Người Phụ Nữ Samaria (Jn 4:1-42): Nghĩa Đen? Nghĩa Bóng?

...Thật sự ra câu chuyện
về người phụ nữ bên bờ giếng
không đơn giản như chúng ta đã từng nghĩ...




Câu chuyện bắt đầu xẩy ra vào một buổi trưa khi người đàn bà xứ Samaria một mình đi tới giếng nước đầu làng. Thật bất ngờ, người phụ nữ nhận ra một người đàn ông Do Thái lạ mặt, dáng vẻ mệt nhọc, đang ngồi nghỉ mệt tại bờ giếng. Bất ngờ này nối tiếp kinh ngạc kia, bởi người đàn ông cất giọng gợi chuyện với người phụ nữ, một điều hiếm khi xảy ra giữa hai giới tính và hai sắc dân của hai nền văn hóa thù nghịch chống đối nhau. Câu chuyện bên bờ giếng tiếp nối cho tới khi người đàn ông Do Thái bất chợt đổi hướng câu chuyện. Ông nói với người phu nữ Samaria, “Cô hãy về nhà và gọi chồng cô ra đây”. Người đàn bà trả lời, “Tôi không có chồng”. Người khách lạ mặt gật đầu xác nhận, “Đúng, cô nói ‘Tôi không có chồng’ là rất đúng, bởi vì cô đã có năm đời chồng, và người đàn ông cô đang chung sống không phải là chồng cô. Cô nói rất đúng” (Gioan 4:16-17).
Bài Phúc Âm người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp xuất hiện trong tuần lễ Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Chay Năm A. Dựa vào hiểu biết căn bản của những lớp Giáo Lý, nhiều người Kitô hữu nói chung, và người Kitô hữu Việt Nam nói riêng vẫn có những ấn tượng không tốt đẹp về người đàn bà xứ Samaria. Họ nghĩ người thiếu phụ trong bài Tin Mừng đã hơn một lần thất bại với đời sống hôn nhân. Có người còn nghĩ là vào giây phút gặp gỡ Đức Giêsu bên giếng nước, người phụ nữ Samaria đang chung sống với một người đàn ông ngoài vòng lễ giáo.
Thật sự ra câu chuyện về người phụ nữ bên bờ giếng không đơn giản như chúng ta đã từng nghĩ. Câu trả lời, “Tôi không có chồng” của người phụ nữ cũng như câu nói, “Đúng, cô nói, ‘Tôi không có chồng’ là rất đúng…” của Đức Giêsu đã gây ra nhiều tranh luận trong giới thần học gia. Trường phái nghĩa đen tin rằng câu trả lời “Tôi không có chồng” và lời xác nhận của Đức Giêsu về tình trạng hôn nhân của người đàn bà nên được hiểu theo nghĩa đen. Trường phái thần học nghĩa bóng thì ngược lại. Họ tin rằng cả hai câu nói này đều phải hiểu theo nghĩa bóng.
Nhằm trình bày tới độc giả Kinh Thánh những tranh luận sôi nổi giữa hai trường phái nghĩa đen và nghĩa bóng về câu chuyện người phụ nữ bên bờ giếng Giacob, trong bài tham khảo này, chúng ta sẽ tìm hiểu những dữ kiện và những lập luận đã khiến trường phái nghĩa đen tin rằng người đàn bà Samaria là một người sống ngoài vòng lễ giáo; và ngược lại, dựa vào những bằng chứng nào, trường phái nghĩa bóng lại tin rằng câu chuyện về người thiếu phụ Samaria bên bờ giếng phải được phân tích theo nghĩa bóng? Đặc biệt bài tiểu luận sẽ phân tích bài Tin Mừng Gioan 4:1-42 dưới lăng kiếng hòa giải và tâm lý xã hội, qua đó độc giả sẽ nhận ra người phụ nữ bên bờ giếng chính là mẫu gương cho người biết chấp nhận những nghịch cảnh và bất hạnh đã xảy đến trong cuộc đời.

I. Xứ Samaria
Thánh sử Gioan bắt đầu câu chuyện tao ngộ bên bờ giếng bằng một lý do chính trị pha lẫn với tôn giáo (Gioan 4:1-3). Theo như Gioan, sau khi biết rằng những người Biệt Phái hiểu lầm là Ngài rửa tội cho nhiều người, nhiều hơn cả Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu quyết định lên đường, rời bỏ xứ Giuđê quay về lại xứ Galilê.
