PARAGUAY – TẾT GIÁP NGỌ NƠI XỨ NGƯỜI

Lễ Vĩnh Khấn của 2 Tu Sĩ SDB Việt Nam

19.00 tối ngày 31 tháng 1 năm 2014 (nhằm ngày 1 tết Giáp Ngọ) - lễ thánh Gioan Bosco, Đấng Sáng Lập Dòng Salêdiêng Don Bosco, Tỉnh Dòng Don Bosco tại Paraguay đã tổ chức lễ tuyên khấn trọn đời cho 3 Tu sĩ trẻ trong đó có 2 Tu Sĩ Salêdiêng Việt Nam là Vicente Bảo và Domingo Khanh đã đền Paraguay hơn 4 năm qua. Dip này anh em Việt Nam tại Paraguay có dịp tu hợp nhau để cầu nguyện cho nhau trong Thánh Lễ Vĩnh Khấn của anh em đồng hương Việt Nam và cũng dịp Mừng Năm Mới Giáp Ngọ tại quê người.

Có lần chúng tôi đã từng chia sẻ về đời sống truyền giáo của hai Tu sĩ trẻ Việt Nam thuộc Dòng Don Bosco đã đến Paraguay từ năm 2010. Sứ mạng của Dòng Don Bosco rất đặc biệt là rao giảng Tin Mừng cho thanh thiếu niên, cách riêng những em nghèo khổ, những trẻ em đường phố; đặc biệt chăm sóc các ơn gọi tông đồ; giáo dục đức tin trong các môi trường bình dân, đặc biệt với việc truyền thông xã hội; loan báo cho các dân tộc Tin Mừng mà họ chưa được nhận biết.

Từ nhiều năm nay, tỉnh Dòng Don Bosco tại Việt Nam đã gởi các tu sĩ trẻ vừa hoàn thành Triết học đến các quốc gia Nam Mỹ hay Phi châu để thực tập truyền giáo và sống cộng đoàn quốc tế vì các quốc gia Nam Mỹ hiện đang thiếu ơn gọi trầm trọng. Tình Dòng Don Bosco ở Paraguay có rất nhiều cơ sở lớn ở Thủ đô và các thành phố lớn, và nhân sự đến cả 100 thành viên với 3 giám mục đương nhiệm là Tu sĩ thuộc Dòng Don Bosco. Dù các linh mục của Dòng làm việc với giới trẻ rất hăng say, sống động nhưng vẫn không thu hút được giới trẻ dấn thân để trở thành những vụ mục tử trong tương lai do trào lưu tục hóa ảnh hưởng quá mạnh.

Hai anh em Salêdiêng Bảo – Khanh vừa tuyên khấn trọn đời trong một bầu khí đầy huynh đệ của anh em Dòng Don Bosco nhưng lại thiếu vắng những người thân từ quê nhà. Đời sống truyền giáo là vậy vì phải chấp nhận từ bỏ tất cả vì lý tưởng sống cho tha nhân, ngay cả trong ngày Vĩnh Khấn đáng nhớ này lại không có những người thân yêu nhất là cha mẹ và anh chị em ruột bên cạnh, thì xin phó thác trong tay Chúa. Chúng tôi còn nhớ vào trung tuần tháng 12 năm 2013 vừa qua trong dịp chịu chức linh mục của người anh em cùng Dòng bên Argentina (Xc. http://www.vietcatholic.net/News/Html/119607.htm), chính người anh em này cũng không có sự hiện diện của người thân trong ngày bước lên bàn thánh và chúng tôi cảm được sự thổn thức vì những hy sinh cao cả như vậy.

Những ngày đầu nơi xứ truyền giáo đối với hai anh em Salêdiêng Bảo – Khanh là một chuỗi những thách đố dù các vị hữu trách trong Dòng tại Paraguay luôn tạo điều kiện thuận lợi để anh em sớm hội nhập với cuộc sống. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng hai anh em có đến thỉnh vấn chúng tôi như một người anh đi trước và chúng tôi luôn sẵn sàng giúp anh em về việc linh hướng trong giai đoạn đầy gian truân này. Vì sứ vụ của anh em là làm việc với giới trẻ nhưng lại là giới trẻ thứ thiệt “trẻ bụi đời đường phố” nên cần chịu đựng và kiên nhẫn.

Nhớ đến lời dạy của cha Thánh Bosco: “Xin cho con các linh hồn, còn những sự khác xin cứ lấy đi” khiến các thầy phải bình tâm lại. Rồi khi các thầy thấy các em bụi đời tiến bộ, dù rất chậm, là các thầy thấy vui, một niềm vui trong đời truyền giáo. Thầy Vicente Bảo sau 4 năm thực tập truyền giáo tại Paraguay, nay vừa được gởi đến Uruguay để học thần học để đợi ngày tiến chức, trong khi thầy Domingo Khanh chọn ơn gọi Tu Huynh để phục vụ suốt đời cho giới trẻ dù nhiều người và có thể phục vụ hiệu quả hơn trong đời sống thánh hiến.

Thánh lễ Vĩnh Khấn diễn ra thật sốt sắng và rất đông người tham dự dù không phải là ngày Chúa Nhật. Trong số 3 Tu Sĩ Vĩnh Khấn thì chỉ có 1 người là Paraguay và hai người còn lại là người Việt Nam dù trước đó người Paraguay đi tu rất đông nhưng lại xuất tu cũng đông.

Cha Giám tỉnh của Dòng Don Bosco người Paraguay rất trẻ, vui, năng động. Trước giờ lễ, cha giám tỉnh Dòng Don Bosco có hỏi thăm chúng tôi vì biết chúng tôi phụ trách huấn luyện của Dòng Ngôi Lời và là vị linh hướng cho hai anh em Vĩnh Khấn người Việt, và chúng tôi cũng báo cho ngài biết về ngày Tết truyền thống của người Việt Nam trùng vào hôm nay.

Khóa học Afectividad y Sexualidad hữu ích

Sau kỳ mục vụ mùa Hè với các em chủng sinh, chúng tôi tham dự một khóa học dành cho các nhà Đào tạo và các Giáo viên trung học về Afectividad và Sexualidad (Tình Cảm và Tình Dục) do nữ Giáo sư Tiến Sĩ Marie-Paul Ross người Canada giảng dạy. Khóa học gồm 40 giờ trong vòng 1 tuần lễ cấm cung để có thể tập trung sâu hơn về bộ môn mà lâu nay bị cho là khó nói và cấm kỵ đối với nhà tu.

Nữ Tiến sĩ Marie-Paul Ross là một Nữ tu Công Giáo người Canada đã có nhiều công trình nghiên cứu lớn trong giới học thuật và đã cho ra đời nhiều ấn phẩm nổi tiếng mà một trong số đó là tác phẩm vừa xuất bản năm 2013 có tựa đề là “La vie est plus forte que la mort” (Tạm dịch: “Sự sống mạnh hơn cái chết”). Dù đã bước qua tuổi 67 nhưng vị nữ tu này rất khỏe mạnh, giọng nói dõng dạc khi giảng thuyết và rất thu hút được người nghe. Dù tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp (vì Soeur người gốc Quebec, Canada) nhưng vị Nữ tu Tiến sĩ này lại nói thuần thục tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì từng làm việc và giảng dạy tại các quốc gia Nam Mỹ. Soeur được mệnh danh là nhà Tình Dục Học đương đại và đã từng trị liệu cho nhiều trường hợp nan giải của những bậc tu trì và những đôi vợ chồng có vấn đề tế nhị này.

Dù có một bề dày kinh nghiệm và bằng cấp cao như thế nhưng vị nữ Tiến sĩ này rất giản dị, khiêm nhường và dễ gần, chỉ ngoại trừ trong giờ học là khá nghiêm túc và đúng giờ theo phong cách Tây phương. Soeur từng làm việc ở các quốc gia như Bolivia, Peru, Honduras, Brazil… vì thế Soeur hiểu rất rõ não trạng và văn hóa của người dân vùng Nam Mỹ nên những kinh nghiệm có thực mà Soeur chia sẻ đã giúp chúng tôi- những tu sĩ, những nhà đào tạo và những giáo viên đang phụ trách công việc “trồng người” trong thế giới đương đại biết những gì mình cần làm và những gì mình cần tránh. Những câu hỏi hóc búa được đặt ra từ những tham dự viên, trong đó có những vị đang là Bề trên Giám tỉnh, và vị Nữ tu Tiến sĩ này đã giải thích cho chúng tôi một cách cặn kẽ, rõ ràng và thỉnh thoảng pha một chút hài hước khiến cho khóa học giảm bớt đi những căng thẳng, nhàm chán. Chúng tôi thiết nghĩ tại sao những người có bằng cấp cao, hiểu biết rộng và tuổi đời cũng đáng bậc tiền bối như vị Nữ tu Tiến sĩ này lại rất khiêm nhường trong khi một số người khác chẳng là gì nhưng khi có được một chức vụ gì đó hay có một số bậc tu trì vừa chịu chức linh mục lại phách lối và xem người khác, những người đáng bậc cha chú mình, ngay cả những người từng dạy dỗ mình chẳng ra gì. Phải chăng họ bị một căn bệnh ấu trĩ nào đó mà trong giai đoạn đào tạo mà họ cố em nhẹm “nín thở qua sông” đê đến khi mọi sự đâu vào đó rồi họ mới lòi cái đuôi mình ra!

Chính khóa học dù chỉ 40 giờ nhưng đã giúp chúng tôi nhận rõ con người thật của mình hơn như nhà Hiền Triết Hy Lạp Socrate đã dạy cho các môn sinh mình: “Hỡi người, hãy tự biết mình”. “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng” sẽ làm phương châm sống cho chúng tôi trong hành trình của cuộc sống truyền giáo của mình vì nếu một ngày nào đó chúng tôi không biết mình là ai thì chúng tôi đã đánh mất chính bản thân mình, và lúc đó có lẽ chúng tôi sẽ trở thành là một người khác. Xin Chúa cho con biết con để con nhận ra Chúa qua những người con đang phục vụ, nhất là trong việc trồng người là những nhà truyền giáo tương lai mà con đang đảm nhận để Giáo Hội mỗi ngày có thêm những vị mục tử như lòng Chúa mong ước.

Paraguay, 11 tháng 2 năm 2014 – Lễ Mẹ Lộ Đức