Ngày 18 tháng Mười, chúng tôi đã cho phổ biến Phúc Trình của Các Nhóm nói tiếng Anh tại THĐ Đặc Biệt về Gia Đình năm 2014. THĐ này nay đã kết thúc với Bản Tường Trình Sau Cùng được công bố làm tài liệu chuẩn bị cho THĐ thường lệ vào năm 2015. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục cho đăng các phúc trình của các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, Pháp và Ý để bạn đọc có tài liệu nghiên cứu diễn biến của THĐ.

II. Phúc trình của các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha

"Có nhận định cho rằng việc đầu tiên nên có là đưa ra lời chào kính mọi gia đình Kitô Giáo đang sống Tin Mừng với lòng trung thành, yêu thương và hy sinh, và làm chứng cho Chúa Kitô trong toàn bộ xã hội”.

Sau đây là bản dịch các phúc trình của hai nhóm A và B nói tiếng Tây Ban Nha, căn cứ vào bảng tiếng Anh của Zenit.

1. Nhóm A, dưới quyền phối trí của Đức HY Robles Ortega

Nhóm có 17 nghị phụ, một linh mục chuyên viên, ba linh mục cố vấn và 4 giáo dân có khả năng. Nhóm than phiền về bản dịch nghèo nàn của RPD qua tiếng Tây Ban Nha.

Về phần dẫn nhập, nhóm đề nghị nên có lời chào kính mọi gia đình Kitô Giáo đang sống Tin Mừng với lòng trung thành, yêu thương và hy sinh, và làm chứng cho Chúa Kitô trong toàn bộ xã hội.

Về phần thứ nhất, Nhóm đề nghị thêm vào mục nói tới sự biến đổi về nhân học và văn hóa, điều này: hậu quả hiển nhiên nhất của sự biến đổi này là cuộc khủng hoảng đức tin khiến gia tăng con số những vụ kết hợp tự do, hôn nhân thử nghiệm, ly dị và không chào đón sự sống qua việc phá thai.

Nói về sự cô đơn, vốn là sự nghèo nàn của nền văn hóa ngày nay, trước hết, nó là hoa trái của việc thiếu vắng Thiên Chúa, của tính mỏng dòn trong các liên hệ liên ngã và của rất nhiều các khó khăn khác cản trở không cho ta xây dưng các cộng đồng sự sống và yêu thương.

Sự chẩn đoán ở số 10 đáng được bình luận như sau: đây là kết quả của não trạng phổ quát muốn giản lược việc sinh sản thành biến số của kế hoạch cá nhân hay kế hoạch của vợ chồng. Các yếu tố thuộc trật tự kinh tế đôi khi cũng đóng một vai trò quyết định, góp phần làm sinh suất sút giảm đáng kể, phá hoại mối liên hệ giữa các thế hệ. Trong thảm kịch hiếm muộn, tìm giải pháp ở các kỹ thuật trợ giúp thụ thai có thể phá hủy phẩm giá của tình yêu nhân bản và cả phẩm giá đứa trẻ.

Nhóm lên án việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, buộc người khác làm đĩ điếm hay nô lệ tình dục, nạn trẻ em sống ngoài đường phố vì thiếu cha mẹ, việc bóc lột trẻ em.

Phần thứ hai khiến Nhóm xét gia đình trong viễn ảnh kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhóm muốn phong phú hóa số 15 với nhận xét sau: trong truyền thống Kitô Giáo, hôn nhân là một liên minh yêu thương toàn diện và dứt khoát được linh hứng bởi tình yêu giữa Chua Kitô và Giáo Hội của Người, và được mời gọi lớn mạnh cho tới khi trở thành chứng từ cho tình yêu Thiên Chúa trên thế giới và là ngả đường hoàn thiện dẫn vào sự sống đời đời.