Trên con đường thiên lý, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới thành phố Saikar. Lúc đó buổi trưa, trời nắng gay gắt. Mệt mỏi vì con đường thiên lý, Đức Giêsu quyết định dừng chân tại giếng nước Giacóp; trong khi đó, các môn đệ đi vô thành phố mua lương thực. Trong khi đang ngồi nghỉ tại giếng nước, Ngài nhìn thấy một người phụ nữ xứ Samaria đang đi tới bờ giếng nước một mình vào đúng 12 giờ trưa.
Tương tự như Việt Nam, Do Thái kéo dài từ Bắc xuống Nam, và cũng phân chia ra làm ba miền: Bắc, Trung, và Nam. Miền Bắc xứ Galilê. Miền Trung xứ Samaria. Miền Nam xứ Giuđê. Người Do Thái vào thời Đức Giêsu định cư trên cả hai vùng, Bắc Galilê và Nam Giuđê. Nhưng miền Trung thuộc về người Samaria. Nói một cách khác, Trung Phần Do Thái vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên không thuộc về người Do Thái nhưng người xứ Samaria.
A. Lịch Sử Nước Samaria
Người Samaria nguyên thủy là người Do Thái trộn lẫn với 5 sắc dân lân bang: Babylon, Cuthah, Avva, Havath, Sepharvaim (2Các Vua 17:24).
Sau khi vua Salômon băng hà năm 930 B.C., đế quốc Do Thái tách ra làm hai vương quốc, Bắc Quốc Israel và Nam Quốc Giuđê. Vào năm 721 B.C. Bắc Quốc Israel bị đế quốc Assyria tấn công và tiêu diệt. Vua Sargon II lưu đầy phần lớn người Israel sang những thành phố lớn của đế quốc Assyria (2Các Vua 17:6). Ông cũng mang những người dân của năm thành phố lớn trong đế quốc Assyria tới tái định cư tại Bắc Quốc Israel. Bởi thế người Samaria chính là con cháu của một số người Israel còn lưu lại trên mảnh đất cũ pha trộn với năm sắc dân mới.
Vào năm 586 B.C. tới phiên Nam Quốc Giuđê bị đế quốc Babylon tấn công và tiêu diệt. Tương tự như người Assyria, nhổ cỏ là nhổ tận gốc, người Babylon cũng lưu đày phần lớn cư dân của Nam Quốc Giuđê sang Babylon. Thời gian trôi qua, tới phiên đế quốc Babylon sụp đổ dưới vó ngựa Ba Tư. Năm 539 B.C., hoàng đế Cyrus của đế quốc Ba Tư ký sắc luật cho phép tất cả dân chúng sống trong đế quốc được phép quay trở về lại nguyên quán của mình. Người Do Thái của Nam Quốc Giuđê quay về quê hương, tái thiết quốc gia, xây dựng Đền Thờ Giêsuralem đã bị tiêu diệt vào năm 587 B.C. Người Samaria lúc đó cũng muốn đóng góp vào công cuộc tái xây dựng Đền Thờ, bởi họ nghĩ mình cũng là con cháu của tổ phụ Abraham. Nhưng rất tiếc, người Do Thái từ chối lời đề nghị của người Samaria, bởi dân hồi hương coi người Samaria là dân tạp chủng, không phải chính gốc Do Thái. Từ đó mầm mống hận thù giữa hai dân tộc bắt đầu nhen nhúm, âm ỉ, cuối cùng bùng cháy vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, khi người Samaria liên kết với người Syria tấn công người Do Thái. Cuối cùng người Samaria quyết định xây dựng riêng cho mình ngôi đền thờ trên núi Gerizim. Năm 128 B.C. thầy Tư Tế Gioan Hyrcanus tấn công và tiêu hủy đền thờ của người Samaria. Từ đó người Samaria và người Do Thái tuyệt giao.
Vào thời Đức Giêsu, có hai mạch lộ chính nối liền Bắc Galilê và Nam Giuđê. Con đường ngắn băng ngang qua xứ Samaria. Con đường dài chạy ngang qua xứ Decapolis (Thập Phố), nằm về phía đông Do Thái. Vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, người Do Thái từ Bắc Galilê muốn đi xuống Nam Giuđê, hoặc ngược lại, thường họ tránh né không muốn sử dụng đường ngắn, bởi con đường này băng ngang qua xứ Samaria. Thông thường, người ta chọn con đường dài.
