Đó là nhận định của Bao Tong, một cộng tác viên của Triệu Tử Dương, cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, người bị truất phế vì tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình Thiên An Môn.

Theo Bao Tong, thế kỷ 20 chứng kiến ba huyền thoại chính trị vĩ đại. Hai huyền thoại Hitler và Stalin đã bị loại bỏ hoàn toàn, chỉ còn huyền thoại Mao là còn đang ám ảnh Trung Quốc tận cho tới nay. Khó có thể đưa ra một đánh giá toàn bộ về Mao Trạch Đông, nên ta chỉ có thể có được một hình ảnh rõ rệt về những gì ông ta đã thực hiện được. Các sách dạy sử cho ta hay: nhân dân Trung Hoa đã thực hiện được cuộc cách mạng dân chủ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Điều này không đúng. Cái gọi là “Dân Chủ Mới” là trò xỏ lá do Mao sáng chế hòng cạnh tranh với Tưởng Giới Thạch để nắm quyền. Nó diễn ra như thế này: đất cho dân cày; tự do cho trí thức; phát triển kỹ nghệ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân; và kiểu nói của Lincoln: chính phủ vì dân, do dân, và của dân cùng với 4 tự do căn bản của Rossevelt dành cho toàn thể nhân dân Trung Quốc. Đến tận cuối năm 1949, Mao vẫn đang loay hoay cùng với các đảng và các nhóm dân chủ để lên khung lần chót cho “chương trình chung”. Nhưng ngay khi lên cầm quyền, Mao đã khước từ bất cứ chương trình nào trong số ấy.

Bước ‘tiến nhanh’ của Mao

Mao tiến nhanh đến nỗi cả Lưu Thiếu Kỳ lẫn Chu Ân Lai cũng theo không kịp. Dưới ảo tưởng cải cách ruộng đất, số phận toàn bộ dân cày Trung Quốc là mất đất cày vĩnh viễn. Tất cả các trí thức đều bị “cải tạo” còn công nhân thì bị cấm đình công và thành lập bất cứ công đoàn độc lập nào. Các chủ nhân tư hữu “tự ý” hiến mọi tài sản của họ, trong khi toàn dân Trung Quốc có được “một nền cộng hòa” trong đó, họ không được phép bỏ phiếu. Đó chính là điều tự gọi là chiến thắng cao cả của cách mạng dân chủ, nền tảng của huyền thoại Mao Trạch Đông. Lúc Stalin còn sống, Mao Trạch Đông không dám lên tiếng nhiều, nhưng cái chết của Stalin là cơ hội ngàn năm một thuở giúp ông chễm chệ trên ghế đầu đàn xã hội chủ nghĩa. Mao nắm vội lấy cơ hội và vứt bỏ cái nhãn “Dân Chủ Mới” để xây giấc mộng xã hội chủ nghĩa, một giấc mộng mà ông ta nằng nặc cho là giấc mơ của mọi người Trung Quốc. Chiến thuật của ông ta là dấn thân vào cuộc chiến chính trị trường kỳ trong đó ai theo ông ta thì được sống, còn ai chống ông ta sẽ phải chết.

Một chủ nghĩa xã hội mới?

Trước đây, mọi điều Mao biết về xã hội chủ nghĩa đều phát sinh từ “giảng khóa ngắn về lịch sử Đảng Cộng Sản Xô Viết”. Bây giờ, ông ta muốn tự mình sáng chế ra nó. Toàn thể nhân dân Trung Quốc sẽ phải làm việc, đấu tranh, và học tập phần “57 Công Xã” trong Tư Tưởng Mao Trạch Đông, một phương pháp tổ chức vừa được sáng chế. Chương trình khởi đầu của ông ta là bắt kịp Anh và Mỹ qua Bước Nhẩy Vọt (1958-1960), và kế hoạch toàn bộ của ông ta là quyền lãnh đạo tối cao mọi thế hệ cách mạng khắp thế giới. Dưới Mao, quyền tư hữu tại Trung Hoa bị bãi bỏ, và chỉ được lập lại vào năm 2007 với Luật Sở Hữu. Sự đóng góp của Mao vào chủ nghĩa xã hội có thể coi là số không, nếu có thể làm ngơ hàng chục triệu sinh mạng và rất nhiều thảm hoạ chồng chất trên hàng trăm triệu người khác chỉ với một nét bút của ông ta. Tuy nhiên, sự thất bại lớn lao của “chiến tuyến quần chúng” vào năm 1958, tức của Bước Đại Nhẩy Vọt, và Các Công Xã Nhân Dân là một mất mặt lớn cho chủ nghĩa xã hội của Mao. Trong cuộc mít tinh chính trị của quần chúng do Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản tổ chức vào năm 1962, người ta đã bắt đầu nghi ngờ các chính sách của Mao rồi. Dường như Lưu Thiếu Kỳ, người vốn hết lòng bênh vực Mao trong các năm qua, giờ đây đang bị cuốn hút vào thứ khí thế nguy hiểm này. Điều này khiến Mao phát động “cuộc cách mạng không cùng” bất chấp mọi rủi ro. Mao, tên bài bạc vĩ đại nhất thế giới, giờ đây mang cả hồn lẫn xác ra đặt cọc, thực tế là buộc toàn thể nhân dân Trung Quốc thành nạn nhân hy sinh của ông ta.