Nhóm thấy rằng các số nói về tình yêu con người đã phản ảnh viễn kiến của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nên cần nói rõ xuất xứ của chúng. Về phương diện này, các đoạn 17 và 23 đề cập tới việc biện phân các giá trị có trong các gia đình rạn nứt đã tạo nên một tính thống nhất mới mẻ rất có giá trị. Từ thời Thánh Justinô, người ta đã nói tới các mầm mống lời Chúa trong mọi nền văn hóa rồi, nên ta cũng có thể nói tới sự hiện diện dấu mặt, có tính mầm mống và sống động ấy. Nhóm tin rằng Tin Mừng gia đình có thể làm cho các mầm mống này lớn lên.

Chính vì thế, nhóm khuyên các cuộc hôn nhân dân sự và những người ly dị sau đó tái hôn nên đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa cho tới khi đạt được sự hiệp thông và ơn thánh Chúa cách trọn vẹn.

Nhóm chủ trương rằng “vì biết rõ lòng nhân hậu vĩ đại nhất chính là yêu thương trong sự thật (Thánh Augustinô), nên chúng ta phải đi quá bên kia lòng cảm thương. Tình yêu xót thương lôi cuốn và hợp nhất thế nào, thì nó cũng biến cải, thăng hoa và mời gọi ta hồi tâm như vậy (xem Ga 8:1-11)”.

Sang phần thứ ba, nhóm cho rằng trong số các nhân tố phá hoại đời sống gia đình, phải kể cả các nhân tố luật pháp và chính trị. Về đoạn 31, nhóm thêm nhận định này: “Để thực tại do Bí Tích biểu lộ được chấp nhận, thì điều cần là nó phải được cử hành với một đức tin rõ ràng và cương quyết, với một ý chí muốn chấp nhận điều Giáo Hội đề nghị trong Bí Tích. Đức tin này của những cặp đính hôn và kết hôn phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể”.

Nói tới các cặp đính hôn, nhóm cho rằng điều cần là phải nhớ tới tầm quan trọng giáo dục của các nhân đức, nhất là đức khiết tịnh và đức trong sạch, một đòi hỏi không thể thiếu nếu muốn cho tình yêu liên ngã lớn mạnh một cách chân chính. Phải trình bày rõ ràng cho các cặp đính hôn các lý tưởng của hôn nhân, giúp họ biện phân và quyết định cách tự do. Vì phần này tập chú vào vấn đề và thách đố của các gia đình bị rạn nứt, nên nhóm nhận định rằng khi vợ chồng gặp vấn đề trong mối liên hệ của họ, họ có thể trông cậy sự giúp đỡ và nâng đỡ của Giáo Hội. Nền mục vụ bác ái và xót thương phải được diễn dịch thành việc phục hồi những con người và những liên hệ cách chân thực. Kinh nghiệm cho hay: với sự giúp đỡ thỏa đáng và với việc tái sinh hành động của ơn thánh, phần lớn các cuộc khủng hoảng hôn nhân đã được giải quyết một cách tốt đẹp.

Dĩ nhiên, điều rõ ràng là: ngoài việc giúp đỡ nói trên, cần phải thêm sự giúp đỡ từ bên trong nữa, tức khả năng biết tha thứ. Có khả năng tha thứ và cảm nhận mình được tha thứ là một kinh nghiệm nền tảng trong cuộc sống gia đình. Sự tha thứ giữa vợ chồng giúp họ cảm nghiệm được một tình yêu mãi mãi, không bao giờ mất được (1Cor 13:8). Đôi khi rất khó, nhưng người nào được Chúa tha thứ hẳn có sức mạnh cung hiến một sự tha thứ đích thực khiến một người thấy như được tái sinh.

Đối với việc cố vấn cho các bên về tính thành sự của hôn nhân (đoạn 44), không phải chỉ có các linh mục mà những người khác, miễn được huấn luyện thích đáng, cũng có thể giúp được.

Về những người ly dị nhưng không tái hôn, ngoài những gì nói tại số 45, nên nói thêm rằng thường “họ là những chứng tá anh hùng cho tính bất khả tiêu và lòng trung thành”.

Đối với đoạn 50, nhóm thấy không nên nói tới người đồng tính như thể đồng tính luyến ái là một phần trong thực tại hữu thể học của họ, mà nên nói tới những con người có xu hướng đồng tính luyến ái. Nhóm đề nghị viết lại đoạn này như sau: “tính dục, một tính làm ta hiện hữu như là nhân tính nam nữ, là một giá trị không thể nào chuyển nhượng được trong nền nhân học và thần học Kitô Giáo. Nó làm ta hiện hữu vì nhau không phải một cách bất phân biệt mà là một cách bổ túc cho nhau. Những người có xu hướng đồng tính luyến ái cũng cần được chấp nhận và hỗ trợ giúp họ lớn lên trong đức tin và nhận biết kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ”.

Đối với việc truyền sinh (đoạn 53), nhóm nhận định rằng con cái không phải là trở ngại cho tình yêu vợ chồng mà là hoa trái tự nhiên qúy giá nhất của tình yêu ấy, một tình yêu trở thành thân xác (G.S. 48-51).

Nhóm cũng đề nghị sửa lại đoạn 55 như sau: “Điều cần là phải tổng hợp các hành trình huấn luyện về mục vụ giúp người ta sống tính dục của họ như một ngôn ngữ tình yêu. Chứng từ và việc luôn đồng hành của gia đình đã chứng thực tính hữu hiệu của nó trong diễn trình chín mùi của tình nghĩa vợ chồng qua việc chấp nhận nhau sâu sắc nhất và hiến mình trọn vẹn hơn. Điều này sẽ đạt được nhờ biết tổng hợp chiều kích cảm giới của thân xác, tính dễ xung động và xúc động của nó, với chiều kích tâm linh của lý trí và ý chí. Trong việc lớn dần lên với thời gian này, một tình yêu trung thành và sâu sắc trở thành dịu dàng và kính trọng được tăng cường, trong đó, sự vui hưởng tình hiệp thông được phóng chiếu nơi hoa trái sự sống, một cách đại lượng, mà đỉnh cao là quà phúc con cái hay trong phương cách nhận con nuôi được tiếp nhận quà phúc Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ta từ một nơi khác”.

Cuối phần ba, nhóm muốn nhấn mạnh tới việc Giáo Hội có vai trò quan trọng phải hỗ trợ các gia đình, vốn là các Giáo Hội tiểu gia với thừa tác vụ hôn phối của họ, bắt đầu với việc khai tâm Kitô Giáo nơi các cộng đoàn sẵn sàng chào đón họ.

Nhóm thấy cần phải nhấn mạnh rằng tư cách mẹ của Đức Maria, kiểu mẫu tuyệt vời của tính sinh sản phong phú thần linh, qua sự dịu hiền, hay thương xót, nhậy cảm và gần gũi của ngài, có khả năng làm dịu cơn khát nhân loại và sự sống mà các gia đình cũng như các dân tộc luôn khẩn cầu và nài van. Một nền mục vụ và tôn sùng thánh mẫu đầy sáng tạo sẽ là khởi điểm hết sức thuận lợi để trình bày các lý tưởng của gia đình Kitô Giáo.

2. Nhóm B dưới sự phối trí của Đức HY Lluis Martinez Sistach

Phương thức của nhóm là nhất trí trong một bầu khí huynh đệ và đối thoại, với sự tham dự của cả các dự thính viên. Nhóm cho rằng Bản Tường Trình Sau Thảo Luận (RDP) phản ảnh những gì đã diễn ra tại Phòng THĐ: các thực tại đa dạng của Giáo Hội và của thế giới và những điểm chung qua đó, nhóm chia sẻ các thực tại nhân bản có tính nền tảng và các thực tại của đức tin chung cũng như nhiều tập chú hay nhấn mạnh khác nhau về thần học hay pháp chế.

Nhóm cho rằng điều tốt và điều cần là một số chủ đề cần được nghiên cứu bởi các ủy ban liên khoa có tính “đặc nhiệm” (ad hoc). Các vị mục tử và các nhà chuyên môn về Thần Học và Giáo Luật có nhiệm vụ đạt tới những đề nghị rõ ràng hơn về các chủ đề như cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ và các thủ tục pháp lý để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, là những chủ đề đã được nêu ra và chắc chắn sẽ là thành phần không thể thiếu cho THĐ thường lệ sắp tới.

