(TH) Vào hôm Thứ Năm tuần này (18/9/2008), Quận Hoàn Kiếm đã gởi văn thư mời đại diện của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội để nghe "công bố về dự án quy hoạch đất 42 Nhà Chung thành công viên cây xanh” nhưng Tòa Tổng Giám mục đã không đến họp. Tin cho hay cuộc họp đó có khoảng 10 người và Quận Hoàn Kiếm tự động công bố quyết định thi hành mà không có một ý kiến nào của tòa Tổng Giám mục.

Cảnh tượng Tòa Khâm Sứ vào cuối tuần này
Thế rồi vào trưa Thứ Sáu các xe ủi đã vào Tòa Khâm Sứ ủi đổ hết tường rào, tường sắt ở phía đằng trước Tòa Khâm Sứ, ủi trong sân và đưa đất vào trong đó.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã VietCatholic News, Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt cho hay đằng trước sân Tòa Khâm Sứ cũng như bên trong dày đặc công an, họ làm hàng rào, giăng dây kẽm gai để phong tỏa từ đầu đường lối vào tòa giám mục, và phong tỏa dòng Mến Thánh Giá. Theo Đức cha Kiệt, trong số những người thi hành quyết định, có lực lượng phản ứng nhanh, cảnh sát 113, công an mặc sắc phục và công an mặc thường phục cùng với các máy quay phim chụp ảnh và có cả chó nghiệp vụ nữa.

Trả lời câu hỏi của Linh mục Trần Công Nghị rằng “Trước đây thì chính đức Tổng cũng như là Tòa thánh thì cũng đã đồng ý cái giải pháp là sẽ đối thoại để chính quyền đồng ý trả lại Tòa Khâm Sứ trong tinh thần hòa giải và tinh thần đối thoại. Nhưng mà trước hành động này thì sáng hôm nay báo Hà Nội Mới đã đưa một tin rằng "sẽ biến đổi khu vực Tòa Khâm Sứ thành một công viên”. Thế thì như vậy tức là họ đã đi đến một kết luận là không đối thoại nữa. Và như vậy họ chận đường, và tự ý họ làm và không cần ý kiến của tòa Giám mục cũng như là của đức Tổng nữa thì trước sự kiện này thì đức Tổng Giám mục cho chúng con biết nhận định như thế nào?”, Đức cha Kiệt nói như sau:

"Về sự việc này, chúng tôi rất lấy làm buồn bởi vì theo văn thư của đức hồng y Quốc Vụ Khanh hồi đầu năm nay nói rằng sẽ phải đi vào việc đối thoại và ở đây tất cả mọi người từ giáo sĩ đến giáo dân đã tuân theo lệnh của Tòa thánh đi vào cuộc đối thoại, nhưng mà chúng ta thấy đấy cuộc đối thoại đó không phải chỉ có của Giám mục còn có giáo dân, giáo sĩ và cả Hội đồng Giám mục nữa. Thế nhưng mà cuộc đối thoại đang tiến hành nhưng Nhà nước lại có quyết định đơn phương như thế, nên chúng tôi thấy rằng nhà nước đã tự ý phá vỡ cuộc đối thoại này, không tôn trọng ý kiến của Hội đồng Giám mục cũng như là của Tòa thánh, và nhất là của giáo dân Hà Nội. Đó là điều rất là đáng buồn”.

Trong khi đó, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) lên án nhà cầm quyền Việt Nam hành hung ký giả của hãng thông tấn AP tại Hà Nội khi ông này đang hành nghề tại khu vực Tòa Khâm Sứ. Thông cáo nói: “RSF lên án việc bắt giữ và đối xử tàn tệ với Ben Stocking, trưởng văn phòng của hãng thông tấn AP tại Việt Nam, khi ông làm nhiệm vụ thông tin về cuộc biểu tình ôn hòa của người Công Giáo Việt Nam”.

RSF còn phổ biến một đoạn video trên website của họ cho thấy ký giả Ben Stocking, 49 tuổi, bị một số người mặc thường phục áp giải khỏi hiện trường khi ông đang chụp cảnh linh mục, tu sĩ, giáo dân Công Giáo cầu nguyện trong lúc các máy ủi được nhà nước đưa tới để san ủi Tòa Khâm Sứ.

Khi ông Ben Stocking sắp được đưa vào trong nhà và đang ở vị trí khuất mắt công chúng, người xem thấy ông đột nhiên cúi gập người, sau đó bị kẻ áp giải bóp cổ, nắm tóc...

Trong tin đã đưa về vụ đối xử thô bạo này, hãng thông tấn AP cho biết Ben Stocking đã bị tạm giữ hơn hai tiếng và chỉ được trả tự do sau khi có sự can thiệp của Tòa đại sứ Mỹ. Ông Ben Stocking đã đến bệnh viện và được khâu bốn mũi vì có một vết rách sau gáy do công an dùng máy ảnh đã tịch thu của ông để đập vào đầu ông.

AP cho biết, ông Stocking bị đánh vì tỏ ý đòi lại cái máy ảnh đã bị công an tịch thu. Ngoài việc bị đập máy ảnh vào đầu, ông Stocking còn bị đấm vào mặt.

Tuy nhiên Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN phủ nhận việc công an đánh Ben Stocking: “Hoàn toàn không có việc lực lượng an ninh Việt Nam hành hung ông Ben Stocking. Phóng viên Ben Stocking đã vi phạm qui định của luật pháp Việt Nam, cố tình chụp ảnh tại khu vực đã có biển cấm".

Sau vụ tấn công giáo dân Thái Hà, việc phá tường và san bằng đất Tòa Khâm Sứ để làm công viên và thư viện khiến quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam và nhà cầm quyền Hà Nội bước sang một ngã rẽ khác, rất bất lợi cho chế độ.

(Nguồn: http://www.tivituansan.com.au/Details.asp?nID=1310&scID=SCA060817091628C)