Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940), một thi sĩ Công Giáo nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam trong thời tiền chiến, vốn là giáo dân sinh trưởng tại xứ đạo Tam-Tòa trong thế kỷ XX có viết những vần thơ đạo hạnh trích d?n như sau:

Đây thi sĩ của đạo quân thánh giá,
Giữa đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt xuân xuân cho cả thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ.
[1]

Những vần thơ siêu thoát ở trên đã vượt ngoài giới hạn ý nghĩa của ngôn từ nếu xem như là kết tinh của lòng đạo d?c chắt lọc từ những tháng năm được dạy dỗ trong giáo xứ Tam Tòa dưới sự chăm sóc của các linh mục chính xứ hay phó xứ, thì vịệc theo dấu các vị mục tử trong bước đầu khai sơn phá thạch giữa lòng giáo xứ, sống chung giữa đàn chiên Tam Tòa được xem như là biểu tượng của hành vi “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người giáo dân xứ đạo bé bỏng kia ngày hôm nay. Trong tâm tình hiệp thông, người viết chia xẻ những đau thương hiện tại của giáo dân Tam Tòa - vả chăng ở đời không chỉ có đau thương mà còn có cả niềm hãnh diện đan xen trong quá trình xây dựng Đức tin - đang nỗ lực vươn lên chứng tỏ quyết tâm của mình trên trận tuyến sống mái giữa ánh sáng và bóng tối, giữa chính nghĩa và tà đạo, giữa công lý với bất công. Thế trận chưa kết thúc dù với những việc làm biểu kiến của lãnh đạo thế quyền mấy ngày qua mà họ gọi là “tái thi công” nơi phần đất thánh thiêng của giáo xứ Tam Tòa, thì việc tài bồi sức mạnh cho quan điểm đấu tranh của giáo dân vẫn còn là mục tiêu chiến lược cần theo đuổi.

1.- Thừa sai Đắc-Lộ (Alexandre de Rhodes, 1593-1660), trong nước mắt những bước chân đi rao giảng Tin Mừng.

Trong cuốn sách Hành Trình và Truyền Giáo, linh mục Alexandre De Rhodes đã viết về lòng sốt sắng đạo đức của người giáo dân xứ Nam trong đó gồm cả những xứ đạo vùng nam Quảng Bình như Đại Phong, Mỹ Hương, Trung Quán, Động Hải (tiền thân của Sáo Bùn và Tam Tòa) như sau: “Thực vậy, nguồn an ủi mà tôi nhận được khi gặp họ và thấy họ sốt sắng như thế, nó vượt quá những điều tôi có thể nói ra. Đến lúc này ngồi ghi lại những cảm tình vui sướng và nhớ lại những êm dịu tràn đầy trái tim lúc đó, mắt tôi còn ứa lệ và tôi cho rằng trên đời những mối hoan hỷ của con người chỉ đến thế là cùng không thể có hơn được nữa.” Và vì thế linh mục Đắc-Lộ “quên cả nhọc nhằn và có lúc không hiểu rằng mình còn ở dưới đất hay đã đang sống trên Thiên đàng.” [2] Tấm lòng sốt sắng của giáo dân sở dĩ có được cũng là nhờ công sức của các vị thừa sai bỏ ra đặc biệt là những nỗi thống khổ họ phải chịu trên bước đường truyền giáo. Đối với riêng trường hợp cha Đắc Lộ, bốn lần tới Đàng Trong cùng với những lần bị trục xuất, mưu hại đúng với sự diễn tả trong Thánh Vịnh 125, 5-6 “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công việc vất vả gieo hạt, nhưng khi trở về, lòng thênh thang phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa.” [3]

Theo linh mục Đắc-Lộ, giáo dân Đại-Việt ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài rất đạo đức, sốt sắng, có nơi phải đi bộ 60, 70 cây số vào chiều thứ sáu để đến xem lễ ngày chúa nhật.

Tháng 9 năm 1640, linh mục Đắc-Lộ bị trục xuất do lệnh của một ông quan ở Quảng Nam mà linh mục gọi là Onghebo. Ông Nghè Bộ nói rằng “dù có phải đi trên nước” thì linh mục Đắc-Lộ cũng phải đi mà thôi! Ông Nghè Bộ là ai? Trong tác phẩm Người chứng thứ nhất, Phạm Đình Khiêm cho biết Ông Nghè Bộ “không phải là tên riêng, mà chỉ là một danh xưng phổ thông để chỉ một chức quan: chức Cai-bạ (Cai-bộ) mà dân chúng quen gọi “Ông Bộ”, và có lẽ vì “Ông Bộ” này được thưởng hàm “Hàn-lâm”, nên người ta gọi là “Ông Nghè Bộ”như trường hợp “Ông Nghè Bộ” Lê-Cảnh, hay “Ông Nghè Bộ” Nguyễn Hữu Kính m?y chục năm sau. Chức Cai-bộ này tương đương với chức Bố-chánh về sau.” [4] Mấy tuần lễ trước mùa Phục Sinh năm 1645, bị quan trấn ra lệnh rời khỏi Quảng Nam, trong khi nấn ná vào lại với giáo dân Quy Nhơn, thừa sai Đắc-Lộ có dịp gặp chín giáo dân ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị kéo nhau đến thăm ngài. Linh mục kể như sau: “Khi tôi sắp sửa lên đường, thì chín giáo dân từ những phủ huyện phía bắc, nghĩa là họ đã phải đi gần 100 dặm để đến gặp tôi. Lúc đó mùa đi lại khó khăn vì đường đất lầy lội. Họ nghe tin tôi phải giam tù và có thể bị nguy đến tính mệnh, họ đến để giúp đỡ tôi, đem tiền nong đến cho tôi, vì họ tưởng rằng tôi đang gặp lúc túng bấn. Tôi để độc giả tưởng tượng, nghĩa cử đó làm tôi cảm động đến thế nào. Tôi hết lòng cám ơn họ và từ chối những đồ vật họ mang đến cho tôi, vì ơn Chúa tôi chưa phải cần đến. Thấy tôi từ chối, họ xin dâng những của đó để trợ cấp cho giáo dân trong vùng và cả mạng sống của họ, họ cũng muốn hy sinh để giúp những người đang phải bách hại vì Đức tin. Họ không từ chối một điều gì có thể nâng đỡ các giáo dân trong vùng và lòng nhiệt thành của họ còn thúc đẩy họ đến gặp quan địa hạt trách ông đã lầm lẫn bắt giam những người vô tội...” [5] Khi hạt giống Tin Mừng vừa gieo xuống trên vùng đất mới, các vị thừa sai đã khởi sự gặp rất nhiều trở ngại, từ đủ phía mà muốn vượt qua đòi hỏi các vị đó phải có nghị lực và kiên trì trước hết đó là hàng rào ngôn ngữ.

Trong tác phẩm Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, linh mục Nguyễn Hồng cho biết khi được Mạc Mậu Hợp yêu cầu đến Bắc Việt giảng đạo, theo đề nghị của Đức Cha Carneiro ở Áo-môn, linh mục bề trên Pablo de Jesu ở Phi-Luật-Tân gửi một phái đoàn truyền giáo do cha Diego de Oropesa dẫn đầu cùng các linh mục Bartolomé Ruiz, Pedro Ortiz và Francisco de Montilla cùng bốn thầy: thầy Cristobal Gomez, một thủy thủ có tài, thầy Diego Jimenez, Francisco Villorimo và thầy Manuel Santiago. Tư liệu này cho biết ngày 1 tháng 5 năm 1583 “thuận buồm xuôi gió, không bao lâu đã tới bờ biển Việt Nam, thuyền ghé vào một cửa biển có lẽ một cửa ở Quảng yên gần Cửa Cấm, Hải Phòng ngày nay. Vì ở vùng đó, gặp lúc trong nước không yên, hay có giặc cướp vùng bể đến quay nhiễu, thấy thuyền lạ, dân chúng liền khua trống mõ, đem giáo mác ra đánh. Nhưng khi tới nơi, thấy các cha các thầy là những người hiền lành, họ liền xử đãi tử tế. Tuy vậy các cha cũng bị bó buộc bỏ thuyền lên ở một túp lều gianh trên bãi dưới sự canh gác của tuần đinh. Khám thuyền không thấy có gì, một vài tuần đinh tỏ vẻ bạc đãi. Không biết tiếng nói, không có thông ngôn, các Cha làm hiệu tỏ ý muốn gặp nhà vua. Hiểu nhầm, tưởng các cha muốn tế thần, họ dẫn các Cha đến một ngôi đền cách đấy độ nửa dặm. Họ cúi đầu lễ, bảo các Cha theo. Nhưng các Cha không nghe lại còn tỏ ý phản đối nữa. Quan sở tại được tin báo cũng đến xem sự thể. Biết là các tây giang đạo trưởng, quan sở tại bằng lòng cho các Cha ở lại và phi báo lên Kinh...” [6] Linh mục Đắc-Lộ lúc mới tiếp xúc lần đầu tiên với người bản xứ cũng gặp trở ngại tưởng chừng không vượt qua nỗi, với một vài ý tưởng ghi lại như sau: “Tôi thú thực khi vừa mới đến xứ Nam, nghe dân bản xứ nói chuyện, nhất là phụ nữ, tôi có cảm tưởng nghe tiếng chim hót. Lúc đầu tôi ngã lòng tưởng không thể nào học được tiếng nói của họ.” Và rồi sau đó dưới sự hướng dẫn của linh mục De Pina, cha Đắc-Lộ đã “chăm chỉ học không kém những năm học thần học ở Rôma. Học bài nào cha đem thực hành ngay với các em nhỏ. Trong số đó có “một em đã giúp cha rất nhiều, trong ba tuần cậu đã dạy cho cha tất cả các giọng nói và cách đọc các vần.” [7] Theo Nguyễn Hồng, em nhỏ mà linh mục Đắc-Lộ nói ở đây chính là ông Raphael Rhodes. Vì mến cha, ông đã nhận tên cha. Làm thầy giảng, ông đã cộng tác rất nhiều vào công cuộc truyền giáo của các cha Dòng Tên ở trong Nam và sau này ở ngoài Bắc với hai cha Deydier và Bourges, thừa sai Pháp. ([8] Các vần trong bài học ở đây có lẽ là chữ Nôm hay ít ra là chữ Quốc ngữ hình thành trong buổi sơ khai khi cha Đắc-Lộ chưa đặt chân tới Nam Hà vào thời điểm 1624. [9] Gian truân đã ập đến với giáo đoàn Công Giáo ở kinh đô khi hoàng tử Nguyễn Phúc Khê (con trai thứ mười của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng) phá ngôi nhà thờ của mẹ là bà Minh Đức Vương Thái Phi đã được linh mục Pina rửa tội trước đó ở Huế. Nguyên nhân là vì vị chúa đương thời (Công Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan 1635-1648) lo sợ rằng các vị giáo sĩ thừa sai vì giỏi “địa lý” sẽ tìm cho bà một huyệt mả để có thể “kết” mà phù trì cho con cháu đoạt ngai vàng. Ông Hoàng Khê phá nhà thờ của mẹ để tỏ lòng trung thành với Công Thượng Vương nhưng cũng đã làm cho mẹ ông và các giáo sĩ, giáo dân buồn sầu, lo sợ không ít.

Cũng có khi gian truân lại đến với giáo đoàn của cha Đắc-Lộ mà lần này đặc biệt do một người đàn bà hung ác đó là trường hợp Tống thị Toại, con của Cai-cơ Tống Phúc Thông. Bà này vốn là vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, có được ba con thì ông mất. Năm 1635, sau khi Nguyễn Phúc Lan lên nối nghiệp chúa Sãi, Tống thị Toại vốn tính lẳng lơ “được vào cung phủ, rất khéo đưa đón cầu cạnh, trở nên giàu có, tiền bạc châu báu chất lại như núi” [10]. Chúa Thượng say mê bà nên thế lực của bà ngày càng mạnh thêm, mặc dầu trước tình trạng như thế “đình thần lên tiếng can ngăn, nhà vương vẫn không nghe.” [11] Người em trai của Công Thượng Vương, con thứ tư của Sãi vương là Nguyễn Phúc Trung, lúc đó làm Chưởng-cơ muốn diệt trừ Tống Thị Toại để loại bỏ hậu hoạn. “Tống-thị thấy vậy sợ hãi lắm. Nhân lúc ấy cha nàng là Phúc-Thông đang được chúa Trịnh Tráng ở Đàng-ngoài trọng dụng, nàng liền viết mật-thư, kèm theo một trăm hạt trân-châu xâu thành chuỗi, sai người đưa ra cho Phúc-Thông, để đem dâng Trịnh Tráng, yêu cầu Trịnh-Tráng cất quân vào đánh chúa Nguyễn, lại hứa sẽ đem tài-sản riêng ra giúp lương cho quân lính. Trịnh-Tráng tiếp được mật thư, liền quyết nghị xâm lấn xứ Nam, sai đô-đốc Trịnh Đào thống lĩnh các đạo binh cả thủy lẫn bộ, kéo vào đánh chúa Nguyễn.” [12]

