IV. Phúc trình của các nhóm nói tiếng Ý

1. Phúc trình của nhóm A, dưới sự phối trí của Đức HY Fernando FILONI

"Một viễn tượng mục vụ đổi mới phải có khả năng giúp các gia đình ý thức được bản chất truyền giáo của họ, một bản chất cần được phát biểu trong các chiều kích của họ (giáo dục đức tin, đào tạo Kitô giáo v.v…) cũng như trong các giao tiếp với toàn bộ cộng đồng xã hội”.

Các nghị phụ THĐ thuộc nhóm A nói tiếng Ý và 2 cặp vợ chồng hiện diện trong tư cách Chuyên Viên và Dự Thính Viên tỏ bày lòng biết ơn đối với Đức HY Peter Erdo về bản tường trình trong đó ngài đã tổng hợp khá nhiều tham luận đa dạng đã trình bày tại Phòng THĐ.
Nhóm đã duyệt xét cả ba phần của bản RPD.

1) Về bối cảnh và các thách đố thời nay đối với gia đình, nói chung nhóm đồng ý với RPD. Tuy nhiên, nhóm cũng cho rằng còn nhiều yếu tố khác nữa gây trở ngại cho cuộc sống gia đình. Hiện tượng di dân chẳng hạn đã phân rẽ gia đình biết bao với nhiều hậu quả rất dễ thấy. Cũng thế, việc ra đời của các kỹ thuật sinh học đã biến gia đình thành nơi để thí nghiệm việc các hệ luận về đạo đức và giáo dục khó có thể giải quyết như thế nào.

Suy nghĩ thêm về bối cảnh sống của gia đình, người ta có đủ bằng chứng cho thấy có sự tách biệt giữa Giáo Hội và thế giới về nhiều chủ đề tế nhị, vì điều đang thiếu là “một lý luận chung” về ý niệm con người, về sự dấn thân của họ và về việc họ thể hiện hoàn toàn trong hai chiều kích thân xác và linh hồn, trong lý tính vốn quá chú trọng tới chủ quan đến ly tán và làm chậm bất cứ năng động tính nào của hiệp thông. Về phương diện này, nhiều ý kiến tu chính (modes) đã được đề nghị nhất là về vai trò phụ nữ, về phẩm giá của họ và thiên tài nhiều hy vọng của họ. Nhóm muốn nhấn mạnh, như một đối cực, tới chứng từ của rất nhiều gia đình đang sống cuộc hôn nhân của họ với một tinh thần hoàn toàn dấn thân.

Bối cảnh và các thách đố của gia đình khiến Giáo Hội phải nhắc lại các lời lẽ của Tin Mừng, phải phối kết sự thật và lòng thương xót với đức cậy, tìm cách đi vào cuộc sống cụ thể của người ta, tìm hiểu việc họ muốn trở về với Thiên Chúa.

2) Về phần thứ hai của RPD, nhóm thấy ý nghĩa của kiểu nói “luật tiệm tiến” khó mà nắm bắt được; nhóm không tìm được trong nó một lối giải thích chung và thoả đáng; việc trích dẫn, tại số 13, đoạn 34 của Familiaris Consortio xem ra không thể áp dụng ở đây vì trong Văn Kiện Huấn Quyền này, luật tiệm tiến chủ yếu áp dụng vào vấn đề luân lý liên quan tới việc làm cha mẹ có ý thức. Kiểu nói này xem ra khó nắm bắt, có nguy cơ khiến người ta nghĩ rằng các khó khăn trong đời sống vợ chồng liều mình hạ thấp ý nghĩa trọn vẹn của chính ơn gọi hôn nhân. Trong diễn trình thảo luận, nhóm gần như đồng thanh thỏa thuận rằng phần này dường như không đưa ra được một đề nghị thỏa đáng nào liên quan tới sự thật của hôn phối. Vì thế theo nhóm, Văn Phòng TTK nên cho viết lại phần này, bằng cách rõ ràng và hân hoan đưa ra một kế hoạch hôn phối như đã được Thiên Chúa Tạo Hóa đề ra trong sách Sáng Thế và được Chúa Kitô tiếp nhận, tìm cách làm nổi bật các điều Chúa Giêsu đã nói về vấn đề này, luôn nhớ tới kinh nghiệm của Thánh Gia Nadarét cũng như các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria, người đàn bà ngoại tình và cặp vợ chồng thiếu rượu. Về phương diện này, Nhóm đã dấn thân và trình bày một dự thảo lý thuyết mới cho Phần II, lên khuôn lại nội dung và chi tiết hóa các số, qua một loạt các đề nghị tu chính. Điều xem ra hợp thời là tiếp nhận các giáo huấn của Vatican (Gaudium et Spes, 48) và của huấn quyền giáo hoàng (Familiaris Consortio, 11) trong đó, hôn nhân được trình bày như là “việc hiến mình hỗ tương cho nhau”. Nhờ thế, Chúa Kitô sẽ được đề cao một cách mạnh mẽ, như là Phu Quân của Giáo Hội: một cuộc hôn nhân đã được dẫn khởi với việc Nhập Thể, được nên trọn vẹn trên Canvariô và vẫn có tính đương thời đối với nhân loại nhờ hồng ơn của Chúa Thánh Thần trong các bí tích; chỉ bằng cách này, vẻ đẹp và sự quyến rũ của hôn nhân và gia đình mới trở nên chói lọi, tiếp tục là các dấu chỉ của tình yêu Chúa Kitô.

