NGƯỜI VIỆT NAM KHAO KHÁT HÒA BÌNH (3)

« Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái ». Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã dạy như vậy trong Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An Bình’ năm 1969. Đức Cha đưa ra đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo.

Nguyên thủy, người cộng sản Hà nội đã định phiên xử tám giáo dân vô tội phải ra tòa phải diễn ra tại Uỷ ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa ngày 05.12.2008. Nhưng Thiên Chúa và Mẹ Maria đã khiến họ dời đúng ngày 08.12.2008, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn Mạng chính của Dòng Chúa Cứu Thế.

Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn ngay từ trong Tin Mừng và trong Đức Tin chân thành của giáo hữu thời Giáo Hội Sơ Khai. Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justino và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Vào năm 1432, Công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một điểm chính của Đức Tin. Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Bà Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường Dòng Nữ Tử Bác Ai (Filles de la Charité), vào năm 1830, Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 08.12. 1854. Không bao lâu sau, ngày 25.03.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle (Lộ Đức), với Thánh nữ Bernadette Soubirous, đã xác nhận tín điều này khi tự xưng mình là ‘Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội’.

Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mời gọi chúng ta trong ngày này đọc (hay ca) ‘Kinh Vinh Danh’ để chúng ta xác tín cầu nguyện: « chúng tôi ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa là Chúa Cha toàn năng. Vinh danh Con Đức Chúa Cha, Chúa xóa tội trần gian, xin thuơng xót chúng ta và nhậm lời chúng ta cầu khẩn vì chỉ có Chúa là Đấng Thánh, Đấng Tối Cao, cùng với Đức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha.

Sau đó, chúng ta cùng đọc (hay ca) Kinh Tin Kính để tuyên xưng những mầu nhiệm chúng ta tin… Tôi tin Các Thánh Thông Công… (Bản kinh các thánh Tông Đồ). Nhờ mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, nên các Thánh trên Thiên đàng đều cầu bào Thiên Chúa ban Bình An của Người cho những tham gia cuộc hành trình cho CÔNG LÝ và SỰ THẬT. Ngoài ra, vòng dây Hiệp Thông cầu nguyện cho những người Công giáo Thái Hà vô tội đã được kết hợp trên toàn Thế giới.

Cùng đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta vâng lệnh Chúa Cứu Thế, theo thể thức Người dạy và chúng ta nguyện xin: « … danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời… xin chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ; nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ. »

Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng muốn chúng ta nghe và suy nghĩ Lời Chúa được đọc trong Thánh Lễ hôm nay:

Bài Đọc I (St 3, 9-15. 20) và Tin Mừng Đức Kitô (Lc 1, 26-38) cho chúng ta thấy điều này: Thiên Chúa tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1: 27). Nhờ thế, chúng ta được hưởng một đặc ân từ Ngài: sự Tự Do và Lý Trí để phân biệt Sự Lành và Sự Dữ.

Bài Đọc I (St 3, 9-15. 20) kể cho chúng ta sự kiện: « Tổ tiên chúng ta, ông Ađam và bà Êvà được Thiên Chúa cư xử thân mật và thông chia hạnh phúc Thiên Đàng, có quyền làm chủ vạn vật, nhưng tưởng như có thể vượt quyền lệ thuộc Thiên Chúa khi đòi bình đẳng với Ngài. Chụp ngay cơ hội, ma quỷ, dưới hình con rắn, gợi ý: ‘Chẳng chết chóc gì đâu. Thật vậy, Thiên Chúa biết: ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết cả tốt xấu’. Họ đã tự do tin con rắn và đã ăn, trái lệnh Chúa và mất nghĩa với Đấng đã tạo nên mình… »

Tin Mừng Đức Kitô (Lc 1, 26-38) kể cho chúng ta sự kiện trái với sự kiện trên về việc dùng TỰ DO: « Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến Nagiarét, đến gặp trinh nữ Maria và chào rằng: ‘Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ’. Nghe lời đó, Đức Mẹ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: ‘Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao…’, Maria liền hỏi Thiên Thần: ‘Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?’ Thiên thần thưa: ‘Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, vì không có việc gì mà Chúa không làm được’. Maria liền thưa: ‘Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền’. »

Trong Bài Đọc II (Ep 1, 3-6. 11-12), Thánh Phaolô dạy: « Chúc tụng Thiên Chúa, Cha Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời. Người đã kén chọn chúng ta và cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Do đó, chúng ta ca tụng vinh quang Người và là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Đức Kitô. »

Lời đáp Thánh vịnh 97, 1. 2-3ab. 3cd-4 như sau: « Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. »

Xướng 1/ Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người;

2/ Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel;

3) Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.

