Cảm nghĩ của một học viên về lớp Ca Trưởng cấp I tại giáo phận Huế

Lần đầu tiên được tham dự Khóa Huấn Huyện Ca Trưởng Cấp I, đợt I, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế, tôi cảm thấy đây quả là một niềm vinh dự lớn lao và hạnh phúc cho bản thân, cho Giáo xứ của tôi nói riêng và cho cả Địa phận Huế nói chung.

Đến với khóa học này, tôi nhận thấy mình được tiếp xúc gần gũi với môi trường Thánh nhạc trong Phụng Vụ hơn, dưới sự giảng dạy rất nhiệt tình của nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến và phu nhân, nhạc sỹ Hoàng Bổn, nhạc sỹ Văn Duy Tùng, nhạc sỹ Phạm Trung, nhạc sỹ Nguyễn Đức Kỳ, ca trưởng Lê Hùng, ca trưởng Phạm Thị Quý, ca trưởng Viên Bích Hòa, ca trưởng Kim Anh, ca trưởng Hà Minh Tâm - người trẻ nhất.

Được biết, Ban Giảng Huấn này đã đào tạo thành công nhiều khóa Ca Trưởng ở khắp nơi trên thế giới, đa số quý thầy cô trong Ban Giảng Huấn là những người mà tôi cũng như một

số lớn học viên chưa hề quen biết bao giờ. Thế nhưng qua những ngày học, những giờ thực hành đã giúp tôi cảm nhận chính họ là những người chuyên dùng lời ca tiếng hát và những sáng tác của mình để tôn vinh Chúa, phục vụ nhu cầu Phụng Vụ cũng như góp phần vào việc đào tạo nên những ca trưởng hữu ích cho các Giáo xứ, Giáo phận và Giáo Hội.

Những ngày tham gia khóa học này, tôi cứ bị “ám ảnh” mãi về một hình ảnh thật đơn sơ, đáng yêu của một học viên đặc biệt đó chính là Đức Tổng Giám Mục Stêphanô. Chính ngài đã để lại cho tôi những mẫu gương cần phải “học đòi bắt chước” và ngẫm nghĩ trong lòng mình.

Trước hết, ngài là một học viên đúng giờ đến lớp, dù bận nhiều công việc khác của Giáo phận nhưng ngài luôn dành thời gian để đến lớp thường xuyên, trở thành “học viên giữa các học viên”qua mỗi tiết học, giờ thực hành, giờ giải lao. Thời tiết ở Huế vẫn còn lạnh, lại thêm ngài đã “có tuổi” nhưng khi nhìn thấy ngài học một cách hăng say, kiên trì với từng cử chỉ đánh nhịp, trong từng lời ca tiết tấu, khiến cho tôi cảm nhận dường như tâm hồn thánh nhạc đang thấm nhập trong con người của ngài, tôi thấy ngài trẻ hơn và hình ảnh Đức Tổng Stêphanô không còn trở nên xa lạ hay khoảng cách với chúng tôi nữa. Ngài dễ thương, đáng mến là thế đó!

Không chỉ riêng gì cảm nhận của tôi mà còn của nhiều học viên trong lớp học nữa: “Nhìn Đức Tổng dễ thương chưa?”, có thể cho đó là câu nói “cửa miệng” nhưng lại được phát xuất từ tận đáy lòng của con cái, chắc hẳn ai cũng cảm thấy ấn tượng về sự hiện diện của Đức Tổng trong những ngày học này.

Tuy tay nhịp của ngài không còn uyển chuyển, mềm mại như các “nam thanh nữ tú” nữa, thế nhưng ngài không ngừng luyện tập nhịp nhàng, hòa cùng hàng trăm cánh tay nhịp của con cái ngài. Có gì vui và hạnh phúc cho bằng cả cha và con cùng học đánh nhịp, đọc xướng âm, học làm ca trưởng và tôi nghĩ có thể sau khóa học này, ngài sẽ trở thành “ca trưởng của Nhà Chung” cũng nên!

Tôi cảm thấy sự hiện diện của Đức Tổng trong mỗi ngày học khiến cho bầu khí lớp học trở nên thân thương, ấm áp tình “chiên con và mục tử” hơn. Đồng thời tạo nên sự gần gũi, thêm niềm động viên, khích lệ cho Ban Giảng Huấn cũng như cho những học viên trong lớp tham gia khóa học Ca Trưởng này.

Qua những gì tôi cảm nhận được ở ngài, tôi thầm nghĩ đức cha đang âm thầm, lặng lẽ làm gương cho con cái của ngài về tinh thần kiên trì, ham học hỏi cũng như thấy được lòng thao thức, khát khao để đào tạo nên những ca trưởng cho các giáo xứ. Đức Tổng còn ước ao với Ban Giảng Huấn sẽ tổ chức khóa ca trưởng đợt II, cấp 2 trong tháng 7/2011. Điều đó chứng tỏ ngài rất quan tâm đến vấn đề đào tạo và nâng cao trình độ cũng như số lượng ca trưởng trong mỗi giáo xứ nói chung và cách riêng trong toàn Giáo phận, nhằm đáp ứng nhu cầu thánh nhạc trong phụng vụ hơn.