Nhóm đặc biệt quan tâm tới việc không thể áp dụng loại suy được mô tả trong bản văn RPD với bản văn trong Lumen Gentium, 8.

3) Về các viễn ảnh mục vụ, nhóm cho rằng việc đầu tiên là phải nhắc lại các điểm căn bản đối với hành động mục vụ đổi mới: a) gia đình phải được nhìn nhận như là chủ thể mục vụ; b) thừa tác vụ của các người phối ngẫu do chính Bí Tích đem lại; c) cần suy nghĩ lại việc toàn bộ khởi điểm mục vụ phải bắt đầu từ gia đình; d) toàn thể cộng đồng phải đảm nhận vấn đề mục vụ gia đình; e) huấn luyện các linh mục cách thỏa đáng hơn; f) nhìn nhận vai trò của giám mục trong vấn đề mục vụ gia đình, nhất là trong các hoàn cảnh có vấn đề.

Việc chăm sóc mục vụ thông thường khẩn cấp đòi những điều sau: a) cải tổ các giai đoạn phúc âm hóa, bằng cách cho thấy nhiều liên tục tính hơn; b) đánh giá cao vai trò giáo dân cũng như huấn luyện họ thu lượm nhiều khả năng chuyên biệt nhằm phục vụ các gia đình; c) đề xuất một hành trình chung để đào tạo giáo dân và giáo sĩ.

Nhóm đặc biệt xem xét việc chuẩn bị hôn nhân, trong đó, không những chủ đề thành sự cần phải có, mà còn phải bao gồm ơn ích của bí tích, cùng việc đồng hành với vợ chồng.

Một viễn tượng mục vụ đổi mới phải có khả năng giúp các gia đình ý thức được bản chất truyền giáo của họ, một bản chất cần được phát biểu trong các chiều kích của họ (giáo dục đức tin, đào tạo Kitô giáo v.v…) cũng như trong các giao tiếp với toàn bộ cộng đồng xã hội.

Về các vấn đề mô tả trong các số 36-52 của RPD, Nhóm A đề nghị thay đổi tựa đề các đoạn, bằng các luôn sử dụng kiểu nói “chăm sóc mục vụ”, dù là nói về các cuộc kết hợp dân sự và những người sống chung với nhau, hay những người ly thân, ly dị không tái hôn, ly dị và tái hôn, và những người đồng tính. Nói một cách chuyên biệt hơn, về việc chăm sóc mục vụ các cuộc kết hợp dân sự và những người sống chung với nhau, nhóm đề nghị rằng sự mẫn cảm mục vụ khiến ta phải lưu tâm tới các khía cạnh tích cực vốn không thuộc chính kinh nghiệm đang bàn nhưng vẫn tìm thấy trong kinh nghiệm này, lẽ dĩ nhiên với viễn tượng biến cải để họ tiếp nhận hồng ân hôn phối và gia đình. Về việc chăm sóc mục vụ người ly thân, người ly dị nhưng không tái hôn, và người ly dị tái hôn, dù chia sẻ tinh thần mục vụ của bản văn đối với các vấn đề được trình bày, Nhóm A quyết định sẽ đóng góp nhiều tu chính quan trọng.

Nhóm không chia sẻ khả thể để cho giám mục giáo phận trực tiếp hành động trong diễn trình tuyên bố vô hiệu, nhất là trong trường hợp thiếu chuẩn bị chuyên môn; tuy nhiên, Nhóm gợi ý rằng: nên có sự hiệp lực lớn hơn giữa các tòa án, các tham vấn viên và các văn phòng về gia đình của giáo phận. Nhóm hy vọng rằng cộng đồng Kitô hữu sẽ coi việc chăm sóc các tình huống này như là biểu thức và chứng từ của tình bác ái. Về việc cho phép lãnh nhận các bí tích Thống Hối và Thánh Thể, dù mẫn cảm với vấn đề, Nhóm A đề nghị: các luận điểm nên được nghiên cứu lại dưới ánh sáng của đoạn 84 trong tông huấn Familiaris Consortio, để xác định rõ các điều kiện sau cùng vốn khác biệt với kỷ luật hiện thời.

Về việc chăm sóc mục vụ những người đồng tính, cuộc thảo luận của Nhóm tuy có lưu ý tới một số khía cạnh tích cực của những cuộc kết hợp này, nhưng chủ yếu nhấn mạnh rằng không thể đặt những cuộc kết hợp này ngang hàng với cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà; Nhóm cũng muốn bảo vệ quyền lợi con cái, là những người phần lớn chỉ lớn mạnh một cách hòa điệu nhờ tình âu yếm của người cha và người mẹ.

Về việc truyền sinh và việc thiếu sinh sản, nhóm không thêm gì vào bản văn cả, nhưng vẫn hy vọng nó được khai triển và suy nghĩ thêm.
Về thách đố giáo dục và vai trò của gia đình trong công trình phúc âm hóa, Nhóm gợi ý: nên tích nhập 2 điều nhấn mạnh sau đây vào bản văn: liên tục phúc âm hóa trong gia đình và nhu cầu bảo đảm việc phúc âm hóa này với sự can dự của nhiều trải nghiệm khác nhau trong Giáo Hội (các hiệp hội, phong trào và cộng đồng mới) vốn tạo nên sự phong phú cho đời sống Giáo Hội và nói lên các đặc sủng mới trong Giáo Hội.

Để kết luận, Nhóm muốn rằng toàn thể THĐ cần phải đặt mình dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần, Đấng có thể đem lại nhiều mới mẻ giúp Giáo Hội mỗi ngày mỗi trở nên người phục vụ Lời Chúa, một Lời đã được ban cho Giáo Hội để cứu rỗi thế giới.

2. Phúc trình của Nhóm B dưới sự phối trí của Đức HY Angelo Bagnasco

"Chúng tôi tin rằng những người đầu tiên tiếp nhận các suy nghĩ của chúng tôi chính là các gia đình, những chủ thể khẩn thiết cần được hỗ trợ trong chứng từ của họ”.

Cuộc họp của Nhóm B nói tiếng Ý dành nhiều thì giờ cho việc thảo luận, chú trọng tới cả hai khía cạnh: tính thống nhất nền tảng của đối thoại và tính bổ túc của các quan điểm, vốn là hoa trái của kinh nghiệm địa phương và của sự đa dạng về văn hóa nơi các tham dự viên. Công việc thảo luận tại Nhóm gồm hai phần: bắt đầu thảo luận tổng quát về bản Phúc Trình Sau Thảo Luận (RPD) và sau đó phân tích bản văn để đưa ra các đề nghị sửa đổi. Tường trình viên, tuy thế, đã chỉ chú trọng tới các xem xét tổng quát. Sau đây là những điểm nổi bật.