Nhóm coi RPD ngay từ đầu vốn là một tài liệu làm việc tốt, tuy nhiên, có thể cải thiện, sửa đổi. Vì thực ra nó không nhấn mạnh đủ tới các đề tài quan trọng như phá thai, các mưu toan chống lại sự sống, hiện tượng phổ quát của việc nhận con nuôi, các quyết định lương tâm của vợ chồng, cũng như cần phải nói rõ hơn về đồng tính luyến ái.

Nhóm cho rằng điều tối quan trọng là một số đề tài cần được nghiên cứu thêm tại các ủy ban đã được dự trù, với sự tham khảo thích đáng các Giáo Hội đặc thù trong khoảng thời gian từ nay tới THĐ thường lệ năm 2015.

Cấu trúc của RPD xem ra khá tích cực vì phù hợp với phương pháp khá phổ biến hiện nay là nhìn/phán đoán/hành động dưới hình thức lắng nghe/nhìn lên Chúa Kitô/gặp gỡ và quan điểm mục vụ. Nhóm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng nhìn thực tại Giáo Hội và thực tại thế giới bằng cái nhìn đầy thương xót; Người mặc khải đường lối của Người nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đồng hành với toàn thể nhân loại và ban cho chúng ta Thần Trí của Người, nhằm hướng dẫn Giáo Hội tới chỗ viên mãn.

Tuy nhiên, nhóm thấy RPD không nhấn mạnh đủ tới sứ điệp tích cực của Tin Mừng gia đình, có lẽ vì chỉ chủ yếu suy nghĩ tới các quan tâm mục vụ của các hội đồng giám mục về những bóng tối đang lơ lửng trên gia đình và thế giới hiện nay.

Nhóm ý thức được mục tiêu rõ ràng về mục vụ, chứ không về học thuật, của THĐ, từ đó, người ta mong đợi một nền mục vụ và một sự hỗ trợ mới mẻ và cương quyết cho giáo dân, các gia đình và các phong trào đang bước theo hành trình này. Dù vậy, nhóm thấy cần phải nhấn mạnh cả các yếu tố nền tảng về tín lý, tránh việc các cục bộ hóa hay các giáo huấn song hành.

Nhóm thấy cần lưu ý tới sự phong phú lớn lao trong huấn quyền gần đây của Đức Phaolô VI, Thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô.

Một cách cụ thể, nhóm liệt kê các đóng góp chính như sau:

* Nhấn mạnh tới các điểm sáng và tầm quan trọng của hôn nhân.
* Khuyến khích nền mục vụ gia đình trong các hoàn cảnh hiện nay.
* Mong ước THĐ soi sáng và hướng dẫn đối với các hoàn cảnh mới của hôn nhân.

Nhóm đề nghị rằng trong việc chọn các tham dự viên cho THĐ sắp tới, nên chọn các vị giám mục từng tham dự THĐ đặc biệt lần này để bảo đảm có được sự liên tục về cung cách làm việc và suy nghĩ.

III. Phúc Trình của các nhóm nói tiếng Pháp

“Ưu tiên đối với chúng tôi là việc khảo sát các cuộc hôn nhân đáng hoài nghi phải được làm dễ dàng và các thủ tục để tuyên bố hôn nhân vô hiệu phải được tiến hành nhanh chóng hơn”

1. Nhóm A dưới sự phối trí của Đức HY Robert Sarah

Nhóm trình bày 5 điểm:

a. Một số nhận định tổng quát

Nhóm ca ngợi đặc tính rất cởi mở, đơn giản và huynh đệ của các phiên họp: mọi người hành sử cách đơn sơ, có tinh thần trách nhiệm cao và tin tưởng lẫn nhau.

Tuy nhiên, nhóm thấy hơi bối rối về việc phổ biến một tài liệu được nhóm coi như tài liệu để làm việc, do đó, tạm thời. Tài liệu này đơn giản mà hữu ích, tuy nhiên việc phổ biến nó có hiệu quả ngược lại, khiến gây bối rối, làm trở ngại việc suy nghĩ.

