Tường trình cuộc ra tòa của giáo dân Thái Hà 08/12/2008 (4)

4. BUỔI CHIỀU TRONG PHÒNG XÉT XỬ: LUẬN TỘI VÀ TUYÊN ÁN

Khoảng 13 h 20 phiên toà tiếp tục: Phần luận tội, công tố viên đại diện viện Kiểm sát khẳng định bằng chứng kết tội các bị cáo tại phiên toà là đầy đủ, trong khi ngoài bút lục, các lời khai trước toà, thì chỉ có hai lá đơn của hai tổ dân phổ và hai đoạn video, một chiếu cảnh đập tường, một chiếu cảnh đi rước ra linh địa cầu nguyện. Cũng xin nói thêm là cả hai đoạn video này chưa được giám định.

Cũng chẳng hiểu sao trong bản luận tội công tố viên lại trình bày một phần rất dài về đến vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng Sản và Chính phủ Việt Nam. Chẳng biết để làm gì và như thế có đủ “giác ngộ” cho các phóng viên chuyên nghiệp của một số hãng thông tấn ở tầng dưới nhận thức được “chính sách tốt đẹp” về tôn giáo” của Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam chăng?

Sau đó, bản luận tội đề cập đến Đức TGM Hà Nội và các linh mục nhà thờ Thái Hà, tưởng tượng và quy kết cho những vị này những “tội” tày trời và còn đe doạ sẽ xử lý các vị này ở hình thức cao hơn nếu tiếp tục “vi phạm”.

Nghe đến đấy con thắc mắc tại sao Đức TGM và các linh mục nhà thờ Thái Hà “vi phạm pháp luật” mà toà lại không đưa ra xét xử? Xử lý vụ việc như thế các cơ quan công quyền có vi phạm pháp luật không? Sau cùng công tố viên nói một câu rằng: “Vì các vị này đã bị Chủ tịch UBND TP cảnh cáo cho nên không đề cập xét xử trong vụ án này”. Nhưng nếu vậy thì ông Chủ tịch cũng vẫn vi phạm pháp luật: Tại sao không có một biên bản “vi phạm” nào được lập, không có một quyết định “xử phạt hành chính” nào được đưa ra làm cơ sở, toà án cũng chưa xét xử mà ông Chủ tịch UBND TP lại đã ngang nhiên và mau chóng làm công văn kết tội và cảnh cáo Đức TGM và một số giáo sĩ nhà thờ Thái Hà?

Công tố viên quy kết cho các linh mục, giáo dân Thái Hà nhiều thứ tội: Huỷ hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm cản trở giao thông, vi phạm trật tự xây dựng, đe doạ hành hung các bảo vệ của công ty May Chiến Thắng và những người có ý kiến phản đối. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị hình phạt khá nhẹ so với tội trạng đã nêu ra: Viện Kiểm sát đề nghị 4 người bị án tù treo, 3 người bị cải tạo không giam giữ và 1 người bị cảnh cáo.

Toà hỏi các bị cáo có ý kiến gì về bản án rất nhẹ đó không? Bà Nhi và ông Năng đặt vấn đề tại sao chính quyền không giải quyết thoả đáng vấn đề đất đai cho Giáo Hội. Anh Hùng nói: “Bản án quá nặng. Yêu cầu toà xử sao cho công bằng hợp lý”. Bà Hợi nói: “Bản án như thế là quá nặng. Xin toà tôn trọng công lý và sự thật”. Ông Kiện nói: “Bản luận tội ấy là oan cho tôi quá”. Bà Dung nói: “Phản đối cáo trạng sai trái”.

Tiếp theo đến phần bào chữa cho các bị cáo. Luật sư Lê Như Hương bào chữa cho bà Ngô Thị Dung. Luật sư chỉ nói vài lời, nói nhỏ, trong khi bộ phận kỹ thuật không bật tăng âm cho nên con không nhớ bà nói gì. Có điều con biết hai luật sư đã thống nhất với nhau luật sư Lê Trần Luật sẽ thực hiện phần bào chữa chính.

Luật sư Lê Trần Luật bào chữa cho bà Nguyễn Thị Việt, nhưng thực chất cũng là bào chữa cho các bị cáo còn lại trong vụ Thái Hà. Vì cả 8 bị cáo có hành bi tương đối giống nhau. Luật sư mở đầu bằng phần trình bày về nguồn gốc đất và quá trình khiếu kiện của Giáo xứ Thái Hà cũng như mục đích cầu nguyện của giáo dân. Đây là vấn đề căn bản, liên quan trực tiếp đến vấn đề vụ án hình sự đang xét xử. Tuy nhiên, khi vừa bắt đầu thì HĐXX không cho trình bày. HĐXX cho rằng nếu có tranh chấp về vấn đề đất đai thì phải có đơn từ và giải quyết trong một vụ án dân sự khác với vụ án đang xét xử.

