TAM TÒA (04.02.2009) - Đến trung tâm Thành phố Đồng Hới, dọc theo đại lộ Lý Thường Kiệt rẽ về phía đông theo đường Hàn Mạc Tử khoảng 200m, quý khách sẽ nhìn thấy một ngôi tháp cao chừng 30m sừng sững bên bờ sông Nhật Lệ, chứng tích của một thời đạn bom máu lửa. Đến với Tam Tòa, Đồng Hới trong những ngày đầu xuân này, ta như được bước vào một vùng đất của mộng và thơ, của chiến tranh máu lửa binh đao một thời, hơn thế chúng ta hiểu được phần nào những trang sử của dân tộc cần được khép lại để mở ra một tương lai mới. Khép lại quá khứ, nhưng có vẻ vẫn còn khép... hờ. Ngôi thánh đường Tam Tòa bị trúng bom tan tành chỉ còn ngọn tháp, được giữ lại làm "di tích lịch sử ghi dấu tội ác chiến tranh" là một phế tích cho thấy chủ trương khép lại quá khứ còn mang tính nửa vời.

Nhưng giờ đây chúng ta hãy tạm gác qua một bên những bề bộn của hiện tại và quá khứ, những toan tính thực dụng đời thường để cùng nhau tận hưởng bầu khí tươi đẹp của một mùa xuân đã đến độ chín “trong làn nắng ửng khói mơ tan”. Giã biệt những giấc ngủ dài trong mùa đông lạnh giá, hôm nay cảnh vật như bừng tỉnh trong sắc màu của xuân xanh, rủ bỏ tất cả quá khứ, chôn chặt trong huyệt lòng người những đố kị, hận thù, để thanh thản vui hưởng một mùa xuân mới, mở ra một vận hội mới với nhiều hứa hẹn tốt đẹp hơn. Đó cũng là thông điệp đầu xuân giáo xứ Tam Tòa muốn gửi đến với hết thảy mọi người không phân biệt lương giáo trong toàn tỉnh Quảng Bình, cách riêng với người dân thành phố Đồng Hới trẻ đẹp thân thương này.

Sáng hôm nay, 02/02/2009, giáo dân Tam Tòa nói riêng, toàn tỉnh Quảng Bình nói chung hân hoan đón chào Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, vị Cha chung khả kính đến dâng thánh lễ cầu bình an năm mới cho mọi thành phần nhân dân. Đồng tế với Đức Cha có cha Tổng đại diện Fx Võ Thanh Tâm, cha Thư ký Antôn Phạm Đình Phùng cùng 14 linh mục trong giáo phận. Thánh lễ hôm nay có khoảng hơn 1000 người gồm cả lương dân, giáo dân và những thành phần khác… hiệp dâng lời cầu an năm mới, và đặc biệt cầu cho giáo xứ Tam Tòa sớm có một nơi thờ phượng Chúa xứng đáng hơn.

Đúng 9 giờ 30, trên đoạn đường Nguyễn Du từ ngã ba nơi giao với đường Lê Quý Đôn đến khu đất Tam Tòa dài khoảng 500m, đoàn rước Nhập lễ nghiêm trang vừa đi vừa hát những bài dâng kính Mẹ Maria. Dưới “làn” nắng sớm của mùa xuân, những tà áo với sắc màu đủ loại như tô điểm thêm cho cảnh đẹp TP Đồng Hới.

Mở đầu thánh lễ, cha Tổng đại diện đọc diễn từ nói lên những cảm nhận đầu xuân nơi mảnh hữu tình đã sinh ra thi sĩ trứ danh Hàn Mạc Tử với những thi phẩm “rút ruột đẻ ra” từ những thiên tình sử bi đát mà hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc thương thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Những dằn vặt đau thương trong cõi lòng tan nát ấy đã bật lên thành những tiếng nguyện lời cầu thống thiết xin thứ tha cho linh hồn tội lụy của “bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng” đã “trong bao đêm xao xuyến vũng sông hằng” mà bỏ quên tình yêu của Thiên Chúa nhân lành. Ai đó đã viết về Hàn Mạc Tử với những lời chí lý rằng: “Bằng tài năng xuất chúng, dưới áp lực của định mệnh cực kì nghiệt ngã, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một di sản quí báu với nhiều bài thơ ‘thần bút’. Nhà thơ cho chúng ta thấy tầm vóc siêu việt biết bao mà con người có thể và cần phải đạt tới. Đồng thời cuộc đời và thơ Hàn Mặc tử gợi mở về một lối sống không phải chỉ có phần ‘xác’ mà còn có phần ‘hồn’ ngàn lần kì diệu hơn”.

Đặc biệt diễn từ của cha Tổng đại diện còn đề cập đến một vấn đề khẩn thiết hơn mà nếu con người bỏ lỡ cơ hội sẽ không thể chuộc lại được lỗi lầm, ngài nói: “Hôm nay, Tết đã qua nhưng xuân vẫn còn với đất trời và với lòng người chúng ta, những khoảnh khắc tinh khôi rất nên thơ và đầy ý nghĩa của năm mới Kỷ Sửu còn rất linh động trước mắt chúng ta… Bước sang năm mới này ai cũng vui mừng vì được Chúa ban tặng cho một báu vật vô giá là thời gian. Người Trung Quốc có nói: Nhất khắc thiên kim - một khắc đồng hồ đáng giá bằng ngàn lạng vàng; nhưng đó là thời gian còn lượng giá được, thực ra thời gian vô giá vì không thể bỏ tiền mua được. Thánh Bernadin de Sienne đã nói mạnh mẽ nhưng rất hữu lý rằng: Thời gian có giá trị như Chúa. Con người được cứu chuộc trong thời gian - thời gian để ăn năn hối cãi những lỗi phạm của mình.

Hôm nay Đức Giám Mục quý mến của chúng ta tranh thủ thời gian vàng ngọc về đây dâng Thánh lễ đầu xuân trên mảnh đất Tam Tòa thân thương, giữa TP Đồng Hới trẻ đẹp này, để cầu Chúa thương ban ân phúc dồi dào cho quý cha, quý vị, toàn thể anh chị em, không phân biệt lương giáo, không phải chỉ ở Tam Tòa mà cho toàn thể tỉnh Quảng Bình Công giáo. Ngài thân ái gửi tới tất cả lời chúc xuân tươi thắm hạnh phúc, ngài mong ước cho anh chị em được nhiều điều may mắn nhất, tốt đẹp nhất về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất trong năm Kỷ Sửu này. Ngài muốn anh chị em dùng tốt mọi giây phút Chúa ban để làm việc lành phúc đức đừng bỏ qua giây phút nào kẻo sau này phải hối hận, vì như Orion Sweet Marden đã nói: ‘Sản nghiệp có tiêu tan đi thì bạn còn kiếm lại được bằng sức lao động và sự tiết kiệm, trí thức có suy giảm đi thì bạn còn phục hồi được bằng cách dùi mài đèn sách, sức khỏe có hao mòn đi bạn còn có thể lấy lại được bằng thuốc thang và điều độ, nhưng thời gian để lỡ qua đi bạn sẽ ân hận đến muôn đời’.

Trong thánh lễ này Đức Giám Mục kêu gọi chúng ta tha thiết cầu nguyện cho sớm có được một địa điểm thuận tiện, đẹp đẽ, xứng đáng để xây cất nhà thờ khang trang xứng với vị thế của TP Đồng Hới hiện địa này…”. Và cha Tổng đại diện đã liên tưởng đến những áng thơ tuyệt tác của thi sĩ Hàn Mạc Tử trong bài Mùa Xuân Chín. Không phải ngẫu nhiên mà con đường dẫn đến Tam Tòa lại mang tên Hàn Mạc Tử, thi nhân đã nhặt đầy túi thơ của mình những rung cảm tế vi của đất trời và lòng người để vón cục và nhỏ xuống Những Giọt Lệ thống hối, hay ngợi ca cảnh tươi đẹp mộng mơ của thiên nhiên để qua đó mà cảm tạ tri ân Thượng Đế. Và trong Quan niệm thơ, thi nhân đã gọi thi sĩ là loài thứ ba sau thiên thần và loài người, được sinh ra với sứ mệnh cao cả như khải thị những vẻ huyền nhiệm trong cõi đất trời cho muôn người nhận biết ra sự kỳ công của tay thợ Tạo Hóa mà giữa dòng đời tục lụy hôm nay bao kẻ phàm phu tục tử không thể nhìn ra được. Đường mang tên Hàn là vậy, dẫn đến một nơi chốn mở ra mọi lẽ khôn ngoan để con người biết mình và biết Chúa cả trời đất mà tôn thờ cho phải đạo. Thật vậy, đất trời hôm nay như được tô điểm thêm những vẻ đẹp kỳ khôi giữa mênh mông sóng gợn của dòng Nhật Lệ, trong làn gió sớm dưới ánh bình minh rực rỡ của xuân sang. Tam Tòa tọa lạc bên dòng Nhật Lệ hiền hòa êm trôi cho thấy sự an bài của Thiên Chúa tình thương trên thành phố Đồng Hới trẻ đẹp này.

Mồng 8 tháng Giêng năm Kỷ Sửu nhằm ngày 02/02/2009 dương lịch là ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Trong bài giảng, Đức Cha Phaolô Maria nói về ý nghĩa của thánh lễ, đó là cần có sự thống nhất hài hòa giữa lời nói và việc làm, giữa những tuyên tín trong đạo và cuộc sống, đòi hỏi hàng đầu của việc làm chứng cho Thiên Chúa giữa lòng xã hội hôm nay, ngài nói: “Ý nghĩa mà ngày lễ muốn gợi cho chúng ta là giữa những gì chúng ta tuyên xưng và những gì chúng ta sống, giữa những gì chúng ta rao giảng và chúng ta làm chứng, luôn có một khoảng cách. Đạt được sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa tin và sống, giữa nhà thờ và cuộc sống không phải là đơn giản”. Và để đạt được sự nhất quán giữa nói và làm, giữa tư tưởng và hành vi, không có gì khác hơn là phải noi gương Mẹ Maria: “Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta phải noi gương Đức Mẹ sống điều ta tin, thực hành điều ta rao giảng. Thánh Giacôbê đã diễn đạt một cách tuyệt hảo lời dạy của Chúa Giêsu khi Ngài nói: 'Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết' - tin mà không sống điều mình tin thì cũng chẳng khác nào không có đức tin”. Đức Cha Phaolô cũng nói về não trạng của con người thời đại - một thời đại bị bủa vây bao bọc bởi thông tin.

Giữa những luồng thông tin đa chiều trong một thế giới đa nguyên sẽ có nguy cơ làm cho con người rơi vào tình trạng mất hướng loạn chuẩn nếu không biết tĩnh táo sàng lọc chúng, đặc biệt là những thông tin không vì thiện ích chung của con người mà chỉ toàn là những lời hứa hão, những lời nói suông, những câu nói quen miệng, những khẩu hiệu giật gân, dẫn đến sự đổ vỡ niềm tin: “Chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin, con người thời đại đang choáng ngợp vì lượng thông tin và mệt mỏi vì những lời nói suông. Thời đại của thông tin cũng là thời khủng hoảng về lời nói. Đây chính là thách đố của người Kitô hữu. Nếu cuộc sống của họ không là một thể hiện của niềm tin, nếu cuộc sống đời thường của họ hoàn toàn cách biệt và xa lạ với những gì họ tuyên xưng trong nhà thờ thì cộng đồng của họ dù có được tập trung trong một nhà thờ nguy nga đồ sộ đến mấy cũng vẫn là một đám ma buồn tẻ chứ không là một cộng đồng dồi dào sức sống”.

Ngày lễ Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ còn mang một ý nghĩa cao cả hơn nữa nhằm mời gọi mỗi chúng ta nhìn thẳng về phía trước mạnh mẽ tiến bước theo Mẹ. Và sống đức tin, trước hết là để giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô lệ - nô lệ tội lỗi; giải phóng con người khỏi những áp bức của cường quyền, bất công, bạo lực. Và đó là con đường cam go đòi hỏi nhiều hy sinh thử thách. Đức Cha đã nhắc đến cựu tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền và nói lên ý nghĩa cũng như cái giá của “con đường tự do”: “Con đường dẫn đến tự do bao giờ cũng là con đường hẹp đầy chông gai thử thách. Qua hình ảnh con đường của ông Mendela ta hiểu được con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra và đòi hỏi những ai muốn theo Ngài: Ai muốn theo ta phải bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ, đoàn rước lại nối dài từ ngôi tháp đổ của nhà thờ Tam Tòa đến nhà ông Trần Công Lý - nơi mà gần 300 giáo dân xứ Tam Tòa đang phải mượn tạm để dâng lễ, làm việc thờ phượng Chúa.

Một chính khách nào đó đã nói: Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi được tương lai. Vâng, quá khứ không thể thay đổi được, và quá khứ cần được khép lại. Nhưng nếu đã trắng thì trắng hẳn, đã đen thì đen hẳn, còn mập mờ trắng đen lẫn lộn là địch thù. Khép lại quá khứ nhưng xin đừng khép hờ, kiểu nửa kín nửa hở như một thứ văn hóa mặc khêu gợi làm rồ dại một xác thịt hơn là làm đẹp cho mình thì thật đáng tiếc. Đừng sợ không trung thành với quá khứ sẽ làm đứt gãy với truyền thống và mất gốc rễ lịch sử. Có những cách trung thành với quá khứ nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hóa đặc thù của lịch sử dân tộc - văn hóa ghi đậm dấu ấn của những cuộc chiến. Nhưng với quá khứ bi thương của chiến tranh, khép lại là một cách khôn ngoan, cũng như chúng ta không muốn nhắc đến địa danh Khe Sanh trong Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Và nói như nhà văn Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh thì: "Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người". Và khép lại quá khứ, trước hết phải xóa đi những dấu tích đó, làm lại từ đầu trên những đổ nát hoang tàn.

(Bài cũ đăng lại: http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3951)