Bên cạnh hình ảnh đức Tổng, tôi không thể nào quên được hình ảnh của Ban Giảng Huấn, gồm quý thầy cô ca trưởng làm việc hết mình, rất nhiệt tình, hăng say trong tinh thần vui tươi và khiêm tốn. Tôi cảm thấy quý thầy cô ca trưởng đã truyền đạt kiến thức về kĩ thuật và mĩ thuật cho các học viên bằng tất cả tấm lòng cùng “cái chất lửa” thánh nhạc trong con người được thể hiện qua nhiều nội dung học phong phú như:

- nhạc lý cơ bản,

- xướng âm cơ bản,

- nhịp cơ bản, thực tập nhịp cơ bản,

- kỹ thuật tập hát,

- thanh nhạc cơ bản,

- tìm hiểu ngũ cung ba miền,

- tìm hiểu Bình ca,

- cách đọc tiếng La tinh và hát nhạc Bình ca

- và cả đạo đức cơ bản của người ca trưởng.

Thêm phần “Huế, Lời Kinh Tiếng Hát, rất Huế & Ý Nghĩa Các Phần Trong Thánh Lễ”, qua bài chia sẻ của cha Đaminh Minh Anh, trưởng ban thánh nhạc của giáo phận đã đưa tâm hồn của các học viên đến với vùng đất “thần kinh”, nhưng không kém phần thơ mộng, chân chất qua những nét “rất Huế”. Ngoài ra, ngài còn dẫn chứng bằng những lời chia sẻ thật hài hước, vui nhộn và đúng với thực tế nên các học viên dễ dàng tiếp thu và hiểu biết thêm “ Ý nghĩa Các Phần Trong Thánh lễ”.

Tôi quan sát và nhận thấy có đến hơn 350 học viên, đa số là các thỉnh sinh, tập sinh, cùng các sơ Dòng MTG, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Phaolo, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế, Thiên An. .. và một vài linh mục cùng một số học viên thuộc các giáo xứ trong giáo phận. Xa xôi nhất, đáng kể nhất, đáng hoan nghênh nhất, là những anh chị em thuộc các giáo xứ ngoài giáo phận như: Vinh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá...

Qua những ngày học, những giờ luyện tập thực hành, trên 350 đôi tay nhịp mỗi lúc trở nên nhịp nhàng, mềm mại, uyển chuyển hơn. Giọng hát càng ngày càng thêm phần thánh thót, chất giọng cất lên theo cung trầm bổng thể hiện được “chất lửa” và cả tâm tình bên trong con người của ca viên, đưa tâm hồn mỗi người dễ đi vào cầu nguyện và cha trưởng ban thánh nhạc giáo phận mong muốn trong tương lai lớp học này sẽ trở thành “Ca đoàn Tổng Hợp” của giáo phận phận trong mỗi dịp lễ lớn.

Trong tâm tình là một học viên của khóa học, ngoài những điều để tôi phải nói lời tri ân, cám ơn đến những người đáng kính. Tôi thầm cám ơn những người đã lặng lẽ, tận tình phục vụ cho các học viên có được những bữa ăn ngon miệng, những giờ giải lao vui vẻ, thoải mái với nhau bên cốc cà phê, cốc nước ấm với những cái bánh, kẹo....

Những ngày theo học khóa ca trưởng này, tôi cảm nghĩ đến giáo xứ Sơn Qủa của tôi. Một ngôi nhà thờ trang nghiêm, hoành tráng được cung hiến long trọng vào ngày 17/08/2010, nhưng vẫn chưa có cha sở riêng, mọi sinh hoạt trong giáo xứ vẫn còn nhiều trở ngại. Cho nên khi tôi cùng một người khác trong giáo xứ được tham dự khóa học ca trưởng này, tôi cảm thấy thật vui mừng, và có ích cho giáo xứ của tôi sau này. Tôi nghĩ đây cũng là một sự chuẩn bị trước về ca trưởng, ca đoàn của giáo xứ để một ngày cất lời ca tiếng hát đón cha sở giáo xứ Sơn Qủa, điều đó thật ý nghĩa ! Hy vọng ngày đó sẽ không còn xa.

Ước gì sau khóa học này, bản thân tôi cũng như mỗi người biết vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào công việc mục vụ của giáo xứ, trở thành những ca trưởng thực sự để điều khiển những ca đoàn trong mỗi giáo xứ, làm sống động nhu cầu thánh nhạc trong phụng vụ của giáo phận cũng như của Giáo Hội.

Mỗi người hãy dâng lời ca tiếng hát để tôn vinh Chúa, bởi trong lời kinh Tiền Tụng đã viết “ việc chúng con ca tụng Chúa chẳng đem lại lợi ích gì cho Chúa nhưng đựơc ca tụng lại là một hồng ân cao cả, đem lại ơn cứu độ cho chúng con”.

Hay thánh Augustino đã nói “ hát hay là cầu nguyện hai lần”.

Maria Thủy Tiên