Tình trạng căng thẳng giữa hai sắc dân thù nghịch cũng được ghi lại trong Luca 9:51-56. Theo như thánh sử Luca, một ngày kia, từ Bắc Galilê, trong khi Đức Giêsu đang trên con đường ngắn dẫn về thành phố Giêrusalem, Ngài và những người môn đệ đi tới một thôn làng của người Samaria. Nhận ra gốc gác Do Thái của Đức Giêsu và các môn đệ, người Samaria từ chối, không tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Trước thái độ bất thân thiện của người trong thôn, Gioan và Giacôbê nổi giận. Hai anh em con ông Zêbêđê muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt cả thôn làng của người Samaria. Nhưng Đức Giêsu trách mắng hai ông, rồi Ngài chọn con đường dài hơn dẫn về phố Giêrusalem. Bởi mối liên hệ thù địch giữa hai sắc dân, người đàn bà Samaria rất ngạc nhiên bởi người đàn ông bên bờ giếng mở miệng xin nước uống lại là người Do Thái. Bởi thế, bà ta hỏi ngược lại Đức Giêsu,
— Tại sao ông, một người Do Thái, lại hỏi tôi, một người phụ nữ Samaria “Cho tôi miếng nước”?
B. Tôn Giáo của Người Samaria
Khi cư dân của năm sắc dân lân bang của Bắc Quốc Israel tái định cư trên vùng đất mới, họ mang theo những vị thần của riêng họ tới lãnh thổ Israel. Người Babylon có thần Succoth-Benoth. Người Cuthah có thần Nergal. Người Avva có hai thần, thần Nibhaz và thần Tartak. Người Havath có thần Ashima. Và người Sepharvaim có thần Adrammelech và Anamelech (2Các Vua 17:30). Tổng cộng tất cả là bẩy vị thần. Cho nên ngoài Giavê Thiên Chúa, người Samaria cũng thờ phượng bẩy vị thần ngoại bang do cha ông của họ đã mang tới (2Các Vua 17:29-33.
Bởi hoàn cảnh lịch sử, tôn giáo của người Samaria có những nét khá đặc biệt. Trong khi người Do Thái công nhận 39 cuốn sách Cựu Ước, người Samaria chỉ công nhận Ngũ Thư, 5 quyển sách đầu tiên của Cựu Ước, tương truyền do chính tay đại ngôn sứ Môisen sáng tác. Trong khi người Do Thái mong chờ Đấng Xức Dầu (Anointed One), hay Mêsaia, người Samaria mong chờ Ta’heb, Đấng Quay Lại (Returned One). Trong con mắt của người Samaria Đấng Ta’heb là một người ngôn sứ có những vai trò tương tự như đại ngôn sứ Môisen; bởi Ngài sẽ giải quyết những dị biệt, bất đồng, và tranh chấp về tôn giáo giữa người Samaria và người Do Thái. Trong khi người Do Thái tin vào Mười Điều Răn, người Samaria tin rằng Giavê Thiên Chúa đã trao cho ngôn sứ Môisen Mười Một Điều Răn. Điều Răn bị người Do Thái cố tình bỏ quên là “Ngươi sẽ xây dựng Đền Thờ trên núi Gêrizim”. Bởi thế, trong khi người Do Thái tin rằng đền thờ Giêrusalem là nơi duy nhất xứng đáng để thờ phượng Giavê Thiên Chúa, người Samaria tin rằng đền thờ trên núi Gêrizim là nơi xứng đáng nhất để thờ phượng Giavê (1).

II. Giếng Nước Trung Đông
A. Vị Thế của Giếng Nước Trung Đông
Giếng nước trong văn hóa Do Thái có vị thế tương tự như quán nước đầu làng của người Việt Nam. Bên Việt Nam, nhất là những thôn làng ngoài Bắc, nếu muốn tìm kiếm hỏi thăm những người cư ngụ trong làng, người ta ghé vào quán nước đầu làng. Một cách tương tự, khách lữ hành người Do Thái, nếu muốn hỏi thăm tin tức về những người thân quen sinh sống trong làng, người ta dừng bước tại giếng nước. Họ ngồi đợi chờ dân chúng trong thôn xóm ra giếng lấy nước về nhà. Minh họa về điều này, chúng ta có câu truyện trong Sáng Thế Ký về ông quản gia của tổ phụ Abraham đã cô Rêbêca vợ tương lai của Isaaic tại giếng nước trong vùng Aram Naharagim (Sáng Thế Ký 24:10-27). Một cách tương tự, tổ phụ Giacóp cũng đã từng gặp cô Rachel và đại ngôn sứ Môisen cũng đã từng gặp cô Zippôrah, vợ tương lai tại giếng nước vùng Haran (Sáng Thế Ký 29:1-14), và Midian (Xuất Hành 2:15-22).
Nhưng thông thường, trừ trường hợp bất ngờ, không bao giờ người trong thôn làng đi ra giếng lấy nước vào buổi trưa và đi một mình. Nước giếng buổi trưa, đặc biệt trong vùng sa mạc, không mát và ngọt như nước giếng vào buổi chiều. Bởi thế, thông thường khi mặt trời dần dần khuất bóng, người ta mới đi ra giếng để lấy nước. Và bao giờ cũng vậy, những người phụ nữ trong thôn thường dẫn nhau đi thành từng đoàn để đề phòng những bất trắc nguy hiểm có thể xảy ra bên bờ giếng. Minh họa về điều này có câu truyện về Môisen, sau khi trốn khỏi Ai Cập, ông dừng chân tại một giếng nước đầu làng vùng Midian, Trung Đông. Tại bờ giếng Midian, Môisen đã đánh đuổi những người chăn chiên giải cứu bẩy chị em của cô Zippôra, người vợ tương lai của ông sau này.
Một cách tương tự, giếng nước Trung Đông cũng chính là những trạm dừng chân của khách bộ hành. Khách lữ hành mệt mỏi với con đường thiên lý, có thể ghé vào giếng nước đầu làng nghỉ ngơi. Chi tiết này cũng được tác giả Gioan nhắc đến trong câu chuyện về người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob. Theo như Gioan, bởi đường xa, Đức Giêsu mệt mỏi. Ngài quyết định dừng chân nghỉ ngơi tại giếng nước Giacóp (4:6).
B. Đức Giêsu và Người Phụ Nữ Bên Giếng
Và bất chợt, theo như Gioan 4:4-42, trong khi đang ngồi nghỉ tại giếng nước của thành phố Saikar, Đức Giêsu thấy người phụ nữ xứ Samaria đi ra giếng. Ngài nói,
— Cho tôi miếng nước.
Người phụ nữ trả lời,
— Tại sao ông, một người Do Thái, lại hỏi tôi, một người phụ nữ Samaria, “Cho tôi miếng nước”?
Câu chuyện giữa hai người tiếp tục cho tới khi Đức Giêsu nói,
— Cô hãy về gọi chồng cô ra đây.
Người phụ nữ trả lời,
— Οὐκ ἔχω ἄνδρα (2), Tôi không có chồng.
Đức Giêsu tiếp lời,
— Cô nói “Οὐκ ἔχω ἄνδρα” là rất phải, bởi cô đã có năm đời chồng, và người hiện giờ cô đang chung sống không phải chồng của cô. Cô nói đúng (Gioan 4-17).
Tác giả Gioan không nhắc nhở lý do nào đã khiến người phụ nữ Samaria có những hành động lạ kỳ như thế.

III. “Tôi Không Có Chồng”
A. Nghĩa Đen
Tuy nhiên dựa vào phong tục địa phương, vị thế của giếng nước trong nền văn hóa Trung Đông, và câu trả lời của Đức Giêsu, một số thần học gia của trường phái nghĩa đen tin rằng một trong những nguyên nhân chính khiến người phụ nữ quyết định đi ra giếng nước một mình và đi vào buổi trưa là tại vì cô ta cố tình tránh né không muốn tiếp xúc với những người hàng xóm bên bờ giếng. Nói một cách ngắn gọn, người đàn bà Samaria chính là một người tội lỗi.
Theo như trường phái nghĩa đen, người đàn bà Samaria đã có năm đời chồng, và người cô hiện đang chung sống không phải là chồng của cô. Năm người chồng trước của cô hoặc đã qua đời hoặc đã ly dị. Liên hệ giữa cô và người đàn ông thứ sáu, người mà cô đang chung sống là một quan hệ bất chính đi ra ngoài vòng lễ giáo. Bởi vậy khi bị Đức Giêsu chất vấn, người đàn bà đã trả lời, “Οὐκ ἔχω ἄνδρα, Tôi không có chồng”. Đặc biệt dựa vào ý nghĩa của hai danh từ, “ἀνήρ, tình nhân” và “ἄνδρα, phu quân” được sử dụng trong bản văn, Charles Giblins khẳng định rằng người đàn bà Samaria chưa bao giờ lập gia đình. Do đó, tất cả những mối liên hệ mà cô đã từng có với tất cả sáu người đàn ông hoàn toàn đi ra ngoài cương thường đạo lý. Nói một cách ngắn gọn, người phụ nữ xứ Samaria là một người sống ngoài vòng lễ giáo.
B. Nghĩa Bóng
Trường phái thứ hai thì ngược lại, họ tin rằng câu nói, “Οὐκ ἔχω ἄνδρα” và câu trả lời của Đức Giêsu phải được phân tích theo nghĩa bóng. Dựa vào chữ phu quân trong tiếng cổ Do Thái là Ba’al, cũng là tên của một vị thần mưa nổi tiếng trong Cựu Ước, và dựa vào hình ảnh Giavê Thiên Chúa là một người chồng trung tín trong sách Ngôn Sứ Hôsêa, thần học gia của trường phái nghĩa bóng tin rằng năm người chồng của người phụ nữ tượng trưng cho năm vị thần của năm sắc dân đã được những cư dân của năm thành phố mang vào vùng đất mới; riêng người đàn ông thứ sáu, hiện đang chung sống với người phụ nữ Samarita chính là Giavê Thiên Chúa. Một số thần học gia khác còn tin rằng năm người chồng của người phụ nữ tượng trưng Ngũ Thư, năm cuốn sách Cựu Ước duy nhất mà người Samaria tin.
Đặc biệt Sandra Schneiders, ngoài hai dữ kiện vừa được trình bày ở trên, đề nghị rằng câu chuyện về cuộc hội kiến giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria phải được hiểu theo nghĩa bóng bởi hai lý do:
(1). Tính lịch sử Tin Mừng Gioan 4:1-42,
(2). Thần học giếng nước trong dòng lịch sử ơn cứu độ.
1. Tính Chất Lịch Sử
Schneiders tin rằng câu chuyện bên bờ giếng Gioan 4:1-42 không phải là một câu chuyện có tính lịch sử, bởi vì Đức Giêsu không bao giờ đi rao giảng Tin Mừng tới dân ngoại. Và chính Ngài cũng đã từng truyền dậy các môn đệ điều này; thí dụ, trong Mátthêu 10:5, trước khi sai các môn đệ mang hạt giống Tin Mừng tới các thôn làng nước Do Thái, Ngài đã căn dặn, “Các con đừng đi tới các dân ngoại, cũng đừng đi vào thành của người Samaria”. Schneiders tin rằng người đầu tiên mang ánh sáng Tin Mừng tới vùng đất Samaria có lẽ không phải ai khác mà là thầy Sáu Philip (Tông Đồ Công Vụ 9). Bởi vậy, cuộc tao ngộ giữa Đức Giêsu và người đàn bà xứ Samaria, theo như Schneiders, phải được hiểu và phân tích theo nghĩa bóng.
Theo như Schneiders, cuộc hội ngộ giữa Đức Giêsu và người đàn bà Samaria đã ra đời bởi hai nguyên nhân:
(1). Đây là một trong những cố gắng của Kitô hữu thời tiên khởi để hợp thức hóa công tác truyền giáo tới người Samaria,
(2). Khẳng định vị thế bình đẳng giữa người Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc Samaria trong những cộng đoàn Kitô thời tiên khởi (3).
2. Thần Học Giếng Nước
Cũng theo Schneiders, trong khi đọc câu chuyện của người đàn bà bên bờ giếng nước trong câu chuyện của Gioan, độc giả không thể nào gạt bỏ qua một bên những câu chuyện có liên quan tới những giếng nước của tổ phụ Isaac, Giacob, và đại ngôn sứ Môisen. Những nhân vật tiên phong và lừng danh của dòng lịch sử ơn cứu độ này cũng đã từng xuất hiện bên giếng nước, và cũng chính tại giếng nước họ đã gặp gỡ những vị hiền thê của họ. Bởi thế, giếng nước Saikar Samaria nhắc nhở độc giả Kinh Thánh về giếng nước Aram Naharagim, nơi người hầu cận thân tín của tổ phụ Abraham đã gặp gỡ Rebecca, vợ tương lai của Isaac. Cũng chính tại giếng nước đầu làng Haran, tổ phụ Giacob hội ngộ Rachael, vợ tương lai và mẹ của Giuse và Benjamin sau này. Giếng nước Saikar cũng nhắc nhở độc giả Kinh Thánh về giếng nước Midian, nơi đó Môisen đã giải cứu bẩy người con gái của Reuel thoát khỏi bàn tay của những người chăn chiên (Xuất Hành 2:15-22).