Tắm máu

Người ta hay nói tới thập niên Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), nhưng thực ra việc tắm máu khởi sự ngay sau cuộc biểu tình của quần chúng nói trên. Chủ đề duy nhất của cuộc thảm sát kéo dài 14 năm, một cuộc thảm sát được Mao lên kế hoạch và đạo diễn, là “bất cứ ai chống Mao Chủ Tịch sẽ bị trừ khử”. Và trong diễn trình trừ khử mọi người chống đối mình, Mao cũng đã trừ khử chính ông ta. Nhiều người cho rằng Mao có công “sáng lập” ra Trung Quốc, như thể Trung Quốc lúc đó không phải là một quốc gia, hay trước đó, không hề hiện hữu, như thể nhân dân phải biết ơn vì đã có được một đất nước, bất kể đất nước ấy thực hiện được những gì. Tuy nhiên, thiển nghĩ ta không cần nói thêm về khía cạnh này ở đây nữa. Nhiều người khác gán công cho Mao trong các chính sách vĩ đại và cao cả liên quan tới việc làm cho “nhân dân Trung Quốc đứng dậy”. Có lẽ họ có ý nói tới “phép lạ” này: là nhân dân Trung Quốc vẫn còn khả năng đứng dậy sau cảnh rối beng mà ông ta đã đem đất nước vào! Thiển nghĩ không cần nói gì thêm, ngoài việc nêu ra bốn điểm sau đây: 1. Chiến thắng Phátxít năm 1945, và việc Trung Quốc nắm được ghế thường trực tại Hội Đồng Bảo An LHQ năm 1946 đã đủ cho thấy nhân dân Trung Quốc từng đã đứng dậy rồi. Ngược lại, khi Mao Trạch Đông tuyên bố rằng ông ta đứng về phía Liên Bang Xô Viết và “chống lại Mỹ và giúp Triều Tiên” theo lệnh Stalin, một điều nên gọi chính xác hơn là ‘lên tinh thần cho Kim Il Sung và giúp Triều Tiên’, há nhân dân Trung Hoa không đang nằm bẹp một lần nữa đó hay sao? 2. Khi đề ra chiến thuật ngoại giao ưu việt (supremacist), Mao Trạch Đông không thể là một lực lượng hòa bình hay ổn định trên thế giới, như thế nhân dân Trung Hoa đâu có gì để hãnh diện. 3. Bao nhiêu chục triệu đồng bào Trung Quốc đã phải đói cho tới chết trong khi Mao ào ạt xuất cảng lúa gạo để trả nợ cho cái tính rởm đời muốn có bom nguyên tử của mình, một việc đâu có chi để nhân dân múa nhẩy trên hè phố? 4. Nếu ngay cả Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai đều qùy trước Mao, thì còn ai trên khắp Trung Hoa có thể đứng thẳng được nữa?

Vẫn tựa vào huyền thoại

Như thế lúc này đây khi đã thuật lại đúng những gì Mao làm cho nhân dân Trung Quốc, thì thiển nghĩ việc lột mặt nạ huyền thoại về ông ta đâu còn khó khăn gì. Điều duy nhất khiến việc lột mặt nạ này đâm ra phức tạp là sự kiện những người thừa kế ông ta vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các chiến lợi phẩm do chiến thắng quân sự của ông ta đem lại. Những người thừa kế đầy quyền thế của ông ta quá sung sướng trong việc vĩnh cửu hóa muôn đời huyền thoại Mao Trạch Đông; họ tha hồ bơm huyền thoại “cứu tinh” vào dòng máu hết thế hệ này sang thế hệ nọ của nhân dân Trung Hoa từ lúc lọt lòng mẹ. Chỉ kể sơ sài, cũng thấy di sản Mao gồm việc làm câm họng công luận, một chế độ không dân cử, một cấu kết “hài hòa” giữa ba thứ quyền, và việc ào ạt làm cho công lý xẩy thai. Điều quan trọng nhất trong di sản này chắc chắn là quyền lãnh đạo tuyệt đối, vì bất cứ ai nắm được quyền này, đều nắm trong tay quyền lực của hàng trăm triệu công nhân. Quyền lực, đối với di sản Mao, là chân lý và hợp pháp; nó là sức ma thuật vạn chiến vạn thắng và là cây hái ra tiền theo dã sử và là ngón tay tối hậu của thần Midas biến mọi sự thành vàng ròng. Chính vì thế, người ta cần đích thân tới xem thứ quyền lực ấy; họ không thể bị “thống nhất hóa” để tin nó được.

Theo AsiaNews, 31/12/2013