Các quan chức chính phủ Anh đã bác bỏ một đề nghị của Tổng thống Á Căn Đình là bà Cristina Kirchner theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền của quần đảo Falkland.

Sau trận chiến diễn ra năm 1982, cho đến nay Á Căn Đình vẫn tiếp tục thách thức tuyên bố của Anh về chủ quyền trên quần đảo Falklands - được người dân Á Căn Đình gọi là Malvinas nằm ngoài khơi Đại Tây Dương.

Năm ngoái, trong chuyến thăm Vatican, bà Kirchner đã từng thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đứng ra giải quyết các tranh chấp giữa hai bên.

Các quan chức ở London đã bác bỏ thẳng thừng triển vọng về sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng.

Mark Lyall Grant, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc nói:

"Tôi chắc chắn chia sẻ quan điểm cho rằng tôn giáo không thể giúp giải quyết vấn đề này"

Các quan chức Anh có thể có những lý do để từ chối lời kêu gọi sự can thiệp của Vatican, vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người Á Căn Đình.

Trong các thời điểm khác nhau, quần đảo Falklands đã từng có người Pháp, người Anh, Tây Ban Nha và Á Căn Đình sinh sống.

Anh đã thiết lập chủ quyền trên quần đảo này từ năm 1833 bất chấp việc Á Căn Đình luôn coi đây là hòn đảo của họ. Năm 1982, Á Căn Đình đổ quân chiếm đóng và cuộc chiến không tuyên bố giữa hai nước đã diễn ra trong 2 tháng, kết thúc với việc quân trú đóng của Á Căn Đình đầu hàng quân Anh.

Quần đảo hiện có dân số là 2932 người. Phần lớn là người địa phương sinh sống lâu đời ở đây.