Cho nên, theo như Schneiders, cuộc hội ngộ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria đã được tác giả Gioan xây dựng lớp lang và chuẩn bị ít ra trong ba chương.
(1). Trong chương 2, qua câu chuyện tiệc cưới Cana (2:1-11), Gioan đã giới thiệu và minh họa Đức Giêsu qua hình ảnh Chú Rể, người đã ban phát rượu thượng hảo hạng cho những tân khách tham dự tiệc cưới;
(2). Trong chương 3, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả cũng giới thiệu tới các người môn đệ của ông về căn tính Chú Rể trời cao của Đức Giêsu (Gioan 3:25-30).
(3). Trong chương 4, qua câu chuyện bên bờ giếng Giacóp, tác giả Gioan đã xếp đặt để Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng, qua đó Chú Rể Giêsu có cơ hội chào đón cô dâu Samaria vào bàn tiệc cưới Nước Trời.
3. Khó khăn
Tới ngày hôm nay, hai trường phái nghĩa đen và nghĩa bóng vẫn còn đang trong vòng tranh luận về những phương cách để hiểu những lời đối thoại của Đức Giêsu và người đàn bà Samaria trong Gioan 4:16-18. Tuy nhiên, trường phái nghĩa bóng gặp một cản trở trong khi cố gắng tìm cách thuyết phục độc giả. Không ai có thể từ chối được người Samaria là do năm sắc dân khác nhau hòa trộn vào với dân Do Thái của Bắc Quốc Israel. Năm sắc dân, nhưng họ lại thờ phượng bẩy vị thần. Do đó, rất khó để mà nói là năm người chồng của người đàn bà chính là năm vị thần mà người Samaria thờ phượng. Con số bẩy của bẩy vị thần là một trong những trở ngại mà trường phái nghĩa bóng gặp phải.
C. Thần Học Hòa Giải
Một chi tiết xuất hiện trong Gioan 4:1-42 mà thông thường độc giả ít chú ý tới trong khi lắng nghe lời đối thoại giữa Đức Giêsu và người đàn bà xứ Samaria. Câu nói “Cô hãy về nhà gọi chồng cô ra đây” thật sự ra là một câu nói hơi đường đột và bất lịch sự.
Titanic là một bộ phim nổi tiếng dài ba tiếng lấy biết bao nhiêu giọt nước mắt của khán giả. Sau khi cứu nhân vật nữ Rose thoát khỏi cảnh hiểm nghèo, sáng hôm sau, Jack Dawson và Rose gặp gỡ nhau. Chuyện qua chuyện lại, bất ngờ Jack nhắc đến vị hôn phu của Rose. Anh chàng Jack hỏi người đẹp Rose,
— Cô có yêu vị hôn phu của cô hay không?
Ngỡ ngàng trước câu hỏi quá đường đột, thẳng như ruột ngựa đó, Rose khó chịu, phản ứng ngay,
— Anh là một người bất lịch sự. Tôi không biết anh. Anh không biết tôi… Anh hỏi tôi một câu anh không nên hỏi. Anh đúng là một người bất lịch sự…
Hai người, Jack và Rose, chỉ mới một lần gặp nhau. Dù rằng chàng thanh niên Jack đã có cử chỉ hào hùng cứu lấy mỹ nhân Rose, nhưng thật sự ra, hai người vẫn không chưa trở thành thân cho lắm để tâm sự hoặc chia xẻ riêng tư.
Chuyện vợ chồng trong nền văn hóa nào cũng là một câu chuyện riêng tư mà một người lịch sự không nên mở miệng hỏi, trừ khi người đối diện tự động nhắc đến. Gặp một người phụ nữ sơ giao trong một bữa tiệc, một người con trai lịch sự không bao giờ hỏi, “Cô đã có chồng chưa? Cô được mấy cháu rồi?". Câu này là một câu hỏi thiếu tế nhị, bởi nó có thể bị người đối diện hiểu lầm.
Khi gặp một người đàn ông và một người đàn bà đang đứng nói chuyện với nhau nơi đồng không mông quạnh, rất khó cho chúng ta không có những tư tưởng xấu về họ. Chắc chắn chúng ta sẽ không nghĩ là hai người này đang tranh luận hoặc bàn thảo về chuyện tôn giáo, chính trị, hay là họ đang lần hạt Mân Côi chung với nhau.
