NGƯỜI CÔNG GIÁO TAM TÒA VÁC THÁNH GIÁ (2)

(Tiếp theo và hết)

Lúc 7 giờ sáng Chúa Nhật ngày 26.07.2009, 250.000 giáo sĩ và giáo dân Giáo phận Vinh đã tập trung cầu nguyện cho nạn nhân Tam Tòa tại nhà thờ 18 Giáo hạt trên tổng số 19 Giáo hạt để thể hiện tình liên đới, hiệp thông khẩn cầu cho Tam Tòa và nguyện xin Thiên Chúa ủi an các nạn nhân bị Công an Quảng Bình bắt giữ, đánh đập và hiện đang bị giam cầm. Cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Quảng Bình sáng suốt biết phân biệt lẽ phải, sự thật, công lý, hòa bình trong việc hành xử với các nạn nhân và giáo dân. Tiền đường các giáo đường, cơ sở tôn giáo của các Giáo xứ, Giáo hạt đều được căng biểu ngữ với khẩu hiệu: ‘Cầu nguyện cho các nạn nhân bị công an Quảng Bình đánh đập, bắt giữ.’ Giáo dân các giáo xứ mang theo cờ vàng-trắng với biểu ngữ mang cùng khẩu hiệu nói trên. Thánh Lễ tại các Giáo Hạt này đã được cử hành rất trang nghiêm, sốt sắng. Mọi người cùng cảm thấy đau đón khi biết Thánh Giá đã bị công an Quảng Bình xúc phạm và nay đang bị bọn vô lại chiếm giữ.

Cũng trong sáng ngày 26.07.2009 này, tại Tam Tòa, 7 Linh mục và Giáo dân trong Giáo hạt Đồng Troóc tập trung về nền nhà thờ Tam Toà để hiệp thông thánh lễ Chúa Nhật cùng cầu nguyện cho Giáo dân Giáo xứ Tam Tòa vì sự đàn áp dã man của công an ngày 20.07 trước đó. 500 giáo dân đã phải đối diện với một lực lượng khoảng trên 3000 người hỗn tạp gồm công an, cảnh sát, dân quân và dân địa phương đã dùng vũ lực ngăn cản (phải họ can đảm dùng vũ lực hổ trở ngư dân lãnh hải Việt-Nam còn ích lợi hơn), đánh đập một số giáo dân không cho tới nền nhà thờ Tam Tòa.

Vừa đến khu vực Tam Toà, những cảnh đau lòng mọi người khi phải chứng kiến cảnh những nữ tín hữu trong trang phục áo dài đến dâng Lễ tại nhà thờ Tam Tòa đã bị du đảng ăn mặc khiếm nhã thình lình xông vào đánh túi bụi vào mặt, vào người trước sự làm ngơ của lực lượng công an.

Chị Lê Thị Yên (Ca đoàn phó giáo xứ Tam Tòa) bị một nhóm thanh niên xông vào đánh và hai con gái bé Ca (14 tuổi) và bé Ly (12 tuổi) vừa kể vừa khóc: ‘Đang lúc ba mẹ con con vừa mới đến tại nhà thờ Tam Toà cùng với nhiều Giáo dân khác, các con thấy rất đông thanh niên đã được bố trí sẵn ở đó, họ cầm gậy gộc trong tay, họ xông vào đánh túi bụi vào mặt vào người của con, khiến con ngã xuống đất không biết gì. Họ đánh con vì thấy con mặc áo dài và họ cho rằng con đến đây để tham dự Thánh Lễ. Họ còn thu điện thoại di động của con....”. Trước tình hình khá phức tạp, nhiều giáo dân bị đánh đập, bạo lực tràn lan, tại khu vực nhà thờ bị bao vây bởi các được đảng đang sẵn sàng hành động bằng bạo lực trong khi lực lượng an ninh công an tỏ ra bất lực. Sau cùng, các Cha đi đến quyết định không cử hành Thánh Lễ.

Chiều ngày 26.07.2009, công an Quảng Bình tiếp tục bắt 3 giáo dân: Ông Lý - chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tam Tòa; chị Yên và Anh Giu-se Nguyễn Hữu Thống, Trưởng ban Đại diện Sinh viên Công Giáo địa phận Vinh tại Hà Nội, quê xứ Trang Nứa, Nghệ An. Thêm vào đó công an Quảng Bình còn dùng các hình thức khác để đe dọa, trấn áp giáo dân Tam Tòa.

Ngày 27-07-2009 Hội Sinh viên Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội đã ra thông báo khẩn kêu gọi các bạn sinh viên hiệp thông cầu nguyện và ra tuyên cáo yêu cầu chính quyền trả tự do cho anh Thông. Quá khuya đêm 27 rạng sáng 28.07, anh Thống bị công an Đồng Hới đẩy em ra khỏi trụ sở công an thành phố sau 30 tiếng bắt giữ, tra khảo và đánh đập chảy máu miệng.

Sáng ngày 27.07.2009, 5 Linh mục và Hội đồng Mục vụ các giáo xứ trong Giáo hạt Kỳ Anh, (sát Quảng Bình) vào thăm các nạn nhân. Khi đoàn vừa bước xuống xe, gần nền nhà thờ Tam Tòa thì một nhóm ăn mặc thường phục, có cả côn đồ xông vào đánh các Linh mục và Giáo dân. Lúc đó, gần đó, một đám khoảng 30 công an đã đứng nhìn bầy công an thường phục đánh đấm Cha đến trọng thương đầu, mặt, cằm và răng vì chúng đã liên tục đá vào đầu Cha. Các giáo dân đưa Cha Phú và mấy người bị trọng thương vào một trạm xá gần đó để điều trị. Thấy tình thế quá bất ổn, vì nhóm côn đồ tiếp tục nói những lời tục tĩu, đe dọa buộc các linh mục và giáo dân phải rời khỏi nơi đó. Than ôi! một Quảng Bình an ninh và văn minh.

Hay tin như vậy, Cha Phêrô Ngô thế Bính, Chánh xứ Hà Lời, tới để xem tình hình và thăm Cha Phú. Thấy cảnh tượng khủng khiếp, nhóm côn đồ bao vây trạm xá không cho ai vào, Cha đã điện thoại yêu cầu ông Trần công Thuật phó chủ tịch Uũy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình tới để Cha có thể vào thăm Cha Phú. Khoảng 10 phút sau, ông Thuật ra về, bỏ mặc cha cho hơn 100 côn đồ đuổi đánh, trước sự chứng kiến của các công an. Kết cục Cha Phêrô Ngô Thế Bính bị côn đồ đánh trọng thương và ngất xỉu rớt từ lầu hai xuống tình trạng rất nặng. Hành vi bỏ về của ông Thuật thật đáng nghi ngờ.

Một giáo dân đang làm ăn tại Đồng Hới đi qua thấy và biết đó là Cha Bính liền thuê xe đưa Cha Bính tới bệnh viện Việt Nam-Cuba tại Đồng Hới. Sau đó, công an thuê taxi đưa Cha Phú và 5 giáo dân bị đánh trọng thương tới bệnh viện Việt Nam - Cuba. Tại bệnh viện, 2 Cha và các giáo dân bị đánh trọng thương không được cứu chữa và chuyển Cha Phú và 5 giáo dân về bệnh viện Kỳ Anh. Cha Bính nằm cũng không được chăm sóc, khi tỉnh lại, Cha được người giúp đưa ra khỏi bệnh viện và lên xe về Phòng khám Đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài.

III. TẠI SAO GIÁO ĐƯỜNG TAM TÒA ĐỖ NÁT ?

1. Ai là thủ phạm ?

Là những người đã từng sống trong cuộc chiến tranh Việt-Nam vừa qua, chúng ta đều biết, mỗi khi người cộng sản muốn phá chùa hay nhà thờ, họ chỉ cần đặt ở tháp chuông hay trên nóc chùa một vài khẩu súng, bắn vài phát đạn khiêu khích, thế là máy bay Mỹ đến thả bom hay bắn phá nhà thờ và chùa chiền, để họ có cớ tuyên truyền giặc đánh bom nhà thờ và chùa.

Nhà thờ Tam Tòa cũng nằm trong trường hợp đó. Người cộng sản Việt-Nam vẫn tuyên truyền nhà thờ này nằm cạnh cửa biển Nhật Lệ nên địch bắn phá suốt ngày đêm. Dù phải hy sinh cả máu xương, người dân Đồng Hới vẫn quyết bảo vệ vùng trời, vùng đất yêu thương của Tổ Quốc, xung quanh nhà thờ Tam Tòa, nhiều ụ pháo, nhiều công sự được người dân dựng lên đánh giặc. Do đó, nhà thờ Tam Tòa đã trở thành mục tiêu ‘giặc lái Mỹ’ oanh tạc.

Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng sống thuật lại thì chính Việt Cộng đã đặt chất nỗ phá tung nhà thờ Tam Tòa, vì sáng ngày 27.02.1968, không nghe tiếng máy bay Mỹ nhưng nhà thờ bị bom nổ tung và họ quả quyết đó là do Việt Cộng gài chất nỗ phá hoại cũng như chúng đã phá hoại chùa An Xá của Phật Giáo trong vùng. Thái độ kỳ thị Công giáo qua hành động đánh đập các giáo dân ngày 20.07.2009 và hai Linh mục ngày 27.07.2009 bởi công an làm cho người ta càng tin hơn lời thuật của các nhân chứng này.

2. Tại sao mãi đến năm 1997, nhà thờ Tam Tòa mới trở thành Di Tích tội ác chiến tranh Mỹ ?

Tại sao năm 1975, khi người Cộng sản cho rằng mình chiến thắng Mỹ, nhà cầm quyền địa phương nhà thờ Tam Tòa đã không tạo ra cái ‘chứng tích tội ác Mỹ’ để việc làm có phần nào hợp lý? Khi đó, Mỹ áp dụng chính sách cấm vận đối với Việt-Nam, khiến, trong những năm kế tiếp, kinh tế Việt-Nam bị kiệt quệ làm nhà nước phải tìm mọi cách để bình thường hóa ngoại giao với Hoa kỳ hầu tiến tới việc thiết lập mậu dịch với Hoa kỳ.

Khi Hoa kỳ đồng ý cho thiết lập bang giao, cộng đảng Việt-Nam đã mừng đến mức nào, chúng ta hãy nghe phát biểu của đại sứ Việt-Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ Lê văn Bàng: « Ngày 03.02.1994 là ngày mà tôi nhớ mãi. Hôm đó, thật bất ngờ tôi được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời lên để thông báo về việc Tổng thống Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bỏ cấm vận Việt-Nam. Tôi đã cảm động đến rơi nước mắt vì phải đấu tranh ngần đấy năm trời mới bỏ cấm vận thành công. Mà bỏ cấm vận tức là giải quyết được rất nhiều vấn đề... » Cho rằng Mỹ tàn ác vậy mà sao khi nhận được thông báo cho phép chơi lại với họ lại mừng đến muốn khóc như vậy ư?

Sau đó, vào năm 1995, khi sang tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, khi đề cập đến triển vọng quan hệ Việt Mỹ, Chủ tịch nước Lê đức Anh đã tuyên bố rằng: « một nước mà không gác lại được quá khứ thì cũng chưa phải là nước vĩ đại! ». Lời nói đó chẳng là khuôn vàng thước ngọc cho đàn em tỉnh Quảng Bình noi theo. Do đó, thực chất của cái cớ ‘chứng tích chiến tranh’ mà tỉnh Quảng Bình đưa ra đã gây nên ra sự căng thẳng cho Tam Tòa chỉ là những mưu mô sảo quyệt nhỏ nhen của nhà cầm quyền Việt-Nam. Họ muốn thu gom càng nhiều tài sản Giáo hội càng tốt để dùng làm ‘chiến lợi phẩm’ hầu thương lượng khi đàm phán bình thường quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican sau này.

Ngoài ra, có bao giờ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chăm lo đến các di tích quan trọng này? Nhìn vào tháp nhà thờ Tam Tòa đổ nát vì không một ai bảo quản cho đúng nghĩa một di tích lịch sử suốt 41 năm qua thì người dân dễ dàng thấy đó là một sự chiếm đoạt đất nhà thờ bất chấp quyền tư hữu, tư pháp lẫn tôn giáo, của Giáo xứ Tam Toà. Luật dân sự cũng như các văn bản liên quan về quyền dân sự qui định chhính quyền các cấp phải hỏi ý kiến và được sự đồng ý của chủ sở hữu nếu lấy tài sản của họ vào các mục đích công. Phải thỏa thuận bồi thường cho họ xong xuôi mới được lấy.

(Phải chăng vì sự chỉ trích của công luận về sự phế bỏ hoang tàn khuôn viên nhà thờ Tam Tòa, nên ngày 10.08.2009, nhà cầm quyền Ðồng Hới bị buộc phải ra lệnh tu bổ khuôn viên này)

Còn thời điểm ‘muộn màng’ công bố lấy nhà thờ Tam Tòa làm di tích chiến tranh, gần 22 năm sau, ngày 26.03.1997, là vì đúng vào thời điểm này đất đai khắp các tỉnh thành Việt-Nam bắt đầu rục rịch tăng giá sau khi Việt-Nam bang giao trở lại với Mỹ vào năm 1995, tự nó đã phản bác lại cái lý do ‘chứng tích tội ác Mỹ’. Miếng đất rộng trị giá có thể là nhiều tỷ đồng với những cơ hội ngầm ‘phát tài, phát lộc’ cho các quan hay vì ‘tội ác Mỹ’ và vì các thế hệ mai sau? Người cộng sản cho rằng ‘chứng tích tội ác Mỹ’ này sẽ dạy cho các trẻ em hận thù đối với ‘tội ác Mỹ’ mà, theo chúng tôi, các em cần được giáo dục hơn về đạo đức, văn hóa và nghề nghiệp.

IV. CÁO GIAN GIÁO DÂN TAM TÒA.

Nhà cầm quyền Quảng Bình đối xử bất nhân với giáo dân Tam Tòa.

a. Giáo dân Tam Tòa bị bất công ghép tội ‘phản động’ chỉ vì nhà cầm quyền địa phương cho rằng việc giáo dân dựng nhà trên nền cũ nhà thờ Tam Toà là tiếp tay với Đế quốc Mỹ để xóa tan tàn tích tội ác của Mỹ, nên công an Quảng Bình đã được gởi tới để ra tay đàn áp một cách công khai và cực kỳ dã man ngày 20.07.2009, cái ngày mà năm 1954, Cộng sản và thực dân Pháp đã ký kết hiệp định Genève để chia đôi Việt-Nam.

b. Người Việt-Nam luôn được tiếng là hiếu khách. Nhà nước đã tiêu nhiều khoản tiền cả trăm triệu mỹ kim để ‘kính mời’ người Việt đã bỏ nước ra đi từ năm 1975 để đem mỹ kim về Việt-Nam. Trong khi đó, các giáo dân Đồng Hới, đã rời miền Bắc vào Nam cùng một nước Việt năm 1954, nay quay về cố hương với những tờ giấy tiền hình Bác Hồ thì nhà cầm quyền không muốn tiếp nhận.

c. Công an Quảng Bình đã bắt giam người trái phép, đập phá rồi cướp toàn bộ những vật dụng người ta dựng láng trại để làm nơi thờ tự, kể cả máy phát điện, máy quay phim, máy ảnh, dụng cụ nấu nướng, gạo cơm, rồi lại ngang nhiên tuyên bố truy tố 7 giáo dân tội: ‘gây rối trật tự công cộng’.

Gây rối trật tự công cộng là hành vi phạm tội hình sự như quy định tại điều 245 Bộ Luật hình sự. Hành vi này bị xem là hình sự chỉ khi gây ra hậu quả nghiêm trọng hay đã bị phạt hành chính trước đó, như cố tình với mục đích tạo ra tình trạng bất ổn và có tính bạo động (đập phá, đốt phá xe cộ, đánh nhau để tạo sự rối loạn, xô xát). Việc các giáo dân dựng một cái lán tạm trong khuôn viên nhà thờ thuộc quyền sở hữu của họ là việc làm dân sự. Nếu sai thì là một vi phạm hành chánh và chịu chế tài chiếu theo pháp luật hành chánh.

Thủ tục phải có trước đó là thẩm quyền sở tại coi rằng việc dựng lán tạm là trái luật thì phải tiến hành lập Biên bản vi phạm có ký nhận của bên vi phạm tức các giáo dân. Nếu họ từ chối ký thì có thể nhờ người làm chứng xác nhận hành vi vi phạm. Từ Biên bản vi phạm (chứng từ gốc), Ủy ban Nhân dân Đồng Hới ra Quyết định xử phạt hành chính, có quy định rõ biện pháp xử phạt và buộc phải tháo dỡ, ghi rõ thời hạn có hiệu lực của quyết định. Luật pháp cho phép một khoảng thời gian là 30 ngày để cho bên vi phạm khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện quyết định xử phạt đó lên cấp cao hơn trước khi bị cưỡng chế thi hành.

Ngoài ra, các giáo dân không cố tình tạo ra sự bất ổn như đốt phá, rượt đuổi, lật xe cộ, dựng vật cản giữa các nơi công cộng mà họ đã dựng lán tạm rất trật tự và nhẹ nhàng, không hề muốn tạo ra sự bất ổn hoặc thu hút sự chú ý hoặc gây náo loạn đối với công chúng. Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng: « Giáo dân đã không phạm tội gây rối trật tự công cộng. »

d. Rất tiếc, nhà nước cộng sản biến Việt-Nam thành một quốc gia mà luật pháp không được tôn trọng bởi chính nhà làm luật (hành pháp, lập pháp và tư pháp là một).

Trong trường hợp Tam Tòa, giáo dân chỉ bảo vệ những tài sản của mình trước hành vi lạm quyền có tính cách cưởng đoạt của Nhân viên công lực và xâm phạm quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Tội này quy định tại Điều 129 Bộ Luật Hình sự nước Việt-Nam: « Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm. »

Việc Công an can thiệp vào công việc của Giáo dân Tam Tòa rõ ràng đã cản trở quyền tự do tín ngưỡng của họ, dù đây có thể chưa bị coi là tội phạm vì, thực tế, không phải là giáo đoàn đang dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, việc kéo đổ một nơi thờ tự với Thánh Giá đã được làm phép rõ ràng phải được xem như là hành vi xúc phạm tôn giáo. Sự kiện giật sập ngôi nhà tạm không theo một trình tự thủ tục pháp lý nào được xem là hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình.

Tội lạm quyền trong khi thi thành công vụ được quy định tại Điều 182 của Bộ Luật hình sự: « Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm”. Sự lạm dụng đã làm cho cơ quan tổ chức đó bị mất uy tín và làm mất lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, có thể coi như gợi lên các hành vi chống lại chính quyền. Do đó, người lạm quyền đã sai phạm rất nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 3, có thể bị tù đến 20 năm.

