THÁI HÀ - Đêm 7/5/2009 thực sự là một đêm rực lửa ở Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp. Đêm nay, lửa không được thắp nên bởi nến như mọi lần mà bằng nhiệt huyết trong trái tim, trong huyết quản của mỗi con người hiện diện nơi đây. Lửa được thắp lên bởi tiếng trống, tiếng chiêng, bởi giọng hát của các anh chị em về từ núi rừng Tây Nguyên.

Như thường lệ, sau Thánh lễ tối, các linh mục, tu sĩ và giáo dân lại quây tụ bên Đức Nữ vương Công lý và Hòa bình để dâng lên Mẹ những lời nguyện thiết tha, sốt sắng… Nhưng, còn một điều đặc biệt nữa được chờ đợi trong đêm nay, dù trời lất phất mưa, có lúc nặng hạt, níu chân người ở lại và gọi mời thêm con dân Chúa ở các xứ lân cận đổ về -đêm của anh chị em cộng đoàn Tây Nguyên, đêm của cồng chiêng và của những người đến từ vùng đất đang được đốt nóng lên bởi bô-xít.

Sau buổi cầu nguyện, những giọt mưa cũng thôi rơi. Cha con cùng quây quần quanh sân trước tượng Nữ vương Công lý và Hòa Bình. Chiêng trống cùng áo chàm tiến ra “sân khấu” trong tiếng chào đón bằng pháo tay vang dội.

Ngàn lời ca, ngàn đóa hoa dâng lên Mẹ đêm nay như có cả hơi thở của núi rừng, có tiếng reo của con suối, có tiếng gió chảy qua đại ngàn, tiếng chim chóc líu lo ríu rít, nhưng trên hết là tiếng lòng của những người con nơi xa xôi tụ về.

Tiếng cồng chiêng hút hồn người. Điệu múa Jrai kéo người ta đứng dậy. Như nam châm hút người ta xoáy vào vòng tròn yêu thương Mẹ vừa mới tạo ra ngay trước mắt. Như bắt nhịp cho ai vỗ tay không dứt.

Người già lưu luyến ở lại đến những phút cuối cùng, người trẻ cuồng nhiệt tham gia, trẻ em cũng cầm tay nhau hòa vào điệu xoang quyến rũ. Những áo chàm Jrai lẫn với áo trắng người Mường, với xanh đỏ tím vàng… của người Kinh nhưng tất cả nên một trong tình yêu mà Chúa trao ban cho con Người.

Bước chân uyển chuyển mà khỏe khoắn quen thuộc với điệu nhảy từ thuở chập chững xen những bước chân vụng về của “nghệ sĩ một đêm”. Bước chân lập cập của một người già bên bước chân tấp tểnh của một anh trung niên. Một chị dìu anh chàng khuyết tật cả 2 chân nhún nhảy cuồng nhiệt… Tất cả phá vỡ chuẩn mực điệu múa truyền thống, nhưng người ta đắm say trong tiếng trống tiếng chiêng, tiếng đàn T’rưng. Tình yêu chan chứa trên những gương mặt rạng ngời, yêu thương và hiệp nhất.

Tiếng hát của người con cao nguyên vút cao, như không bận tâm bởi những nhà cao tầng, những chật hẹp, bon chen của cuộc sống đô thị. Tiếng gió ngàn, thác đổ, tiếng chim chóc theo họ từ đại ngàn về Thái Hà hòa nhịp cùng “ca khen Mẹ”.

Mong sao mảnh đất Tây Nguyên mãi mãi xanh tươi. Mong sao tiếng cồng chiêng mãi vang xa trên cao nguyên bao la…