Thế mà giữa đồng không mông quạnh gần thành phố Saikar, Đức Giêsu gợi chuyện với người phụ nữ Samaria. Sau cùng Ngài hỏi người đàn bà sơ giao một câu hỏi về đời sống riêng tư của bà, “Hãy về và gọi chồng cô ra đây”.
Trước tình cảnh này, người phụ nữ xứ Samaria có ba chọn lựa.
Thứ nhất, có thể cô ta sẽ nói,
— Ông là một người bất lịch sự. Ông không biết tôi. Tôi không biết ông. Ông hỏi tôi một câu hơi thiếu tế nhị. Tôi từ chối trả lời câu hỏi này bởi ông là một người bất lịch sự.
Thứ hai, người đàn bà có thể chọn lựa im lặng không nói gì bởi câu hỏi của Đức Giêsu hơi đường đột, quá bất ngờ.
Thứ ba, người đàn bà xứ Samaria chọn lựa trả lời câu hỏi của Ðức Giêsu.
Theo như thánh sử Gioan, cuối cùng cô ta chọn, chọn lựa thứ ba, bởi cô nói,
— Tôi không có chồng.
Nhìn trong lăng kiếng hòa giải, “Tôi không có chồng” là câu nói mà người phụ nữ đang nói với chính cô ta chứ không phải ai khác. Bị chất vấn, bị đặt vấn đề, người thiếu nữ cuối cùng chọn lựa thành thật với chính mình. Thứ nhất, cô chấp nhận có một thời cô đã sống trong tội lỗi. Thứ hai, người phụ nữ Samaria hòa giải với chính mình bằng cách thú nhận với cô rằng người đàn ông cô đang sống chung không phải là chồng của mình. Bởi thế cô mới bật miệng nói, “Tôi không có chồng”. Câu nói này, cô ta nói với chính mình. Thứ ba, “Tôi không có chồng” cũng là câu trả lời cho câu hỏi của người khách lạ mặt, câu nói hòa giải với Thiên Chúa qua hình ảnh của Con Một Của Người là Ðức Kitô.
Chỉ trong một câu nói đơn giản, ngắn gọn bốn chữ, “Tôi không có chồng”, người phụ nữ xứ Samaria vô danh đã bước qua liền một lúc ba giai đoạn của Mô Hình Chấp Nhận, chấp nhận lỗi lầm, chấp nhận hòa giải với chính mình, và chấp nhận hòa giải với Thiên Chúa.
Và cuộc đời cô ta đổi thay sau hành động hòa giải này. Người phụ nữ bỏ lại bên bờ giếng bình đựng nước. Chạy về làng, cô gọi những người trong thôn làng ra gặp Đức Giêsu. Người trong thôn làng, theo lời mời gọi của cô ta, chạy ra bờ giếng. Họ gặp gỡ người khách lạ bên giếng nước, và họ trở thành những người Kitô hữu. Bỏ lại bên bờ giếng bình đựng nước và chạy về làng gặp người trong thôn xóm là hai hình ảnh tượng trưng cho hành động chấp nhận đóng lại một trang sách cũ, mở ra một trang sách mới. Khi người đàn bà đi ra bờ giếng, cô ta mang theo trên người bình đựng nước tượng trưng cho một quá khứ nặng nề đè nặng trên vai. Ði ra giếng, người phụ nữ đi một mình. Khi bỏ lại bình nước bên bờ giếng, người phụ nữ Samaria chấp nhận bỏ lại sau lưng một trang sách cũ. Cô đóng lại trang sách của quá khứ để mở ra trang sách mới. Trong trang sách mới này, cô gặp gỡ những người dân trong làng mà có lẽ có một thời cô tránh né không muốn gặp mặt.
Người phụ nữ Samaria trong câu chuyện của Gioan 4:1-42 đã đi qua cả bốn giai đoạn của Mô Hình Chấp Nhận. Cô là một mẫu người điển hình của con người mới, con người biết chấp nhận những lỗi lầm và hòa giải với một khoảng thời gian của lạc loài với chính mình.

