GP VINH - Đã thành thông lệ, vào ngày mồng 7 Tết hằng năm, giáo xứ Tam Tòa tổ chức thánh lễ cầu bình an năm mới, cách riêng cho hơn 800 giáo dân trong giáo xứ, cho toàn giáo phận, và cầu cho quốc thái dân an, cho sự thịnh vượng chung của quê hương đất nước.

Hình ảnh

Tam Tòa là một địa danh đã đi vào lịch sử với những buồn vui lẫn lộn trong cảnh thăng trầm của thời cuộc. Tọa lạc bên dòng Nhật Lệ, ngôi thánh đường giáo xứ Tam Tòa xưa in bóng xuống dòng sông hiền hòa, nay chỉ còn cái tháp đổ nát. Chính quyền tỉnh Quảng Bình đã lấy đó làm "chứng tích tội ác chiến tranh... nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ". "Khép lại quá khứ đau thương và trút bỏ hết những hận thù xuống dòng Nhật Lệ để nó cuốn trôi ra biển khơi, trả lại cảnh an bình, vui tươi cho giáo dân giáo xứ Tam Tòa" là thông điệp của Đức Cha Phaolô trong thánh lễ cầu bình an sáng ngày mồng 7 Tết Giáp Ngọ 2014 tại giáo xứ Tam Tòa.

Sự bình an đích thực chỉ có được khi chúng ta biết "ký thác đường đời cho Chúa". "Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6, 34), đó không phải là một sự cổ vũ cho lối sống phó mặc buông xuôi và mình không có trách nhiệm gì trong đó. Nhưng trên hết là sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi toan tính của con người, mọi lo lắng của kiếp người cũng không kéo dài thêm cuộc đời chúng ta trong an bình, hạnh phúc. Ai công hầu, ai khanh tướng... thử hỏi có ai mang được những danh, lợi xuống mồ mà khi còn sống đã mệt nhọc tích cóp. Chúng ta không triết lý về cuộc đời ảo mộng, dối trá, phù du và tuyệt vọng như người phụ nữ trong Cung oán ngâm khúc: Trăm năm còn có gì đâu/Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. Nhưng thực tế đã cho chúng ta một cái nhìn hiện thực hơn về cuộc đời trăm năm trong cõi: hãy đặt sự phù du giả tạm và chóng qua của đời người trong sự vĩnh hằng bất biến của Thiên Chúa Tình Yêu, bạn sẽ có được hạnh phúc đích thực.

Hy vọng năm Giáp Ngọ 2014 là một năm đánh dấu sự đổi thay lớn trong giáo xứ Tam Tòa để không còn cái cảnh "đôi bờ ngăn cách" mỗi khi tham dự thánh lễ như hôm nay.