Nhóm nghĩ rằng soạn lại phần hai của bản RPD nói về Tin Mừng Gia Đình là điều quan trọng, vì có thể dùng làm nền tảng để xây dựng toàn bộ tài liệu. Nhóm nhận định rằng có sự bất cân đối giữa phần nói tới Tin Mừng Gia Đình và phần nói tới các tình huống khủng hoảng khác nhau và các thực tại ngoại lai đối với Tin Mừng này, khiến ta không thể lập tức thu lượm được một viễn kiến tích cực về gia đình và vẻ đẹp của nó. Nhóm tin rằng những người đầu tiên tiếp nhận các suy nghĩ của chúng ta hẳn là chính các gia đình, những chủ thể đang khẩn thiết cần được hỗ trợ trong chứng từ của họ, ngõ hầu tìm được sức mạnh để tiếp tục các dấn thân hàng ngày, trong một bối cảnh không hề dễ dàng và thuận lợi cho họ. Do đó, ta không thể tự cho phép mình tạo nên ấn tượng cho rằng gia đình Kitô hữu bị lãng quên trong cuộc đối thoại của THĐ. Về phương diện này, không thể không xem xét việc chứng thực các hoàn cảnh mục vụ khác nhau trong các bối cảnh khác nhau. Nhóm nghĩ tới gia đình trong phạm vi các đô thị lớn và các thủ phủ, cũng như trong các nước nhỏ và làng mạc. Trong bối cảnh này, cũng là điều cực kỳ hữu ích nếu ta chịu suy nghĩ tới hoàn cảnh người cao niên trong man vàn hoàn cảnh sống của họ hiện nay. Việc kéo dài tuổi thọ đang tạo nên những tình huống cực kỳ khó khăn mà Giáo Hội không nên thiếu chuẩn bị, trái lại phải có cái nhìn xa rộng để đưa ra các cam kết mục vụ làm cho sự hiện diện và sự gần gũi của mình trở nên hiển hiện. Có rất nhiều gia đình cao niên đang lâm cảnh nghèo, có nhiều người cao niên đang cô đơn và bị bỏ xó xa khỏi gia đình nguyên thủy của họ, nhiều gia đình cao niên hiện mất hết hy vọng và chỉ còn niềm khao khát duy nhất là được chết đi cho xong. Những thực tế này đang thách thức chúng ta và đòi một giải đáp khả tín. Sự im lặng của chúng ta hết sức tai hại.

Nhóm cho rằng một số chủ đề của THĐ trình bày một tình thế quá phức tạp đòi phải được các chuyên viên suy nghĩ thêm. Vận tốc đưa ra một số kết luận không luôn luôn đem tới những kết quả mong muốn. Bởi thế, điều cần là phải đạt được một viễn kiến có tính gắn bó và thống nhất cho các vấn đề mà không rơi vào những viễn tượng độc chiều mất hết sự hỗ trợ cần hiết của sử học và thần học. Điều này đúng đối với cả các đề nghị liên quan tới diễn trình thống hối lẫn việc không hưởng ứng các tập tục của riêng các Giáo Hội Chính Thống. Muốn thấy chúng có thể được du nhập qua Giáo Hội La Tinh cách nào thì cần phải được nghiên cứu đắn đo, trình bày cách không tranh chấp và một giải pháp chung trong hiệp thông.

Nhóm cho rằng về phương diện này, bản văn sau cùng nhất thiết phải cho thấy có sự liên tục ra sao trong giáo huấn của Huấn Quyền. Một đàng, đặc điểm mục vụ của THĐ này phải chứng minh hơn nữa rằng không có cắt đứt nào giữa tín lý và mục vụ, trái lại, mục vụ phải dựa trên tín lý và nói lên sự thật trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng Kitô hữu. Như Thánh Grêgôriô Cả từng nói: “cam kết mục vụ là bằng chứng của yêu thương”. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải lấy tâm điểm của Tin Mừng làm nền tảng. Điều này cũng hàm nghĩa: ta cần phải chứng tỏ rằng ta luôn đứng trước sự phát triển tiệm tiến của tín lý. Điều này là một bảo đảm đối với mục vụ để nó luôn mãi có tính năng động và không để mình chiều theo cơn cám dỗ của các sáng kiến, mà theo Đức GH Phanxicô, chỉ nói lên sự lười biếng về mục vụ. Bởi thế, Tin Mừng Gia Đình cần được trình bày trong mọi tính phức tạp cũng như khả tín của nó.