IV. Người Phụ Nữ Bên Giếng Nước
Như đã được trình bày ở ngay phần đầu của bài tham khảo, câu chuyện của người đàn bà bên giếng nước không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một người phụ nữ thất bại với đời sống hôn nhân. Ông Biệt phái Nicôđêmô trong chương 3 đã đi tìm gặp Đức Giêsu vào ban đêm. Và trong suốt câu chuyện, Đức Giêsu càng nói, ông Biệt Phái càng trở nên ngớ ngẩn không hiểu điều Ngài đang trình bày. Ngược lại, phụ nữ xứ Samaria đã đến tìm gặp Đức Giêsu vào ngay giữa ban ngày và giữa trưa. Thoạt tiên người đàn bà không hiểu tư tưởng Đức Giêsu muốn trình bày. Nhưng cuối cùng cô đã nhận ra người bên bờ giếng chính là Đấng Mêsia/Ta’heb mà cô đang mong đợi. Cô bỏ lại bên bờ giếng bình nước, và chạy về làng làm chứng nhân cho Tin Mừng mà cô mới vừa gặp gỡ bên bờ giếng. Bởi chứng nhân của cô, tất cả người trong thôn đã chạy tới bờ giếng gặp Đức Giêsu, và họ trở thành Kitô hữu.
Trong suốt câu chuyện, người đàn bà không than van hay oán trách bất cứ một người nào khác cho một khoảng thời gian quá khứ của mình. Thật sự ra người đàn bà bên bờ giếng biết thứ tha và hòa giải với chính mình. Bởi biết chấp nhận và hòa giải, cô ta đã đóng lại được một trang sách cũ của cuộc đời và mở ra một trang sách mới với niềm tin vào Đức Giêsu.
Người đàn bà bên bờ giếng, theo như Hạnh Các Thánh thời trung cổ, tên Photina. Bà đã rửa tội cho công chúa con gái của hoàng đế Nêrô, sau cùng đã chết tử vì đạo trong ngục thất tại thành phố Carthage của Ai Cập.
www.nguyentrungtay.com
____________________________
Chú Thích
(1) Câu nói của người thiếu phụ Samarita, “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng [Giavê Thiên Chúa] trên núi này [Gêzirim], nhưng các ông lại nói ở thành phố Giêrusalem” (4:20), đã phản ảnh Điều Răn Thứ Mười Một mà người Samaria tin.
(2) Tiếng Cổ Hy Lạp, phiên âm tiếng Việt “Úk é-kô án-dra”.
(3) Trong The Revelatory Text, Schneiders viết, “The basic purpose of the Samaritan Woman story in the gospel itself is to legitimate the Samaritan mission and to establish the full equality in the community between Samaritan Christians and Jewish Christians”. Coi Schneiders, The Revelatory Text (New York, NY: HarperCollins Publishers, 1991) 186.

Thư Mục Tham Khảo
Aston, John. Understanding The Fourth Gospel. New York, NY: Oxford University Press Inc., 1991.
Ball, David. ‘I Am’ in John’s Gospel: Literary Function, Background and Theological Implications. Sheffield, England: Sheffield Academic Press, 1996.
Barrett, C. K. The Gospel Accoding to St. John. 2ed; Westminster, 1978.
Brown, Raymond. E. The Gospel According to John. AB 29, 29A; Garden City, NY: Doubleday, 1970.
Bruce, F. F. The Gospel Of John. Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans Publishing Company, 1983.
Farmer, Craig. “Changing Images of the Samaritan Woman in Early Reformed Commentaries on John,” Church History 65 (1996) 365-375.
Giblin, Charles. “What Was Everything He Told Her She Did? (John 4.17-18, 29, 39),” New Testament Studies (1999) 148-152.
Marrow, Stanley. The Gospel Of John: A Reading. Mahwah, NJ: Paulist Press, 1995.
Moloney, Francis. Belief In The Word: Reading the Fourth Gospel: John 1-4. Minneapolis, MN: Augsburg Fortress, 1993.
Neyrey, Jerome. “Jacob Traditions and the Interpretation of John, 4:10-26,” CBQ 41 (1979).
Perkins, Pheme, “The Gospel According to John,” in The New Jerome Biblical Commentary. Ed. Raymond Brown, Joseph Fitzmyer, and Roland Murphy. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1990. Pp. 942-985.
Pilch, John, “Jesus and the Samaritans,” The Bible Today 40 (2002) 172-177.
Koester, Craig R. Symbolism in the Fourth Gospel: Meaning, Mystery, Community. Minneapolis, MN: Augsburg Fortress, 1995.
Schneiders, Sandra. The Revelatory Text. New York, NY: HarperCollins Publishers. 1991. Pp. 180-199.
Smith, D. Moody. John Among The Gospels: The Relationship in Twentieth-Century Research. Minneapolis, MN: Augsburg Fortress, 1992.
The Women’s Bible Commentary: Expanded Edition. Ed. Carol A. Newsom & Sharon H. Ringe. Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1998.