Mỗi người nhìn Giáo Hội một cách khác. Tác giả Joseph F. Girzone, được nhiều người cho là có sách bán chạy nhất, tác giả cuốn “Giôsê, Một Dụ Ngôn Cho Thời Nay”, được Diên Sơn chuyển ngữ sang tiếng Việt và cho xuất bản tại Sydney năm 1995, có cái nhìn khá bi quan về Giáo Hội. Độc giả nào dù lơ đễnh, khi đọc tác phẩm này cũng nhận ngay ra nhân vật Giôsê chính là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ấy đã không còn được Giáo Hội Rôma, mà Người vẫn coi là Giáo Hội của Người, nhận ra. Ta hãy đọc chương cuối của dụ ngôn, tức đoạn nói tới ngày Giôsê sắp được đem ra xử trước tòa án Giáo Hội:

“Chàng (Giôsê) đi dọc theo lối nhỏ đến một nơi có thể nhìn hết thành phố Rôma. Cả lịch sử của văn minh Kitô Giáo được trải ra trước mắt chàng. Quang cảnh làm chàng nhớ lại Núi Ôliu nhìn xuống Giêrusalem. Chỉ có kích thước là khác thôi. Nhiều thành Giêrusalem có thể xếp vào quang cảnh này. Giô-sê suy nghĩ một hồi lâu. Chàng nghĩ đến Giáo Hội thơ ấu tranh đấu để sống còn. Chàng nghĩ đến những cuộc bách hại, những việc ép người ngoại giáo vào đạo, những bè rối, những cuộc tra tấn, những vị tướng giáo hoàng dẫn quân ra trận giết các Kitô hữu khác. Chàng nghĩ đến việc công bố các tín điều và vạ tuyệt thông đối với những ai không tin. Chàng nghĩ đến thánh Phanxicô và nhiều vị thánh đã dẫm chân lên đất thánh này. Chàng nhìn những thánh đường nguy nga trải ra trước mắt, và thấy lòng tin đơn sơ của những kẻ tài ba đã xây dựng những tòa lâu đài cho đức tin.

“Giôsê nhớ lại những ngày xa xưa và viễn tượng buồn bã của thị xã quí yêu của chàng. ‘Giêrusalem, Giêrusalem, đã bao lần ta qui tụ ngươi như gà mẹ qui tụ gà con dưới cánh, nhưng ngươi không nghe. Và những ngày ấy sẽ đến khi kẻ thù của ngươi xây đắp thành lũy chung quanh ngươi và phá bình địa ngươi, không để lại một hòn đá nào trên hòn đá nào, bởi vì ngươi không biết ngày ngươi được viếng thăm’. Giôsê khóc. Giêrusalem… Rôma… Cái này không nhận ra chàng trong xương thịt, cái kia không nhận ra chàng trong tinh thần. Cả hai đều ruồng rẫy chàng, chúng không hiểu được ý nghĩa của việc chàng đến, hay tinh thần sứ điệp của chàng. Cái hệ thống pháp lý của tín điều và luân lý của Do Thái Giáo mà chàng đã hết sức tranh đấu chống lại, và điều đó đã kết liễu đời chàng nơi thế gian, giờ đây được khôi phục lại trong Giáo Hội để thay thế cái tinh thần sống động của Tin Mừng. Chàng có một sứ mạng vĩ đại để đem lại ý nghĩa cho đời sống nhân loại, để đem hy vọng cho văn minh, để cho thế giới biết rằng trở thành người Kitô là khác với những gì họ đã từng biết, và để cho gia đình các quốc gia có thể thấy nơi sứ điệp của Giêsu một liên kết mới trong tình yêu, và tình yêu này có thể qui tụ mọi người thành một. Tuy nhiên, cái viễn tượng ấy đã bị giam hãm xiềng xích trong một hệ thống quan lại mô phỏng những hình thức và lề lối của các chính quyền thế trần”.

