Tường trình cuộc ra tòa của giáo dân Thái Hà 08/12/2008 (phần 3)

3. BUỔI SÁNG TRONG PHÒNG XÉT XỬ: ĐIỂM DANH, ĐỌC CÁO TRẠNG VÀ XÉT HỎI

Thấy cần thiết phải có ít là một cha tham dự phiên toà để an ủi các giáo dân bị xét xử và để biết cuộc xét xử diễn ra thế nào, các cha đã cử con làm đại diện vào tham dự. Cha Phong trao cho con tờ giấy uỷ quyền và thẻ tham dự của cha Bề trên-Chính xứ.

Chúa xếp đặt thế nào từ phòng họp ở tầng 1 con có thể đi lên tầng 4 ngay mà không cần qua cửa kiểm tra an ninh, vì thế điện thoại con vẫn còn trong túi mà không bị nhân viên an ninh tạm giữ, nhờ thế con có thể nhắn tin cho các cha và các giáo dân đang theo dõi bên ngoài cho biết tình hình xét xử bên trong phiên toà.

Từ tầng 1 đến tầng 4, ở các lối đi, dọc theo hai hành lang, cảnh sát đứng dầy. Trước mỗi tầng lại có một trạm xét hỏi giấy tờ. Công an chặn hỏi bất cứ ai đi vào tham dự phiên toà. Con cũng thấy công an CAND mà văn hoá kém, khá nhiều cán bộ công an khi xét hỏi con cứ kêu bằng anh ngon lành. Có đời thuở nào người Việt Nam có văn hoá lại đi gọi những người tu hành đang mang tu phục đứng trước mặt mình như thế là anh bao giờ! Có mấy lần con đã phản ứng với các cán bộ công an về cách xưng hô này và có lần con đã bỏ ngang cuộc làm việc chỉ vì cách gọi kém văn hoá và thiếu tôn trọng người tu hành này.

Tới phòng xử ở tầng 4 thì toà đã đang điểm danh các bị cáo. Con đi vào giữa hội phòng xử ngay khu vực phía sau các bị cáo, nhưng không còn chỗ, cảnh sát tư pháp và những thành phần nào đó đã ngồi hết khu vực này. Con đang loay hoay tìm chỗ thì có một cảnh sát mời con sang dãy ghế giáp tường, nhìn ra mặt phố, trông xuống lòng đường qua cửa sổ. Lát sau con đếm được khu vực này còn trống rải rác 6 ghế.

Phòng xử rộng độ 120 mét vuông. Số người tham dự khoảng 120 người. Từ dưới nhìn lên, ở giữa giữ ghế chủ toạ phiên toà là một nữ thẩm phán còn khá trẻ. Hai bên chị là hai hội thẩm nhân dân, một ông và một bà, cả hai đều khá lớn tuổi. Bên trái nhìn xuống là 2 nam công tố viên cũng còn khá trẻ. Hai thư ký Toà, một nam một nữ ngồi ở góc phải, tiếp theo ở bên dưới là hai luật sư Lê Trần Luật và Lê Như Hương. Cũng còn có khu vực trước các công tố viên là bên nguyên đơn, các nhân chứng. Ngoài ra còn có bộ phận kỹ thuật quay phim truyền hình trực tiếp xuống tầng 3 cho các đại diện ngoại giao, các nhà báo và các cán bộ theo dõi. Hai nhóm quay phim, 3 máy, đặt ở hai góc phòng, phía sau các công tố viên và các thư ký.

Số người tham dự phiên toà: Có vài cán bộ, có lẽ là cán bộ chỉ đạo cuộc xét xử, ngồi trên hàng ghế đầu phía trước chỗ con ngồi. Mấy cán bộ an ninh quen mặt đối với giới công giáo Hà Nội thì ngồi theo dõi phiên toà từ hàng ghế sau, gần cửa ra vào. Số giáo dân tham dự rất ít. Chỉ có khoảng 1 chục người là thân nhân của các bị cáo. Còn lại là những thành phần nào đấy rất đông, phần lớn là những người đứng tuổi, con đoán là thành viên của các đoàn thể xã hội và các tổ dân phố mấy phường xung quanh thuộc quận Đống Đa. Con hỏi một số người xem họ tham dự phiên toà thuộc diện nào. Họ không dám nói. Chỉ có một bà nói là đại diện Hội phụ nữ. Dường như Toà cố ý mời đông đảo những người này thay vì dành chỗ cho các linh mục và giáo dân, đồng thời cũng tìm sự tán đồng, hậu thuẫn trong khi buộc tội các bị cáo.