Xác tín Lời Chúa có giá trị vượt thời gian và trong mọi trường hợp, chúng tôi lưu ý ngay Lời đáp Thánh vịnh 97 ‘Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu’ và tin tưởng Thiên Chúa sẽ tái thực hiện ‘điều huyền diệu’ ngày hôm nay trong vụ án giáo dân Công giáo vô tội tại Thái Hà.

Thật vậy, khi nhìn những hình ảnh trên mạng Vietcatholic, điều chúng tôi được đầu tiên là những vũ khí chống biểu tình, nhập từ ngoại quốc bằng tiền đóng thuế của người dân để đàn áp người dân, không được sử dụng. Đây là ‘điều huyền diệu’ mà Thiên Chúa thực hiện qua các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, tám giáo dân Công giáo vô tội và những người thiện chí.

1. Giáo sĩ và giáo dân Thái Hà đã biết ‘ca tụng vinh quang Thiên Chúa và đã đặt niềm hy vọng nơi Đức Kitô’. Các bị cáo vô tội đã hiên ngang ra tòa với đầy lòng tin tưởng nơi Chúa giúp mình can đảm và tự do nói Sự Thật: Thừa nhận có đập bức tường của kẻ khác xây trên đất Giáo xứ Thái Hà và quả quyết mình vô tội.

2. Các Linh mục DCCT đã tổ chức một cách thật trật tự, kỷ luật và vui vẽ khiến nhà cầm quyền phải thận trọng, e dè. Các biểu ngữ viết bằng tay trên giấy cứng ‘mẹ tôi vô tội’, ‘chồng tôi vô tội’, ‘chúng tôi yêu mến anh chị em’, ‘phúc thay anh em khi vì danh Thầy mà bị người ta bắt bớ, xét xử’, ‘chúng tôi đồng trách nhiệm’, ‘chớ gì anh chị em được xét xử công bằng’, v.v..: ý nghĩa nhẹ nhàng nhưng thật thuyết phục. Các mục tử trong chiếc áo dòng đen luôn bên cạnh giáo dân trong bất cứ trạng huống nào. Họ rất bình tĩnh như chuyện vui bên lề... đường như Cha Lê Quang Uy thuật: buổi trưa, Cha mệt quá, ngồi trên thảm cỏ nhắm mắt thiếp vào giấc ngủ, mấy giáo dân tinh nghịch lén đặt một tấm biểu ngữ trước mặt tôi rồi chụp hình, biểu ngữ ấy ghi hàng chữ to... VỢ TÔI VÔ TỘI !

3. Tại phiên tòa, công tố viên đọc cáo trạng. Như chúng ta có thể đoán trước, nội dung bản cáo trạng này chứa đựng những điều phi lý và xuyên tạc sự thật.

Dối láo trơ trẽn đến mức khôi hài khi cáo trạng viết: ‘Do bức xúc, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của linh mục và giáo dân Thái Hà, đặc biệt là sau khi nghe những lời phát biểu của Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội vào ngày 20/9/2008, quần chúng nhân dân từ nhiều nơi đã đến khu vực cổng sau nhà thờ Thái Hà yêu cầu nhà thờ cử người ra đưa ảnh tượng về nhà thờ, nhưng các linh mục và giáo dân đã đóng cửa lại, không đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Chính quyền và Công an quận Đống Đa đã kịp thời ngăn cản, thuyết phục nhân dân kiềm chế, tránh những hành vi quá khích, bảo vệ giáo dân, không cho người dân đập phá’.