Girzone viết những dòng trên năm 1983, dưới triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng mà cả thế giới Kitô Giáo đều yêu mến, mà khi vừa nằm xuống, đã có những người lớn tiếng tung hô: Sancto Subito tại quảng trường nhà thờ Thánh Phêrô. Nếu ông sống tại Việt Nam bây giờ, hay ông là người Công Giáo Việt Nam Di Tản Buồn lúc này, thì ngòi bút “thần tình” (hơn 3 triệu cuốn sách đã được bán ra) của ông còn có đất dụng võ hơn nữa. Rất may, nhiều học trò của ông tại Việt Nam và nhiều nơi khác cũng đang dùng cùng một bút pháp như ông để mô tả Giáo Hội Việt Nam hiện nay và, một cách gián tiếp và mập mờ, cả Giáo Hội hoàn vũ nữa, những Giáo Hội không còn bóng dáng Chúa Thánh Thần đâu, đến nỗi, Đức Kitô có xuất hiện, Người cũng sẽ bị mang ra xử tội như thường, ngay trong lòng các giáo hội ấy. Mà xem ra, hình như họ còn tiến xa hơn ông. Ông chỉ mới đề cập đến khía cạnh quyền lực lấn áp khía cạnh yêu thương, hy vọng trong Giáo Hội. Họ thì họ bảo Giáo Hội ấy chỉ còn lại quyền lực, mưu chước, thủ đoạn. Ông bảo Giáo Hội “mô phỏng những hình thức và lề lối của các chính quyền thế trần”. Họ bảo Giáo Hội ấy còn thoả hiệp với các chính quyền thế trần để sát hại chính con chiên mình. Có người trong số họ còn gọi Giáo Hội ấy là một xã hội đen. Chỉ vì một động thái bề ngoài xem ra là một thoả hiệp, hay một mặc cả với một kẻ thù vốn không đội trời chung với mình.

Động thái ấy rất có thể là một thỏa hiệp, một mặc cả, nhưng có thể vì thế mà tổng quát hóa để cho rằng: thôi thế là hết, từ nay chỉ còn lại thỏa hiệp và mặc cả, không còn gì cả, không còn cả lời hứa của Chúa Giêsu sẻ ở cùng Giáo Hội cho tới ngày tận thế, không còn Chúa Thánh Thần?

Lời lẽ của ông chỉ nặng khi nói đến giáo triều như một bộ máy pháp chế. Họ nói đến Giáo Hội nói chung, bất phân biệt. Nói đến một nhân vật nào đích danh, ông không dùng ngôn ngữ thông tục, mạ lị, xỏ xiên, láo cá, làm mất danh dự. Họ thì không còn một hình ảnh hay từ ngữ tiêu cực nào được kiêng cữ. Người thì mang hình ảnh xe tăng Cộng Sản giật xập dinh Độc Lập năm 1975 để ví với việc vị Tân Phó Tổng Giám Mục Hà Nội tới nhậm chức. Thậm chí cả hình ảnh Cain giết Abel là em ruột mình hay hình ảnh Herodias xin đầu Gioan Tẩy Giả cũng được họ sử dụng nhuần nhuyễn. Có người còn dùng cả những hình ảnh quân sự, chiến tranh, khói súng, thiên lôi, tạc đạn, lỗ châu mai, sư đoàn xung kích, tác chiến, đánh chiếm, hành quân, đánh thẳng, tiến lên, hạ độc thủ, bộ tham mưu, bộ chỉ huy, độc kế, hạ sách...

Ông không nhằm con người (ad hominem) để tấn công mà chỉ tấn công đường lối, tư duy. Họ thì tấn công đường lối ít mà đánh người thì nhiều. Đánh một cách say sưa, dường như để hả giận. Có người bảo Đức Tân Tổng Giám Mục Phó của Hà Nội là “hèn hạ tòng phạm với tội ác Cộng Sản Việt Nam”, bỏ cả chữ Đức trước chức giám mục của ngài trong khi gọi Đức Cha Kiệt là Đức Tổng Giám Mục. Có người còn gọi ngài là Ông Nhơn.

Hình như ông cũng tổng quát hóa, lẫn lộn giữa giáo triều và giáo hội. Họ cũng vậy, họ cũng theo chân ông, tổng quát hóa một cách dễ dàng, “tự nhiên như người Hà Nội”. Có vị linh mục, xưng tước hiệu linh mục đàng hoàng, mà chẳng ngại viết rằng: “Tin vào đạo! Tin vào tôn giáo thánh thiện tông truyền, bỗng dường như, niềm tin này đang bị lường gạt”. “Giáo Hội làm gương sáng của Chúa, bỗng nay, dường như đang bị một đám mây đen u ám trùm phủ, để thay vào đó thành hội ‘xã hội đen’”.

Động lực khiến họ nói lên những cảm nghĩ, những kết án như thế là vì họ sợ rằng Cộng Sản sẽ thắng thế và khoác lác vì đã bứng được một vị tổng giám mục dám trực diện đánh vào mặt họ và sẽ thừa thắng xông lên mà làm nhiều chuyện khác nhằm phá nát Giáo Hội. Nhưng chỉ cần nhìn cảnh “các anh” đánh nhau tơi bời hoa lá, coi nhau và coi những người đang lãnh đạo các anh như pha, tồi tệ hơn kẻ thù, thì đâu cần họ phải ra tay nữa.

Thiển nghĩ những người lên tiếng từ trước đến nay không ai có ác ý cả. Họ đều là những người tha thiết với Giáo Hội, là con cái của Giáo Hội và muốn tiếp tục ở trong lòng Giáo Hội, muốn góp phần xây dựng Giáo Hội ấy. Nhưng Giáo Hội ấy là Giáo Hội nào, Giáo Hội của Phaolô hay Giáo Hội của Phêrô, của Bênêđíctô hay của Gioan Phaolô II, của Đức Tổng Giám Mục Kiệt hay của Đức Tổng Giám Mục Phó Nhơn?

Không ít người trong số họ, nhân dịp này, nhắc đến Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Người Tôi Tớ của Chúa. Lúc tác phẩm “Joshua” của Linh Mục Girzone ra mắt độc giả thế giới, thì vị Tôi Tớ của Chúa này còn đang đếm đến cuốn lịch thứ chín trong nhà tù Cộng Sản. Chính trong cái vô vọng của ngục tù ấy, người Tôi Tớ này đã không nghĩ đến điều gì khác ngoài hy vọng, không phải là hy vọng cho riêng mình mà là niềm hy vọng của Giáo Hội. Điều này cũng lạ: Linh Mục Girzone vốn thuộc Dòng Cát-Minh. Nhưng từ kín cổng cao tường của đan viện, ngài đã viết ra “Joshua” với hình ảnh thật tiêu cực về Giáo Hội. Còn Người Tôi Tớ Nguyễn Văn Thuận lại viết về một Giáo Hội với thật nhiều hy vọng ngay từ trong nhà tù.

Giống Linh Mục Girzone, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng kể ra đủ lịch sử tiêu cực của Giáo Hội (Xem “Những người Lữ hành trên đường hy vọng”), từ đầu qua các thế kỷ 14, 15 lúc “các vua chúa nhúng tay vào nội bộ của Hội Thánh” bằng cách tiến cử giám mục và đan viện phụ “để thêm vây cánh và nhất là để hưởng bổng lộc”. Họ “còn dùng cả ảnh hưởng của mình để tranh ngôi Giáo Hoàng nữa. Có những thời kỳ vô cùng đen tối: Trong Hội Thánh có hai Giáo Hoàng, không biết ai giả ai thiệt (thế kỷ 14, 15). Hay mấy chục năm liền, các Giáo Hoàng về ở tại Avignon, phải bỏ thành Roma hoang vắng, lạnh lẽo. Giáo sử gọi thời kỳ này là ‘thế kỷ sắt’".

Qua thế kỷ XVI, “Hội Thánh lại gặp một cơn khủng hoảng về Đức tin rất trầm trọng. Nhiều nơi chủ trương theo Giáo Hội Tin lành, không thông hiệp hoặc cấm thông hiệp với Đức Giáo Hoàng”… “Trong thời kỳ này, có thể nói Hội Thánh phải hứng chịu một ‘cơn bắt đạo lạnh’", bị tịch thu nhà thờ và tài sản, bị giết chết hay trục xuất…

Có những lúc “thế quyền vật chất lan tràn vào cung thánh để lũng đoạn”, “nhiều bậc vị vọng trong Hội Thánh chỉ đi lại với triều đình vì thuộc dòng dõi của vua chúa, bỏ rơi đám dân nghèo”…

Nhưng Người Tôi Tớ của Chúa không nản lòng vì “sau mỗi lần khủng hoảng, Hội Thánh lại được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để tiến tới trên con đường canh tân ngày càng tốt đẹp, tươi trẻ và hùng mạnh hơn”. Vì ngài nhớ rõ câu đối đáp giữa Napoléon và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Consalvi:

- Ông không biết sao, tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh?