Lúc con vào phòng xét xử, thì đã khoảng 8 giờ 30, lúc này chủ toạ đang điểm danh các bị cáo và các nhân chứng.

Khoảng 8 h 45’ đến 9 h 15’ công tố viên đọc cáo trạng. Nội dung bản cáo trạng này thuộc vào loại điển hình cho sự phi lý và xuyên tạc sự thật.

Chẳng hạn: Ai cũng biết giáo dân xếp hàng ra Linh địa Đức Bà cầu nguyện rất trật tự. Thế mà cáo trạng bảo giáo dân gây rối loạn trật tự công cộng. Ai cũng thấy đang khi giáo dân xếp hàng đi trên ngách 49, ngõ 64 thì xe hơi vẫn chạy qua chạy lại được, thế mà cáo trạng bảo giáo dân làm ách tắc giao thông. Ai cũng biết giáo dân không bạo ngôn với ai và cũng chẳng bạo hành ai, thế mà cáo trạng bảo giao dân đe dọa, hành hung những người khác. Trong khi đó, cáo trạng chỉ đưa ra được một bằng chứng về cáo buộc này, ấy là hành vi ông Lân ném vỏ chai la vie vào người quay phim. Etc.

Dối láo trơ trẽn đến mức khôi hài là việc cáo trạng nói: “Do bức xúc, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của linh mục và giáo dân Thái Hà, đặc biệt là sau khi nghe những lời phát biểu của Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội vào ngày 20/9/2008, quần chúng nhân dân từ nhiều nơi đã đến khu vực cổng sau nhà thờ Thái Hà yêu cầu nhà thờ cử người ra đưa ảnh tượng về nhà thờ, nhưng các linh mục và giáo dân đã đóng cửa lại, không đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Chính quyền và Công an quận Đống Đa đã kịp thời ngăn cản, thuyết phục nhân dân kiềm chế, tránh những hành vi quá khích, bảo vệ giáo dân, không cho người dân đập phá”.

Những người có lương tri biết sự thật ngược lại với những điều trên đây của cáo trạng. Có tin được không khi ai cũng đã nghe ông Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói trong trận lũ lụt vừa qua rằng: “Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chưa không đem hết sức ra tự làm”. Như thế làm sao ai tin được rằng có “quần chúng nhân dân” nào lại nhiệt tình và vô văn hoá đến nỗi tự ý đang đêm dậy đi làm việc thất đức là đến nơi thờ tự gây rối chống phá giáo dân, xúc phạm ảnh tượng thánh?! Mà sao “quần chúng nhân dân” đến từ nhiều nơi mà lại đến cùng nhau và đến đúng giờ thế?!

Một điều dối trá xuyên tạc vu cáo điển hình là việc cáo buộc bà Nhi gây rối trật tự công cộng ở Toà Khâm Sứ, trong khi ai cũng biết nguyên nhân trực tiếp của sự kiện Toà Khâm Sứ ngày 25/1/2008 là do các cán bộ đứng bên trong Toà Khâm Sứ bắt giữ người và đánh người trái phép trước mặt bàn dân thiên hạ, gây đổ máu. Khi đựơc kêu gọi thả người bị bắt ra, thì các cán bộ này không chịu thả mới dẫn đến việc giáo dân xô đổ tường rào để vào bên trong giải cứu nạn nhân. Các đức giám mục, các phóng viên quốc tế và ngay chính các nhân viên an ninh theo dõi buổi cầu nguyện ở Toà Khâm Sứ hôm đó cũng biết điều này. Thế mà cáo trạng đổ hết mọi tội lỗi cho chị thì thật là phi lý và bất công.

Một điều phi lý và bất công nữa là trong khi cáo trạng đề cập đến Đức TGM Ngô Quang Kiệt và các linh mục nhà thờ Thái Hà, cáo buộc các vị này phạm những tội tày đình, là những người “cố tình vi phạm pháp luật và kích động giáo dân vi phạm pháp luật”. Ấy thế mà tại sao các cơ quan công quyền lại không bắt giữ, truy tố và xét xử các vị này? Tại sao hàng chục giáo dân tham gia phá tường, hàng nghìn giáo dân tham gia cầu nguyện mà hôm nay lại chỉ truy tố, xét xử có 8 người? Etc.

