Ánh nến toả sáng trong gia đình - (Suy niệm Tin Mừng Mat-thêu (2, 1-12) trong Lễ Hiển Linh)
Giữa ban ngày, chỉ cần một tấm bảng nhỏ vẽ mũi tên chỉ đường cũng đủ để giúp bộ hành tìm được hướng đi, nhưng giữa đêm đen, dù có cả một rặng núi sừng sững được sử dụng như tín hiệu chỉ đường, cũng không ai nhận thấy. Trong khi đó, chỉ cần một ánh sáng le lói giữa màn đêm cũng đủ để cho khách bộ hành tìm thấy mục tiêu cần tiến đến. Trong đêm tối, một đốm sáng nhỏ có khả năng dẫn đường chỉ lối hơn cả một ngọn núi cao.
Chính vì thế, khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem, Thiên Chúa đã cho xuất hiện một ánh sao đặc biệt giữa bầu trời đêm để soi dẫn cho ba nhà chiêm tinh từ phương Đông đến gặp Chúa Cứu Thế. Nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ nầy, ba nhà chiêm tinh mới có thể tìm gặp Hài Nhi Giê-su mới hạ sinh.
Đoạn Tin Mừng Mat-thêu (2, 1-12) trích đọc trong phụng vụ lễ hiển linh mời gọi chúng ta trở thành những ngôi sao nhỏ để dẫn đưa anh chị em lương dân đến với Chúa. Nói cách khác, Lời Chúa mời gọi chúng ta làm ánh sáng chỉ đường cho lương dân.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ I-sa-i-a mà phán dạy dân Người: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi mang ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất.” (Is 49,6)
Chúa Giê-su cũng trao sứ mạng nầy cho các môn đệ: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ…” (Mt 5, 14):
Và Thánh Phao-lô tiếp tục kêu mời chúng ta: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Philip 2,15)
Ít ra, xin được là ánh nến toả sáng trong gia đình
Trở nên ánh sáng soi đường là một sứ mạng tuy cao trọng nhưng đầy khó khăn nên không ai muốn đảm nhận. Tuy vậy, là con cái Chúa, không ai được quyền thoái thác chối từ. Mấy câu thơ sau đây của thi sĩ Éliot sẽ khích lệ chúng ta:
“Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu bạn không thể là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”
Có lẽ chúng ta không dám làm ngôi sao sáng giữa trời, vì thấy mình yếu đuối và tội lỗi. Có thể chúng ta cũng chẳng dám mơ ước trở thành một ánh lửa non cao cho nhiều người từ phương xa nhìn tới. Vậy thì ít ra, xin cho mỗi người chúng ta cố sức trở thành một ánh nến toả sáng trong gia đình. Ánh nến nầy rất quan trọng vì ‘gần mực thì đen và gần đèn ắt phải sáng.’ Ánh sáng của cuộc đời mẫu mực nơi người cha, người mẹ toả chiếu trên con cái chắc chắn sẽ làm cho con cái được nên người. Và ngay cả ánh sáng của con cái cũng có thể làm cho cha mẹ nên sáng.
Sự kiện sau đây minh chứng điều nầy:
Ngày 12 tháng 12 năm 1999, tôi ban bí tích rửa tội cho hai em nhỏ. Người chị là Têrêxa Huỳnh thị Bích Hằng, mười lăm tuổi, còn người em là Maria Huỳnh thị Bích Nga, mười hai tuổi. Vì hai em mồ côi cha mẹ sớm, chẳng được học hành, nên được gia đình người cô ruột thương tình đem về nuôi.
Điều oái oăm là cô dượng của hai em tuy là người có đạo nhưng không mấy khi bước đến nhà thờ. Mỗi tối, gia đình nầy bán phở đến 12 giờ đêm. Hai người cháu cũng lo phục dịch đến giờ ấy.
Thế rồi từ ngày hai cháu được dẫn đến nhà thờ, được các nữ tu dạy cho biết Chúa và giáo lý, hai cháu bỗng nhiên yêu mến Chúa cách nhiệt tình và yêu thích học giáo lý cách đặc biệt. Cứ mỗi ngày chúa nhật, hai cháu cảm thấy mừng vui rộn rã trong lòng vì được đến với Chúa. Lòng nhiệt thành của hai cháu đã làm bừng lên nhúm đức tin như tro tàn nguội lạnh trong lòng cô dượng. Thế rồi Cô Dượng cũng sốt sắng đi thờ phượng Chúa trong các ngày chúa nhật, sau khi đã vắng bóng ở nhà thờ gần đến mười năm! Người cô nói với tôi: “Thấy hai cháu sốt sắng quá, thét rồi hai vợ chồng con cũng sốt sắng lây.”
Hai cháu đúng là hai ánh nến nhỏ trong gia đình đã chiếu soi cho Cô Dượng.
Vậy giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su bằng lời thơ của thi sĩ Éliot:
“Lạy Chúa, nếu con không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
Thì xin hãy là ánh lửa non cao.
