CHÚNG TÔI CẦN CÔNG BẰNG

Phiên toà xử 8 giáo dân Thái Hà vào ngày 8/12/2008 đã tạm kết thúc: một người bị cảnh cáo, 7 người án treo. Tôi dùng từ “tạm kết thúc” bởi hành trình đi tìm công lý vẫn chưa dừng ở những bản án do toà đã tuyên. Phương tiện truyền thông nhà nước cho rằng: “các bị cáo đã cúi đầu nhận tội” và “nhờ chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước” nên các bị cáo nhận bản án “khá nhẹ”. Tuy nhiên, ai theo dõi phiên toà đều biết những lời lẽ như vậy là bậy! Thực tế hoàn toàn khác: chẳng có ai “cúi đầu nhận tội” vì họ đều khẳng định mình vô tội; và cũng chẳng có “chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước” nào ở đây, bởi những bản án đó là bất công. Do đó, 8 giáo dân kia là những người điển hình trong đoàn người đang chịu oan sai, nên hành trình đi tìm sự công bằng của họ vẫn còn ở phía trước.

Sự thật bị xuyên tạc dưới giọng điệu “đầy nhân bản” sâu xa chẳng phải do “nhà đài”. Chuyện các phương tiện thông tin trong nước nói nhái, viết nhái theo chỉ thị thì ai cũng biết. Và âu đó cũng là chuyện thường xuyên của nhiều người, kiểu như: “ăn cây nào, rào cây ấy”. Do đó, kẻ chủ mưu núp sau nhà đài không ai khác ngoài chính quyền Hà Nội.

Tại Việt Nam, Hành pháp và Tư pháp thực ra chỉ là một, nên Viện kiểm sát và Toà án là “đồng chí” của nhau. Vì vậy, người nào bị tóm cổ, không rõ có tội hay không thì hai anh này đều muốn họ “cúi đầu nhận tội”. Cúi đầu nhận tội cũng có nghĩa là lời tuyên bố gián tiếp: “các đồng chí công an, bằng nghiệp vụ của mình đã không bắt người oan sai”.

Chính quyền sai, đảng sai hay người của đảng sai là câu “kỵ”, bởi ít khi các vị lãnh đạo dám thẳng thắn công nhận người của mình sai. Ngày ngày người dân vẫn thấy cấp trên bao che cấp dưới: dân phòng, cảnh sát sách nhiễu dân sẽ “xem xét rồi xử lý…”; cấp trên, cấp dưới tham nhũng, đục khoét của công sẽ “làm rõ tới đâu xử tới đó…”. Rốt cuộc, dân chẳng bao giờ thấy người của đảng phạm tội. Cán bộ bị phát hiện tham ô, hối lộ? Không sao! Cho hắn ra khỏi đảng rồi sẽ còng tay. Vì vậy, thật dễ hiểu, dù “chi bộ đảng” có người đi tù nhưng vẫn “trong sạch” như thường.

Chẳng phải đến khi xử 8 giáo dân Thái Hà, toà án mới “ban” cho câu “nhờ chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước..”. Chính quyền Việt nam từ lâu vẫn sính chuyện ban bố ân huệ. Mấy đứa trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn phải nghe, phải cao cổ mà hát: “đảng cho ta áo mới”, hay “đảng là mùa xuân”…Mấy cụ già vẫn phải nói lời: “nhờ đảng bộ và các cấp chính quyền” vì những món đồ trợ cấp hay “ngôi nhà tình thường, tình nghĩa”…Sính ban bố ân huệ nên có lần người ta đã nghĩ ra chủ trương, mọi nguồn giúp đỡ nạn nhân thiên tai lũ lụt đều phải gom về cho Mặt trận gì gì đó.

Thực ra đằng sau điệp khúc quen thuộc “nhờ chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước” là giọng điệu của kẻ bề trên, muốn thống trị kẻ khác. Chỉ có bề trên mới ban bố ân huệ cho kẻ dưới và kẻ có quyền mới khoan hồng cho dân đen. Do đó, ta có thể dễ dàng thấy rằng, chính quyền Hà Nội tự cho mình là kẻ bề trên nắm quyền trong tay và muốn ban bố ân huệ cho ai thì ban…

Chính quyền sính ban ân huệ nhưng dân đâu có muốn! Điều chính quyền cho là “khoan hồng” thực ra người dân đều coi đó là quyền lợi-điều họ phải được hưởng.

Người dân muốn được chính quyền đối xử công bằng với họ trước khi nhắc tới ân huệ hay sự khoan hồng. Chính quyền có nhiệm vụ lo cho dân. Nếu chính quyền được dân bầu, và sống nhờ tiền thuế của dân thì việc không để xảy ra cảnh dân khổ, dân nghèo, dân thất học …là nhiệm vụ của chính quyền. Khi chính quyền làm tốt chuyện đó mới công bằng với dân chứ chưa phải là ân huệ, tình thương gì cả; ngược lại, chính quyền không lo cho dân nhưng vẫn sống nhờ dân là chính quyền đang ăn cắp công khai tiền bạc, sức lực của dân. Như vậy, trước hết, người dân vẫn cần và chờ đợi sự công bằng nơi chính quyền chứ không phải “sự khoan hồng”.

Thực tế thì sao? Hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến chính quyền các cấp ra những “văn bản đen” đẩy người dân vào cảnh mất đất, thất nghiệp. Hậu quả là: một số gia đình đã rơi vào cảnh nghèo đói, túng quẫn. Rồi đến một lúc những người này sẽ phải “ngửa tay ra xin tình thương” từ các tổ chức nhà nước hay qua các chương trình đang được phát động kiểu như: “ngôi nhà ước mơ”, “ngôi nhà tình thương”…

Chính sách ủng hộ những “con thú sừng ngắn, sừng dài” ức hiếp dân; nói cách khác, chính quyền đề ra những chính sách ủng hộ các công ty trả những đồng lương rẻ mạt cho công nhân, hay tăng giá vật tư nông nghiệp, hạ giá thu mua lúa gạo…Hậu quả là cảnh trẻ em lang thang đường phố và những cô gái muốn đổi đời nơi xứ người mỗi ngày một đông…Lúc này, Sở lao động hay một tổ chức nhà nước nào đó đứng ra lo cho các đối tượng này chỉ là một cách “đền tội muộn màng” chứ đâu có phải “nhờ chính sách của đảng và nhà nước”.

Trở lại với vụ án xử 8 giáo dân Thái Hà, người ta thấy những bị cáo này không cần đến “chính sách khoan hồng”, nhưng cái họ cần là sự công bằng. Công bằng phải được đề cập và thực hiện với họ. Họ cần toà án xem xét, lắng nghe cái lý của họ và vị luật sư bào chữa đã đưa ra chứ chưa cần nhắc tới cái tình. Họ cần vị thẩm phán phán quyết dựa trên những gì là bằng chứng, lập luận của hai bên chứ không phải dựa trên “bản án bỏ túi”.

Thực ra, sống trên đời ai cũng cần sự yêu thương, nhân hậu và giúp đỡ của người khác vì, “không ai là một hòn đảo”. Và Nói như kiểu Trịnh Công Sơn “sống ở trên đời cần có một tấm lòng”. Chúng ta cần có tấm lòng yêu thương, bao dung, và nhân ái với người khác, đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, trên hết và trước hết những lời lẽ như vậy là sự công bằng, nếu không mọi cử chỉ, lời lẽ tưởng như nhân đạo hoá ra là bất nhân.

Thụ ơn ai thì phải biết ơn và tỏ lòng biết ơn, là đạo lý của con người. Tuy nhiên, người ta sẽ trở nên bất nhân nếu cố tình đẩy kẻ khác xuống bùn đen rồi tỏ lòng hào hiệp để bắt họ phải mang ơn.

Tóm lại, công bằng là điều mà người nghèo, người oan sai trong xã hội chờ đợi trước tiên chứ không phải là “sự khoan hồng của đảng và nhà nước”. Và bao lâu chưa có công bằng bấy lâu người ta còn đi tìm và chờ đợi. Vậy chắc chắn 8 giáo dân Thái Hà và nhiều người đang chịu cảnh bất công, oan sai khác vẫn đang đi tìm sự công bằng cho đến, “ngày công lý được tuôn tràn như dòng thác, và công bằng sẽ như một dòng sông cuộn chảy” trên cuộc đời họ.