Công Đồng Vatican II

Đây không phải là chỗ để ta theo dõi các luận điểm của Công Đồng Vatican II một cách chi tiết (100). Nhưng ta có thể nhắc lại rằng sơ đồ thứ nhất về giáo huấn hôn nhân lúc đó đã bị bác bỏ và một sơ đồ khác đã được soạn thảo. Đức HY Dopfner chỉ trích sơ đồ thứ nhất là quá tiêu cực và quá nặng về phân tích luật học cũng như hiểu lầm về tình yêu vợ chồng, hơn nữa, đã đặt sự kết hợp bản thân vào hàng thứ yếu: “Nhưng tình yêu vợ chồng, trong chính trật tự khách quan và theo ý định của Thiên Chúa, há đã không, một cách nào đó, tạo ra chính mô thể (form) và linh hồn của hôn nhân đến nỗi nếu không có tình yêu phu phụ thật sự, thì các mục đích của hôn nhân không thể nào quan niệm được và cũng không thể nào đạt được đó sao?” (101).

Đức HY Alfrink chỉ rõ: người Công Giáo nói về hôn nhân cách khác hẳn với nghĩa luật học theo kiểu nói mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng. Một số nói đến hôn nhân chỉ như một khế ước, người khác nói về nó theo ngôn ngữ tâm lý học, một ngôn ngữ nhân bản, thần học và thánh kinh, như một chia sẻ cuộc đời bởi hai con người nhân bản yêu nhau và tìm cách đem những đứa con vào đời. Ngài đặt câu hỏi: “Phải chăng hôn nhân chỉ là một khế ước?”. Người ta thấy rõ: các nghị phụ, trước nhất, không nghĩ tới ly dị nhưng nghĩ tới một lối giải thích hợp thời và mang nhiều ý nghĩa hơn đối với bản chất của chính hôn nhân.

Bản thảo hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng từng cho thấy một sự thay đổi trong lối hiểu hôn nhân. Nó không còn chỉ là một dụng cụ, một phương tiện, nhưng bản chất của giao ước bất khả tiêu giữa hai con người, và nhất là thiện ích của con cái đòi họ phải yêu nhau thật sự. Tính đơn nhất bất khả tiêu tự nhiên của hôn nhân được ơn thánh của bí tích củng cố, như lời Công Đồng Trent dạy.

Trong cuộc tranh luận về Vui Mừng Và Hy Vọng, bản văn sửa đổi giữ lại lối giải thích duy nhân vị về hôn nhân và nhất định từ khước việc nói rằng sinh sản và giáo dục con cái là mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân. Như thế, nó cũng tỏ ý hoài nghi, không coi việc trao đổi quyền được làm các hành vi tính dục như đối tượng của việc ưng thuận kết hôn. Nó không đặt tính bất khả tiêu trong ngữ cảnh một khế ước không thể nào mất hiệu lực. Nó nhấn mạnh tới việc tình yêu vợ chồng có một thế đứng chủ yếu trong giao ước hôn nhân. Không có lời phản đối nào có ý nghĩa đối với điều được Vui Mừng Và Hy Vọng nói về tính vĩnh viễn và bất khả tiêu của hôn nhân. Trong bản văn cuối cùng, hôn nhân được gọi là: “tương ước thân mật về đời sống và tình yêu lứa đôi… bắt rễ trong giao ước vợ chồng về một ưng thuận bản thân không thể thu hồi. Bởi thế, do hành vi hai người phối ngẫu trao ban và tiếp nhận lẫn nhau, một liên hệ đã phát sinh mà do thánh ý Thiên Chúa cũng như dưới mắt xã hội vốn là một liên hệ vĩnh viễn” (102).

Như thế, tính bất khả tiêu được định vị trở lại trong hôn nhân. Sự ưng thuận hỗ tương, tức hành vi giao ước, tạo ra hôn nhân. Sự ưng thuận đó không thể nào thu hồi được. Hai người phối ngẫu trao chính con người họ cho nhau. Các nhà kinh viện vốn dựa vào luật tự nhiên để biện luận cho tính vĩnh viễn của hôn nhân bằng cách trước nhất nại tới thiện ích của con cái. Còn ở đây, các vị giám mục nại tới sự kết hợp trong hôn nhân đầu tiên. Việc tự hiến thân này đòi phải có lòng chung thủy nơi vợ chồng và tính bất khả tiêu nơi việc kết hợp (103).

Bộ Giáo Luật Năm 1983

Ngày 25 tháng Giêng năm 1959, ngày Đức Gioan XXIII công bố việc triệu tập Công Đồng Vatican II, ngài cũng công bố việc tu chính Bộ Giáo Luật. Việc này đòi Công Đồng phải họp trước và được coi như một bổ túc cho Công Đồng. Việc tu chính này khởi đầu năm 1966 và sau cùng đã được công bố ngày 25 tháng Giêng năm 1983.

