Tường trình cuộc ra tòa của giáo dân Thái Hà 08/12/2008 (phần 2)

2. TRƯỚC UBND PHƯỜNG Ô CHỢ DỪA: CUỘC HỘI NGỘ KHÔNG NHƯ LÒNG MONG MUỐN

Tới UBND phường Ô Chợ Dừa, nơi xử án, cảnh sát cơ động chặn lối không cho đoàn linh mục và giáo dân vào UBND. Ông Trưởng Công an quận Đống Đa ra gặp chúng con. Cha Phượng và con đề nghị ông cho mở lối để các linh mục và đại diện giáo dân vào dự toà. Vì toà xét xử công khai và theo yêu cầu của Toà, một số bị cáo cũng đã ghi vào mục thân nhân tham dự là các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà. Ông nói vì phòng xử án không đủ chỗ cho nên các linh mục vào mà thôi. Ông lệnh cho thuộc cấp mở hàng rào cho các giáo dân bị cáo và cho các linh mục đi vào bên trong UBND. Thái độ của ông hôm nay khá nhỏ nhẹ, lịch sự.

Các cha vào hết, còn lại cha Phong và con vào sau, vì còn can thiệp cho thân nhân bà Hợi và bà Nhi vào dự Toà. Không hiểu vì lý do gì mà gia đình bà Nhi, bố mẹ và các con bà không nhận được bất cứ giấy tờ gì báo ngày xử án và thẻ vào tham dự phiên Toà. Chúng con hỏi cán bộ Phòng An ninh thuộc Sở Công an Hà Nội đang đứng đó, họ nói không biết, cái đó thuộc cấp quận. Chúng con tìm Ông Trưởng Công an Quận, thì ông đã chạy đâu mất, may có ông Phó Trưởng Công an Quận.

Trước yêu cầu mạnh mẽ và tha thiết của các linh mục và giáo dân, các cán bộ hữu trách Toà án và Công an đã cho bố mẹ và một người con của chị Nhi và chị Thuỷ con bà Hợi vào dự phiên toà. Dù vậy, vẫn còn nhiều thân nhân ruột thịt khác không được vào. Những anh chị em này khóc lóc thảm thiết và phản ứng mạnh mẽ trước việc ngăn chặn quyền chính đáng này của người thân lắm!

Khi các cuộc dàn xếp bên ngoài tạm ổn, chúng con hỏi xem bà Nhi và bà Dung đã được đưa về đây chưa, thì được biết rằng cả hai đã được đưa đến từ sớm. Thật tiếc, chúng con muốn đến trước giờ họ chở hai người đến, để có dịp cổ vũ tinh thần các bà và cũng để cho các bà thấy anh chị em và thân nhân của mình yêu mến hai bà thế nào. Thế mà cơ hội đã qua đi, chỉ vì công an đưa các bà đến toà sớm quá. Buổi tối, sau khi đã được tự do, bà Dung nói rằng, hai bà đến trước, từ trên lầu cao nhìn xuống có nhìn thấy đoàn giáo dân và linh mục chúng con và bà rất xúc động và vui mừng.

Trong khi đang dàn xếp, con đứng trước UBND nhìn ngược ra phố, thấy khung cảnh thật ấn tượng: Dọc các hàng rào cảnh sát phấp phới những nhành lá tử đạo và hàng trăm biểu ngữ được giương cao mang các nội dung rất chí lý và rất hài hoà, chẳng hạn: “Phúc thay anh em khi vì danh Thầy mà bị người ta bắt bớ, xét xử”, “Chúng tôi yêu mến anh chị em”. “Hoan hô anh chị em”, “Chúng tôi đồng trách nhiệm”, “Chúng tôi xin đi tù thay anh chị em”, “Anh chị em vô tội”, “Chớ gì anh chị em được xét xử công bằng”, “Pháp luật phải được thượng tôn”, “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”, “ Mẹ tôi vô tội”, etc. Có người dán biểu ngữ sau lưng, có người giơ lên, có người cuốn thành mũ đội trên đầu trông rất ngộ nghĩnh.

Thấy giáo dân kéo đến đông quá, chính quyền tăng cường thêm cảnh sát cơ động. Họ triển khai thêm một hàng cảnh sát dọc hè phố bên kia và dọc dải phân cách giữa đường, họ đứng trước mặt hàng giáo dân và và ngăn cản không cho giáo dân từ hai hàng ở giữa đường và bên kia đường chạy sang phía đường bên này, nơi có UBND đang dùng làm nơi xét xử. Họ còn bao vây và cô lập từng nhóm giáo dân, không cho nhóm nhập với nhóm kia. Các cảnh sát cơ động không kịp làm việc thì cả các nhân viêit nam an ninh mang thường phục cũng vào cuộc ngăn chặn giáo dân.

Lúc này ở bên trong hàng rào bằng dây thừng và cảnh sát cơ động, khu vực trước UBND, có rất đông các cán bộ an ninh quen mặt của phòng PA 38 ở đây, các cán bộ của công an Quận Đống Đa và nhiều cán bộ khác chúng con không biết tên. Tất cả đều mặc thường phục. Cũng có mấy người ngoại quốc đi lại. Về sau chúng con mới biết đấy là cán bộ các cơ quan ngoại giao của một số nước đến theo dõi phiên toà và phóng viên của một số hãng thông tấn quốc tế có văn phòng ở Hà Nội. Một số phóng viên chạy dọc chạy ngang trên mặt đường Hoàng Cầu. Một số được vào bên trong toà nhà.

Một lát sau, thấy giáo dân đến đông quá, cảnh sát phong toả nốt nửa phần đường còn lại của phố Hoàng Cầu, không cho người qua lại. Cảnh sát cũng đặt luôn hàng rào sắt ở hai đầu khiến cho các đoàn giáo dân đi muộn không còn vào được đọan phố nơi UBND toạ lạc. Thế là nội bất xuất ngoại bất nhập, tạo thành 3 khu vực tập trung lớn trên phố Hoàng Cầu. Số giáo dân ở hai đầu phố phải làm công tác hậu cần và nhắn tin: Chuyển nước, bánh, và những thứ cần thiết vào cho số người bên trong. Nhiều người ở xa về muộn chỉ còn đưoc đứng ở hai đầu phố, hoặc về nhà thờ cầu nguyện.

Khi các nạn nhân bị cáo đều đã có người thân vào tham dự phiên toà, con mới đi vào UBND dự cuộc xét xử. Tới cửa kiểm tra an ninh, các nhân viên chặn lại, vì con không có giấy mời của Toà. Con phản ứng vì vừa nãy ở ngoài phố thì ông Trưởng Công an Quận mời chúng con vào mà bây giờ đến cửa lại bị lực lượng khác ngăn chặn. Con cứ đứng đấy kêu. Ông Phó Trưởng Quận ra mời con đi tránh sang một bên cửa kiểm tra an ninh để vào một phòng ở tầng 1. Ông nói cứ vào đây các cán bộ sẽ nói chuyện. Khi con vào thì thấy hoá ra các cha vào trước cũng đang ở cả đây, chưa ai được lên tầng 4 để dự cuộc xét xử.

Tiếp chúng con là ông Trần Hồng Quân, (nếu con nhớ không nhầm), Chánh án TAND Quận Đống Đa. Cha Phượng và cha Phong nói rằng toà xét xử công khai các cha cũng đã có giấy uỷ quyền của cha Bề trên-Chính xứ Vũ Khởi Phụng, cho nên các cán bộ phải để cho các cha tham dự. Ông Chánh án nói rằng vì phòng xét xử không đủ chỗ cho nên chỉ có thể mời một linh mục đại diện tham dự. Ông nói phải tôn trọng pháp luật.

Hai cha nói rằng “chúng tôi cũng chỉ mong muốn như vậy. Chính vì tôn trọng pháp luật mà chúng tôi yêu cầu được tham dự phiên toà với tư cách là những người liên quan…” Các cha cũng nói trường hợp không cho các linh mục chúng con vào thì chúng con cũng chấp hành và khi ấy buộc chúng con phải ra đường đứng chầu với dân oan và khi ấy chẳng đẹp gì cho Toà án, cho chế độ. Trước những lời lẽ đanh thép, có cơ sở của quý cha, chúng con thấy mặt ông chánh án sạm đi và ông im lặng bỏ ra khỏi phòng.

Sau đấy cha Phong còn nói với một cán bộ, vì toà xét xử công khai cho nên nếu không đủ chỗ thì phải bắc màn hình hoặc loa phóng thanh ra ngoài cho mọi người theo dõi. Ông cán bộ này nói rằng cái đó còn phải trình báo cấp trên và bây giờ lắp đặt thì không kịp. Cha Phong nói ngài sẵn sàng về nhà thờ mang hệ thống âm thanh ra phòng xử lắp đặt giúp, nhanh chóng, kịp thời tham dự phiên toà, nhưng ông cán bộ này đánh trống lảng.

Thực ra không cho các linh mục tu sĩ và đại diện giáo dân vào tham dự phiên toà là một điều không hay cho chính các cán bộ. Chúng con không thể ra về và giáo dân thấy chúng con không được tham dự, họ cũng sẽ bức xúc hơn. Phần chúng con, không được vào toà, chúng con cũng an lòng chấp nhận ở lại trên phố cùng hát thánh ca với giáo dân, cầu nguyện cho công lý, cầu nguyện cho phiên toà được xét xử công bằng, cầu nguyện cho các anh chị em đang bị xét xử được vững tâm. Cha Phó Bề trên Giám Tỉnh Cao Đình Trị điện thoại nói với con rằng giải pháp nào cũng tốt trong đức tin.

( Hết phần 2, còn tiếp)

Tu viện Thái Hà, ngày 09 tháng 12 năm 2008

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT