Chương hai: Cảm thức đức tin của tín hữu trong đời sống bản thân của họ



48. Chương hai này tập trung vào bản chất của cảm thức đức tin của tín hữu (sensus fidei fidelis). Nó đặc biệt lợi dụng cái khung lý luận và các phạm trù của nền thần học cổ điển để suy nghĩ về việc đức tin hành động ra sao nơi các tín hữu cá nhân. Mặc dù cái nhìn của Thánh Kinh về đức tin rộng lớn hơn, cái hiểu cổ điển chú ý nhiều hơn tới khía cạnh chủ yếu của nó, đó là việc qui phục của trí hiểu đối với chân lý mạc khải nhờ tình yêu. Việc ý niệm hóa đức tin này ngày nay vẫn được dùng để làm rõ cái hiểu về cảm thức đức tin của tín hữu. Trong chiều hướng này, chương hai cũng xem sét một số biểu hiện của cảm thức đức tin của tín hữu trong đời sống bản thân của họ; điều rõ ràng là hai khía cạnh bản thân và Giáo Hội của cảm thức đức tin không thể tách biệt nhau.

1. Cảm thức đức tin như một bản năng

49. Cảm thức đức tin là một loại bản năng thiêng liêng giúp tín hữu phán đoán một cách tự phát liệu một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó có phù hợp với Tin Mừng và với đức tin tông truyền hay không. Nó được nối kết một cách nội tại với chính nhân đức đức tin; nó phát xuất từ và là một đặc tính của đức tin (62).Nó được sánh với bản năng vì nó không chủ yếu là kết quả của suy luận thuần lý, mà đúng hơn là một hình thức nhận biết tự phát và tự nhiên, một thứ tri giác (aisthesis).

50. Đầu tiên và trước nhất, cảm thức đức tin phát xuất từ tính đồng bản tính (connaturality) mà nhân đức đức tin vốn thiết lập giữa chủ thể tin và đối tượng chân thực của đức tin, nghĩa là chân lý của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô. Nói một cách tổng quát, tính đồng bản tính chỉ hoàn cảnh trong đó, thực thể A liên hệ với thực thể B một cách thân mật đến nỗi A chia sẻ các thiên hướng tự nhiên của B như thể đó là của mình. Tính đồng bản tính đem lại một hình thức nhận thức đặc thù và sâu sắc. Thí dụ, khi người bạn này kết hợp với người bạn kia, thì họ tiến tới chỗ có khả năng phán đoán được một cách tự phát điều hợp với người kia vì họ có cùng những khuynh hướng với người kia và do đó nhờ tính đồng bản nhiên, họ hiểu điều gì tốt điều gì xấu đối với người kia. Nói cách khác, đây là một nhận thức thuộc một trật tự khác với nhận thức khách quan; vì nhận thức khách quan diễn tiến theo lối ý niệm hóa (conceptualisation) và suy luận. Trái lại, đây là một nhận thức bằng tương cảm (empathy) hay nhận thức của trái tim.

51.Mọi nhân đức đều đồng bản tính hóa chủ thể của nó, nói cách khác, người sở hữu nó, với đối tượng của nó, nghĩa là, với một thứ hành động nào đó. Nhân đức ở đây có nghĩa một thiên hướng ổn định (hay một thói quen) khiến một người cư xử theo một cung cách nhất định nào đó về phương diện tri thức hay luân lý. Nhân đức là một loại “bản tính thứ hai”, nhờ đó, con người xây dựng chính họ bằng cách thể hiện một cách tự do và phù hợp với lý lẽ đúng đắn các năng động tính được phú bẩm ngay trong bản tính con người. Nhờ thế, nó đem lại cho hoạt động của các khả năng tự nhiên một xu hướng nhất định và ổn định; nó điều hướng các khả năng này tới những tác phong mà người có nhân đức từ nay thực hiện được “một cách tự nhiên”, “dễ dàng, tự chủ và hân hoan” (63).

52. Mọi nhân đức đều có một hiệu quả kép: thứ nhất, nó tự nhiên làm cho người sở hữu nó nghiêng về một đối tượng (một loại hành động nào đó) và thứ hai, nó tự phát làm cho họ xa lánh bất cứ điều gì ngược với đối tượng này. Thí dụ, người nào khai triển được nhân đức trong sạch đều có một thứ “giác quan thứ sáu”, “một thứ bản năng thiêng liêng” (64) giúp họ biện phân được cách cư xử đúng đắn dù trong những hoàn cảnh phức tạp nhất, tự phát nhận ra điều thích đáng phải làm hay điều thích đáng phải tránh. Người trong sạch, do đó, có được thái độ đứng đắn ngay trong bản năng của họ, trong khi, lối suy luận theo ý niệm của nhà luân lý học có thể chỉ dẫn tới phức tạp và do dự (65).