Phần tiếp theo luật sư bác bỏ một cách thuyết phục các buộc của Viện Kiểm sát đối với bà Nguyễn Thị Việt. Khẳng định việc buộc tội “huỷ hoại tài sản” đối với bà Việt bị là hết sức vô duyên, vô lý. Khẳng định bà Việt không phạm tội “gây rối trật tự công cộng”. Các hành vi của bà chẳng có mối liên hệ nhân quả gì với “các hậu quả nghiêm trọng” mà cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát bày đặt ra. Ông cũng nêu lên những vấn đề nhức nhối, bất hợp lý liên quan đến vụ án là: Những kẻ phạm tội thật không bị truy tố; vụ án không có vật chứng, đưa trường hợp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt vào trong cáo trạng, vật chứng không có và không được giám định.

Mặc dù có 3 lần HĐXX buộc dừng lại, nhưng luật sư vẫn bình tĩnh và lịch sự trình bày hết phần bào chữa. Luật sư trình bày rất hùng hồn, những lý lẽ và bằng chứng đưa ra rất chặt chẽ và thuyết phục, những vấn đề được đề cập hết sức thẳng thắng. Con ngồi nghe có cảm tưởng bài bào chữa của ông không đơn thuần là bảo vệ một nạn nhân, bảo vệ công lý mà còn là một cáo trạng đanh thép đối với những hành động đen tối, sai trái có hệ thống của chế độ.

Ông trình bày xong, HĐXX phiên toà lặng im như thóc giống. Có người không phải thân nhân của các bị cáo vỗ tay tán thưởng. Có người khác tức giận lại nói: “không nghe đâu!” Con đoán ông phát ngôn lời kia thuộc nhóm người được mời đến dự phiên toà để hậu thuẫn cho việc cáo buộc các nạn nhân.

HĐXX không chất vấn gì mà đi hỏi bà Việt có ý kiến gì không. Bà nói: “Ngoài việc tôi tham gia đập phá bức tường chẳng có bàng chứng gì cho thấy tôi đánh cái nhau, xúc giục kích động người khác. Tôi không nhận sự buộc tội tôi gây rối trật tự công cộng. Nếu không có những người như chúng tôi thì làm sao người dân chung quanh có vườn hoa để mà ra Vậy mà hôm nay lại ngồi cười khẩy. Tội danh buộc tôi hôm nay là quá nặng”.

Bà Việt nói với HĐXX mà cũng là nói với những những người thuộc các đoàn thể khác nhau, trong đó có nhiều người thuộc các tổ dân phố xung quanh Linh địa Đức Bà. Cả phòng xử lặng im. Nhiều người còn chút lương tri cúi gằm mặt xuống. Không khí thật nặng nề. Vì những người hiện diện ở đấy biết chuyện Thái Hà và biết lời bà nói là sự thật.

Con cũng xin nói thêm hầu hết những người tham dự phiên toà thuộc các đoàn thể xã hội khác nhau ở các phường trong quận được mời đến tham dự phiên toà hôm nay- tất cả đều tỏ ra mệt mỏi, miễn cưỡng và đôi khi chính họ như là các tội nhân trước các bị cáo.

Luật sư sẵn sàng tranh luận với HĐXX về các luận điểm mình đưa ra. Đại diện Viện Kiểm sát cứ khăng khăng khẳng định đất 178 Nguyễn Lương Bằng là của công ty May Chiến Thắng đang quản lý và sử dụng một cách hợp pháp và các hành vi của các bị cáo cùng những người khác gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với công ty, đối với người dân trong khu vực và đối với đường lối, chính sách ngoại giao của nhà nước, etc.

Luật sư Lê Trần Luật hỏi lại đại diện Viện Kiểm sát nhiều câu hỏi. Chẳng hạn luật sư đặt vấn đề: “Phần phát biểu của Đức TGM có liên quan đến vụ án này không, nếu không thì phải cắt bỏ”, hoặc: “Căn cứ vào bằng chứng cụ thể nào mà đại diện Viện Kiểm sát lại kết tội các bị cáo phạm tội huỷ hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”. Các công tố viên hiểu thế nào là tài sản?”. “Các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng cụ thể như thế nào?”