Sau phần cáo trạng, cảnh sát đưa các bị cáo sang phòng khác và Toà xét hỏi riêng từng bị cáo. Các giáo dân đã trả lời rất thẳng thắn:

Thẩm phán hỏi: ‘Mục đích đến Thái Hà cầu nguyện để làm gì? Chị Nhi nói: ‘Chúng em đánh nhau không biết đánh nhau, chửi không biết chửi, chúng em chỉ biết cầu nguyện để đòi công bằng cho Giáo hội’. Ông Kiện nói: ‘Cầu nguyện để xin Thiên Chúa soi sáng cho các cấp chính quyền sáng suốt giải quyết trả lại đất cho nhà thờ. Cầu nguyện để chính quyền giải quyết cho dễ chứ để mọc lên mấy cái biệt thự thì khó giải quyết!’. Anh Hùng nói: ‘Mục đích ra cầu nguyện là để chính quyền giải quyết trả lại đất cho nhà thờ’. Toà hỏi anh thêm: ‘Đất đã là đất nhà thờ sao còn phải đòi?’- Anh trả lời: ‘Vì người ta lấn chiếm nên phải đòi’. Các giáo dân khác cũng trả lời tương tự như vậy.

Thẩm phán hỏi: ‘Ai giao nhiệm vụ cho bị cáo? Do đâu mà bị cáo lại đến cầu nguyện? Có phải Giáo xứ Thái Hà kêu gọi không?’ Các giáo dân đều nói không ai giao nhiệm vụ, không ai kêu gọi mà do chính mình tự nguyện tham gia. Chị Nhi còn nói: ‘Do tâm linh và tâm nguyện’, ‘Do ti vi đài báo đưa tin và tôi muốn đến để tìm hiểu sự thật. Người công giáo phải có trách nhiệm tìm hiểu và bảo vệ danh dự và tài sản của Giáo Hội’.

Thẩm phán hỏi: ‘Đập tường để làm gì và bị cáo có nhận thức hành vi bị cáo đập bức tường không phải của mình là sai không?’ Các giáo dân đều trả lời là ‘đập tường để mở lối vào cầu nguyện trong khu đất’, ‘đập tường không sai’. Anh Hải nói: ‘Mở lối đi là đúng. Cháu biết đấy là đất nhà thờ cho nên không vi phạm pháp luật’. Ông Năng nói: ‘Tôi không có gì đáng ân hận khi đập tường. Tôi biết bức tường ấy và tôi xây 500 nghìn đồng còn được bức tường đẹp hơn’. Bà Hợi nói: ‘Đập tường thì tôi có đập nhưng vi phạm pháp luật thì không’. Toà hỏi: ‘Nhưng đập tường của người khác xây dựng mà lại bảo không sai thì là sao?!’ Bà trả lời: ‘Nếu tôi xây bức tường trên đất của người ta mà người ta đập phá đi thì tôi cũng chẳng làm gì được!”

Thẩm phán hỏi: ‘Bị cáo có biết đây là đất công ty May Chiến Thắng đang quản lý và sử dụng hợp pháp không? Tại sao bị cáo lại khẳng định là đất nhà thờ?’. Anh Hải nói: ‘Nghe các cha nói’. Anh Hùng nói: ‘Nghe người ta nói và nhờ đọc các bảng thông tin của giáo xứ’. Bà Hợi và ông Kiện nói đại ý: Đấy là đất nhà thờ, từ bé hai người đã sống ở đó và biết đó là đất nhà thờ. Trên khu đất đó còn có các cơ sở nhà thờ xây dựng. Đất đấy đã bị chiếm dụng bất hợp pháp và bị bỏ hoang một. Nếu nhà nước lấy thì phải có giấy tờ văn bản làm chứng. Nếu nhà nước lấy không giấy tờ, thì không hợp pháp…

Sau khi thẩm phán xét hỏi thì đến lượt các công tố viên. Những người này chỉ xoay quanh một vài chi tiết các bị cáo vừa nói khác với biên bản điều tra. Giải thích điều này, anh Hải nói: ‘Lúc đi lên công an, tinh thần hoảng loạn nên cháu không nhận thức được!’. Anh Hùng nói: ‘Lúc đấy công an viết và đọc cho tôi chứ tôi không viết vậy!’. Ông Kiện nói: ‘Lúc ấy tinh thần tôi căng thẳng cho nên tôi khai thế. Nay trước toà tôi nói đúng’.

Công tố viên cũng yêu cầu trình chiếu đọan video các giáo dân đang đập phá đoạn tường và đọan video cha Bề trên Vũ Khởi Phụng và cộng đoàn đang đi rước vừa đi vừa hát kinh hoà bình. Giữa phòng xét xử, Chúa an bài cách lạ lùng cho chúng con được lặng nghe nhìn và hiệp thông cầu nguyện, kể cũng thú vị. Nhiều người trong số ‘nhân dân’ dự phiên toà khen phim quay rõ nét và hình ảnh đẹp, âm thanh tốt. Thân nhân của các bị cáo ngồi gần con cũng như bản thân con đều cảm thấy phấn chấn, an ủi và hào hùng khi nghe nhìn những âm thanh và hình ảnh kia. Con nghĩ các giáo dân là bị cáo của chúng ta cũng tự hào khi xem lại những cảnh này.

Người hỏi từng bị cáo sau cùng là các luật sư: Ông chỉ mỗi bị cáo một câu có cùng nội dung: “Ông/bà/anh chị đập tường và cầu nguyện ở khu đất có sai không? Có phạm pháp luật không? Tất cả các giáo dân đều nói: ‘Không sai!’ hoặc ‘Không vi phạm pháp luật’.

Cũng phải xin nói thêm trong phần trình đọc cáo trạng và xét hỏi. Các giáo dân bị cáo luôn ngẩng cao đầu, ra vào phòng xét xử rất hiên ngang, thái độ rất xác tín về những hành động mình đã làm, dung nhan rất tươi tỉnh. Con thấy những người nở nụ cười nhiều hơn cả trong toà án chính là các giáo dân đang đứng ở ghế bị cáo này. Thỉnh thoảng họ lại quay sang nhìn con và mỉm cười. Khi bị áp giải đi qua chỗ con, con ra dấu chúc lành cho họ và khích lệ họ, thì có người còn nói lại với con rằng: ‘Cha đừng lo cho con’. Thái độ của họ khiến con vô cùng xúc động và tự hào.

Sau phần xét hỏi các bị cáo, toà mời nguyên đơn là Công ty May Chiến Thắng trình bày và toà xét hỏi. Hai bà đại diện Công ty này trình bày sự việc cho có, coi như phải có một vai diễn để có cơ sở kết án nhà thờ Thái Hà, truy tố và xét xử các giáo dân mà thôi. Hai người này nói sự việc giáo dân phá tường, đặt tượng, đốt rác, thắp hương, cầu nguyện trong ‘khu đất của Công ty’ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân, làm sụt giảm năng suất lao động của công ty, thiệt hại tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng bà tuyên bố không đòi các bị cáo bồi thường, nhưng đề nghị xứ lý nghiêm minh để ngăn ngừa những trường hợp khác. Luật sư hỏi: ‘Tại sao công ty không đề nghị bồi thường?’. Bà đại diện trả lời: ‘Vì người ta nhận thức pháp luật chưa tới và người ta cũng thấy khuyết điểm rồi!’. Cử toạ phải phì cười vì ‘lòng tốt’ đột xuất của Công ty May Chiến Thắng.

Tiếp theo là phần trình bày của các nhân chứng. Một nhân chứng liên quan đến vụ Thái Hà vắng mặt. Chỉ còn một trình bày. Ông nói sáng ông dậy tập thể dục thì thấy tường đã đổ và ngày 19/8/2008 tổ dân phố làm đơn kiến nghị gửi lên các cấp chính quyền khiếu nại giáo dân làm ồn ào và đi lại mất trật tự. Một giáo dân bị cáo sau đó đã nói với toà rằng, các ông bảo chúng tôi phá tường vào lúc trưa, mà người làm chứng lại bảo sáng ông dậy đi tập thể dục thì thấy tường đổ là thế nào?

