Vòng đàm phán thứ bảy về VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO vừa kết thúc tại Geneva Thụy sĩ. Dù VN đã đưa ra một loạt các đề nghị mới, mang tính thực tiễn hơn, tuy nhiên nhiều nước cho là VN còn cần phải làm rất nhiều việc.

Trong đó tranh cãi như vẫn còn tập trung quanh việc các nước Úc, và Liên hiệp Âu châu đòi được hưởng ưu đãi về thị trường giống như phía Mỹ – nước đã ký hiệp định thương mại với VN năm 2001.

Giới chức WTO nói rằng Việt nam đã đi bước đầu tiên của quá trình đại nhảy vọt, tuy nhiên còn có rất nhiều việc phải làm.

Còn theo thông tin đăng tải trên trang web của tổ chức Thương mại Thế giới về vòng đàm phán thứ bảy, thì đây là lần đầu tiên VN chính thức công bố thông tin về mở cửa thị trường cho các đối tác thương mại.

Giảm thuế, mở cửa thị trường

Cạnh đó VN cũng đã đã trả lời một số thắc mắc của các nước thành viên - hay đối tác đàm phán gửi tới trong thời gian qua.

Theo người đứng đầu đoàn đàm phán của VN, thứ trưởng Lương Văn Tự, thì đây là lần thứ ba VN đệ trình bản đề nghị - hay giải trình liên quan đến việc giảm thuế nhập khẩu của một loạt các mặt hàng, cùng với chuyện mở cửa thị trường dịch vụ trong 10 lĩnh vực.

Một số đối tác thương mại lớn của VN, như LH Âu châu, Nhật bản và Úc muốn VN dành cho họ quyền tiếp cận thị trường giống như VN dành cho các công ty Mỹ, nhất là trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và ngân hàng.

Vì trong hiệp định thương mại Việt Mỹ, các công ty Mỹ đã được hưởng một lộ trình tham gia vào khu vực dịch vụ của VN.

Các đối tác thương mại khác của VN muốn có một sân chơi bình đẳng.

Nước chậm phát triển

Tài liệu của WTO nói là hội đàm về tư cách hội viên của VN đang bước vào giai đoạn cuối cùng.

Tuy nhiên phía VN muốn các đối tác đàm phán, mà trong trường hợp này là khoảng 40 nước, thể hiện rõ hơn sự hiểu biết và thông cảm với trường hợp của VN là một nước kinh tế chậm phát triển, giao thương với thế giới còn ít.

Việt nam kêu gọi các nước bày tỏ sự linh hoạt, trao cho VN đối xử ưu đãi, và nếu cần thì cả giai đoạn chuyển tiếp.

Và điều này đã được nói tới trong bản đề nghị của VN.

Với suy nghĩ này, phía VN muốn quá trình gia nhập WTO của họ mang tính tuần tự, đóng góp cho sự thành công của thương mại thế giới.

Tuy Việt nam muốn các đối tác thương mại coi họ như một nước chậm phát triển, thế nhưng một số nước, trong đó có Úc châu, lại đánh giá cao về tiềm năng xuất khẩu của VN, mà với nhiều mặt hàng sớm muộn cũng sẽ đụng đến thị trường của Úc.

Định nghĩa về nước chậm phát triển, hay không chậm phát triển, và VN nên được hưởng qui chế thương mại nào sẽ còn là một đề tài mang ra bàn luận trong các vòng đàm phán tới.

Cam kết mạnh hơn

Việt nam làm đơn gia nhập tổ chức Gatt tức tiền thân của WTO từ năm 1995, và đã trải qua 6 vòng đàm phán.

Tại những vòng đàm phán này, VN đã phải từng bước giải trình cho các đối tác thương mại chính, cùng với một số nước quan tâm đến VN - chính sách thuế, mở cửa thị trường, hay tự do thương mại.

Tiến triển của những vòng đàm phán trước năm 2001 không nhiều, một phần là do VN chưa sẵn sàng gia nhập cuộc chơi toàn cầu.

Cơ bản là phải giảm thuế nhập khẩu, mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài bán sản phẩm tại VN.

Nếu làm như vậy, thì VN sợ các công ty quốc doanh không cạnh tranh nổi, gây ra xáo động xã hội.

Các phân tích gia cho rằng chỉ sau khi VN ký xong hiệp định TM Việt Mỹ tháng 7 năm 2000 thì nước này mới bắt đầu đưa ra nhiều đề nghị nghiêm túc, mang tính thực tiễn để thúc đẩy đàm phán.

Vì muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì VN cần phải có thêm thị trường, và thành viên của WTO sẽ giúp cho VN thâm nhập vào thị trường các nước khác dễ hơn, bình đẳng với các đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Trong năm 2004, Việt Nam cần phải thực hiện thêm 3 vòng đàm phán nữa, cả song phương, và đa phương tại Geneva.

Việt Nam đặt mục tiêu gia nhập WTO năm 2005.(BBC)