53. Trong trường hợp nhân đức đức tin, cảm thức đức tin là hình thức mà bản năng luôn đi theo mọi nhân đức vẫn thường mặc lấy. “Đối với thói quen của các nhân đức khác, người ta thấy được điều xứng hợp với thói quen đó thế nào, thì đối với thói quen đức tin, tâm trí con người cũng được điều hướng về việc qui phục những điều vốn xứng hợp với đức tin đúng đắn như thế, chứ không qui phục những điều khác” (66). Như một nhân đức đối thần, đức tin giúp tín hữu tham dự vào nhận thức mà Thiên Chúa vốn có về chính Người và về mọi sự. Nơi tín hữu, nó mang hình thức một “bản tính thứ hai” (67). Nhờ ơn thánh và các nhân đức đối thần, các tín hữu trở thành “những người tham dự vào bản tính thần linh” (2Pr 1:4), và có thể nói đã được đồng bản tính hóa với Thiên Chúa. Nhờ thế, họ phản ứng một cách tự phát dựa trên chính bản tính thần linh được tham dự ấy, giống như cách các sinh vật phản ứng theo bản năng đối với những gì hợp hay không hợp với bản tính của chúng.

54. Không giống thần học mà ta có thể mô tả là khoa học đức tin (scientia fidei), cảm thức đức tin của tín hữu (sensus fidei fidelis) không phải là một nhận thức có tính phản tỉnh về các mầu nhiệm của đức tin là nhận thức chuyên triển khai các khái niệm và sử dụng các thủ tục thuần lý để đạt tới các kết luận. Như danh xưng (cảm thức) đã chỉ rõ, nó giống như một phản ứng tự nhiên, tức khắc và tự phát, và có thể so sánh với một bản năng sinh tử hay một loại “thính hơi” (flair) nhờ đó, tín hữu tự phát nắm lấy những gì phù hợp với chân lý đức tin và xa lánh những gì trái ngược với chân lý này (68).

55. Cảm thức đức tin tự nó không thể sai lầm về đối tượng của nó: tức đức tin đích thực (69). Tuy nhiên, trong thế giới tâm tư hiện thực của tín hữu, các trực giác đúng đắn của cảm thức đức tin có thể bị trộn lẫn với nhiều ý kiến chỉ có tính phàm nhân hoặc ngay cả với nhiều sai lầm liên hệ tới các giới hạn chật hẹp của bối cảnh văn hóa đặc thù (70). “Dù đức tin đối thần đúng nghĩa không thể nào sai lầm, tín hữu vẫn có thể có những ý kiến lầm lạc vì không phải mọi suy nghĩ của họ đều phát xuất từ đức tin. Không phải ý tưởng nào được lưu truyền trong Dân Chúa đều tương hợp với đức tin” (71).

56. Cảm thức đức tin phát xuất từ nhân đức đối thần tin. Nhờ tình yêu thúc đẩy, nhân đức này là một thiên hướng bên trong giúp ta gắn bó một cách không dè dặt với toàn bộ chân lý được Thiên Chúa mạc khải ngay khi nó được nhận ra như thế. Do đó, đức tin không nhất thiết ngụ ý phải minh nhiên hiểu biết toàn bộ chân lý mạc khải (72). Thành thử, một thứ cảm thức đức tin nào đó vẫn có thể hiện hữu nơi “người đã rửa tội, được danh dự mang tên Kitô Hữu, nhưng chưa tuyên xưng đức tin Công Giáo trong sự toàn diện của nó” (73). Cho nên, Giáo Hội Công Giáo cần chú ý tới những gì Chúa Thánh Thần có thể nói với mình qua các tín hữu trong các Giáo Hội và các cộng đồng Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với mình.

