Không hiểu sao (hay có hiểu mà làm như không hiểu?) hôm nay tôi lại cảm thấy phải tự xét mình, để rồi nhận ra gần đây càng ngày càng nhiều lần tham dự Thánh Lễ cứ đến phần các linh mục giảng là tôi lại lơ mơ với những suy nghĩ riêng tư, thoát hoàn toàn khỏi bài giảng của vị linh mục đang …đọc hoặc đang giảng giữa nhà thờ!

Thử điểm qua vài Thánh Lễ để tìm nguyên nhân, hy vọng nhờ vậy biết đường chừa tội.

Ngày thứ nhất - Trên các phương tiện truyền thông đại chúng lề phải và lề trái, mấy ngày nay cháy bỏng tin tức về những nguy cơ có thể xảy ra với những giáo dân đang cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội, với Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Như biết bao giáo dân ở nơi xa khác, lòng tôi lo âu, nóng ruột vô cùng. Sao không thấy các chủ chăn ở các nơi như nơi tôi đang sống lên tiếng? Có ai đứng ra bênh đỡ những người anh em ấy không ? Trông chờ từng ngày, từng giờ thông tin, hướng dẫn chính thức từ những chủ chăn. Cuối cùng, tạm thở phào khi bản thông báo (?) của HĐGMVN được đưa ra nhân kết thúc kỳ họp thường niên, trong có đề cập đến vấn đề nóng bỏng ấy một cách nhẹ nhàng, với hướng dẫn sẽ đọc tại tất cả các nhà thờ vào Thánh Lễ ngày Chủ Nhật gần nhất.

Chiều thứ bẩy, tham dự Thánh Lễ thay ngày Chủ Nhật tại một nhà thờ gần nơi làm việc theo thói quen. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy kết thúc bài giảng rồi mà vị chủ tế không có một lời nào về những chuyện đang xảy ra! Kể cả việc “đọc thông báo” như đề nghị của HĐGMVN. Thông báo chỉ dán ở bảng cuối nhà thờ. Bài giảng toàn là những lời giải thích thật sâu xa và kỹ lưỡng, đến cả những từ dịch sát nghĩa hay chưa sát nghĩa với bản tiếng La Tinh của bài Tin Mừng, nhưng lời nhắc đến những người anh em “ruột thịt” đang chịu đựng biết bao khó khăn vì quyết SỐNG SỰ THẬT thì lại không có lấy một từ!

Khi chưa có bản thông báo, tôi tự an ủi rằng: có thể vì thiếu thông tin và cẩn trọng trong vai trò chủ chăn nên các ngài (ít ra linh mục thường cử hành Thánh Lễ tôi tham dự) còn chưa chính thức lên tiếng, ngay cả một lời gợi ý cầu nguyện cho những người anh em đang gặp bách hại cũng không. Nhưng hôm nay thông báo cũng không đọc! Nỗi thất vọng với vị chủ chăn dâng trào lên trong tôi. Nhưng “Lạy Chúa, con đến đây vì muốn được lắng tâm hồn mình trong Chúa, trở về với Chúa xin của ăn đường. Vị chủ chăn chỉ là người đại diện, không phải là Chúa nên con sẽ còn đến tham dự Thánh Lễ ở ngôi nhà thờ này Chúa ạ! L”

Những ngày thứ hai – Giáo dân Thái Hà sẽ phải kéo nhau ra hầu tòa, thậm chí có người đã bị tạm giam. Truyền thông lề phải lề trái lại lên cơn sốt cao độ. Trong ngôi thánh đường nơi tôi đến, vẫn thế, suốt Thánh Lễ, trong bài giảng, vị chủ chăn không có lấy một lời nhắc nhở con chiên cầu nguyện cho những người anh em! “ Chúa ơi! Ai là người thực sự SỐNG BÁC ÁI như vẫn hằng rao giảng hả Chúa của con? Những người anh em chỉ cần cùng dòng máu VN đang như lửa đốt trên các blog, không phân biệt đã nhận Chúa là Cha chưa hay những con chiên của Chúa lúc này ở đây? ”

Ngày thứ ba – Bauxit, Tây Nguyên! Dân tộc VN sẽ như thế nào khi dự án khai thác bauxit đang được tiến hành với biết bao hiểm nguy cho dân tộc? Người người đã lên tiếng, từ những người có kiến thức khoa học, có kiến thức về văn hóa Tây Nguyên cho đến những người bình thường nhất đã lên tiếng tràn ngập các trang mạng. Tôi, một lần nữa lại ngóng cổ chờ đợi các chủ chăn. Bây giờ là vấn đề nghiêm trọng, sự sống còn của cả dân tộc VN chứ chẳng phải chuyện một vùng, một cách nhìn để biện minh rằng: Anh và tôi khác quan điểm nên hành động khác nhau. “ Chúa ơi! Chúa đã dạy chúng con rằng: Thế giới tự nhiên này Chúa dựng nên là để chung cho mọi người hưởng, chứ không phải của riêng ai. Chúa cũng đã dạy rằng: Con người là con của Chúa, mỗi người có NHÂN VỊ không ai thay thế được, bất cứ cách hành động nào cũng phải lấy việc phục vụ con người làm chuẩn. Lạy Chúa, thế đã đủ để chúng con phải lên nóc nhà mà rao truyền SỰ THẬT ấy trước những chuyện bất thường đang xảy ra trên đất nước VN của chúng con chưa? Nhưng vì sao vậy Chúa? Vì sao có sự IM LẶNG KINH KHỦNG từ những vị chủ chăn vậy Chúa?! ”

“Lạy Chúa, con xin xưng tội trước Ngài. Con xin dâng lên Ngài những khốn khó của chúng con. Amen”

Giảng dạy?

Cách đây khoảng 5 năm, tôi đi coi thi tại một Hội đồng thi Bổ túc văn hóa.

Trong giới giáo viên chúng tôi, khi biết mình “được” phân công gác thi tại một Hội đồng Bổ túc văn hóa là cảm thấy “oải” lắm! Vì sao chúng tôi chưa gác thi đã thấy mệt? Vì tình hình “phao” trắng sân trường là chuyện (ngày ấy) dĩ nhiên sẽ thế. Vì sự quyết tâm “làm” cho bằng được của các thí sinh là chuyện thứ hai, mà chúng tôi phải đối mặt trong 3 ngày gác thi.

Rồi ngày phải làm nhiệm vụ cũng tới. Buổi thi hôm ấy tôi được phân công làm giám thị cùng một giáo viên trường khác. Trong phòng thi 2/3 là những thí sinh lớn tuổi, đang đi làm, phần còn lại là những học sinh trường nghề các em học đúng tuổi.

Sau khi đề thi được phát ra, tài liệu bắt đầu xuất hiện liên tục trong phòng. Chúng tôi thay nhau đi tịch thu khắp phòng. Nhưng một thí sinh không phải có một bộ tài liệu mà nhiều bộ. Cuối cùng, tôi phải làm cứng: Bắt một anh (khoảng hơn 40 tuổi) đã lôi đến bộ tài liệu thứ ba ra, phải làm biên bản, làm xong tôi mới cho thi tiếp (nghĩa là cảnh cáo anh ). Anh năn nỉ cỡ nào tôi cũng không đồng ý. Vì tôi hiểu chỉ còn cách duy nhất đó để trật tự phòng thi được ổn định. Khi anh chấp nhận ngồi viết biên bản, phòng thi có vẻ trật tự lại, phao được cất đi.

Bất chợt một thí sinh nam đứng lên tỏ vẻ rất tức giận, em phản đối tôi: “Người ta đi làm giờ đâu mà học! Sao lại bắt người ta? Sao không cho người ta xử dụng tài liệu?” Tôi trả lời em trước cả phòng: “Nếu không học được thì không đi thi. Em ngồi xuống và làm bài đi”. Em vẫn đứng với thái độ nóng nảy. Tôi hỏi ngược lại cả phòng: “ Các bạn đang đi thi hay các bạn đang làm bộ, đóng kịch rằng đang thi, có chúng tôi đóng kịch rằng đang gác thi?”. Có lẽ thấy sự quyết tâm của tôi, phòng thi yên lặng. Tất cả quay về với tờ giấy thi khi em chịu nghe tôi ngồi xuống. Nhưng nhìn em, thấy em vẫn không chịu làm bài tiếp. Quan sát gương mặt tức giận và buồn của em tôi hết sức thương cảm. Thương vì một tâm hồn trong trắng dám can đảm lên tiếng khi em cho đó là điều không đúng.

Nhìn vào phiếu dự thi thấy em học ở Cao đẳng Sư phạm Thể dục … (lâu rồi tôi không nhớ rõ, hình như TW2). Vì em nhất định không chịu tiếp tục làm bài nên tôi quyết định đến nói chuyện với em, mong làm em giảm cơn bức xúc mà chịu cố gắng làm bài.

Tôi đến gần hỏi em: “Em học Sư phạm, vậy có phải ra trường em sẽ đi dạy không?”
Em xác nhận: “ Phải”.
-“ Vậy khi đi dạy em có muốn hay có cho phép học sinh mình gian lận như thế không?”.
Bối rối một chút …em trả lời: “Nhưng mọi người vẫn làm vậy!”
Thế !
Mười bẩy, mười tám tuổi với một tâm hồn trong sáng, với một lòng can đảm sẵn sàng đương đầu với điều em nghĩ là không đúng nhưng em đã đi sai đường!
Vì ai vậy ?
Vì cái gương hành động của người đi trước !

Và chuyện hôm nay.
Cái gương hành động của những vị mục tử trong việc làm tròn trách nhiệm công dân của mình khi đất nước, dân tộc đang gặp nguy khó lúc này ở đâu ?

Xin gởi đến các ngài câu hỏi của một giáo dân đang vô cùng băn khoăn về tương lai những người trẻ trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay.