Như chúng ta đã biết, hôm 15/5 vừa qua ông Đại sứ Hoa Kỳ tại VN Michael Michalak có gửi cho Tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải một bức thư, trong đó ông than phiền “…đã rất buồn khi đọc một bài báo mà cả ông lẫn tôi đều biết rằng đó là một sự bịa đặt hoàn toàn…”.

Bài báo được nhắc đến là bài “Chuyện không bình thường” của độc giả Đinh Văn Tư cư ngụ ở từ quận Phú Nhuận bày tỏ sự bất bình sau khi chứng kiến anh Đỗ Nam Hải, thành viên ban sáng lập Khối 4806 đem những cái xấu của nhà nước VN về tôn trọng tự do nhân quyền v.v… ra “bêu rếu” cùng ông Đại sứ Mỹ Michael Michalak, tại quán Café Lối Về trưa ngày 6/5/2009 và được đăng trên tờ Tuổi Trẻ hôm 11/5.

Về những ‘lời qua tiếng lại’ này giữa anh Đỗ Nam Hải với những vị khách ‘không mời mà nói’ thiết tưởng không cần nêu ra đây nữa, vì nó đã được đại diện Khối 4806 phổ biến và được nhiều website đăng tải lại trên mạng sau đó. Vấn đề đáng quan tâm hơn chuyện ‘bịa đặt’ hay ‘không bịa đặt’ như lời ông Đại sứ, theo chúng tôi là vì sao cùng một mục đích thăm viếng để dọn đường cho phái đoàn Tư do Tôn giáo, nhưng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế cuộc gặp đã diễn ra êm thắm ở tư gia, còn với anh Đỗ Nam Hải lại ở một quán café để rồi đôi bên gặp phải sự cố ‘chuyện không bình thường’ một cách đáng tiếc như vậy?

Chúng tôi không thấy có thêm thông tin nào được khối 8406 đưa ra thêm để giải thích về địa điểm cuộc gặp hôm ấy và mặc dù vẫn biết tư gia anh Ks. Đỗ Nam Hải thường xuyên bị công an Phú Nhuận canh gác, nhưng thật khó tin chuyện Csvn dám cấm cả ông đại sứ Mỹ vào nhà anh. Bởi nếu có một qui chế như thế, hẳn ông đã chẳng đến được nhà bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Vậy chúng ta phải hiểu sự cố này ra sao khi biết rằng nhà anh Hải cách quán Lối Về này chừng 60 mét!?

Suy nghĩ tới lui, cuối cùng chúng tôi thấy chỉ còn mỗi lý do anh Hải muốn tạo điều kiện hoàn cảnh, nói cách khác là giăng bẫy lũ công an, để ông đại sứ tận mắt chứng kiến việc anh bị an ninh đeo bám và họ sẵn sàng trổ tài quấy rối ra sao, là còn có thể chấp nhận được.

Nếu không vì lý do kỹ thuật này, sự cố trên quả là điều đáng tiếc cho cả nhà ngoại giao kỳ cựu lẫn nhà đấu tranh ‘có tiếng’ Đỗ Nam Hải, bởi cả hai đều đã không lường trước được những chuyện ‘vớ vẩn’ như vậy có thể sẽ xảy ra với họ.

Thật ra chuyện ‘lôi’ nhau ra quán café để bàn chuyện đấu tranh dân chủ không phải đây là lần đầu tiên chúng ta mới được nghe nói đến.

Còn nhớ trong lúc tình hình tại giáo xứ Thái Hà đang căng thẳng sau khi xảy ra vụ công an đánh giáo dân cuối tháng 8/2008, ông Christinan Marchant, Tùy viên Chính trị Sứ quán Mỹ tại Hà Nội sau khi đến tận nhà thờ để hỏi thăm vụ việc.

Mấy ngày sau (08/9/2008) ông cùng anh Đào Công Đức là chuyên viên chính trị của toà đại sứ, đồng thời là phiên dịch viên đã đến thăm, gặp gỡ nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn để nắm thêm một số tình hình. Nhưng vì “đụng” phải công an gác trước cửa nhà anh Toàn và mặc dù không nghe nói họ cấm ông vào nhà anh hay không, chỉ biết rằng sau một hồi cả bên công an lẫn ông Christinan Marchant điện thoại í ới về cơ quan, cuối cùng, ông tuỳ viên chính trị đã cùng nhà báo Nguyễn Khắc Toàn kéo vào quán café gần đó và có cả công an theo tháp tùng! (http://vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=134128)

Khi nêu lên những chuyện trên, mục đích của người viết không để bênh vực, đả kích hoặc phê phán ai mà để nêu lên câu hỏi liệu quán café (cũng như những nơi công cộng) có phải là chốn phù hợp để các nhà đấu tranh gặp gỡ các viên chức ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế?

Vẫn biết tập quán sinh hoạt của VN khiến cho nhiều người khá ‘dễ tính’ trong chuyện ăn uống. Họ có thể ăn bất cứ đâu uống bất cứ nơi nào, vừa ăn uống nhậu nhẹt vừa bàn chuyện v.v… đến nỗi thời thập niên 80, một chuyên gia người Nga từng bình luận về Sàigòn là “đi đâu cũng thấy dân chúng ăn với uống!” Nhưng chúng tôi cho rằng không phải bất kỳ trường hợp gặp gỡ nào sự thoải mái cũng đem lại hiệu quả và được đánh giá cao như nhau.

Chuyện làm “chính trị Salon” của nhiều người chúng ta nghe nói đã nhiều trước đây dưới thời VNCH, nhưng nay làm “chính trị Café” thì dường như mới thấy xuất hiện gần đây và sự cố “café Lối Về” cần phải xem là bài học khá đắt giá. Quán này bỗng được thêm nổi tiếng nhờ ‘hơi hướm’ của cả ông đại sứ Mỹ lẫn anh Đỗ Nam Hải.

Chỉ có điều những ‘mất mát’ của Khối 8406 thì ít người nhận ra nó!

Sàigòn, 8/6/2009