Một đề tài đáng lưu ý là trường hợp các người phối ngẫu đang phải sống trong hoàn cảnh hiếm muộn không con cái, nhưng chấp nhận hoàn cảnh của mình. Họ sẵn sàng mở lòng mình ra cho khả thể nhận những trẻ không gia đình làm con nuôi, một hành vi yêu thương đầy tự nguyện. Quyết định này cho thấy gia đình quả là định chế có khả năng tiếp nhận, sinh sản sự sống mới và đem hy vọng lại cho tương lai. Những gia đình như thế cần được lưu ý cách đặc biệt. Nhóm cũng được chứng kiến nhiều điển hình các gia đình tuy đã có con nhưng vẫn mở lòng ra nhận làm con nuôi nhiều trẻ không có gia đình tự nhiên. Những hình thức nhận con nuôi này cần được hỗ trợ, không những trên bình diện văn hóa vốn thích lối này hơn cái lối dễ dãi hơn là việc làm mẹ nhờ các trợ giúp y khoa. Mà còn vì đây là lời kêu gọi các chính phủ phải lắng nghe các thỉnh cầu này và tích cực hỗ trợ bằng cách ban hành các luật lệ làm dễ việc nhận con nuôi hơn là chặn đứng nó bằng những hình thức bàn giấy ngẹt thở.

Điều quan trọng là việc làm của THĐ phải tiếp tục khẳng định rằng hôn nhân và gia đình, trước nhất, không phải là một cấp bách đạo đức, như hay thấy ở một số điểm trong bản RPD, mà trước hết, là chiều kích hữu thể và bí tích, vốn là nền tảng của chiều kích đạo đức, chứ không ngược lại.

Xem ra có một sự sợ hãi không dám phát biểu bất cứ phán đoán nào đối với một số vấn đề vốn đã trở thành các biểu thức văn hóa đương thịnh. Điều này xem ra không nhất quán với sứ mệnh tiên tri của Giáo Hội. Điều quan trọng là bản văn phải nói lên, một cách tốt nhất, vai trò tiên tri của các Mục Tử và của Cộng Đồng Kitô hữu, vì biết rõ: ta không đi tìm cái thứ dân túy (populism) dễ dãi chuyên xoa dịu và ấp ủ mọi sự, trái lại ta có trách nhiệm phải phát biểu phán đoán, dựa vào Lời Chúa. Trong bối cảnh này, những lời phán với tiên tri Êdêkien đáng được nhắc lại: “Hỡi con người, Ta đã biến ngươi thành kẻ canh gác nhà Israel; bất cứ khi nào nghe được lời miệng Ta nói ra, ngươi phải đem đến cho chúng lời cảnh cáo của Ta. Nếu Ta nói với kẻ ác ‘ngươi chắc chắn phải chết’ mà ngươi không chịu cảnh cáo hắn, cũng không nói để cảnh cáo hắn từ bỏ cung cách xấu xa của hắn, ngõ hầu cứu được mạng sống hắn, thì kẻ ác ấy sẽ chết trong tội lỗi của hắn; nhưng ta sẽ đòi máu hắn từ tay ngươi. Nhưng nếu ngươi cảnh cáo kẻ ác, và hắn không quay mặt khỏi sự ác của hắn hay cách sống ác của hắn, thì hắn sẽ chết trong cái ác của hắn; nhưng ngươi sẽ cứu được mạng sống ngươi” (Ed 3:17-19). Điều này trở nên hiển nhiên nhất là trước các tình huống được coi như cách phá bỏ định chế hôn nhân và gia đình vì quyền lợi cá nhân. Chỉ đưa ra một hiện tượng học đơn thuần về sự kiện xem ra không phù hợp với chức năng tiên tri của Giáo Hội.

Điều cũng tốt là một tiếng nói phê phán đối với các phát biểu của nền văn hóa đương đại do internet chuyên chở. Trong bối cảnh đào tạo, ta cần đề cao các khuyến cáo cho rằng các gia đình và các định chế cần lưu tâm đánh giá nền văn hóa mới phát sinh từ các phương tiện này, đánh giá ngôn ngữ của chúng và các hình thức tác phong từ chúng phát sinh ra. Nghĩ rằng chúng chỉ là phương tiện sẽ không giúp ta đánh giá được chân tướng nền văn hóa mới vốn là nền tảng và điều kiện của các thế hệ trẻ ngay từ những năm đầu đời. Cần phải phục hồi các liên hệ liên bản ngã và, liên quan tới nền mục vụ gia đình, cần phải đổi mới năng động tính của mối liên hệ giữa các gia đình để gia đình yếu có thể tìm thấy sức mạnh nơi một gia đình khác mạnh hơn.

3. Phúc trình của nhóm C, dưới sự phối trí của Đức TGM Angelo Massafra O.F.M.

Sự thống nhất về đề tài giữa Phiên Họp này và Phiên Họp sắp tới của THĐ cũng như tính mới mẻ của việc thay thế Phúc Trình Của Thượng Hội Đồng (Relatio Synodi) bằng các đề nghị đã dẫn Nhóm C tới chỗ đi tìm sự sáng sủa về bản chất của văn kiện sau cùng, bằng cách phát biểu điều này ngay ở đầu bản văn.

Đa số nghị phụ của Nhóm lấy làm ngạc nhiên đối với việc phổ biến công khai Bản Phúc Trình Sau Thảo Luận (RPD); các vị khác, vì biết đây là tập tục của các phiên họp trước của THĐ, nên gợi ý cho rằng nên tránh việc công bố như thế trong tương lai. Không thiếu các vị coi việc phổ biến này là tích cực, vì các vị cho rằng nó muốn cho báo chí thấy sự thẳng thắn của các nghị phụ THĐ trước khi và, nhất là, trong khi tham dự phiên họp. Thiển nghĩ điều thích hợp là nên trở lại với tập tục công bố các tham luận của từng nghị phụ.

Điều làm nhóm khó biện phân để có thể lên khuôn các đề nghị đã được thỏa thuận là việc chọn viễn tượng thích đáng đối với ngày nay, 30 năm sau THĐ trước đây về cùng một chủ đề, để công bố Tin Mừng cách mới mẻ, vừa hoàn toàn trung thành và tôn trọng nội dung của nó, vừa trung thành và tôn trọng sự tiến bộ nhất thiết mà các đề nghị này có thể đem lại cho việc truyền bá đức tin cách hiệu quả, trong hoàn cảnh có những thay đổi lớn về văn hóa, về xã hội đa dạng và về con người thời đại.

Sự khó khăn trên tiếp tục là đặc điểm của cuộc đối thoại và trao đổi ý kiến về các nội dung đa dạng của bản RPD, với 2 mẫn cảm khác nhau, tuy đều cùng do một nhiệt tâm tông đồ kích thích.

Mẫn cảm thứ nhất phát sinh từ ưu tư này: việc công bố Tin Mừng Gia Đình cách mới mẻ, qua ngôn ngữ sử dụng, qua cung giọng và việc chọn lựa chủ đề, rất có thể vô tình góp phần vào việc khiến người ta càng không chấp nhận nội dung của nó một cách trọn vẹn. Dù nhận rằng khía cạnh chuyên biệt của THĐ đặc biệt lần này là các thách đố mục vụ, Nhóm cũng vẫn tin rằng điều không thể thiếu là bản Phúc Trình phải xác nhận một cách minh nhiên tín lý về hôn nhân, gia đình và tính dục, không chao đảo đối với các phạm trù “tội lỗi”, “ngoại tình” cũng như “hồi tâm” liên quan tới các tình huống đi ngược lại Tin Mừng Gia Đình một cách khách quan. Nhóm nhấn mạnh tới sự kiện này: sử dụng các uyển ngữ (euphemisms) có thể gây hiểu lầm nơi tín hữu, nhất là làm méo mó các giải thích của một phần báo chí không chuyên môn.

Mẫn cảm thứ hai phát sinh từ niềm tin cho rằng cần phải dành ưu tiên cho “ước muốn gia đình” mà Thiên Chúa vốn gieo vào lòng người ta kể cả các tín hữu nào, vì những lý do khác nhau, không trọn vẹn sống phù hợp theo Lời Chúa Kitô. Xét vì trong số những lý do khiến người ta không sống theo Lời Chúa Kitô có việc thiếu ý thức về tội và những điều kiện hóa nặng nề của xã hội, nên Nhóm tin rằng một ngôn ngữ mới có tính khuyến khích là điều cần thiết, một ngôn ngữ, nhờ biết qui hướng những người này tới sứ điệp trọn vẹn của Tin Mừng, có khả năng vận dụng các yếu tố tích cực vốn hiện diện sẵn nơi các kinh nghiệm gia đình bất toàn. Đối với các tình huống tội lỗi khách quan, tuy không quên công bố sự thật, Nhóm vẫn xúc động trước xác tín này: Tin Mừng xót thương là thành phần không thể thiếu trong việc cấu tạo ra sự thật và, do đó, không thể bị giản lược vào việc đơn thuần chỉ cần giữ thái độ mục vụ đối với con người họ.