(Phần 3 này trích từ ‘Tường Trình cuộc Ra Toà của giáo dân Thái Hà ngày 08/12/2008’ của Cha Phêrô Nguyễn văn Khải, DCCT, kính gửi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Cha Giám Tỉnh DCCT Việt Nam và Cha Bề Trên DCCT Hà Nội)

4. Những bài viết hiệp thông với Giáo xứ Thái Hà.

a/ Ngày 06.12.2008, ông Trần Vĩnh Phúc, không Công giáo và không tham gia chính trị hoặc hội đoàn nào, đã nhờ VietCatholic đăng bài « Các tổ chức của Công giáo phải làm gì với nạn nhân của bạo quyền Hà Nội ngày 8/12? Ừ. Trong đó, ông nhận định: Thực chất của phiên toà, không phải là mấy viên gạch bị dỡ đi hay việc cầu nguyện được xem là gây rối trật tự công cộng của họ. Hà Nội dựng lên nó để dằn mặt người công giáo và đe doạ những người khác không cúi đầu vâng theo chế độ tham nhũng thối nát và đê hèn hiện nay đang vâng phục trước ngoại bang, dâng hiến lãnh thổ đất nước nhưng cướp bóc bằng được đất đai của người dân thấp cổ bé họng. Nhưng chúng đã không dễ dàng khi đối mặt với khối những người Công giáo có tổ chức chặt chẽ và lòng tin nhiệt thành.

Dư luận nhân dân kể cả những người ngoại đạo hết sức bất bình và quan tâm theo dõi. Tuy thế chúng tôi không thể tham gia hoặc lên tiếng trực tiếp vì chúng sẽ lu loa kết tội thành việc chính trị nọ kia. Những mưu mô xảo trá đó chúng không thiếu. Điển hình như việc chúng đã cắt cúp xuyên tạc lời nói của ông Ngô Quang Kiệt đáng kính để thoá mạ Ngài và kết án Ngài. Việc đó đã cho cả thế giới được bản chất của chúng.

Để tỏ tinh thần quan tâm và thống nhất với những nạn nhân, các xứ thuộc Hà Nội và giáo phận Vinh đã tích cực làm từ lâu nay là tổ chức cầu nguyện cho nạn nhân, cho công lý, sự thật. Chúng tôi hết sức cảm kích và thán phục tinh thần người công giáo qua những hành động đoàn kết này…

b/ Đọc VietCatholic ngày 07.12.2008, dưới tựa đề « Lời cầu chúc trước phiên tòa ngày 08/12/2008’, ông Phạm Hồng Sơn viết: Trước khi người Công giáo cầu nguyện tại Thái Hà và phố Nhà Chung, người Hà Nội mơ mộng nhất cũng không bao giờ dám nghĩ đến hai vườn hoa công cộng nằm giữa thủ đô vì giá nhà đất của Hà Nội đang được xếp vào loại đắt nhất thế giới.

Những người cầu nguyện và góp công sức đó có thể hàng trăm hàng ngìn người, nhưng trước hết cần ghi nhận tám người đầu tiên. Nếu tòa án vẫn cố cáo buộc tám công dân trên như cáo trạng đã viết thì đó là một quyết định không chỉ làm vô giá trị quyết định chuyển thành công viên mà còn là một quyết định cực kỳ lạc thời, vì có biết bao linh hồn đang yên nghỉ trong nghĩa trang Mai Dịch hay nghĩa trang Thủ Đức cũng đã từng bị kết tội "Gây rối trật tự công cộng" hay "Hủy hoại tài sản". Vậy xin chân thành cầu chúc để linh hồn các bậc tiền nhân không bị khuấy động trong ngày 08/12/2008 tới đây.

c/ Cũng trong VietCatholic ngày 07.12.2008, Thư của cô Trúc Vy, một nữ sinh viên, gửi các Cha các Thầy Dòng Chúa Cứu Thế đáng được chúng ta chú ý:

Con là một nữ sinh viên “gốc rạ” sinh ra ở Miền trung, đi học tại miền Nam, nhưng biến cố mà mình đang quan tâm lại xảy ra tận Miền Bắc. Sau một ngày mệt nhọc, buổi tối, con đọc tin tức online để có thêm chút kiến thức cũng như nhập cuộc với nhịp sống của mọi người. Gần đây, người dân cả nước ai cũng nghe biết Vụ Toà Khâm Sứ - Thái Hà, tin tức mà các bài báo, nhất là truyền hình, trong nước đưa tin, làm cho con nhập cuộc và quan tâm nhiều hơn. Các bài viết của các vị tầm cỡ trong Giáo Hội cũng như bên nhà nước viết đưa ra những lý lẽ biện chứng sự việc đúng sai của mình. Con chỉ ghi nhận.