Đại quân họ Trịnh kéo vào Nhật-Lệ vào đầu tháng hai năm mậu ngọ (1648). Bị tấn công bất ngờ, ban đầu quan Nam Hà thua, quân Trịnh kéo lên đóng ở Võ Xá nhưng bị chận lại trước lũy Trường-Dục. Tại đây quân Nguyễn dưới quyền tướng Trương Phúc Phấn cố sức chận đứng quân Trịnh trong thế “trì hoãn chiến” (vì thế Phấn có biệt danh ‘Phấn cố trì’) và trước tình hình quân địch đang áp đảo mạnh, mọi người ở kinh đô chúa Nguyễn đều thức tỉnh. Nguyễn Phúc Tần được lệnh làm Tiết-chế, có Chưởng dinh Nguyễn Phúc Lộc, Trấn thủ Cựu dinh Tống Hữu Đại, và Giám chiến Nguyễn Hữu Dật lãnh bộ binh, Tham tướng nguyễn Triều Văn lãnh thủy binh. Riêng Chúa Thượng cũng đem đại binh ra đóng ở Trung-chỉ, phía bắc Quảng Trị ngày nay, để sẵn sàng ứng phó. [13] Khi ra tới Quảng bình, Nguyễn Phúc Tần hội tướng sĩ lại nhận định chiến trường và phát biểu rằng: “Quân kia tuy nhiều, nhưng mà người đánh giỏi thì ít. Nếu đến đêm ta cho voi xông vào rồi đem đại quân đến đánh chắc là phá được.” [14] Rồi ông ra lệnh cho Triều Phương thay Triều Văn đem thủy binh phục ở phía dưới Võ Xá, ở khúc sông Nhật-Lệ ngang xã Cẩm La, một mặt truyền cho Nguyễn Hữu Tiến, lúc rạng sáng tung gần 100 voi vào trận, làm bình phong cho quân sĩ theo sau. Bị hai bên giáp công, quân Trịnh tan vỡ hoàn toàn, ba tướng là Gia, Lý, Mỹ bị bắt, quân lính chết rất nhiều, đầu hàng chừng ba vạn [15]. Trở về chuyện Tống Thị Toại và Nguyễn Phúc Trung, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên chép rằng: “Trung trước làm Chưởng-cơ lập được nhiều công trạng. Năm thứ 12 mậu-tí (1648), hoàng-đế Thái-Tông tức vị, cho ông làm Chưởng-dinh. Trước đó người thiếp của Tôn-thất Kỳ là Tống-thị được ra vào chốn cung phủ nên sinh ra kiêu căng. Trung muốn lập mưu trừ khử đi. Tống-thị sợ hãi lập ý xoay ra nịnh bợ Trung. Trung nghi ngờ rồi sau cùng y thị tư thông. Tống-thị bèn xúi Trung làm phản. Trung ngầm mưu kết bè đảng định con đường làm phản, chẳng may bị bọn tay dưới là Thắng, Bố đem chuyện báo cáo nên cả bọn đều bị bắt. Chúa không đành giết hết, hạ lệnh trói bỏ trong ngục cho chết dần, Trung chết ở đó. Lại giết Tống-thị, lấy hết gia sản đem chia cho quân dân... Bọn Thắng, Bố được thưởng Cai-đội dinh Quảng Bình.” [16] Giáo sĩ nói về bà Tống Thị Toại như sau: “Bấy giờ trong phủ chúa có một bà phi được nhà vương sủng-ái, bắt người ta kêu bằng Chánh-phi, mặc dầu các bậc hiền giả trong nước đều tỏ ý phản đối. Tôi không biết có phải vì tính neat lăng loàn mà bà ấy ghét đời sống nhân đức của các giáo hữu chăng, nhưng bà ấy rất thù oán những người có Đức Tin cũng là những người thù nghịch nết xấu.” [17] Thêm nữa, giáo sĩ Saccano cho biết nguyên nhân bà Tống Thị Toại ghét người Công Giáo là vì Y-nha-xô (đệ tử của cha Đắc-Lộ) tranh luận về giáo lý Công Giáo với một nhà sư vốn rất được lòng bà. Nhà sư đuối lý nên xấu hổ quá bèn bỏ phòng hội ra về, tức giận vì mất thể diện ngay trước mặt bà vương-phi. Bà Tống Thị Toại rất căm hận Y-nha-xô nên để tâm tìm cách sát hại và trớ trêu thay, mưu thâm đó thay vì hướng về thầy Y-nha-xô lại ứng vào trường hợp của thầy giảng Anrê Phú Yên khi quân lính của Ông Nghè Bộ đi tìm bắt thầy Y-nha-xô không gặp lại gặp thầy Anrê. Kết quả là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có một vị thánh tử đạo tiên khởi và thừa sai Đắc-Lộ là người chứng kiến cái chết tử đạo đầy vinh quang của người học trò thân yêu của mình, ngày 26 tháng 7 năm 1644 tại đất Gò sứ cạnh thôn Thanh-Chiêm, Quảng Nam.

Xen vào trong những bước chân gian nan của thừa sai Đắc-Lộ phải kể đến cuộc tử đạo của ba giáo dân vốn là tổ tiên của giáo dân Sáo Bùn (Tam Tòa) ở tại làng Đại-Phong (tức Kẻ Đại hay Đợi) là các ông Siméon, Agostinô và Alexi. Hai ông trước là thầy giảng, ông sau là một người trong quân đội chúa Nguyễn thời Công Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan. Các ông này được phúc tử đạo năm 1646 truyền lại đức tin kiên vững cho con cháu về sau.

2.- Tình trạng giáo xứ Động Hải trong thế kỷ XVII, XVIII với các vị chủ chân: Linh mục Manuel Nguyễn Văn Bổn (? – 1698) và Linh mục Lôrensô Huỳnh Văn Lâu (1655?-1733).

Tháng 9 năm 1692, trong một báo cáo gửi về Rôma, linh mục Lorensô Huỳnh Văn Lâu có viết: “Tôi tới thăm các họ Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười, Động Hải, tại vùng này có dinh quan Chưởng Cơ và quân đội chúa Nguyễn, có lũy lớn gọi là lũy Trấn Ninh, ở đây có 50 lính Công Giáo...” [18] Đây là một trong những tư liệu khá ít ỏi còn lại liên quan đến các hoạt động mục vụ của các giáo sĩ tại vùng đất phía nam Quảng Bình, nơi được xem là một trong những cái nôi của đạo Công Giáo Việt Nam cuối thế kỷ XVII.

Các giáo xứ này sau khi được thành lập đã sống đạo và giữ đạo tự lực, không có linh mục coi sóc mà chỉ có những thầy giảng giúp dạy thêm giáo lý, kinh nguyện và tổ chức sinh hoạt mục vụ trong từng thôn, xóm. Chỉ thỉnh thoảng mới có vài vị giáo sĩ ở Huế ra thăm nếu là thời gian được giữ đạo tự do còn trong thời kỳ cấm cách, thì lâu lắm mới có giáo sĩ tới thăm.

Năm 1643, giáo sĩ Đắc-Lộ trên đường thăm lại Thuận Hóa, đã ra tới tận làng Kẻ Đại rửa tội cho khoảng 300 giáo dân. Khoảng năm 1650, linh mục João Barbosa cũng có những nhận định tương tự như linh mục João Cabral về lòng nhiệt thành đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài đặc biệt là Đàng Trong, được cha Đắc-Lộ tóm lược như sau: “Ở Đàng Trong, cụ thể là tại Thành Chiêm, Hội An, bổn đạo rất thích đeo tràng hạtMân Côi trên cổ, mà đeo ngoài cổ áo, chẳng những vì sùng mộ, mà xem ra muốn chứng tỏ cho những người khac biết là mình đã theo đạo Đức Chúa Blời đất. Vào năm 1625, các quan chức Quảng Nam dinh tỏ ra không ưa đạo Hoa Lang, vì cho rằng đó là đạo mọi rợ, ngoại lai, làm cho con gnười mất lòng yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trước tình trạng này, các thừa sai phải yêu cẩu bổn đạo đừng đeo ảnh Thánh giá và tràng hạt ngoài cổ áo. Nhưng bổn đạo cho rằng làm như thế là hèn nhát, không xứng đáng với “con nhà có đạo”. Các cha phải giải thích là đạo không ngăn cản người ta can đảm, mà chỉ ngăn cản kẻ càn đở. Bổn đạo nghe ra, chịu theo lời các cha.” [19] Trong thế kỷ 17, từ biên giới sông Gianh trở vào có tất cả 12 dinh các đơn vị hành chánh sau này được gọi là tỉnh thì lúc bấy giờ gọi là dinh, thí dụ Quảng Bình dinh, Chánh dinh (tức là nơi chúa Nguyễn đóng kinh đô, tức Thừa Thiên), Quảng Nam dinh là nơi thường giao cho người con cả của Chúa làm Trấn thủ để thực tập công việc cai trị, giao thương với các nước ngoài (qua cảng phố Hội An). Nếu toàn bộ lãnh thổ Quảng Bình là một cơ sở quân sự thì phủ trị Động Hải (hay Đồng Hới) cũng là một đơn vị quân sự nhỏ hơn nhưng quan trọng vì là vùng địa đầu giới tuyến. Tư liệu của linh mục Lorensô Lâu cho biết năm 1692, ở họ Lũy (tức giáo xứ Động Hải) có 50 lính Công Giáo thuộc quyền quan Chưởng dinh. Quan đội là cơ cấu được chúa Nguyễn tin cậy nhất vì chỉ có cơ cấu đó mới giữ được chính quyền nhất là trong thời chiến. Những người lính Công Giáo này có lẽ không thuộc về chánh binh tức quân chính quy mà là thuộc binh hay thổ binh. Li Tana trong tác phẩm Xứ Đàng Trong cho biết: “Mỗi tỉnh đều có mộ binh cho địa phương của mình. Đội binh này được gọi là thổ binh (địa phương quân) hoặc thuộc binh (đội quân phụ thuộc). Người ta cho rằng loại quân binh này còn đông hơn gấp nhiều lần đội quân chính quy. Xem ra chúa Nguyễn muốn có nhiều người vào thổ binh hơn là vào quân đội chính quy vì chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đều không phải trả lương cho thổ binh. Người gia nhập thổ binh được miễn thuế. Đa số hoạt động như dân quân, tuần tra, phu khuân vác hoặc lao công hơn là binh sĩ thực thụ.” [20] Một số tư liệu cho biết năm 1697, họ Lũy dời về xóm Bùn (Cầu Ngắn) và có tên là giáo xứ Sáo Bùn. Lý do dời về Sáo Bùn không có tư liệu nào nói rõ nhưng ta có thể đôi chút.. Năm 1631, hệ thống lũy Đâu Mâu – Nhật Lệ (trong đó có một phần lũy Trấn Ninh là nơi có giáo xứ Động Hải cũng gọi là họ Lũy) được xây dựng. Để tránh ảnh hưởng của chiến tranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong mà chiến trường lúc bấy giờ là mặt bắc của phủ trị Đồng Hới nên giáo xứ này phải dời vào khu vực Cầu Ngắn, bên này bờ nam sông Lệ Kỳ. Với vị trí mới này vốn được che chở một phía là sông Lệ Kỳ và một phía là tả ngạn sông nhật Lệ, cương giới xứ đạo Sáo Bùn có vẻ được an ninh hơn. Lý do khác có thể mật độ giáo dân gia tăng nên khu vực cũ (gần lũy Trấn Ninh) đã không thuận tiện cho việc mở mang các cơ sở xã hội như tu viện, viện dục anh v.v... Giáo xứ Sáo Bùn tuy thế cũng không tránh khỏi cảnh chiến tranh hay tai ương tàn phá bởi vì cho đến khi có linh mục Pontvianne nhận bài sai đến giáo xứ Sáo Bùn năm 1864, thì giáo xứ này không có nhà xứ hay rõ hơn nhà xứ chỉ là một nhà tranh ba gian hai chái dựng tạm trên nền đất nhà thờ cũ. Nhà thờ cũ có lẽ bị đốt phá do chiến cuộc?

Các cơ sở vật chất của một giáo xứ tuy cần thiết nhưng quan trọng hơn cả và phải được đánh giá cao hơn cả đó là tinh thần phục vụ của các vị mục tử trong giai đoạn sơ khởi khi hạt giống đức tin mới được gieo xuống, mà đối với giáo xứ Động Hải (họ Lũy), thế kỷ XVIII hay giáo xứ Sáo Bùn trong thế kỷ XIX, hoặc giáo xứ Tam Tòa ở cuối thế kỷ XIX cho đến ngày hôm nay, các linh mục Manuel Nguyễn Văn Bổn hay Lorensô Huỳnh Văn Lâu được coi là những tấm gương đầy hy sinh.

Linh mục Manuel Nguyễn Văn Bổn là vị mục tử tiên khởi của Huế, không rõ năm sinh và quê quán, xuất thân từ chủng viện Juthia [21] thụ phong năm 1672 là năm khỉ sự chấm dứt cuộc phân tranh giữa hại họ Trịnh và Nguyễn. Khi còn chiến tranh với Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn cần các vị giáo sĩ Dòng Tên để liên lạc mua thêm súng ống nhất là đại bác, như trường hợp chúa Hiền (1648-1687) đã đưa cho cha Marquez, một giáo sĩ Dòng Tên 10.000 nén bạc để mua súng ở Macao vào khoảng năm 1658. Một năm sau, chờ mãi không thấy cha Marquez trở lại Nam Hà, vị chúa này ra lệnh cấm đạo, triệt hạ tất cả các nhà thờ trong xứ, nhưng rồi mùa xuân 1659, thừa sai Marquez trở lại với các khẩu đại bác cho chúa Nguyễn, lệnh tha đạo lại được ban hành. [22] Nhưng nay chiến tranh đã chấm dứt, không còn nhu cầu cần đến các vị giáo sĩ nữa, các chúa Nguyễn lại trở về với chính sách cũ.

Những năm đầu mới lên cầm quyền, chúa Nguyễn Phúc Chu cấm đạo nghiêm ngặt vì chúa có ý nghi ngờ một số giáo sĩ tham dự vào cuộc nội loạn chống phủ chúa., một số khác bị cáo buộc là mượn áo tu sĩ để dọ thám tin tức. Tất cả chỉ là những cáo buộc vô căn cứ mặc dù chính Adrien Launay trong sách của ông có nêu tên một số giáo sĩ bị tình nghi như Féret, De Caponi, De Sennemand bị truy chụp là có liên lạc với giặc Chân Lạp dưới sự chỉ huy của Nặc ông Thu (1700). Về sau, chính sách đó trở nên mềm dẽo hơn khi bên cạnh Minh Vương có thừa sai Jean de Arnedo vừa là thầy thuốc vừa là người giúp nhà chúa rất nhiều trong ngành khoa học và thiên văn học.

Khoảng tháng 3 năm 1673, linh mục Manuel Bổn cùng với cha Benigne Vachet mang thư và lễ vật của Giám Mục Lambert de la Motte ra Huế yết kiến chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần để xin phép vào giảng đạo. Trên đường đi qua Quảng Ngãi, cha Vachet bị đau nên nhờ thừa sai Mahot đi với cha Bổn ra Huế. Cả hai bị bắt giam nhưng sau đó được thả. Hai linh mục ra được kinh đô Huế lúc đó đóng tại Kim Long, được chúa Hiền tiếp kiến, nhận thư và lễ vật của Đức Cha Lambert rồi cho phép hai vị tư do truyền đạo, xây cất thánh đường v.v... Trong dịp này, linh mục Bổn đã xây cất nhà thờ giáo xứ Đốc Sơ năm 1674.

Tháng tư năm 1674, thừa sai Mahot lại trở ra Huế xin được chúa Hiền cấp giấy phép đi lại tự do trong các tỉnh, nhờ vậy cha Bổn được cử đi giúp mục vụ tại các xứ đạo vùng nam Quàng Bình như giáo xứ Động Hải (Tam Tòa), Trung Quán, Đại Phong, Dinh Mười. Công cuộc truyền giáo của cha Bổn trong những năm đầu đạt nhiều thành quả khiến cho Giám Mục Lambert trong thư gửi cho Giám Mục Pallu đã nói về cha như sau: “Cha Manuel Việt Nam (ý nói cha Manuel Bổn) đã rửa tội được 2000 người trong 6 tháng…...” [23] Có thời gian cha Bổn cùng với cha Vachet tìm cách đi truyền giáo ở vùng núi tây Quảng Ngãi cho người Thượng Đá-Vách nhưng dự án đó không thành và cũng được thừa sai Courtaulin báo cáo về cho Giám Mục Lambert [24]. Tương truyền cha Bổn lúc về già tính tình rất khó, nghiêm khắc quá đáng đối với giáo dân trong công tác mục vụ thí dụ bắt phải thuộc lòng 12 kinh đọc trước khi đến tòa xưng tội (confession), buộc giáo dân phải hiểu hết ý nghĩa Kinh Tin Kính, bắt ông chồng phải dạy bà vợ hay bà vợ phải dạy ông chồng, nếu không biết thì cả hai không được xưng tội v.v... [25]. Ngày 2.11.1698, một trận bão dữ dội xảy ra ở vùng kinh đô Huế, cha Manuel Nguyễn Văn Bổn bị chết chìm tại phá Cầu Hai, cùng chung tai nạn này có 2 thầy giảng, 3 chủng sinh và 1 người con trai một viên suất đội trong quân đội chúa Nguyễn.

Ngày nay giáo dân Tam Tòa đọc lại lịch sử giáo xứ của mình trong tâm tình biết ơn vì nói như linh mục Thánh Gioan Vianney của giáo xứ Ars (Pháp quốc) “linh mục thánh thiện thì giáo dân đạo đức” . Cũng nhờ có những linh mục hoạt động hăng say trong bước đầu xây dựng giáo xứ mà nền tảng đức tin vững vàng được truyền lại cho các thế hệ giáo dân sau này.

Dưới thời các chúa Nguyễn, khi đạo Công Giáo mới được các thừa sai Dòng Tên đến rao giảng tại Đàng Trong (1615), vì phải luôn đối phó với sự cấm đoán, bách hại của nhà cầm quyền cho nên hệ thống tổ chức các xứ đạo chưa đi vào quy củ như dưới thời các giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris. Việc bảo lưu các tài liệu liên quan đến hoạt động mục vụ của các cha Dòng Tên trong bước đầu cũng không phải là chuyện dễ dàng mặc dù các vị giáo sĩ nổi tiếng như linh mục Đắc Lộ chẳng hạn đã ra công ghi lại nhật ký, các báo cáo gửi về Bề Trên Tổng Quyền, các thủ bút, tài liệu nghiên cứu v.v...

Vi linh mục thứ hai, nối tiếp công việc của cha Manuel Nguyễn Văn Bổn từng hoạt động trên một địa bàn rộng lớn gồm ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và cũng đã rảo chân khắp nhiều giáo xứ nam Quảng Bình đó là linh mục Lôrensô Huỳnh Văn Lâu (1655?-1733).

Cha Lorensô Huỳnh Văn Lâu có lẽ sinh khoảng năm 1655 tại giáo xứ Lâm Tuyền, phủ Diên Ninh (tức Diên Khánh), Nha Trang, cũng gọi là giáo xứ Ngọc Thủy (Gò Dê). Em gái của ngài là bà Inê chết rũ tù vì đức tin tại nhà lao Nha Rư (Ninh Hòa, Nha Trang) ngày 25.12.1700. Cha Lorensô con cụ Carôlô Huỳnh Lam, thân mẫu là bà Isave (Elizabeth), nhà có 12 người con là cha là trưởng nam.

Lúc nhỏ linh mục đi tu tại chủng viên Juthia (Thái Lan), thụ chức linh mục do Giám Mục Laneau chủ phong, khoảng năm 1685. Năm 1689 chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh cho Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào mở đất Đồng Nai [26]. Lúc này trên vùng đất Đồng Nai cũng đã có người Công Giáo xuất hiện.

Tân linh mục Lorensô trở về Đàng Trong với 3 tân linh mục Maurô Lộc, Tađêô Nghiêm, Phanxicô Vân. Các thừa sai Labbé và P. Langlois sắp đặt để bốn vị linh mục này ra Huế yết kiến chúa Ngãi Vương. Trước đó họ đã gặp quan Chưởng cơ Thị vệ hầu cận chúa Ngãi.

Lúc bấy giờ cha Labbé là Cha Chính địa phận đưa cha Lôrensô ra Dinh Cát là một giáo hạt với một phạm vi rộng gồm 30 họ đạo. Cha Lôrensô vốn tính hoạt động, cởi mở lại thông thạo nhiều ngôn ngữ. Ngài soạn thảo nhiều kinh bổn cho giáo dân đọc và đối với ngài hai công tác trọng yếu đó là xây cất nhà thờ và đi thăm bổn đạo dù bất cứ vùng xa xôi nào.

Sau các cuộc kinh lý là ngài trở về giáo xứ Kẻ Bố (Bố Liêu, Quảng Trị) nghỉ ngơi rồi viết các bản tường trình hoạt động gửi về Tòa thánh Rôma.

Tháng 12-1692, cha đi thăm các họ đạo Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười và Động Hải ở nam Quảng Bình, tiếp sức cho linh mục Manuel Bổn đang phục vụ tại vùng phía bắc giáp giới Đàng Ngoài.

Năm 1693, linh mục Lôrensô tháp tùng Giám Mục F, Pérez đi kinh lược giáo phận. Xuất phát từ vùng Nam Ngãi, phái đoàn tới Hội An, ra Huế đến Dinh Cát rồi Quảng Bình. Đức Giám Mục lưu lại họ Trung Quán hai ngày, ban phép Thêm Sức cho 126 người, đến họ giáo Dinh Mười nghỉ lại ba ngày Thêm Sức được 165 người, tới họ Lũy (Động Hải) hai ngày, ban phép Thêm Sức được 70 người, sau đó ra vùng Dinh Ngói. Bản tường trình của cha Lôrensô ghi nhận giáo phận Huế lúc bấy giờ có khoảng 74 giáo xứ. [27] Năm 1700, dưới thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, một sắc chỉ cấm đạo được ban hành vì tại kinh đô xảy ra việc đốt phá nhà thờ của các cha Dòng Tên và nhà thờ của Cha chính Langlois và cũng do việc một số biện pháp ngăn chặn đã được sử dụng mà không có kết quả. Một chỉ dụ cho phép bắt những người Công giáo đi sưu dịch cho chính quyền và phải nộp thuế nhiều hơn ba lần người không theo đạo hay người bên lương. Từ thời điểm đó, tại kinh đô, giáo dân sống trong sợ hãi, thiếu linh mục coi sóc. Hai giám mục Pérez và Labbé lẩn trốn ở Miền Nam. Một số linh mục bị giam lỏng tại Huế, cha Lôrensô cải trang làm người bán thuốc dạo và chữa bệnh, di chuyển lặng lẽ từ vùng này sang vùng khác để thăm viếng giáo dân. Năm 1711, cha bị triều đình buộc về Huế làm thông ngôn với thương gia Hồng Mao (Anh quốc). Thừa sai Labbé nhận xét về cha Lôrensô như sau: “Cha Lôrensô có tinh thần và thể xác lanh lẹ, Ngài có tính khôi hài. Thân xác ngài to lớn mập mạp. Ngài ưa sự quay rối của kẻ khác và siêng năng làm việc, công việc của Ngài lu bù. Ngài thích dạy dỗ thăm viếng bổn đạo... Ngài tự ý làm luật sống cho mình hằng ngày.”

Về ngày mất và nơi mất của linh mục Lorensô Huỳnh Văn Lâu, nhiều tư liệu viết không giống nhau.

Tác giả An Phang trong báo Nam Kỳ Địa Phận số 1066 năm 1929 căn cứ theo thư Đức Cha Labbé viết năm 1712 thì “Cha Lôrensô chết trong xứ Đồng Nai” . Tác giả này cho biết thêm: “Cha Gabriel Thành, ngày xưa coi họ Bến Gỗ (Đồng Nai) có nói mộ cha Lôren ở đám đất trước nhà thờ Bền Gỗ bây giờ (1929) Nói vậy là vì lời truyền về gia quyến bà Inê nói: Cha người (thân phụ linh mục Lôren) là ông Carôlô vô lập nghiệp ở đó. Có lẽ lúc cha Loren vào Đồng Nai ở lại giúp bổn đạo rồi chết ở đó. ”

Đinh Đạo trong báo Công Giáo và Dân Tộc ngày 21.12.1975 cho biết “Linh mục Lôrensô đến năm 1732 mới mất...”

Một tác giả khác, linh mục Nguyễn Văn Ngọc thuộc giáo phận Huế, trong “Tập biên chép các tài liệu sưu tầm”, tư liệu riêng của ngài trong đoạn nói về giáo xứ Tam Tòa có ghi: “Năm 1733, cha Lôrensô bị bệnh và từ trần tại Phủ Cam. Giáo dân Quảng Trị và Quảng Bình rước linh cửu cha ra an táng tại nhà thờ Bố Liêu (Quảng Trị). Có đặt bia mộ bằng đá.” [28] Trong nhà thờ Bố Liêu có bia mộ cha Lôrensô với dòng chữ La tinh và chữ Nôm như sau:

In hoc sacello jacet ut fertur Pater Laurentius qui saeculo XVIII in district Dinh Cát ad laboravit.

Dịch nghĩa:

Theo truyền thuyết trong nhà nguyện này có mai táng cha Lôrenso đã làm việc trong hạt Dinh Cát ở thế kỷ XVIII.
(Dịch ra tiếng Việt: Lm Hồ Văn Quý).

Hai dòng chữ Nôm ở dưới:

Trong nhà thờ ni (này) có mả cha Lôrensô, RIP.

Trong hai thế kỷ XVII và XVIII, người giáo dân Động Hải (họ Lũy, Sáo Bùn, Tam Tòa) sống đạo bằng tự lập, ít khi có được các vị linh mục cùng ở giữa hàng ngũ của mình. Họ đã chuẩn bị cuộc sống đạo như vậy từ năm này sang năm khác vì hoàn cảnh khó khăn của tự do tôn giáo, tín ngưỡng nên đã tạo thành một truyền thống thích ứng với môi trường xung quanh để khi cơ hội thuận tiện trở lại thì tinh thần sống đạo trong đau khổ sẽ triển nở thăng hoa thêm.

Qua những vần thơ được trích dẫn ở trên, “Đạo quân thánh giá“ được nói đến trong thơ Hàn Mặc Tử chính là tượng trưng cho những người đang đau khổ vì Đức Tin bởi thánh giá là nhục hình, là bắt bớ, tù đày, lăng mạ và cuối cùng là cái chết. Nhưng thánh giá cũng tượng trưng cho hy vọng và chiến thắng vì vậy mà có câu chữ “không thánh giá, không triều thiên” (no cross, no crown). Các vị mục tử của giáo xứ Động Hải, họ Lũy, giáo xứ Sáo Bùn trong các thế kỷ XVII và XVIII là những thi sĩ của đạo quân thánh giá, những vị mục tử nhân từ (bonus pastor) đã đóng góp nhiều công sức xây dựng nền móng đức tin cho giáo xứ trong buổi sơ khai và có lẽ những khổ đau họ chịu chỉ là khúc giáo đầu (prélude) của một bản giao hưởng đầy khổ đau mà cao điểm là những cuộc bách hại trong thế kỷ XIX sẽ xảy ra với những nhân vật khác trong vai trò đấng chăn chiên lành. Thử thách của lịch sử mỗi giai đoạn mang một sắc thái khác cũng như phần thưởng cũng theo từng sự kiện mà đổi thay. Đoàn chiên giáo xứ Tam Tòa ngày nay đã chấp nhận những thách đố của lịch sử trong công cuộc đấu tranh cho Công Lý và Sự Thật, nghe và biết tiếng gọi của chủ chăn, đang dũng cảm tiến lên trong thế trận giao tranh mới đòi hỏi sự kiên cường và niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Tam Tòa hãy vững tin !