57. Vì là một đặc tính của nhân đức đối thần tin, cảm thức đức tin của tín hữu khai triển tỷ lệ thuận với việc khai triển của nhân đức đức tin. Nhân đức đức tin càng bén rễ sâu vào tâm hồn và tâm trí tín hữu và soi sáng cuộc sống hàng ngày của họ, thì cảm thức đức tin của tín hữu càng phát triển và lớn mạnh trong họ. Nay, vì đức tin, hiểu như một hình thức nhận biết, vốn đặt căn bản trên tình yêu, nên cần có đức ái để sinh động hóa nó và soi sáng cho nó, ngõ hầu biến nó thành một đức tin sống động và từng được sống (fides formata). Như thế, việc tăng cường độ cho đức tin nơi người tín hữu đặc biệt tùy thuộc sự lớn mạnh của đức ái nơi họ, và do đó, cảm thức đức tin của tín hữu tỷ lệ thuận với sự thánh thiện của cuộc sống họ. Thánh Phaolô dạy ta rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ tràn vào trái tim ta qua Chúa Thánh Thần là Đấng đã được ban cho ta” (Rm 5:5), và do đó, việc khai triển cảm thức đức tin trong tinh thần người tín hữu đặc biệt là nhờ hành động của Chúa Thánh Thần. Vốn là Thánh Thần tình yêu, Đấng truyền dẫn tình yêu vào trái tim con người, Chúa Thánh Thần mở ra cho tín hữu khả thể nhận biết Chúa Kitô Chân Lý một cách sâu xa và thâm hậu hơn, dựa trên sự kết hợp của đức ái: “Chỉ cho thấy chân lý là một đặc điểm của Chúa Thánh Thần, vì chính tình yêu đem lại việc mạc khải các bí nhiệm” (74).

58. Đức ái giúp các ơn Chúa Thánh Thần nở rộ trong các tín hữu; Người dẫn dắt họ tới một cái hiểu cao hơn về các sự việc thuộc đức tin “với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng” (Cl 1:9) (75). Thực vậy, các nhân đức đối thần chỉ đạt được mức trọn hảo trong đời sống của tín hữu khi họ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ (xem Rm 8:14). Các ơn Chúa Thánh Thần chính là các thiên hướng bên trong có tính nhưng không và được phú bẩm dùng làm căn bản cho hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu. Nhờ các ơn này, nhất là các ơn thông hiểu (understanding) và suy biết (knowledge), các tín hữu có khả năng hiểu một cách thâm hậu “các thực tại thiêng liêng họ cảm nhận được” (76), và bác bỏ bất cứ cách giải thích nào đi ngược lại đức tin.

59. Nơi mỗi tín hữu đều có một sự tương tác sống còn giữa cảm thức đức tin và việc sống đức tin trong nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc sống bản thân. Một đàng, cảm thức đức tin soi sáng và hướng dẫn cách người tín hữu đem đức tin của mình ra thực hành. Đàng khác, nhờ giữ các giới răn và đem đức tin ra thực hành, tín hữu thủ đắc được một cái hiểu sâu sắc hơn về đức tin: “những ai thực hành điều đúng sẽ đến với ánh sáng, để người ta thấy rõ việc họ làm đã được làm trong Thiên Chúa” (Ga 3:21). Đem đức tin ra thực hành trong thực tế cụ thể của hoàn cảnh hiện sinh trong đó tín hữu hiện diện vì các liên hệ gia đình, nghề nghiệp hay văn hóa đều làm giầu cho cảm nghiệm bản thân của họ. Nó giúp họ khả năng thấy rõ giá trị cũng như giới hạn của một học lý nhất định nào đó, và đề xuất nhiều cách thế để cải tiến cách lên công thức cho nó. Đó chính là lý do tại sao những người giảng dạy nhân danh Giáo Hội nên chú ý trọn vẹn tới cảm nghiệm của các tín hữu, nhất là tín hữu giáo dân, những người cố gắng đem giáo huấn của Giáo Hội ra thực hành trong các phạm vi chuyên biệt của cảm nghiệm và chức năng của họ.

2. Các biểu hiện của cảm thức đức tin trong cuộc sống bản thân của tín hữu

60. Có thể làm nổi bật ba biểu hiện chính của cảm thức đức tin tín hữu trong cuộc sống bản thân của họ. Cảm thức đức tin của tín hữu giúp tín hữu cá nhân 1) biện phân được việc một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó họ thực sự gặp trong Giáo Hội có nhất quán với đức tin đích thực nhờ đó họ sống hiệp thông với Giáo Hội hay không (xem các số 61-63 dưới đây); 2) phân biệt được điều chính yếu và điều phụ thuộc trong những điều được giảng dạy (xem số 64 dưới đây); và 3) xác định và đem ra thực hành việc làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô mà chính họ cần đưa ra trong các bối cảnh lịch sử và văn hóa đặc thù trong đó họ đang sinh sống (xem số 65 dưới đây).

61. “Anh em thân mến, anh em đừng tin mọi thần khí, nhưng anh em phải cân nhắc xem các thần khí này có phát xuất từ Thiên Chúa hay không; trên thế giới, hiện đang có nhiều tiên tri giả” (1Ga 4:1). Cảm thức đức tin của tín hữu đem lại cho họ khả năng biện phân xem liệu một giáo huấn hay một thực hành nào đó có nhất quán với đức tin đích thực nhờ đó họ từng sống hay không. Nếu các tín hữu cá nhân tri nhận hay “cảm thấy” sự nhất quán ấy, một cách tự phát họ sẽ qui phục từ trong nội tâm các giáo huấn này hay cam kết sẽ đích thân thực hành chúng, bất kể đây là một vấn đề sự thật đã minh nhiên được giảng dạy hay chỉ là một vấn đề sự thật chưa được minh nhiên giảng dạy.

62. Cảm thức đức tin cũng giúp các tín hữu cá nhân biết tri nhận bất cứ sự thiếu hài hóa, thiếu nhất quán hay mâu thuẫn nào giữa một giáo huấn hay một thực hành nào đó và đức tin Kitô Giáo chân chính mà họ vốn sống. Họ phản ứng như một người yêu âm nhạc thường phản ứng trước một nốt nhạc sai trong một cuộc trình diễn tấu khúc nào đó. Trong những trường hợp như thế, các tín hữu chống lại các giáo huấn hay thực hành liên hệ này từ trong nội tâm và không nhìn nhận chúng hay tham dự vào chúng. “Thói quen (habitus) đức tin sở hữu được một khả năng qua đó và nhờ đó, tín hữu được ngăn cản không qui phục bất cứ điều gì mâu thuẫn với đức tin, giống như đức trong sạch bảo vệ ta chống lại bất cứ điều gì mâu thuẫn với nó” (77).

63. Được cảm thức đức tin báo động, các tín hữu cá nhân có khả năng bác bỏ, không qui phục ngay cả giáo huấn của các mục tử hợp pháp nếu họ không nhận ra tiếng nói của Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành, trong giáo huấn này. “Chiên theo (Mục Tử Nhân Lành) vì chúng biết tiếng ông. Chúng không theo người lạ, nhưng chạy trốn khỏi họ vì chúng không biết tiếng của người lạ” (Ga 10:4-5). Đối với Thánh Tôma, một tín hữu, dù không có khả năng thần học, vẫn có thể và phải nhờ cảm thức đức tin, mà cưỡng lại giám mục của mình khi vị này giảng những điều sai lầm (78). Trong trường hợp như thế, tín hữu không tự coi mình như tiêu chuẩn tối hậu của chân lý đức tin, mà đúng hơn, vì đương đầu với một lối giảng dạy “có thẩm quyền” về phương diện hữu hình (materially) mà họ thấy gây cho họ bối rối, nhưng không có khả năng giải thích tại sao, họ phải hoãn không qui phục và từ trong thâm tâm kêu gọi tới thẩm quyền cao hơn của Giáo Hội hoàn vũ (79).

64. Cảm thức đức tin cũng giúp tín hữu, trong các điều được giảng dạy, biết phân biệt điều nào chính yếu đối với đức tin Công Giáo chân chính và điều nào, dù không chính thức chống lại đức tin, nhưng chỉ phụ thuộc hay có khi dửng dưng đối với cốt lõi đức tin. Thí dụ, nhờ cảm thức đức tin, các tín hữu cá nhân có thể tương đối hóa một số hình thức đặc thù trong việc sùng kính Đức Mẹ ra khỏi việc qui phục đối với việc sùng kính ngài cách chân chính. Họ cũng có thể tách mình ra khỏi những lối giảng giải chuyên pha phôi cách bất xứng giữa đức tin Kitô Giáo và các giải pháp chính trị đảng phái. Nhờ giữ cho tinh thần tín hữu biết tập chú vào những điều chủ yếu của đức tin như thế này, cảm thức đức tin của tín hữu đã bảo đảm được nền tự do đích thực của Kitô Giáo (xem Cl 2:16-23), và góp phần vào việc thanh tẩy đức tin.

65. Nhờ cảm thức đức tin của tín hữu và được sự trợ lực của ơn khôn ngoan siêu nhiên do Chúa Thánh Thần ban, tín hữu có khả năng, trong các bối cảnh lịch sử và văn hóa mới mẻ, cảm nhận được điều thích hợp nhất để làm chứng một cách chân chính cho sự thật của Chúa Giêsu Kitô, và hơn nữa còn hành động phù hợp với nó nữa. Như thế, cảm thức đức tin của tín hữu thủ đắc được một chiều kích có nhiều triển vọng đến độ, dựa vào đức tin từng sống qua, nó giúp tín hữu biết dự ứng trước một khai triển hay một giải thích đối với thực hành Kitô Giáo. Vì mối liên kết qua lại giữa việc thực hành đức tin và việc hiểu nội dung của nó, cảm thức đức tin của tín hữu nhờ đó đã góp phần vào việc làm cho một số khía cạnh trong đức tin Công Giáo trước đây vốn mặc nhiên nay hiển hiện và được soi sáng; và vì mối liên kết qua lại giữa cảm thức đức tin của tín hữu cá nhân và cảm thức đức tin của Giáo Hội nói chung, tức cảm thức đức tin của các tín hữu, các khai triển như vừa nói không bao giờ có tính hoàn toàn tư riêng cả, mà luôn luôn có tính Giáo Hội. Các tín hữu luôn luôn có quan hệ với nhau, cũng như với huấn quyền và với các nhà thần học, trong hiệp thông Giáo Hội.