Việc lấy đi các vật dụng phục vụ việc thờ tự như: khung nhà, máy phát điện, Thánh Giá… mà không lập biên bản như luật định phải được xem là những hành vi xúc phạm đến tôn giáo, cản trở quyền tự do tôn giáo của người dân. Tội chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 137 Bộ Luật Hình sự: « Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. »

Việc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác cấu thành tội được quy định ở điều 104 Bộ Luật Hình sự: « Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. »

Cuối cùng, chúng ta cần biết: Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự Việt-Nam quy định: « Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án». Do đó, chúng ta luôn phải xác tín rằng mình là người vô tội cho đến khi ra trước tòa hầu chúng ta tiếp tục vững tin tranh đấu cho Công Lý và Sự Thật.

V. GIÁO PHẬN VINH MỪNG ĐẠI LỄ QUAN THẦY.

Sáng ngày 15.08.2009, lúc 8 giờ 30, tại Quảng trường Nhà thờ Chính toà Xã Đoài, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh, đã long trọng cử hành Thánh lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời, Quan thầy Giáo phận, với sự hiện diện của nhiều trăm linh mục, Đại chủng sinh và tu sĩ nam nữ trong Giáo phận.

Khi chuẩn bị Thánh Lễ, Tòa Giám mục đã có thông báo hướng dẫn: « Lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời năm 2009, tất cả các giáo xứ trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về trung tâm giáo phận tham dự Thánh lễ… Các xứ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cử hành Thánh lễ Quan Thầy giáo phận theo hình thức riêng như đã thống nhất, không về trung tâm giáo phận », nên giáo dân về tham dự Thánh lễ Quan thầy tại giáo phận năm nay chủ yếu đến từ 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Dù vậy, cũng có một nhóm nhỏ giáo dân Tam Tòa vượt trên 200 km về hiệp thông với Mẹ Giáo phận. Một Giáo phận có 3 tỉnh mà chỉ có 2 tỉnh có thể hiện diện tại Thánh Lễ Giáo phận vì an ninh… cũng là điều đáng buồn cho giới hữu trách tỉnh Quảng Bình.

200.000 người từ các giáo xứ trong giáo phận đã đổ về giáo đô Xã Đoài để cùng hiệp dâng Thánh lễ trọng thể này vì:

1. Đây là Thánh lễ Quan Thầy – được coi như ngày truyền thống của Giáo phận.

2. Thời gian này đang ở trong Năm Linh Mục nên linh mục và giáo dân cũng về khá nhiều để cầu nguyện cho các đấng chủ chăn.

3. Đức Cha Phaolô vừa trở về sau một hành trình dài nên giáo dân muốn đến để gặp gỡ và bày tỏ tình yêu với người Cha già sau một thời gian xa cách.

4. Những tác động từ sự kiện của giáo xứ Tam Tòa trong những ngày vừa qua, giáo dân họp nhau về giáo đô để nói lên tình hiệp thông và cầu nguyện cho anh chị em của mình tại giáo xứ Tam Tòa đã và đang phải gánh chịu những bức bách, trấn áp.

Tình hiệp nhất là điều dễ dàng nhận thấy trong Thánh Lễ này và cũng chính hiệp nhất tạo nên sức mạnh, nối kết muôn con tim Giáo đoàn Vinh trong và ngoài Giáo phận.

Trong Thánh Lễ, trước muôn vàn con tim, Đức Cha Phaolô tha thiết lặp lại niềm tin tưởng phó thác vào lòng yêu thương và sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria: « Lạy Rất Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, hôm nay toàn thể con cái Mẹ khắp cả Giáo Phận Vinh, trong niềm hân hoan vô hạn của tình con thảo, chạy đến sấp mình dưới chân Mẹ, chúng con xin hợp cùng Mẹ mà tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, đã cất nhắc Mẹ hồn xác về trời… Vậy trong giờ phút long trọng này, quỳ trước tôn nhan Mẹ, chúng con xin ôn lại lời khấn dâng của cha ông chúng con ngày xưa, chúng con xin dâng toàn thể Giáo phận Vinh cho Mẹ. »

Hà-minh Thảo