“Điều 1055 #1: Giao ước hôn nhân giữa hai người rửa tội, qua đó, một người đàn ông và một người đàn bà thiết lập ra giữa họ một tương ước suốt đời, và từ chính bản chất riêng của nó, vốn được sắp đặt cho phúc lợi của hai người phối ngẫu và cho việc sinh sản và dưỡng dục con cái, đã được Chúa Kitô, Chúa chúng ta, nâng lên hàng bí tích. #2. Do đó, một khế ước hôn nhân thành sự không thể nào hiện hữu giữa hai người rửa tội mà không là một bí tích do chính sự kiện trên.

Điều 1056: Các đặc điểm yếu tính của hôn nhân là tính đơn nhất và tính bất khả tiêu; trong hôn nhân Kitô Giáo, các đặc điểm này nhận được một sự bền vững rõ rệt nhờ chính tính bí tich này.

Điều 1057 #1: Hôn nhân hiện hữu là do sự ưng thuận, được tỏ bày cách hợp lệ, bởi những người có khả năng về luật pháp. Sự ưng thuận này không thể do bất cứ quyền lực nhân bản nào cung cấp. #2. Sự ưng thuận vợ chồng là một hành vi của ý chí qua đó, một người đàn ông và một người đàn bà nhờ một giao ước không thể thu hồi đã hiến thân và chấp nhận lẫn nhau vì mục đích thiết lập ra cuộc hôn nhân” (104).

Việc đáng lưu ý là Điều 1055, ở câu đầu, nói rằng hôn nhân là một giao ước, nhưng ở câu sau, lại nói là một khế ước. Rõ ràng Giáo Hội muốn duy trì lý thuyết cổ truyền theo đó, hôn nhân là một khế ước nhưng cũng nhấn mạnh tới việc nó cũng là một giao ước giữa hai người phối ngẫu. Không có sự thay đổi nào trong lối hiểu của Giáo Hội về đặc điểm của hôn nhân; tính bất khả tiêu đã được khẳng định rõ ràng. Trong Điều 1057 #2, người đàn ông và người đàn bà tạo nên cuộc hôn nhân của họ bằng việc hiến thân hỗ tương cho nhau, như thế phù hợp với giao ước hơn là một khế ước về việc trao đổi quyền tính dục, như bộ giáo luật cũ. Sau cùng, không thấy nhắc gì tới mục đích đệ nhất và đệ nhị đẳng, mà chỉ nhắc tới hai mục đích, “phúc lợi của hai người phối ngẫu và việc sinh sản và dưỡng dục con cái”. Công thức của điều 1055 không nhắc gì tới hiệp thông tình yêu thân mật: “Không có điều gì trong câu này mà từ đó có thể rút ra kết luận này là tình yêu vợ chồng mà biến mất khỏi hôn nhân, thì chính cuộc hôn nhân cũng biến mất” (105). Điều 1057 #2 xác định rằng tính vĩnh viễn của hôn nhân phát sinh từ giao ước không thể thu hồi của vợ chồng.

“Điều 1134: Từ cuộc hôn nhân thành hiệu, phát sinh ra một dây liên kết giữa hai người phối ngẫu; sợi dây này từ bản chất của nó, có tính vĩnh viễn và độc chiếm. Mặt khác, trong cuộc hôn nhân Kitô Giáo, hai người phối ngẫu được củng cố nhờ một bí tích đặc biệt và như thể họ được cung hiến cho các bổn phận và phẩm giá bậc sống của họ”.

Sự ưng thuận vợ chồng tạo ra dây hôn phối, một sợi dây độc chiếm và vĩnh viễn. Điều này càng quan trọng để ta hiểu tính bất khả tiêu. Một số người cho rằng nếu tình yêu tàn lụi thì hôn nhân cũng nên kết liễu hay thực sự đã kết liễu rồi. Ở đây, Giáo Hội dạy rằng không phải như thế. Nếu hiệp thông cuộc đời, tức việc chia sẻ, biến mất, thì sợi dây kia vẫn tồn tại vì đã được sản sinh ra từ việc ưng thuận lúc ban đầu. Cuộc hôn nhân vẫn còn đó.