Còn tiếp
_______________________________________________________________________________________________________________________
(62) Cảm thức đức tin của tín hữu đòi hỏi tín hữu trước đó phải có nhân đức đức tin rồi. Thực vậy, chính kinh nghiệm sống đức tin giúp tín hữu biết biện phân liệu một học lý nào đó có thuộc kho tàng đức tin hay không. Cho nên, chỉ có thể nói một cách khái quát và theo nghĩa phái sinh (derivatively) rằng có thể gán việc biện phân cần có đối với hành vi khởi đầu của đức tin cho cảm nghiệm đức tin của tín hữu.
(63) Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1804.
(64) Vatican II, Perfectae Caritatis 12.
(65) Xem Thánh Tôma, Summa theologiae, IIa-IIae, q.45, a.2.
(66) Thánh Tôma, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.4, ad 3. Cf. IIa-IIae, q.2, a.3, ad 2.
(67) Xem Thomas Aquinas, Scriptum, III, d.23, q.3, a.3, qla 2, ad 2: ‘Habitus fidei cum non rationi innitatur, inclinat per modum naturae, sicut et habitus moralium virtutum, et sicut habitus principiorum; et ideo quamdiu manet, nihil contra fidem credit.’
(68) Xem J. A. Möhler, Symbolik, §38: ‘Der göttliche Geist, welchem die Leitung und Belebung der Kirche anvertraut ist, wird in seiner Vereinigung mit dem menschlichen ein eigenthümlich christlicher Tact, ein tiefes, sicher führendes Gefühl, das, wie er in der Wahrheit steht, auch aller Wahrheit entgegenleitet.’
(69) Vì liên hệ tức khắc với đối tượng của nó, bản năng không sai lầm. Nó vô ngộ tự trong nó. Tuy nhiên, bản năng động vật chỉ không sai lầm trong bối cảnh một môi trường nhất định. Khi bối cảnh thay đổi, bản năng động vật tỏ ra thiếu thích ứng. Trái lại, bản năng thiêng liêng có nhiều tầm xa hơn và nhiều tinh tế hơn.
(70) Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.3, ad 3.
(71) Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Donum Veritatis, số 35.
(72) Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.2, a.5-8.
(73) Lumen Gentium 15.
(74) Thánh Tôma Aquinô, Expositio super Ioannis evangelium, c.14, lect.4 (Marietti, số 1916).
(75) Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Theology Today, §§91-92.
(76) Dei Verbum 8. Trong nền thần học về các ơn của Chúa Thánh Thần mà Thánh Tôma từng khai triển, ơn suy biết là ơn đặc biệt hoàn hảo hóa cảm thức đức tin của tín hữu thành một khả năng biết biện phân điều phải tin. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.9, a.1 co. et ad 2.
(77) Thánh Tôma Aquini6, Quaestiones disputatae de veritate, q.14, a.10, ad 10; cf. Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 2, ad 3.
(78) Thánh Tôma Aquinô, Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 4, ad 3: “[Tín hữu] không nên qui phục giáo phẩm nào giảng dạy ngược với đức tin… Thuộc cấp không hoàn toàn được miễn chước vì ngu dốt. Thực vậy, thói quen đức tin tự nhiên hướng họ về phía chống lại lối giảng dạy như thế vì thói quen này nhất thiết dạy họ bất cứ điều gì dẫn họ tới cứu rỗi. Ngoài ra, vì không ai nên tin bất cứ thần khí nào một cách dễ dãi, nên họ không được qui phục lời giảng dạy khác lạ nhưng phải tìm hiểu thêm nữa hay đơn sơ phó thác nơi Thiên Chúa không cần phải đi sâu thêm vào các bí nhiệm của Thiên Chúa quá cả khả năng của mình”.
(79) Xem Thánh Tôma Aquionô, Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 2, ad 3; Quaestiones disputatae de veritate, q.14, a.11, ad 2.