Những cáo buộc trơ trẽn, không có cơ sở, bằng chứng cụ thể, lấp liếm sự thật chất chứa trong từng câu chữ của cáo trạng. Nghe xong người ta không hiểu nghiệp vụ của cơ quan điều tra và trình độ hiểu biết pháp luật của cơ quan tố tụng hiện đang ở trình độ nào. Nếu không phải vậy, thì chỉ có thể nói các cơ quan này đã cố tình dựng nên vụ án “huỷ hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng” để bắt giữ và truy tố 8 giáo dân trên đây nhằm phục vụ cho một mục đích mờ ám, biện minh cho những hành động sai lầm và bảo vệ quyền lợi của những ai đó.

Hết phần cáo trạng đến phần xét hỏi các bị cáo. Cảnh sát đưa các bị cáo sang phòng khác và xét hỏi riêng từng bị cáo trước Toà. Các giáo dân của chúng ta trả lời rất thẳng thắn, rất hay.

Thẩm phán hỏi: “Mục đích đến Thái Hà cầu nguyện để làm gì? Chị Nhi nói: “Chúng em đánh nhau không biết đánh nhau, chửi không biết chửi, chúng em chỉ biết cầu nguyện để đòi công bằng cho Giáo hội”. Ông Kiện nói: “Cầu nguyện để xin Thiên Chúa soi sáng cho các cấp chính quyền sáng suốt giải quyết trả lại đất cho nhà thờ. Càu nguyện để chính quyền giải quyết cho dễ chứ để mọc lên mấy cái biệt thự thì khó giải quyết!”. Anh Hùng nói: “Mục đích ra cầu nguyện là để chính quyền giải quyết trả lại đất cho nhà thờ”. Toà hỏi anh thêm: “Đất đã là đất nhà thờ sao còn phải đòi?”- Anh trả lời: “Vì người ta lấn chiếm nên phải đòi”. Các giáo dân khác cũng trả lời tương tự như vậy.

Thẩm phán hỏi: “Ai giao nhiệm vụ cho bị cáo? Do đâu mà bị cáo lại đến cầu nguyện? Có phải Giáo xứ Thái Hà kêu gọi không?” Các giáo dân đều nói không ai giao nhiệm vụ, không ai kêu gọi mà do chính mình tự nguyện tham gia. Chị Nhi còn nói: “ Do tâm linh và tâm nguyện”, “ Do ti vi đài báo đưa tin và tôi muốn đến để tìm hiểu sự thật. Người công giáo phải có trách nhiệm tìm hiểu và bảo vệ danh dự và tài sản của Giáo Hội”.

Thẩm phán hỏi: “Đập tường để làm gì và bị cáo có nhận thức hành vi bị cáo đập bức tường không phải của mình là sai không? Các giáo dân đều trả lời là “đập tường để mở lối vào cầu nguyện trong khu đất”, “đập tường không sai”. Anh Hải nói: “Mở lối đi là đúng. Cháu biết đấy là đất nhà thờ cho nên không vi phạm pháp luật”. Ông Năng nói: “Tôi không có gì đáng ân hận khi đập tường. Tôi biết bức tường ấy và tôi xây 500 nghìn đồng còn được bức tường đẹp hơn”. Bà Hợi nói: “Đập tường thì tôi có đập nhưng vi phạm pháp luật thì không”. Toà hỏi: “Nhưng đập tường của người khác xây dựng mà lại bảo không sai thì là sao?! Bà trả lời: “Nếu tôi xây bức tường trên đất của người ta mà người ta đập phá đi thì tôi cũng chẳng làm gì được!”

Thẩm phán hỏi: “Bị cáo có biết đây là đất công ty May Chiến Thắng đang quản lý và sử dụng hợp pháp không? Tại sao bị cáo lại khẳng định là đất nhà thờ? Anh Hải nói: “Nghe các cha nói”. Anh Hùng nói: “Nghe người ta nói và nhờ đọc các bảng thông tin của giáo xứ”. Bà Hợi và ông Kiện nói đại ý: Đấy là đất nhà thờ, từ bé hai người đã sống ở đó và biết đó là đất nhà thờ. Trên khu đất đó còn có các cơ sở nhà thờ xây dựng. Đất đấy đã bị chiếm dụng bất hợp pháp và bị bỏ hoang một. Nếu nhà nước lấy thì phải có giấy tờ văn bản làm chứng. Nếu nhà nước lấy không giấy tờ, thì không hợp pháp…

Sau khi thẩm phán xét hỏi thì đến lượt các công tố viên. Những người này chỉ xoay quanh một vài chi tiết các bị cáo vừa nói khác với biên bản điều tra. Giải thích điều này, anh Hải nói: “Lúc đi lên công an, tinh thần hoảng loạn nên cháu không nhận thức được!”. Anh Hùng nói: “Lúc đấy công an viết và đọc cho tôi chứ tôi không viết vậy!” Ông Kiện nói: “Lúc ấy tinh thần tôi căng thẳng cho nên tôi khai thế. Nay trước toà tôi nói đúng”.

Công tố viên cũng yêu cầu trình chiếu đọan video các giáo dân đang đập phá đoạn tường và đọan video cha Bề trên Vũ Khởi Phụng và cộng đoàn đang đi rước vừa đi vừa hát kinh hoà bình. Giữa phòng xét xử, Chúa an bài cách lạ lùng cho chúng con được lặng nghe nhìn và hiệp thông cầu nguyện, kể cũng thú vị. Nhiều người trong số “nhân dân” dự phiên toà khen phim quay rõ nét và hình ảnh đẹp, âm thanh tốt. Thân nhân của các bị cáo ngồi gần con cũng như bản thân con đều cảm thấy phấn chấn, an ủi và hào hùng khi nghe nhìn những âm thanh và hình ảnh kia. Con nghĩ các giáo dân là bị cáo của chúng ta cũng tự hào khi xem lại những cảnh này.

Người hỏi từng bị cáo sau cùng là các luật sư: Ông chỉ mỗi bị cáo một câu có cùng nội dung: “Ông/bà/anh chị đập tường và cầu nguyện ở khu đất có sai không? Có phạm pháp luật không? Tất cả các giáo dân đều nói: “Không sai!” hoặc “Không vi phạm pháp luật”.

Cũng phải xin nói thêm trong phần trình đọc cáo trạng và xét hỏi. Các giáo dân bị cáo luôn ngẩng cao đầu, ra vào phòng xét xử rất hiên ngang, thái độ rất xác tín về những hành động mình đã làm, dung nhan rất tươi tỉnh. Con thấy những người nở nụ cười nhiều hơn cả trong toà án chính là các giáo dân đang đứng ở ghế bị cáo này. Thỉnh thoảng họ lại quay sang nhìn con và mỉm cười. Khi bị áp giải đi qua chỗ con, con ra dấu chúc lành cho họ và khích lệ họ, thì có người còn nói lại với con rằng: “Cha đừng lo cho con”. Thái độ của họ khiến con vô cùng xúc động và tự hào.

Sau phần xét hỏi các bị cáo, toà mời nguyên đơn là Công ty May Chiến Thắng trình bày và toà xét hỏi. Hai bà đại diện Công ty này trình bày sự việc cho có, coi như phải có một vai diễn để có cơ sở kết án nhà thờ Thái Hà, truy tố và xét xử các giáo dân mà thôi. Hai người này nói sự việc giáo dân phá tường, đặt tượng, đốt rác, thắp hương, cầu nguyện trong “khu đất của Công ty” làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân, làm sụt giảm năng suất lao động của công ty, thiệt hại tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng bà tuyên bố không đòi các bị cáo bồi thường, nhưng đề nghị xứ lý nghiêm minh để ngăn ngừa những trường hợp khác. Luật sư hỏi: “Tại sao công ty không đề nghị bồi thường?”. Bà đại diện trả lời: “Vì người ta nhận thức pháp luật chưa tới và người ta cũng thấy khuyết điểm rồi!”. Cử toạ phải phì cười vì “lòng tốt” đột xuất của Công ty May Chiến Thắng.