Nhóm được chứng kiến tính đa nguyên và đa dạng của các tình thế trong Giáo Hội. Không phải mọi Giáo Hội địa phương đều quan tâm như nhau hay bị xúc động như nhau về cùng một vấn đề được nêu ra. Hơn nữa, vì ý thức được điều này, nên nhóm hy vọng rằng một sự độc lập nào đó nên được dành cho các Giáo Hội địa phương để họ tìm ra các giải đáp đối với các quan tâm mục vụ của họ.

Sau cùng, nhóm cho rằng cần thận trọng khi sử dụng các từ ngữ như các chữ cặp vợ chồng, hôn nhân, cá nhân hay con người.

b. Về phần 1 của RPD

Nhóm thấy cần phải xem xét các điểm sáng và tối của thực tại hôn nhân và gia đình trong bối cảnh xã hội và thế giới ngày nay theo cái nhìn của Chúa Kitô đối với con người: sau đó, các thách đố cần bàn bạc và cần được sống mới có thể phù hợp với truyền thống của Giáo Hội, bằng một thái độ chấp nhận, hiểu biết và thương cảm. Điều này khiến nhóm nhấn mạnh tới cảnh khốn cùng phi nhân hóa đang là một trong các nguyên nhân chính tạo ra cảnh bất ổn và hủy diệt các gia đình, tới “các biên tế khốn cùng đang bao vây nhiều thủ phủ lớn hiện nay… những tình huống bạo lực, chiến tranh và các hậu quả của chúng”. Nhóm cũng muốn khẳng định rằng đời sống xúc cảm phát triển, được cấu trúc và thể hiện cách tối ưu trong khuôn khổ cuộc sống gia đình. Về phương diện này, nhóm nghĩ: điều quan trọng là làm cho các yếu tố tích cực của gia đình, các giá trị, lòng quảng đại của nó trở nên hiển hiện, những điều xây dựng chứ không phá phách… nghĩa là, tất cả những gì kích thích Giáo Hội trong nhiệm vụ nói lên lời sự thật, lời hy vọng cho người cùng thời với ta và chất vấn một số cơ quan quốc tế giúp họ chấp nhận quan niệm đúng đắn về con người, về hôn nhân và về xã hội.

c. Về phần 2 của RPD

Khảo sát bản văn này đặt ra nhiều câu hỏi dẫn nhóm tới việc viết lại phần này và đề nghị dùng nó, nếu thấy có ích, vào việc soạn thảo bản văn sắp tới để Giáo Hội cùng suy nghĩ. Bản văn này nhất định phải có tính qui Kitô: nó đặt Chúa Kitô làm tâm điểm, con người và lời nói của Người, việc ta thuộc về Người và việc Người lên án sự cứng lòng cũng như việc Người nhập thân nền sư phạm đầy kiên nhẫn và thương xót của Thiên Chúa ngay trong lúc chịu khổ hình, việc Người chịu chết và việc Người sống lại. Thực vậy, Bí Tích Hôn Phối đã được xây dựng trên chính việc gắn bó với Chúa Kitô và thuộc về Người sau khi chịu phép rửa.

Việc thừa nhận các thất bại trong tình yêu và các cuộc kết hợp bất toàn chính là những lời mời gọi ta phải có một nền chăm sóc mục vụ đặc biệt, có khả năng biết tôn trọng con người, khích lệ các cố gắng thống hối và cung hiến một trợ giúp đầy tình huynh đệ của cộng đồng Kitô hữu mà họ vốn thuộc về. Tuy nhiên, việc thừa nhận này không làm ta quên các gia đình đang cố gắng sống cuộc hôn nhân Kitô Giáo của họ một cách gắn bó và trung thành, và đang làm chứng cho nó bằng niềm vui và cả những thử thách gian nan như nghèo khó, thất nghiệp, bệnh hoạn, tang chế, hiếm muộn và khó khăn trong việc giáo dục con cái.

d. Về phần 3 của RPD

Về vấn đề những người ly dị tái hôn và các bí tích Hòa Giải và Rước Lễ, nhóm cho rằng điều quan trọng là “đừng thay đổi tín lý của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân và việc không cho phép người ly dị tái hôn được chịu các bí tích Hòa Giải và Rước Lễ, nhưng nên áp dụng tín lý thường hằng này của Giáo Hội vào các tình huống đa dạng và đau đớn của thời đại ta, với một tầm nhìn đổi mới đầy cảm thông và thương xót đối với những con người này”. Điều được nhóm coi như ưu tiên là phải làm dễ việc khảo sát các cuộc hôn nhân bị hoài nghi và các thủ tục để tuyên bố hôn nhân vô hiệu cần được tiến hành nhanh chóng hơn. Điều cũng quan trọng là phải có một ngôn ngữ tích cực và hữu dụng và phải xem xét tường tận những con người sống trong các tình huống đa dạng này.

Về việc tiếp nhận những người đồng tính, điều nhóm thấy rõ ràng là Giáo Hội, trong hình ảnh Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành (Ga 10:11-18), vẫn luôn luôn muốn tiếp nhận những người tới gõ cửa, vẫn mở cửa đón chào mọi người một cách kính trọng, cảm thương và thừa nhận phẩm giá họ. Tuy nhiên, hỗ trợ một người về phương diện mục vụ không hề có nghĩa ủng hộ một hình thức tính dục hay một lối sống nào đó.

e. Một số suy nghĩ để kết luận

Hôn nhân và gia đình quả nằm ở trung tâm các vấn đề chủ yếu của thời nay: con người phải hiểu được các vấn đề nhân học của ngày nay và của ngày mai như

* phân tích các nguyên nhân xã hội và kinh tế khiến gia đình rạn nứt;
* suy nghĩ về mối liên kết giữa hôn nhân, gia đình và xã hội
* sâu sắc hóa về phương diện Thánh Kinh và thần học những điều suy nghĩ qúa vội…

Công trình quan trọng thực hiện được tại đây từ trước đến nay xem ra cần được suy nghĩ sâu sắc thêm, nhất là các khía cạnh nhân học và thần học, đều là những khía cạnh phải được xem xét và hướng dẫn một cách thích đáng nhất trước khi có THĐ vào năm tới. Nhóm không tin rằng một ủy ban đặc nhiệm là điều thích đáng. Nhóm cho rằng phải xem sét các khía cạnh này một cách sâu rộng nhất, với sự can dự của nhiều hội đồng giám mục khác nhau.

2. Nhóm B dưới sự phối trí của Đức HY Christoph SCHOENBORN, O.P.

Nhóm làm việc trong một bầu khí thẳng thắn và lắng nghe nhau. Mọi người đều trân qúy cuộc “chuyện trò” phổ quát này, trong đó có tiếng nói của Âu Châu, của Á Châu và Trung Đông, của Phi Châu và cả Bắc Mỹ, với nhiều cung giọng khác nhau nhưng rất hòa điệu. Các sự kiện và vấn đề được sáng tỏ nhờ nhiều trải nghiệm hết sức đa dạng trong cùng một nhóm ngôn ngữ.

Nhóm cũng chào đón sự hiện diện của tín hữu giáo dân nam nữ, chủ yếu là các cặp vợ chồng; họ gây xúc động và xây dựng các nghị phụ bằng “chứng tá” sống động, nhiều khi tốt hơn các việc “dầu mỡ” thần học tuy cũng cần của các nghị phụ.

Trong các trao đổi đầu tiên của nhóm đối với các tham luận của các nghị phụ, nhóm lưu ý tới các vấn đề chính sau đây:

Làm thế nào để kết hợp tín lý với kỷ luật, phương thức tín điều với sự gần gũi mục vụ? Làm thế nào để kết hợp lòng yêu mến sự thật với tình bác ái mục vụ một cách không làm phiền lòng cả người con trai thứ lẫn người con trai cả trong dụ ngôn đứa con hoang đàng của Tin Mừng Luca? Làm thế nào để xem xét sự đa dạng của các hoàn cảnh mục vụ khắp trên thế giới và làm thế nào để cuối cùng gửi được các suy tư này tới các hội đồng giám mục quốc gia, vùng miền hay lục địa theo nguyên tắc phụ đới, trong khi vẫn kính trọng tính Công Giáo và do đó, tính phổ quát của Giáo Hội trong rất nhiều vấn đề chủ yếu và đồng thời liên quan tới các đặc điểm nền tảng của bản tính con người?

Vì thấy văn phong của RDP quá dầy đặc, không mạch lạc, quá lắm lời và do đó, xét chung, khá buồn tẻ, một văn phong càng trở nên tệ hơn khi dịch qua một ngôn ngữ khác, nhóm đã đưa ra các thay đổi đáng kể đối với một số điểm quan trọng như sau:

Vì thiếu đa số tuyệt đối (9 ủng hộ, 5 chống, 4 phiếu trắng), nên ý niệm “tiệm tiến” trong lối loại suy đại kết do Lumen Gentium khai triển và trong lối nói “hạt giống lời Chúa” của các giáo phụ đã được để qua một bên, mỗi khi có nguy cơ hiểu lầm các kiểu nói này như là để tiên thiên hợp pháp hóa các trạng thái sống bất hợp lệ, nghĩa là, tội lỗi, cho dù nhóm thừa nhận, một cách hậu thiên, rằng nhiều trạng thái này có thể là đường hay là giai đoạn đạt tới một trạng thái tốt hơn. Về khả thể lãnh nhận các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, một số nghị phụ, cả trên bình diện tín lý lẫn trên bình diện mục vụ, ủng hộ kỷ luật hiện nay dựa trên nền tảng tín lý, không ngừng được huấn quyền của Giáo Hội xác nhận. Các nghị phụ khác cũng dựa vào các quan tâm tín lý và mục vụ này để đề nghị huấn quyền nên đưa ra một kỷ luật khác nhưng với những điều kiện rõ ràng (xem số 47 của RPD). Nhóm yêu cầu nên nghiên cứu và lượng giá việc rước lễ thiêng liêng mà truyền thống vốn khuyến cáo những ai, vì các lý do khác nhau không thể rước lễ “theo bí tích” được, nên thực hành; việc nghiên cứu và lượng giá này phải thực hiện trên nền tảng tín lý, và nếu được cuộc nghiên cứu này chấp thuận, thì nên cổ vũ và phổ biến rộng rãi nơi tín hữu. Nhóm mạnh mẽ nhấn mạnh rằng cho dù Giáo Hội không thể hợp pháp hóa mọi hoàn cảnh sống, thì lòng thương xót của Chúa và của Giáo Hội nên vươn tới mọi người trong hoàn cảnh sống của họ, ngõ hầu dẫn dắt họ tiến trên đường sự thật, hồi tâm và bình an.

Nhóm nhắc lại sự tôn trọng và chào đón của nhóm đối với người đồng tính và lên án mọi kỳ thị bất công và đôi lúc bạo động họ từng phải chịu và có lúc vẫn đang phải chịu, ngay trong Giáo Hội! Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Giáo Hội phải hợp pháp hóa các thực hành đồng tính và càng không nên nhìn nhận chúng, như một số chính phủ đã làm với cái tự gọi là “hôn nhân” đồng tính. Ngược lại, nhóm lên án mọi thủ đoạn của một số cơ quan quốc tế mưu toan áp đặt lên các quốc gia nghèo một thứ luật lệ cho phép các cuộc “hôn nhân” đồng tính này, qua chính sách tống tiền họ về phương diện tài chánh. Sau cùng, nhóm muốn trình bày một cách tích cực và cập nhật hóa cảm hứng có tính tiên tri từng khuyến khích Chân Phúc Phaolô VI viết ra thông điệp Humanae Vitae, trong đó, Chân Phúc ca ngợi vẻ đẹp của sợi dây sâu sắc là tình yêu vợ chồng, một tình yêu vốn kết hợp một lúc cả sự nên một về tâm linh và thể xác của vợ chồng lẫn việc cởi mở chào đón quà phúc sự sống.

Còn tiếp