Thế nhưng, sáng nay khi mở tin tức online để đọc, tình cờ con đọc “ Văn thư trả lời của Toà án Quận Đống Đa” thông tin về việc không cho các cha DCCT Thái Hà tham dự phiên toà xét xử 8 giáo dân của Giáo xứ Thái hà. Con thực sự bị ‘shock’, vì thế con muốn viết lên một vài suy nghĩ nhỏ bé của mình, nhưng viết để gởi đến với ai? Con băn khoăn tự hỏi: thư có đến tờ báo của nhà nước chăng? Có đăng không? Còn ‘nguyên văn’ hay lại bị ‘cắt xén’ như bài phát biểu của Đức TGM… Thời gian qua, các báo đài nhà nước đánh mất niềm tin nơi giới trẻ chúng con quá nhiều! Chỉ mong được chia sẻ với các cha và các thầy những suy nghĩ và thao thức của giới trẻ chúng con trong những sự kiện của xã hội hôm nay.

Việt-Nam còn nghèo lắm, nhưng chưa đến nỗi các bác lãnh đạo không tìm ra một nơi xử thích hợp để đáp ứng tối thiểu nhu cầu của những người tham dự… Còn việc đã phát hết giấy mời, các bác có ngu dốt cũng nên biết được ai là người nên được mời chứ, thế mà lạ thay, thân nhân gia đình các bị cáo cùng với các cha, các thầy lại không được tham dự! Vậy các bác nhà nước đừng ‘đao to búa lớn’ mà hô toáng lên rằng, đây là phiên toà CÔNG KHAI.

Giới trẻ đã thấy quá nhiều những dối trá khác nữa, như Nhân viên Đại sứ quán Việt-Nam tại Nam Phi, bà Vũ Mộc Anh, đã giao dịch buôn lậu sừng tê giác, vụ chính phủ Nhật Bản chính thức thông báo cúp bớt viện trợ phát triển ODA theo lối tín dụng lãi suất nhẹ cho Việt nam vì cái tội các bác lãnh đạo nhà ta Tham nhũng “ hết đường cứu chữa” trong khi đó, Đại diện Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống Tham nhũng VN còn nói rằng “ hiện vẫn chưa có gì cụ thể”.

Xin cám ơn Giáo xứ Thái Hà đã cho chúng con biết được cái CHÂN-THIỆN-MỸ đích thực là gì, giữa biết bao những đan chen của cuộc sống “ đồng thau lẫn lộn” nhiều lúc tụi trẻ chúng con cũng mất phương hướng để cân nhắc rằng: có dám sống cho sự thật dầu phải trả giá cách nào? Hoặc là đồng loã để khôn khéo sống an nhàn bằng việc thoả hiệp với bất công, dối trá. Xin kính chào các cha, các thầy và giáo dân Thái Hà trong sự tôn trọng, tin tưởng và cảm phục nhất của con !

d/ Một ngày sau phiên xử, ông Phạm Hồng Sơn trong bài ‘Một cuộc tập dượt thành công’, đăng trong VietCatholic ngày 10.12.2008, đã viết:

« … Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại. Những người đóng vai ‘quan tòa’ đã trở về với công việc hàng ngày. Những nhân viên công lực lại tiếp tục nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh cho xã hội. Các bị cáo đã trở lại cuộc sống đời thường. Những dư âm của xô xát, bôi nhọ, hăm dọa đồng bào Công giáo đang lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng hình ảnh đoàn người cùng tám người vừa bị kết tội hân hoan trở về trên con đường lớn được đảm bảo an toàn bởi hai hàng cảnh sát với khí tài lủng lẳng trên người, với những khuôn mặt nghiêm trang, đúng mực sẽ mãi còn là một hình ảnh đẹp cho dân tộc Việt.

Đó là một hình ảnh khó tin nếu ai không được chứng kiến tận mắt. Nhưng đó đã là sự thật. Sự thật cho thấy hòa bình và trân trọng nhau trong sự bất đồng là một điều có thật. Sự thật cho thấy cách mạng không nhất thiết phải đi kèm bạo lực. Sự thật cho thấy nỗi ám ảnh “đa nguyên đa đảng sẽ gây rối loạn” là rất thiếu căn cứ. Như thế, những thành quả đã đạt được cho đến nay trong vụ Thái Hà, Khâm sứ có thể coi là một cuộc tập dượt thành công cho cả người dân và người cầm quyền. Xin nghiêng mình chúc mừng những đồng bào, bè bạn đã góp phần trực tiếp cho một thành công của toàn xã hội! »

e/ Và cuối cùng, trong bài ‘Thư gửi những người đang bị đối xử bất công và bị áp bức tại Việt Nam’ đang trong VietCatholic News ngày 13.12.2008, một nông dân ở vùng quê (Hà Tây cũ) cũng là ‘dân oan’, bị chính quyền địa phương dùng thủ đoạn để cướp đất với lý do là đất của chúng tôi nằm trong khu vực qui hoạch, cho biết: Hôm 8/12/2008, tình cờ có việc đi Hà Nội và chứng kiến một việc lạ lùng. Đó là việc gặp đoàn bị can ra tòa, nhưng ăn mặc rất đẹp và rất vui vẻ.

Tìm hiểu thêm thì được biết những bị can này là những người đạo thiên chúa bị oan. Có khi họ hát hò rất vui vẻ, có lúc họ tụng kinh. Tất cả đều đồng một lòng. Cuối cùng thì những “bị cáo” hôm đó đều được hưởng án treo, khi họ đi ra, người ta vỗ tay và chúc mừng, như những người chiến thắng.

Từ trước tới nay, sợ chính quyền, chúng ta chấp nhận những thiệt thòi về mình mà không dám kêu ca. Nếu biết đoàn kết với nhau như những người đạo chúa đã làm, ‘đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết’ mà. Cám ơn những người đạo chúa ở Hà Nội đã cho chúng tôi một bài học thật quý giá. Ký tên: Một Dân Đen – Hà Tây

Chúng tôi xin trích ra những bài này để chứng tỏ thành quả của Tổng Giáo phận Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 2008 có căn nguyên từ ‘Hội Thánh trong Lòng Dân Tộc’ trong ‘Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt-Nam gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước (01.05.1980). Ngoài ra nhờ đó, Giáo Hội Công giáo Việt-Nam cũng có thể thực hiện:

« Đức Thánh Cha nêu đoạn 76 Gaudium et Spes ‘Giáo Hội, vì sứ mạng và chức năng mình, Giáo Hội không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào’. Bởi thế ‘cộng đồng chánh trị và và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu ‘cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau’. Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy'', Giáo Hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Giáo Hội không muốn thay người trách nhiệm của Nhà nước, công việc của cá nhân hay tập thể.

Để thực hiện sự ‘hợp tác lành mạnh’ nầy, Giáo Hội mong đợi nơi chánh quyền tôn trọng toàn diện sự độc lập và tự trị của Giáo Hội mà quyền Tự do Tôn giáo quí giá đã được khẳng định trong Công Đồng Vatican II và trong những Tuyên ngôn và Quy ước quốc tế, cho từng cá nhân và những cộng đồng tôn giáo. » (trích Huấn từ Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô Đệ Nhị trao cho các Giám Mục Việt-Nam, ngày 22.01.2002, tại Vatican).

Sau cùng, chúng tôi chân thành có đôi lời cám ơn Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) luôn dành thời giờ để nói lên Sự Thật (như ngày 22.09.2008 để làm rỏ đâu là sự thật về bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt trước UBND Hà nội ngày 20.09.2008), thực hiện những cuộc phỏng vấn các Linh mục Giáo xứ Thái Hà, Linh mục Joseph William Tobin, Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế các giáo dân vô tội. Ngày 08.12.2008, anh Mặc Lâm, quá chuyên nghiệp, đã phỏng vấn bà Tạ Phong Tần, trợ tá luật sư Lê Trần Luật, trong một phiên tòa.