MỪNG BỔN MẠNG THÁNH ANTÔN PAĐÔVA.

Hình ảnh nhà nguyện giáp An Mỹ và nghỉa trang

Giáo xứ An Bằng là một vùng dân cư ven biển, trước đây chuyên nghề đánh cá, cách tòa Tổng Giám mục Huế chừng 30 km về hướng đông nam. Toàn giáo xứ có ba giáp, mỗi giáp có một Đền hoặc Đài kính Thánh Bổn mạng riêng của mình.Đặc biệt giáp An Mỹ có một ngôi nguyện đường khang trang, dâng kính thánh Quan thầy AnTôn Pađôva, mặc dù cả giáp chỉ có 25 gia đình, nhưng nhờ đó các cụ già không có điều kiện đi lễ hằng ngày có thể đến đọc kinh cầu nguyện. Hằng tuần, cha quản xứ chọn ngày phù hợp để có thể đến dâng thánh lễ tại nguyện đường.

Ngày lễ thánh AnTôn Pađôva linh mục năm nay nhằm ngày chủ nhật 13.6, nên cha quản xứ cho dời ngày lễ vào thứ ba 15.6. Theo truyền thống của giáp An mỹ, ngày lễ thánh quan thầy AnTôn luôn được mừng kính trọng thể, tất cả mọi người từ già đến trẻ đều ăn mặc đẹp đẻ tham dự thánh lễ, các cụ cao niên khăn đóng áo dài thật trang trọng thay mặt các họ tộc dâng của lễ lên bàn thờ.

Trong phần kinh nguyện trước thánh lễ, vì là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu nên sau phần lần chuổi Rất Thánh Trái tim Chúa, cộng đoàn đọc kinh cầu cùng Thánh AnTôn thật sốt sắng.

Chia sẽ lời Chúa, cha quản xứ Phêrô Nguyễn Hữu Giải mời gọi cộng đoàn xin Thánh AnTôn quan thầy cầu bàu cùng Chúa cho tất cả mọi người con cái của giáp An Mỹ, trong nước cũng như hải ngoại luôn được nhiều ơn lành của Chúa. Xin cho mọi người trong giáp sống gương mẫu đức tin cho biết bao lương dân sống chung quanh mình. Biết sống theo tinh thần phúc âm của Chúa:”Các con hãy yêu mến những kẻ thù địch với các con”.

Sau thánh lễ, tất cả mọi người không phân biệt già trẻ lớn bé đều quây quần bên bàn tiệc, cùng nhau chuyện trò thật rôm rả. Đây chính là dịp để nhắc nhở cho con cháu luôn gần gủi và đoàn kết thương yêu nhau, cũng chính là một kỷ niệm dành cho lớp hậu sinh luôn sống thánh thiện và biết giúp đở người nghèo khổ như thánh quan thầy linh mục AnTôn Pađôva.

AN BẰNG VỚI NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ THÀNH PHỐ LĂNG.

Ngày nay, Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, là một địa danh được nhiều người biết đến với “Thành phố Lăng” hoặc có người còn gọi là “Thành phố Ma”.

Đi vào làng An Bằng, nhà ở phần nhiều là những ngôi biệt thự khang trang, được xây dựng cầu kỳ theo nhiều kiểu kiến trúc khác nhau. Nhưng đó chỉ mới thể hiện sự giàu có của chủ nhân, điều làm cho mọi người không khỏi trầm trồ và sững sốt. đó là những lăng mộ. Chính những lăng mộ này, trước đây đã có nhiều báo chí trong nước tốn nhiều giấy bút để phê phán sự xa hoa lãng phí vì quá đồ sộ và tốn kém, những lăng mộ mà kinh phí chỉ có thể tính bằng hàng chục ngàn đô.

Chính tôi cũng rất ngạc nhiên vì sự tốn kém của những lăng mộ này, từ đó tìm hiểu về nguyên nhân chính đáng, những nỗi lòng cũng như uẩn khúc của những người đã bỏ công sức tiền của để xây dựng bằng được những lăng mộ này, đó là vì chữ Hiếu.

Làng An Bằng trước đây vốn rất nghèo khổ, ông bà tổ tiên quanh năm thiếu thốn, nhiều người phải đi ăn xin, làm thuê cho các vùng lân cận. Tuy vậy, người dân An Bằng rất thật thà, chất phác, sống rất đoàn kết và yêu thương nhau.

Sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều người bỏ quê cha đất tổ vượt biên qua xứ người. Với bản tính chịu khó và siêng năng cần cù, hầu hết đều giàu có.

Trong thời kỳ cuối thập niên 70, đối với những gia đình có người vượt biên đi nước ngoài, thì gia đình đó phải sống trong cảnh khổ cực ê chề, cha mẹ vợ con anh em bị đánh đập và chịu biết bao điều khổ nhục, nhiều người đổ bệnh mà chết.

Sau thời kỳ mở cửa, từ năm 1990, những người con xa quê mới tìm cách liên lạc với gia đình, từ đó mới có những chuyến về thăm lo lắng bù đắp kinh tế. Làng An Bằng thật sự thay da đổi thịt từ đây. Những ngôi nhà đồ sộ mọc lên cùng với những ngôi lăng mộ chạm trổ cầu kỳ. Khi những người con xa quê trở về mang theo sự giàu có, họ không những lo cho người sống đầy đủ, mà còn có bổn phận báo hiếu cho ông bà cha mẹ anh em, là những bậc sinh thành đã nuôi dưỡng họ, cũng như những người đã chịu biết bao đắng cay tủi nhục, bị hành hạ thể xác cũng như tinh thần vì có người thân vượt biên ra nước ngoài mà thời điểm đó bị kết tội “phản bội tổ quốc”. Do đó, người sống thì được bù đắp bằng cuộc sống sung túc, nhà cửa khang trang, người chết thì “Mồ yên Mả đẹp”. Đó chính sự báo hiếu đối với những người đã khuất, và các bậc tiền nhân.