Và nếu con không thể là ánh lửa non cao,
Xin cho con được làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”
Giữa ban ngày, chỉ cần một tấm bảng nhỏ vẽ mũi tên chỉ đường cũng đủ để giúp bộ hành tìm được hướng đi, nhưng giữa đêm đen, dù có cả một rặng núi sừng sững được sử dụng như tín hiệu chỉ đường, cũng không ai nhận thấy. Trong khi đó, chỉ cần một ánh sáng le lói giữa màn đêm cũng đủ để cho khách bộ hành tìm thấy mục tiêu cần tiến đến. Trong đêm tối, một đốm sáng nhỏ có khả năng dẫn đường chỉ lối hơn cả một ngọn núi cao.
Chính vì thế, khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem, Thiên Chúa đã cho xuất hiện một ánh sao đặc biệt giữa bầu trời đêm để soi dẫn cho ba nhà chiêm tinh từ phương Đông đến gặp Chúa Cứu Thế. Nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ nầy, ba nhà chiêm tinh mới có thể tìm gặp Hài Nhi Giê-su mới hạ sinh.
Đoạn Tin Mừng Mat-thêu (2, 1-12) trích đọc trong phụng vụ lễ hiển linh mời gọi chúng ta trở thành những ngôi sao nhỏ để dẫn đưa anh chị em lương dân đến với Chúa. Nói cách khác, Lời Chúa mời gọi chúng ta làm ánh sáng chỉ đường cho lương dân.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ I-sa-i-a mà phán dạy dân Người: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi mang ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất.” (Is 49,6)
Chúa Giê-su cũng trao sứ mạng nầy cho các môn đệ: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ…” (Mt 5, 14):
Và Thánh Phao-lô tiếp tục kêu mời chúng ta: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Philip 2,15)
Ít ra, xin được là ánh nến toả sáng trong gia đình
Trở nên ánh sáng soi đường là một sứ mạng tuy cao trọng nhưng đầy khó khăn nên không ai muốn đảm nhận. Tuy vậy, là con cái Chúa, không ai được quyền thoái thác chối từ. Mấy câu thơ sau đây của thi sĩ Éliot sẽ khích lệ chúng ta:
“Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu bạn không thể là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”
Có lẽ chúng ta không dám làm ngôi sao sáng giữa trời, vì thấy mình yếu đuối và tội lỗi. Có thể chúng ta cũng chẳng dám mơ ước trở thành một ánh lửa non cao cho nhiều người từ phương xa nhìn tới. Vậy thì ít ra, xin cho mỗi người chúng ta cố sức trở thành một ánh nến toả sáng trong gia đình. Ánh nến nầy rất quan trọng vì ‘gần mực thì đen và gần đèn ắt phải sáng.’ Ánh sáng của cuộc đời mẫu mực nơi người cha, người mẹ toả chiếu trên con cái chắc chắn sẽ làm cho con cái được nên người. Và ngay cả ánh sáng của con cái cũng có thể làm cho cha mẹ nên sáng.
Sự kiện sau đây minh chứng điều nầy:
Ngày 12 tháng 12 năm 1999, tôi ban bí tích rửa tội cho hai em nhỏ. Người chị là Têrêxa Huỳnh thị Bích Hằng, mười lăm tuổi, còn người em là Maria Huỳnh thị Bích Nga, mười hai tuổi. Vì hai em mồ côi cha mẹ sớm, chẳng được học hành, nên được gia đình người cô ruột thương tình đem về nuôi.
Điều oái oăm là cô dượng của hai em tuy là người có đạo nhưng không mấy khi bước đến nhà thờ. Mỗi tối, gia đình nầy bán phở đến 12 giờ đêm. Hai người cháu cũng lo phục dịch đến giờ ấy.
Thế rồi từ ngày hai cháu được dẫn đến nhà thờ, được các nữ tu dạy cho biết Chúa và giáo lý, hai cháu bỗng nhiên yêu mến Chúa cách nhiệt tình và yêu thích học giáo lý cách đặc biệt. Cứ mỗi ngày chúa nhật, hai cháu cảm thấy mừng vui rộn rã trong lòng vì được đến với Chúa. Lòng nhiệt thành của hai cháu đã làm bừng lên nhúm đức tin như tro tàn nguội lạnh trong lòng cô dượng. Thế rồi Cô Dượng cũng sốt sắng đi thờ phượng Chúa trong các ngày chúa nhật, sau khi đã vắng bóng ở nhà thờ gần đến mười năm! Người cô nói với tôi: “Thấy hai cháu sốt sắng quá, thét rồi hai vợ chồng con cũng sốt sắng lây.”
Hai cháu đúng là hai ánh nến nhỏ trong gia đình đã chiếu soi cho Cô Dượng.
Vậy giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su bằng lời thơ của thi sĩ Éliot:
“Lạy Chúa, nếu con không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
Thì xin hãy là ánh lửa non cao.
Và nếu con không thể là ánh lửa non cao,
Xin cho con được làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”