Thư gửi những người đang bị đối xử bất công và bị áp bức tại Việt Nam

Kính thưa quý vị, tôi là một nông dân ở một vùng quê (Hà Tây cũ). Gia đình tôi và một số gia đình khác bị chính quyền địa phương dùng thủ đoạn để cướp đất với lý do là đất của chúng tôi nằm trong khu vực qui hoạch. Họ cấp cho chúng tôi một miếng đất ở một khu vực xa xôi, hẻo lánh, được gọi là tái định cư. Sau này chúng tôi mới biết là các cán bộ đã chia nhau số đất của chúng tôi để bán với giá rất cao cho một công ty của nước ngoài, rồi số tiền đó vào túi của các cán bộ.

Đã nhiều lần chúng tôi gặp chính quyền để đặt vấn đề này, nhưng đều bị từ chối không tiếp, khi chúng tôi làm đơn kiện thì không thấy trả lời. Thậm chí có những lúc chúng tôi bị hăm dọa là nếu còn kiện việc này thì gia đình sẽ không yên ổn. Có nhiều người nản chí bỏ cuộc, chấp nhận sự thiệt thòi, mất mát mà không biết kêu cùng ai.

Nhiều khi đi chỗ này, chỗ khác, tôi thấy cũng có những nhóm người biểu tình về vấn đề đất đai, nhưng hình như cuối cùng rồi cũng “ai về nhà nấy”, những người dân thấp cổ bé miệng vẫn phải chịu những thiệt thòi, bất công mà không biết kêu cùng ai, vì tất cả mọi quyền lực đều nằm trong tay nhà nước.

Hôm rồi, vào ngày 8/12/2008, tình cờ tôi có việc đi Hà Nội và tôi chứng kiến một việc lạ lùng là có một đoàn người đi về phía UBND Phường Ô Chợ Dừa, khi hỏi ra thì tôi mới biết đó là những người thiên chúa giáo đưa tiễn những người đồng đạo của mình ra tòa án vì họ phạm tội “cố ý phá hoại của công” gì đó. Không hiểu sao ra tòa mà họ tổ chức như một cuộc mít tinh vậy !!! Và điều đặc biệt là các “bị can” ăn mặc rất đẹp và rất vui vẻ, chứ không lo sợ hay buồn phiền như những bị can khác. Thấy chuyện lạ nên tôi cùng hòa theo dòng người để tìm hiểu thêm về sự việc. Sau này thì tôi được biết họ (những bị can) là những con người bị oan.

Có rất nhiều cảnh sát cơ động được huy động để “bảo vệ” cho phiên tòa, nhưng tôi thấy những người theo đạo thiên chúa rất ôn hòa, họ có làm gì đâu mà nhà nước lại huy động nhiều cảnh sát như thế ? Nếu những ngày ngập lụt cách đây khoảng một tháng ở Hà Nội mà cảnh sát được huy động nhiều như lúc này thì có lẽ nhân dân cũng được nhờ phần nào. Tôi ở lại suốt ngày với họ (những người theo đạo thiên chúa) để xem kết cục thế nào và tôi chứng kiến cảnh họ đoàn kết, gắn bó với nhau, chia cho nhau những ổ bánh mì, những củ đậu, những bình nước… như là những người trong cùng một gia đình vậy. Có những lúc họ hát hò rất vui vẻ, có những lúc họ tụng kinh. Tất cả đều đồng một lòng.

Có người khi nói chuyện với tôi, biết tôi là người bên lương nên dè dặt vì sợ tôi là cán bộ trà trộn vào, nhưng khi nghe tôi giải bày về sự bất mãn đối với chính quyền thì họ lại tiếp tục nói chuyện vui vẻ với tôi, tôi đã tìm hiểu và biết rõ ngọn nguồn, nguyên nhân về câu chuyện xử án hôm nay.

Cuối cùng thì những “bị cáo” hôm đó đều được hưởng án treo, khi họ đi ra, tôi thấy người ta vỗ tay và chúc mừng. Tôi có cảm giác như họ là những người chiến thắng. Nghe đâu là mặc dù được hưởng án treo, nhưng họ vẫn cho là bị kết án bất công, và hình như là họ sẽ kháng án lên tòa án tối cao gì đó.

Kính thưa quý vị, những người đang bị đối xử bất công và áp bức trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tại sao chúng ta không bắt chước những người đạo chúa: đoàn kết và đồng lòng với nhau để chống lại những bất công, áp bức của chính quyền ? Từ trước tới nay, chúng ta vẫn hay sợ chính quyền, chấp nhận những thiệt thòi về mình mà không dám kêu ca với ai cả. Có lẽ vì chúng ta không biết đoàn kết với nhau như những người đạo chúa đã làm, người ta thường nói: “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” mà.

Đã đến lúc chúng ta không phải sợ hãi nữa. Nếu chúng ta biết hiệp lòng với nhau thì những con người đại diện chính quyền kia sẽ không có cơ hội để áp bức chúng ta nữa. Chúng ta có quyền bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình. Chúng ta cần phải lên án những bất công và những áp bức của những người cầm quyền phi đạo đức.

Cám ơn những người đạo chúa ở Hà Nội đã cho chúng tôi một bài học thật quý giá, đã cho chúng tôi có một cái nhìn can đảm hơn, hiên ngang hơn, chứ không phải là những con người rụt rè, sợ hãi như trước đây nữa.