Các đại diện Viện Kiểm sát đã lúng túng, hoặc im lặng, hoặc trả lời lấy được, trả lời cho có, hoặc đánh trống lảng bằng cách yêu cầu chiếu lại hai đọan phim đập tường và cầu nguyện ở Linh địa Đức Bà. Có khi thẩm phán cũng tham gia giải quyết vấn đề luật sư nêu lên, nhưng càng gỡ càng rối, càng giải thích càng mơ hồ, thiếu thuyết phục khiến người ta khó chấp nhận và cử toạ xì xào. Những lúc như vậy, con lại thấy anh cán bộ, có lẽ là cán bộ chỉ đạo phiên toà, ngồi ở phía trước con, chạy ra cửa, cuối phòng xử nhìn lên, đứng giữa các công an, đưa tay ra hiệu chấm dứt và cho qua mục khác.

Rồi chủ toạ tuyên bố cho bên nguyên đơn và các bị cáo cần nói gì thêm trước khi nghị án. Bên nguyên đơn là Công ty May Chiến Thắng không nói gì. Nói hay không nói thì họ cũng chẳng được thêm hay mất thêm cái gì. Họ chỉ miễn cưỡng đóng vai diễn của họ ở mức vừa đủ theo yêu cầu.

Các bị cáo là giáo dân có anh Hải không ý kiến gì thêm. Còn lại đều phản đối bản luận tội của Viện Kiểm sát. Phản đối việc kết tội các bị can phạm tội “huỷ hoại tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”. Riêng ông Kiện còn khẳng định việc các giáo dân làm còn là chống tham nhũng và ông yêu cầu nhà nước thực hiện tự do tôn giáo, tự do báo chí, chống vu khống. Bà Nhi còn khiếu nại sao khép tội bà trong vụ 42 Nhà Chung mà không đề cập gì đến vấn đề đất đai ở đây? Tức thì chủ toạ lại buộc bà dừng lại trình bày sang ý kiến khác. Nói chung cứ đề cập đến vấn đề đất đai, quyền quản lý đất đai của 42 Nhà Chung hay của 178 Nguyễn Lương Bằng, là bị chủ toạ gạt phắt đi.

Lúc khoảng 15 h, chủ toạ tuyên bố toà tạm dừng để HĐXX nghị án. Lúc này con nhìn qua cửa sổ thì thấy lực lượng cảnh sát cơ động được tăng cường. Ngay phần sân trước cửa UBND có thêm một hàng cảnh sát nữa. Mặc dù vậy giáo dân vẫn không ngừng tìm cách áp sát hàng rào và hô vang những khẩu hiệu, những lời ca đòi công lý. Chứng kiến các cảnh sát lúng túng trước lời kinh tiếng hát của các linh mục và giáo dân, con thấy quả thật bạo lực không đủ dập tắt khát vọng tìm công bằng và chân lý. Quả thật niềm tin mới là mạnh nhất chứ không phải khẩu súng.

Khi thấy một xe chở tù nhân chạy vào khu vực UBND các cha và các giáo dân đoán rằng có lẽ toà xử có ai bị tù, cho nên giáo dân tập trung ở bên dưới cầu nguyện lại càng tha thiết hơn, hô khẩu hiệu càng mạnh mẽ hơn, mặc dù từ sáng đến giờ các cha và giáo dân ở lòng đã hát đã nhiều. Con thấy hết hát Kinh hoà bình, Đây bài ca ngàn trùng, Magnificat và các bài thánh ca khác lại hô vang hai chữ “Vô tội! Vô tội! Vô tội”.

Tiếng hát lời kinh vang dội vào trong phòng xử từng đợt, đôi khi khiến nhiều lúc người trong phòng xét xử hướng hết về các cửa sổ phía mặt đường như một phản ứng tự nhiên. Các cảnh sát tư pháp cố đóng mà cửa kính vẫn hở do có các đường cáp truyền hình dẫn từ tầng 4 xuống tầng 3. Ở trong phòng xử khi nghe thấy cộng đoàn hát các anh chị em bị cáo, các thân nhân và bản thân con thấy rất xúc động, rất được an ủi và nâng đỡ và chúng con lại càng xác tín về việc làm chứng cho công lý của mình.

Con tin rằng vì lời kinh, tiếng hát, tiếng hô kia cùng với thái độ hiên ngang, khẳng khái của các anh chị em đang bị xét xử- đã khiến các cán bộ HĐXX đôi khi mất bình tĩnh. Chính con thấy các cán bộ Viện Kiểm sát thường xuyên đọc hay nói bằng cung giọng run run, đôi khi lạc giọng. Vị nữ thẩm phán chủ toạ, khá lạnh lùng, sắc sảo mà đôi lúc giọng cũng run như các công tố viên. Trong khi đó các giáo dân lúc nào cũng đầu cao, mắt sáng, dõng dạc, hiên ngang. Dù là các bị cáo, nhưng quả thực họ mới là những người giữ vị trí của người xử án thật hôm nay.