- Thưa ngài, chính chúng tôi đây là kẻ ở bên trong Hội Thánh, mà dù với bao gương xấu, tội lỗi, chia rẽ, khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh, suốt 19 thế kỷ qua, thì sức mấy mà ngài phá tan Hội Thánh được.

Vì ngài “luôn luôn nghe vang vảng bên tai câu nói của Thầy mình: ‘Này Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế’ (Mt 28:30)”.

Vì Người Tôi Tớ này biết phân biệt giáo triều với Hội Thánh. Đối với Giáo Triều, gồm tới 3,500 nhân viên, ngài nói với họ về ý nghĩa của tình yêu (Giảng phòng cho Đức Gioan Phaolô II và Giáo Triều) để đánh đổ cái não trạng được Linh Mục Girzone nói là pháp chế. Hội Thánh hay Giáo Hội mênh mông hơn nhiều. Giáo Hội ấy mới là Giáo Hội được Người Tôi Tớ của Chúa hiến mạng sống cho, hân hoan chịu khốn cực cho, ròng rã 13 năm trường, không một lời ta thán, lên án, chửi rủa, vẫn một lòng ca bài Veni Creator với cả người vô thần! Và vì thế được cả một người vô thần tới La Vang cầu xin Đức Mẹ cho. Hội Thánh này “có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa” và Người Tôi Tớ của Chúa tự đồng hóa với Hội Thánh. Ngài thuật lại câu truyện trong cuốn “Jesus caritas” của Ange Hattei:

"Trước Công đồng Vatican II, một hôm có người bạn vô thần tôi yêu mến đã nhận định với tôi rằng, Hội Thánh là một thế lực tiền bạc, là điểm tựa của các nhà độc tài và đại tư bản". Ông ta thắc mắc về các vị lãnh đạo Hội Thánh độc đoán và phe phái, về các tín hữu tự cho mình là tốt mà hành động xấu xa, về các linh mục lo lắng thụ hưởng và làm giàu... Tôi kiên nhẫn lắng nghe ông rồi nói: "Tôi đã làm gì anh mà anh hạ nhục tôi như vậy?" Ông ta sững sờ bảo: "Tôi xỉ nhục cô ư? Nhưng tôi đâu có nói gì cô! Không nói gì cô mà cũng chẳng nói gì về một người bạn của cô cả, như linh mục X... hay chị Y... chẳng hạn. Tôi nói đến Hội Thánh cách chung mà!" Tôi trả lời: "Đúng thế, Hội Thánh cách chung là tôi, Hội Thánh cách chung là tất cả những kẻ mà anh chỉ trích, những kẻ mà anh loại trừ; họ trộn lẫn với nhau một cách không thể phân ly được. Hội Thánh cách chung là họ, là tôi, là tất cả những người ấy!".

Xin để chính tác giả Đường Hy Vọng lên tiếng:

252. Nhiều người chê cách tổ chức của giáo triều La Mã. Tôi đồng ý rằng giáo triều La Mã không trọn lành, nhưng tôi xin họ xem thử chính nước họ có hoàn hảo hơn không? Hơn thế, còn phải phân biệt, giáo triều là một cơ quan, không phải là Hội Thánh.

259. Con bảo không phản Hội Thánh, nhưng con chống những người đại diện Hội Thánh; con làm trò của biệt phái: họ không bao giờ chống Đức Giavê nhưng họ giết kẻ Ngài sai đến. Lý luận tinh vi!

268. Con tin Hội Thánh vì Chúa Giêsu đã lập Hội Thánh, và chỉ lập Hội Thánh ấy thôi. Con đau khổ vì những bất toàn nơi bộ mặt nhân loại của Hội Thánh, nhưng con liên đới với những bất toàn ấy. Con nỗ lực để tẩy luyện và thực hiện ý Chúa Giêsu nơi Hội Thánh.

Như trên đã nói, những người lên tiếng chỉ trích việc cử nhiệm tổng giám mục phó cho Hà Nội đều là những người có thiện ý trong “nỗ lực tẩy luyện và thực hiện ý Chúa Giêsu nơi Hội Thánh”. Nhưng thiện ý ấy đang bị chìm ngập bởi ngôn từ và hình ảnh quá tiêu cực, bởi giọng hét điếc tai làm choáng váng cả những người thiện chí nhất muốn lắng nghe họ.

Kẻ hèn này vẫn tin là tất cả các bài viết từ trước đến nay đều có ẩn dấu một sứ điệp tích cực mà nếu bình thản phân tích ta sẽ tìm ra. Thực vậy, John Gottman, tác giả cuốn “Why Marriages Succeed or Fail” cũng do nhà Simon & Schuster xuất bản (1994) như cuốn “Joshua” của Linh Mục Girzone, nhận định rằng trong những lời cay độc mà vợ chồng trao cho nhau trong những lúc chống phá nhau nhưng vẫn còn yêu nhau, thế nào cũng có một điều được ông gọi là then máy (mecahnism) làm xoay cuộc chửi bới trở thành cuộc đối thoại tích cực. Sau đây là một thí dụ:

Dũng: Em đừng tự trách em mỗi lần con nó hỗn.

Lan: Anh khỏi phải dạy em. Đừng có mà lên mặt ta đây với em hoài!

Dũng: Câm cái mồm lại! Anh đâu có lên mặt ta đây với em!

Lan: Thấy không, lại hống hách nữa! Anh giống hệt ba anh. Đừng có hòng bắt em câm họng ạ!

Trong mẩu cãi cọ trên, Dũng có đưa ra một then máy, đó là câu: “Anh đâu có lên mặt ta đây với em”. Nhưng câu ấy bị chìm phía sau giọng nạt nộ “câm cái mồm lại”, nên Lan đã không nhận ra. Nếu Lan nhận ra then máy ấy, thì kết thúc êm đẹp có thể như sau:

Dũng: Câm cái mồm lại! Anh đâu có lên mặt ta đây với em!

Lan: Thực không, thực không muốn lên mặt hả?

Dũng: Đúng vậy!

Lan: Vì mỗi lần anh bảo em đừng thế này đừng thế nọ, em có cảm giác như anh muốn điều khiển em.

Dũng: Đâu có, anh chỉ muốn giúp em thôi.

Rất mong được nghe những lời nói dù gay gắt vẫn còn để cho người nghe có cơ hội tìm ra những then máy tích cực. Những lời gay gắt ấy nên dùng để phân tích đến cùng những sai phạm đang xẩy ra rất nhiều trong Giáo Hội Việt Nam nói riêng và trong Giáo Hội hoàn vũ nói chung, cả trong ba lãnh vực đạo, đời, và cả đạo lẫn đời, nhất là trong hai lãnh vực sau, thay vì dùng để bới móc các khuyết điểm cá nhân nhằm hạ nhục, đánh gục, không mang lại lợi ích gì cho ai, ngoại trừ kẻ thù chung là chế độ Cộng Sản. Cũng xin nhấn mạnh một điều, được John Gottman trình bày rất kỹ trong tác phẩm trên: chỉ nên than phiền, khiếu nại (complaint) chứ không nên chỉ trích (criticism) nhất là đừng khinh bỉ (contempt). Than phiền, khiếu nại nói lên quan điểm chủ quan để người bị khiếu nại giải thích hay giải quyết. Chỉ trích hay khinh bỉ là lên án, người bị chỉ trích, khinh bỉ hết đường giải thích. Chỉ trích khinh bỉ là đinh đóng cột, chắc nịch như chân lý ngàn đời, điều mà trong thế giới đa nguyên, phức tạp hiện nay, ít ai có thể vỗ ngực cho là mình nắm vững.