New Jersey 02.9.2009

CHÚ THÍCH:
1.- Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22.9.1912 tại làng Đồng Mỹ (tên cũ là Lệ-Mỹ, danh xưng hành chánh của xứ đạo Tam Tòa), rửa tội tại giáo xứ Tam Tòa ngày 25.9.1912, tên thánh Phanxicô, do thầy thông Phanxicô Hài làm bố rửa tội, linh mục chủ lễ rửa tội là Giuse Trần-Phan (1883-1948) là Phó xứ Tam Tòa từ 1912-1927, sổ rửa tội hiện còn để tại Giáo xứ Tam-Tòa Đà-Nẵng. Con ông Vinh-Sơn Nguyễn Văn Toản (Chủ sự Sở Thương-chánh Nhật Lệ ở Đồng Hới) và mẹ là bà Maria Nguyễn Thị Duy, con gái thứ 9 của cụ Nguyễn Long, ngự y triều vua Tự Đức (bà cụ qua đời năm 1951 tại Gò Bồi, Bình Định, thọ 71 tuổi. Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều khuynh hướng thi ca đặc biệt thơ tượng trưng và thơ tôn giáo. Mất năm 1940 tại nhà thương phung Quy-Hòa, Quy-Nhơn.
2.- Đắc-Lộ, Những cuộc hành trình và truyền giáo, dẫn theo Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Hiện Tại xuất bản, quyển I, 1959, tr. 158.
3.- Đây là một đoạn trong Kinh Tiếp Liên lễ Các Thánh Tử Đạo, với nguyên văn câu La-tinh như sau: “Qui seminant in lacrimis in gaudio metent. Euntes ibant et flebant, mittentes semina sua. Venientes autem venient cum exsultatione portantes manipulos suos.”
4.- Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, Tinh Việt văn đoàn, Sài Gòn, 1959, tr. 115.
5.- Đắc-Lộ, Những cuộc hành trình và truyền giáo, dẫn theo Nguyễn Hồng, Sđd, tr. 189.
6.- Nguyễn Hồng, Sđd, tr. 33.
7.- Đắc-Lộ, Những cuộc hành trình và truyền giáo, tr. 73.
8.- Nguyễn Hồng, Sđd, tr. 93.
9.- Trong Tạp chí Đại Học, cơ quan nghiên cứu của Viện Đại Học Huế, số 1, Năm thứ tư, tháng 2-1961, trong bài Những chặng đường của chữ viết quốc-ngữ, Giáo sư Linh mục Thực-lục, quyển III, tờ 5. Thanh-Lãng đã có những sưu khảo cống hiến quan trọng, chủ trương rằng “từ lâu lắm, nói đến lịch-sử chữ quốc-ngữ, người ta đã chỉ nói đến giáo-sĩ Đắc-Lộ. Tưởng như Đắc-Lộ nếu không phải là thủy-tổ thì cũng là người thứ nhất đưa chữ quốc ngữ từ trạng thái sơ-lược như trong tập ký thuật của Borri đến trạng thái khoa học như trong hai tác phẩm xuất bản năm 1651. Nhưng nhiều tài liệu mới khám phá ra gần đây khiến chúng ta phải nghĩ đến đặt lại vấn đề” (trang 19). Giáo sư này khẳng định: “Ba lần, Đắc-Lộ xác nhận là có nhiều sách vở đã viết theo lối phiên âm mà ông cho là không hợp lý lắm. Tuy nhận là không hợp lý mà ông vẫn phải tuân theo, điều ấy chứng tỏ những sách vở kia đã phải được phổ biến lắm, nếu không Đắc-Lộ rất có thể đề nghị một lối viết khác. Tiếc rằng những sách vở mà Đắc-Lộ nói đến ấy, ngày nay chúng ta chưa tìm ra vết tích gì. Như vậy đã rõ ràng là Đắc-Lộ không phải là vào số những nhà truyền giáo đã sáng lập ra chữ quốc ngữ, mà chỉ là người có công lớn đối với chữ quốc ngữ mà thôi” (trang 15). Giáo sư Thanh Lãng cho biết trong một tài liệu gọi là biên bản của 36 giáo sĩ Dòng Tên, trong đó có Đắc-Lộ, tranh luận nhau về Công thức rửa tội, soạn giả khi biên tên của Đắc-Lộ không ghi chú gì hết, trái lại khi biên tên giáo sĩ Antonio Barbosa, có ghi chú peritus linguoe (thông thạo tiếng), sau tên giáo sĩ Gaspar de Amiral, có ghi chú peritissimus linguoe (rất thông thạo tiếng), ba giáo sĩ khác cũng được ghi là peritus linguoe là các ông Balthassar, Pachccus và Albertus (trang 14). Linh mục Đỗ Quang Chính, trong bài Tình trạng dân số Đàng Ngoài thế kỷ XVII cũng đồng một quan điểm như Giáo sư Thanh Lãng. (Website Dũng Lạc).
10.- Thực-lục, quyển III, tờ 11.
11.- Thực-lục, quyển III, tờ 5.
12.- Thực-lục, quyển III, tờ 12.
13.-Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng: Trịnh Nguyễn, bản thảo đánh máy, tr. 165.
14.-Nguyễn Phương, Sđd, tr. 165.
15.- Con số này có lẽ hơi quá. Li Tana trong tác phẩm The Inner Region: A social and Economic History of Nguyen Vietnam in seventeenth and eighteenth centuries, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Nghị có tên Xứ Đàng Trong: Lịch sử Kinh-tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb. Trẻ, Sài Gòn, 1999, trang 224 cho rằng khoảng ba nghìn tù nhân bị bắt trong trận này, căn cứ theo tài liệu của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, gọi tắt là Cương Mục. Chúa Nguyễn đã cho số tù binh này vào định cư ở các châu Thăng, Điện (tức đất Quảng Nam) cho đến Phú Yên. Bại binh của họ Trịnh trốn chạy bị truy kích đến tận sông Gianh.
16.- Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, quyển VI, tờ 33, ab; bản dịch Việt ngữ của Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Lý Tưởng, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1974, trang 347.
17.- Alexandre de Rhodes, Glorieuse mort, tr. 8. Câu nói của A. de Rhodes: “Các bậc hiền-giả trong nước đều tỏ ý phản đối” phù hợp hoàn toàn với sách Thực-lục: “Cả đình-thần lên tiếng can ngăn, chúa cũng không nghe” (q.III, tờ 5, đã kể trên, Phạm Đình khiêm, Sđd, tr. 113.
18.- Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử giáo xứ Tam Tòa, Tư liệu nội bộ Giáo xứ Tam Tòa Sài Gòn, 1995, tr. 5
19.-Đỗ Quang Chính, S.J. Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam, Web Dũng Lạc.
20.-Li Tana, Sđd, tr. 75.
21.- Lm Nguyễn Văn Hội và Lm Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử Giáo phận Huế, Tập I, Ronéo, Huế 1993, tr. 47; bản tin Website Cựu Chủng Sinh Huế-Hải Ngoại.
22.-Li Tana, Sđd, tr. 63.
23.-Lm Nguyễn Văn Hội, Sđd, tr. 48.
24.-Adrien Launay, Les documents historiques de la Cochinchine religieuse, tập I, tr. 167-168.
25.-Lm Nguyễn Văn Hội, Tiểu Sử Linh mục Giáo Phận Huế, Tập I (1762-1850), tư liệu đánh máy, giáo phận Huế, tr. 7-8.; dẫn theo Lê Ngọc Bích, Nhân Vật Giáo Phận Huế, Tài liệu lưu hành nội bộ, Tập I, tr. 285.
26.-Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975, Nxb. Nhật-Lệ, 2006, tr. 394-403.
27.-Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 291-292.
28.-Lm Nguyễn Văn Ngọc, “Lịch sử giáo xứ Tam Tòa”; dẫn theo Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 292.