Buckley (106) gợi ý rằng Thomas P. Doyle trong cuốn chú giải Bộ Giáo Luật năm 1983 (107) đã định nghĩa dây hôn phối là “thực tại hữu thể hiện hữu giữa hai con người từng trao đổi sự ưng thuận vợ chồng”. Ông cho rằng “Đây là một thực tại bước vào hiện hữu qua lời ưng thuận, nên việc hiện hữu của nó không còn tùy thuộc ý muốn của riêng hai người phối ngẫu nữa” (tr. 776). Doyle nói thêm: khi Giáo Hội đạt được năng quyền đối với hôn nhân vào thời Trung Cổ, cái hiểu về sợi dây này thay đổi từ việc coi nó chỉ như một trói buộc luân lý qua việc coi nó như một thực tại biệt lập, một điều không thể bị kết liễu, hơn là một điều không nên kết liễu (tr.808). Mặt khác, Ladislas Orsy (108) kết luận rằng xét về phương diện triết học, không thể nói tự nó, sợi dây này hiện hữu. Nó chỉ là một sản phẩm của luật lệ: “Trong trường hợp hôn nhân bí tích, chính Thiên Chúa ban cấp cho sợi dây này một chiều kích đặc biệt đầy ơn thánh… Khi Giáo Hội chấm dứt sự trói buộc đầy ơn thánh này qua việc miễn chuẩn khỏi sợi dây hôn phối chưa hoàn hợp, một cách đơn giản, Giáo Hội đã giải thoát người ta nhân danh Thiên Chúa, nhờ một quyền lực do Thiên Chúa ban, khỏi một vinculum, một “sợi xích”, trói buộc chàng hay nàng”.

Sách Giáo Lý nói rõ: “Như thế, sợi dây hôn phối đã được chính Thiên Chúa thiết lập một cách khiến cho cuộc hôn nhân do hai người đã rửa tội ký kết và hoàn hợp không thể nào bị tiêu hủy. Sợi dây này, vốn phát sinh từ hành vi nhân bản tự do của vợ chồng và sự hoàn hợp hôn nhân của họ, là một thực tại, từ nay không thể thu hồi, và phát sinh ra một giao ước được lòng thủy chung của Thiên Chúa bảo đảm. Giáo Hội không có quyền làm ngược lại sự sắp xếp khôn ngoan này của Thiên Chúa” (109).

Buckley cho rằng sợi dây bí tích được định nghĩa là thuộc một trật tự hoàn toàn khác với sợi dây tự nhiên nhưng cả các nhà thần học lẫn huấn quyền đều không thể nói rõ sự phân biệt thoả đáng khi đụng tới tính bất khả tiêu vì mọi cuộc hôn nhân đều được coi là bất khả tiêu. Giáo luật chỉ nói một cách đơn giản rằng trong trường hợp hôn nhân bí tích, tính bất khả tiêu đã được tăng cường.

Còn tiếp
____________________________________________________________________________________________
(100) Xem Mackin, Op. cit., các tr. 462 và kế tiếp.
(101) Op. cit., tr.466.
(102) Gaudium et spes số 48.
(103) Mackin suy đoán ý nghĩa của các vị giám mục liên quan đến mối liên kết giữa tính bất khả tiêu và tình yêu. Có phải các ngài muốn nói: tình yêu của các người phối ngẫu tạo ra tính bất khả tiêu trong hôn nhân của họ, nghĩa là, có phải tình yêu của họ tạo ra một cam kết lâu dài hay không? Thiển nghĩ từ đó cho đến nay không có dấu chỉ nào trong huấn quyền đã xác nhận điều đó. Trong Humanae Vitae, cũng không có tuyên bố nào rõ ràng về điểm này. Đâu là thước đo tình yêu của người ta? Đâu là điểm phân cách rõ rệt giữa hôn nhân và không hôn nhân? Thiếu tình yêu vốn tự nó không phải là cơ sở để vô hiệu hóa. Sách Giáo Lý dạy: “Giao ước do họ tự do ký kết áp đặt lên các người phối ngẫu bổn phận phải gìn giữ nó như là độc nhất và bất khả tiêu”. SGLCGHCG phần 3, Sự Sống Trong Chúa Kitô, ch.1, điều 6, số 2364.
(104) Bộ Giáo Luật, Bản Tiếng Anh của Hội Giáo Luật Đại Anh Và Ái Nhĩ Lan, Collins, 1983.
(105) Mackin, Divorce and Remarriage, tr.489.
(106) Buckley, Op. cit., tr.54
(107) The Code of Canon Law. A Text and Commentary, James A. Coriden, Thomas J. Green, Donald E. Heintschel chủ biên, London, Geoffrey Chapman, 1985.
(108) Ladislas Orsy, Marriage in Canon Law: Texts and Comments; Reflections and Questions¸ Leominister: Fowler Wright, 1988, tr.203.
(109) SGLCGHCG, Phần 2, Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo, ch. 3, điều 7, Bí Tích Hôn Phối, số 1640, tr. 409.