Trong khi toà đang họp nghị án trong lúc giải lao con đã nhắn tin xuống bên dưới xin các cha và giáo dân chuẩn bị hoa chúc mừng các “tội nhân” và các luật sư. Con cũng cho biết là Theo mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị thì không ai bị tù giam. Lúc này không khí ở trước UBND phường càng ngày càng phấn khích. Giáo dân không ngớt reo hò, cổ vũ, vỗ tay. Họ chẳng còn biết đến hàng trăm cảnh sát chìm nổi đang vây quanh.

Khoảng 15 h 30, bà nữ thẩm phán chủ toạ phiên toà tuyên án. Dù đang nôn nao chờ đợi công bố hình phạt các bị cáo, song con vẫn thấy ngỡ ngàng khi nghe bà chủ toạ kết án các bị cáo phạm tội “huỷ hoại tài sản” và ‘gây rối trật tự công cộng”. Ngỡ ngàng khi nghe kết án nhà thờ Thái Hà vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, tôn giáo. Ngỡ ngàng khi nghe kết án các linh mục nhà thờ Thái Hà kích động giáo dân tham gia cầu nguyện. Ngỡ ngàng khi nghe kết tội các linh mục và giáo dân ở các tỉnh thành khác về Thái Hà hiệp thông tham gia cầu nguyện. Ngỡ ngàng khi kết án giáo dân Thái Hà đe doạ, hành hung những người có ý kiến yêu cầu chấm dứt cầu nguyện. Etc.

Bà đọc bản án khá dài. Có lẽ đến 40 phút mà theo con nội dung cơ bản chẳng khác bản cáo trạng của Viện Kiểm sát là bao nhiêu. Có khác chăng là phần công bố hình phạt đi kèm. Khi đọc đến phần này, giọng bà thẩm phán chủ toạ khá run. Trong khi đó, các giáo dân của chúng ta lại rất bình tĩnh.

Con ngỡ ngàng một lần nữa là hình phạt được công bố khá nhẹ so với phần kết tội. Quy kết cho người ta những tội tày đình thế kia thì hình phạt phải nặng lắm, nhưng cuối cùng HĐXX lại không cho ai được cái diễm phúc tù giam cho tương xứng với tội trạng của mình. Chỉ có 4 người bị án tù treo, 3 người cải tạo không giam giữ và 1 người bị cảnh cáo. Cụ thể là bà Nguyễn Thị Nhi bị phạt 17 tháng tù treo, bà Ngô Thị Dung và ông Lê Quang Kiện 13 tháng tù treo, bà Nguyễn Thị Việt 12 tháng tù treo, bà Lê Thị Hợi 15 tháng cải tạo không giam giữ, ông Giuse Phạm Trí Năng 12 tháng cải tạo không giam giữ, anh Nguyễn Đắc Hùng 12 tháng cải tạo không giam giữ, anh Thái Thanh Hải bị cảnh cáo.

THÂN NHÂN CỦA CÁC BỊ CÁO VÀ CON RẤT BẤT BÌNH KHI NGHE TOÀ TYUÊN BẢN ÁN ẤY. CÁC LINH MỤC VÀ GIÁO DÂN CHÚNG CON KHÔNG PHẢI LÀ CÁC TỘI NHÂN. NGAY CẢ SỰ KIỆN TOÀ TUYÊN BỐ HÌNH PHẠT KHÔNG CÓ ÁN TÙ GIAM CŨNG KHÔNG LÀM CHÚNG CON THỎA MÃN. QUẢ THẬT CÁC GIÁO DÂN “BỊ” XỬ CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ “ĐỰƠC” XỬ TÙ TREO, CẢI TẠO KHÔNG GIAM VÀ CẢNH CÁO. VÌ TẤT CẢ ĐÃ HIÊN NGANG LÀM CHỨNG CHO CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT, ĐÒI HỎI CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT TRƯỚC TOÀ VÀ SẴN SÀNG NHẬN MỘT HÌNH PHẠT NẶNG HƠN, NẾU VÌ VIỆC ĐÒI HỎI CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT ẤY MÀ TOÀ KẾT TỘI.

( Hết phần 4, còn tiếp)

Tu viện Thái Hà, ngày 10 tháng 12 năm 2008

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT