Theo LifeSiteNews, sau cuộc bạo loạn trên Đồi Capitol, và nhất là sau cuộc bầu phiếu của Lưỡng Viện Quốc Hội thừa nhận cuộc thắng cử của Joe Biden, Tổng Thống Trump không còn con đường nào khác ngoài việc tuyên bố sẵn sàng chuyển quyền vào ngày 20 tháng này.



Nguyên văn tuyên bố của ông qua đường Tweet: “Mặc dù hoàn toàn bất đồng với kết quả bầu cử và các sự kiện xác nhận với tôi, tuy nhiên sẽ có việc chuyển quyền một cách trật tự vào ngày 20 tháng Giêng”.

Tuy hứa hẹn vẫn tiếp tục tranh đấu giành kết quả đích thực cho diễn trình bầu cử, nhưng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ chấm dứt vào ngày 20 tháng Giêng, khi Joe Biden nhậm chức tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Cuộc bạo loạn trên đồi Capitol và lời hứa tiếp tục tranh đấu của Donald Trump sẽ là bóng ma lấp ló phía sau chính phủ Biden. Và do đó, tham vọng hàn gắn quốc gia của Biden sẽ khó khăn hơn nhiều. Trước viễn cảnh không mấy lạc quan ấy, Ký giả John Allen khuyên Biden: “muốn hàn gắn Hoa Kỳ, Biden cần Giáo Hội của mình” (https://cruxnow.com/news-analysis/2021/01/if-biden-is-to-heal-america-hell-need-his-church/).

Theo ký giả này, dù sao, Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn là một người Công Giáo chân thành. Ông đã nói một cách công khai về việc các niềm tin của ông đã duy trì ông vượt qua nỗi đau đớn và mất mát bản thân ra sao và trong khi có thể có cuộc tranh luận nơi một số giới về mức độ phù hợp giữa nền chính trị với đức tin của ông, rất ít người tranh cãi việc ông có đức tin hay không.

Trong bối cảnh hỗn loạn hôm thứ Tư tại Đồi Capitol, Biden có thể cần đức tin đó hơn bao giờ hết.

Đúng, đám đông ô hợp tấn công Tòa nhà Capitol đã bị ngăn chặn, cũng như các thách thức đối với kết quả của cuộc bầu cử năm 2020. Trong hai tuần nữa, Biden sẽ trở thành tổng thống Công Giáo Rôma thứ hai của Hoa Kỳ, sau khi một phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện đã chứng nhận chiến thắng của ông vào khoảng 4 giờ sáng tại Washington.

Nhưng sẽ thật là ngây thơ nếu nghĩ rằng những kết quả đó đánh dấu “việc kết thúc” hoặc “tận cùng” của bất cứ điều gì khác ngoài ý nghĩa bầu cử. Có thể cho rằng, không phải kể từ lễ nhậm chức đầu tiên của Lincoln vào năm 1861, một tổng thống nhậm chức sắp tới của Mỹ phải đối mặt với một quốc gia bị chia rẽ như vậy. Nếu Biden muốn cai trị, ông sẽ cần tìm cách bắt đầu ghép các mảnh vụn lại với nhau và việc thu hút các nguồn lực của Giáo Hội Công Giáo có thể là một trong những lựa chọn tốt hơn của ông.

Chúng ta đừng đánh giá thấp tầm lớn lao của thách thức. Cuộc nổi loạn ở thủ đô ngày hôm qua không chỉ thu hút sự phẫn nộ của một số người ủng hộ Trump, mà nó còn tạo ra một cuộc tranh giành máu giữa các thành viên trong đảng của chính Biden, nhiều người trong số này dường như đang tham gia vào một cuộc thi đấu để xem họ có thể yêu cầu phải áp đặt bao nhiêu trừng phạt đối với Trump và những người hỗ trợ ông ta. Một khi Trump rời nhiệm sở, chắc chắn sẽ có những lời kêu gọi trừng phạt hình sự. Dù được bảo đảm bao nhiêu đi chăng nữa, những động thái như vậy chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ. Bằng cách nào đó, Mỹ phải tìm ra một phương thức hành xử mới.

Ở phía tả, cần phải thừa nhận rằng người ta có thể ủng hộ phần lớn nghị trình chính sách của Trump và có thể chia sẻ sự hoài nghi của Trump đối với giới ưu tú và giơi quyền uy, mà vẫn không phải là kẻ thù của dân chủ hay cuồng tín phân biệt chủng tộc. Ở phía hữu, phải sẵn sàng chấp nhận rằng "người Mỹ" và "phò Trump" không có nghĩa như nhau và, về vấn đề này, "kính sợ Chúa" và "Đảng Cộng hòa" cũng không phải là các khái niệm đồng nhất.

Sự chế nhạo, bác bỏ, tự cho mình công chính và khôn ngoan hơn người phải kết thúc. Nếu bạn không thể ban cấp cho các khu vực bầu cử đại diện cho đông đảo người dân Hoa Kỳ cả quyền được lắng nghe, thì vũ lực sẽ trở thành lựa chọn duy nhất và hôm qua chúng ta đã thấy điều đó kết thúc ở chỗ nào.

Chắc chắn, Biden sẽ phải dẫn đầu trong dự án hòa giải quốc gia này. Tài sản lớn nhất của ông khi làm như vậy có thể là Giáo hội của ông - khi đã chứng kiến ông qua bi kịch bản thân, Đạo Công Giáo có thể sẵn sàng hỗ trợ ông trong cuộc thử thách công cộng có tính quyết định này.

Trước hết, Đạo Công Giáo là nhóm tôn giáo lớn duy nhất ở Mỹ, nơi cả hai phe của sự chia rẽ chính trị quốc gia được đại diện gần như đồng đều. Nhìn chung, các cuộc thăm dò ý kiến ngay sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11 cho thấy người Công Giáo gần như phân chia đồng đều giữa Biden và Trump, và những thực tại đó dễ thấy trên các diễn đàn xã hội Công Giáo cũng như các phương tiện truyền thông Công Giáo truyền thống.

Ở bình diện bản thân, Allen có những người bạn Công Giáo Hoa kỳ ủng hộ Trump nhiệt thành và cũng có những người bạn chỉ trích ông ta một cách nhiệt thành không kém, nhưng cả hai nhóm đều bao gồm những người có tâm trí tuyệt vời và tâm hồn thậm chí còn tốt hơn nữa. Chúng ta đang sống trong một thế giới phân cực và những người bạn này của Allen chắc chắn có khả năng nhìn về phía bên kia với sự hoài nghi và thậm chí chế nhạo, nhưng đó là điều tồi tệ nhất của họ chứ không phải điều tốt nhất của họ.

Hãy tưởng tượng nếu Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ coi việc cổ vũ chiến dịch hàn gắn như ưu tiên cho mục vụ toàn quốc - không phải là “đối thoại”, theo nghĩa cổ vũ cuộc tranh luận chính trị, mà là theo đuổi tình bạn giữa các tuyến hào bộ lạc. Người Công Giáo chiếm một phần tư dân số quốc gia, và khi Đạo Công Giáo ở Mỹ vận hành một cách thống nhất và có mục đích, bối cảnh văn hóa sẽ biến đổi.

Hãy tưởng tượng nếu mọi giáo xứ Công Giáo ở Mỹ đều có ý hướng tạo không gian để các thành viên của các bộ lạc cạnh tranh nhau có thể đến với nhau và làm một điều gì đó có tính xây dựng - chẳng hạn như phát động bếp súp (soup kithen) hoặc xây nhà cho chương trình Habitat for Humanity hoặc tiếp xúc với những người Mỹ cao tuổi sống cô lập và sợ hãi do cuộc khủng hoảng Covid hoặc giúp đáp ứng bất cứ nhu cầu cấp thiết nào khác.

Với thời gian, họ có thể phát hiện ra rằng ý kiến của ai đó về việc liệu các máy của Hệ thống bỏ phiếu Dominion có xóa hay không xóa phiếu bầu của Trump không thực sự là nét xác định ra nhân tính của họ.

Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington, DC, dường như muốn gợi ý theo hướng đó trong lời bình luận của ngài về các biến cố hôm qua, khi ngài nhắc các tín hữu nhớ rằng họ được kêu gọi “thừa nhận nhân phẩm của những người mà chúng ta không đồng ý với và tìm cách làm việc với họ để bảo đảm ích chung cho mọi người”.

Người ta hy vọng rằng, tiếp sau các biến cố ngày hôm qua, người Công Giáo ở bình diện cơ sở và ở bình diện cao nhất sẽ chấp nhận thách thức này, bằng cách bắt đầu nhất quyết tránh sử dụng thứ giọng điệu công khai gây chia rẽ. Chính một Kitô hữu thuộc phái Cơ đốc Phục lâm, Tuyên úy Thượng viện Barry Black, đã kết thúc diễn trình chứng nhận bằng một lời cầu nguyện có liên quan tới người Công Giáo: “Những thảm kịch này nhắc nhở chúng ta rằng lời nói là điều quan trọng, và sức mạnh của sự sống và sự chết nằm ở lưỡi chúng ta”.

Trong nhiều điều khác, những “người gây ảnh hưởng” Công Giáo ngoài kia – tức những người có lượng người theo dõi lớn trên Twitter, hoặc các khán giả truyền hình, hay những người giúp lên khuôn cuộc đàm luận bằng những cách khác - cần phải chấp nhận rằng ngày hôm qua là một sự giản lược thành phi lý (reductio ad absurdum) đối với nền văn hóa chua cay, và việc nghĩ ra những mỉa mai hay nhất chống đối thủ ý thức hệ của mình trong 280 ký tự không phải là một biểu hiện của đức hạnh.

Những người Công Giáo bình thường cũng sẽ phải ngưng, đừng tưởng thưởng cho những màn như vậy bằng mắt và túi tiền của mình.

Tất cả những điều đó có thể xảy ra không? Có thể có, có thể không, nhưng nếu điều đó được chứng minh là không thể xảy ra trong Giáo hội, nơi mà chính bản sắc của chúng ta được cho là bắt nguồn từ việc là “Công Giáo”, tức phổ quát, thì còn hy vọng gì vào nền văn hóa rộng lớn hơn?

Có lẽ điều có tính quan phòng là Mỹ sắp sửa có một tổng thống Công Giáo vào thời điểm trong đó khả năng đón nhận sự đa dạng mà không chia rẽ là điều đặc biệt chủ yếu. Dù sao, nếu lúc nào đó có một “khoảnh khắc Công Giáo” tiềm tàng ở Mỹ, thì xem ra chính là lúc này đây. Chúng ta hãy hy vọng sẽ tận dụng nó tối đa.