật sự muốn nói gì.