Tiếp theo là phần trình bày của các nhân chứng. Một nhân chứng liên quan đến vụ Thái Hà vắng mặt. Chỉ còn một trình bày. Ông nói sáng ông dậy tập thể dục thì thấy tường đã đổ và ngày 19/8/2008 tổ dân phố làm đơn kiến nghị gửi lên các cấp chính quyền khiếu nại giáo dân làm ồn ào và đi lại mất trật tự. Một giáo dân bị cáo sau đó đã nói với toà rằng, các ông bảo chúng tôi phá tường vào lúc trưa, mà người làm chứng lại bảo sáng ông dậy đi tập thể dục thì thấy tường đổ là thế nào?

Liên quan đến vụ Toà Khâm Sứ, có hai nhân chứng là cán là cán bộ của phòng văn hoá và nhà văn hoá quận Hoàn Kiếm. Một trong hai anh đấy chúng con biết rõ mặt. Cả hai anh này đều làm chứng gian khi mô tả bà Nhi là nguyên nhân sự kiện giáo dân đẩy đổ tường rào Toà Khâm Sứ ngày 25/1/2008, trong khi nguyên nhân chủ yếu là do các cán bộ trong Toà Khâm Sứ bắt giữ và đánh đập luật sư Lê Quốc Quân và không chịu thả anh này ngay cả khi đã được yêu cầu. Trong lúc người dân tràn vào, chị Nhi còn đang ở trong sân, thì mấy cán bộ đang đứng ở sân Toà Khâm Sứ mặt cắt không còn giọt máu, chạy biến vào bên trong, còn đâu thấy được điều gì bên ngoài mà làm chứng! Con biết rõ sự kiện này vì con đứng nhìn vào sân Toà Khâm Sứ và con còn có cả phim ảnh để làm chứng cho sự làm chứng gian dối của hai cán bộ này.

Lúc này đã gần 12 h 30 bà chủ toạ tuyên bố chấm dứt phần xét hỏi và cho tạm nghỉ để ăn trưa, đến 13 h 15 phiên toà sẽ tiếp tục.

Các cán bộ toà án, công an, viện kiểm sát, hai bị cáo đang bị tạm giam và hầu hết số người tham dự cuộc xét xử được lo phần ăn trưa tại UBND. Trong khi đó thân nhân của các bị cáo, các bị cáo tại ngoại, các luật sư tự lo phần ăn của mình. May mắn có các cha và các giáo dân ở bên ngoài đã chuyển qua mấy hàng rào cảnh sát để người bên trong phòng xử có thể nhận được một ít bánh mì và nước uống.

Con tranh thủ 45 phút Toà tạm dừng để chạy về nhà dòng ăn trưa và uống thuốc. Khi đi trên đường Hoàng Cầu con thấy cha Giuse Nguyễn Văn Bình, Quản lý Toà Tổng Giám Mục, đang đi dọc phố cùng giáo dân. Con nghe nói có cha Giuse Vũ Văn Ruẫn, Chính xứ Cửa Bắc, cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý và Giuse Phạm Minh Triệu, Chánh và Phó xứ Hàm Long cũng đến từ lúc 9 h sáng và ở giữa các giáo dân cầu nguyện trên phố rất sốt sắng. Trong khi ấy, các giáo dân nhiều người mắc việc công sở, tranh thủ buổi trưa chạy xe máy đến phố Hoàng Cầu xem tình hình thế nào, nhưng bị các cảnh sát cơ động chặn lại chỗ hàng rào sắt. Con thấy thật là đẹp tinh thần hiệp thông của các linh mục và giáo dâ Hà Nội.

Nhiều người hỏi con tình hình bên trong toà thế nào, con chỉ có thể nói vội rằng TOÀ MUỐN ÁP ĐẢO CÁC NẠN NHÂN BẰNG SỐ LƯỢNG NGƯỜI THAM DỰ THUỘC CÁNH CỦA MÌNH. ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT CÔNG BỐ MỘT CÁO TRẠNG PHI LÝ, BẤT CÔNG VÀ XUYÊN TẠC. CÒN ĐỐI VỚI GIÁO DÂN CỦA CHÚNG TA THÌ ĐÃ CÓ MỘT CUỘC LÀM CHỨNG RẤT ĐẸP CHO CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT TRƯỚC TOÀ BẰNG NHỮNG CÂU TRẢ LỜI RẤT KHẢNG KHÁI, THẲNG THẮN.

( hết phần 3, còn tiếp)

Tu viện Thái Hà, ngày 10 tháng 12 năm 2008

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT