Lại một lần nữa các tín hữu công giáo nghèo khổ ở miền đất cầy lên sỏi đá của giáo xứ Tam Tòa phải chiến đấu với tập đòan cầm quyền luôn có những căm thù với “bọn có đạo” và bằng mọi thủ thuật đê hèn trấn áp các sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Một trong các thủ thuật trấn áp đê hèn đó là cướp bóc tài sản đất đai của giáo hội công giáo. Mục đích của những hành động cướp bóc này trước hết là ngăn chận sự ổn định và phát triển của giáo hội công giáo mà đảng cộng sản Việt Nam công khai coi như là một thế lực thù địch. Sau nữa là xếp đặt các mánh mung để vơ vét chia chác theo hệ thống đảng.

Nhà thờ Tam Tòa cũng như hàng ngàn hàng vạn các nhà thờ, chùa chiền đình miếu bị bom đạn tàn phá trong cuộc chiến nhưng tại sao và vì lý do gì mà địa sở này lại được đảng và nhà nước lựa chọn làm di tích chiến tranh.

1- Nhà nước cộng sản và giáo hội công giáo

Đảng cộng sản Việt nam đã thất bại trong việc khuynh lóat và kiểm sóat giáo hội công giáo bằng một giáo hội tự trị theo kiểu mẫu của cộng sản Trung quốc. Từ thất bại đó người cộng sản đã chế biến ra những cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc, Công Giáo Yêu Nước…chỉ với mục đích kìm hãm sự ổn định cũng như phát triển của giáo hội. Nhà nước cộng sản coi giáo hội công giáo như là một thế lực thù địch nên bằng mọi giá phải tạo ra những xáo trộn cũng như phân tán để “thế lực thù địch” đó không thể là một nguy cơ cho chế độ. Tập đòan cầm quyền đang ngồi trên đống vàng và họ sẽ bằng mọi cách duy trì những cái ghế ngồi đó cho chính bản thân họ và những thế hệ con cháu. Một trong những đòn phép khủng bố giáo hội công giáo là cưỡng chiếm tài sản và hạn chế các quyền sinh họat xã hội cũng như tôn giáo. Giáo hội công giáo Việt Nam đã được đảng cộng sản Việt Nam dán cho cái nhãn hiệu thế lực thù địch, thế lực phản động và tập đòan cầm quyền này đã có đầy đủ sách lược xô đẩy tám triệu người công giáo Việt Nam sang bên kia ranh giới của cộng đồng dân tộc.

2- Trường hợp cá biệt: Tam Tòa

Mảnh đất còn trơ trạo tháp chuông và mặt tiền của nhà thờ Tam Tòa đã có hơn hai trăm năm kỷ niệm buồn vui với giáo dân Quảng Bình. Những ngày hội hè đình đám, những ngày chiến tranh lọan lạc với bao nhiêu nụ cười và nước mắt dưới bóng giáo đường. Mảnh đất này với đống gạch vỡ sẽ muôn đời là máu huyết của giáo dân Quảng Bình. Đảng cộng sản Việt Nam không thể viện dẫn bất cứ một lý do nào để chiếm đọat tài sản của giáo dân Quảng Bình. Những hành vi thô bạo bằng cách ép buộc, lừa lọc gian dối của đảng cộng sản Việt Nam nhắm vào nhà cửa đất đai của giáo hội công giáo đã phơi bầy một cách rõ ràng bản chất thâm thù nghiệt ngã của nhà nước với “bọn có đạo”. Suốt trong cuộc chiến, có biết bao nhiêu nơi chốn bị bom đạn cầy xéo, có biết bao nhiêu xương máu của con dân Việt đã đổ ra trên từng tấc đất. Nếu tháp chuông đổ nát của nhà thờ Tam Tòa được chọn làm di tích chiến tranh thì mảnh đất ở cố đô Huế nơi ba ngàn người dân vô tội bị quân cộng sản Bắc Việt chôn sống vào những ngày Tết Mậu Thân 1968 cũng là một di tích chiến tranh. Trong cuộc chiến, mỗi tấc đất của tỉnh Quảng Bình đếu có dấu tích của bom đạn điêu linh. Tại sao những người cầm quyền ở tỉnh Quảng Bình không chọn một di tích khác hơn là nhà thờ của giáo xứ Tam Tòa. Bởi vì đó là một mảnh “đất vàng” mà bọn tham quan đêm ngày đang mơ mộng. Nếu giáo dân Quảng Bình không đứng lên đòi và giữ lại nền nhà thờ đổ nát này thì cũng chỉ vài ba năm sau tập đòan cầm quyền có thể nại ra nhiều lý do như tháp chuông có thể xập đổ đe dọa tính mạng của người dân rồi bắt đầu những tính tòan chấm mút chia chác. Giáo dân của giáo phận Hà Nội và giáo xứ Thái Hà đã chiến đấu một cách quyết liệt, nếu không thì mảnh đất Tòa Khâm Sứ và Linh Địa Đức Bà bây giờ đã đầy rẫy những quán bia ôm, cắt tóc thư giãn và những tệ trạng xã hội khác. Tất nhiên ai cũng có thể hài ra danh tính chủ nhân của các dịch vụ này không ai ngòai những cán bộ cao cấp của thành phố. Giáo dân Hà Nội đã không đòi lại được những miếng đất của giáo phận nhưng họ xứng đáng mang hào quang chiến thắng vì đã không để cho những mảnh đất này trở thành nơi ô uế nhớp nhơ.

Hơn nửa triệu giáo dân địa phận Vinh đã nhất tề đứng lên bảo vệ tài sản của giáo phận và đòi hỏi nhà nước cộng sản phải thực sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Những tín hữu công giáo cũng là những công dân Việt Nam với đầy đủ bổn phận và trách nhiệm. Họ không thể nào bị liệt vào danh sách của những công dân hạng hai và họ cũng không thể nào phải chịu đựng những thâm thù của nhà nước cộng sản đối với “bọn có đạo”. Bên cạnh giáo hữu xứ đạo Tam Tòa là tám triệu giáo dân công giáo và tám mươi triệu người Việt Nam khát khao dân chủ tự do. Đằng sau giáo dân Tam Tòa là hội thánh công giáo hòan vũ và lương tri nhân lọai.

Mảnh đất có ngôi thánh đường đổ nát của giáo xứ Tam Tòa là mảnh đất hương hỏa của giáo dân Tam Tòa và nơi đây sẽ là nơi thờ phượng, là chỗ chia vui xẻ ngọt của giáo dân Tam Tòa. Nơi đây không phải là chỗ oán thù lăng nhục. Nơi đây chỉ có yêu thương và tha thứ. Với lòng mến yêu thiết tha xin gửi về giáo dân xứ Tam Tòa lòng cảm phục không bờ bến.