Bất kể hai mẫn cảm trên, Nhóm vẫn cố gắng nghiêm chỉnh biện phân hòng đưa ra những phát biểu rõ ràng được mọi người chia sẻ , biết chấp nhận các định mức của nhau, nhất là vì thiếu bản văn được đề nghị và, biết từ bỏ một số ý niệm gây tranh cãi, nhằm bảo đảm nội dung. Chứng cớ là đa số các đề nghị tu chính, từng là đối tượng tranh cãi gay gắt, đã được bỏ phiếu nhất trí, nhất là các tu chính liên quan tới phần một và phần hai của bản RPD.

Sau đây là một số biện phân của Nhóm:

Phần dẫn nhập

Khi phân tích bản văn của phần dẫn nhập, một số lớn thành viên của Nhóm nhấn mạnh rằng phải sử dụng các công thức cách nào đó giúp người ta tin chắc rằng mẫu mực gia đình duy nhất, tức mẫu mực tương hợp với tín lý của Giáo Hội, là mẫu mực xây dựng trên cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Phần thứ nhất

Nhóm cho rằng cần chỉ rõ một cách hữu hiệu và chi tiết hơn ý nghĩa văn hóa của cuộc khủng hoảng gia đình và các hậu quả chính của nó.
Nhóm bỏ phiếu nhất trí về sự tan vỡ trông thấy và đầy nguy hiểm của sợi dây nối kết giữa hôn nhân, gia đình và sự sống, vì người ta quá đề cao cá nhân; nhóm cho rằng cái khả thể tái tạo bộ ba này để thoả mãn khoái lạc cá nhân kết cục đã làm cá nhân thành yếu đuối hơn và cô đơn hơn, còn xã hội thì mỏng dòn dễ vỡ hơn vì người ta đã đánh đổ gia đình.

Tính thường hằng của lòng thèm muốn phổ quát đối với gia đình khiến ta không thể nghĩ tới việc bứng nó ra khỏi kinh nghiệm thông thường, cho dù các yếu tố khủng hoảng cho thấy rõ nhu cầu phải cổ vũ các kiểu mẫu gia đình nào biết lưu tâm tới phẩm chất của các mối liên hệ giữa vợ chồng với nhau, giữa vợ chồng với con cái, cũng như các liên hệ và hiệp lực hành động giữa các gia đình với nhau.

Trong số các khó khăn mục vụ, nhóm cho rằng phải kể đến việc thiếu hiểu biết tín lý về gia đình và thiếu sự chăm sóc đầy đủ của các cơ cấu mục vụ thường lệ đối với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đức tin vốn là phận sự của các gia đình cụ thể.

Phần thứ hai

Nhóm tin rằng như một đóng góp tổng quát cho phần này, điều cần là phải minh nhiên nhắc tới tín lý. Riêng với hai mục “Hướng nhìn lên Chúa Kitô” và “Tin Mừng Gia Đình”, cần phải minh nhiên nhắc tới một số trích đoạn của Sách Thánh và huấn quyền nhằm trình bày mẫu mực lý tưởng của hôn nhân và gia đình. Nhóm cũng đề nghị nên đặt số lại cho các mục của phần này dù không thay đổi triệt để cấu trúc của nó. Về việc sống chung và các cuộc phối hợp mới sau khi thất bại, cần thêm một số để minh nhiên và rõ ràng đề cập tới việc khuyến khích những người liên hệ này hồi tâm hướng về việc tạo lập hay tái lập gia đình, sao cho phù hợp với Tin Mừng.

Một số nội dung chuyên biệt của phần này khá khó để thảo luận, đó là a) “chìa khóa giải thích” của Lumen Gentium 8 vốn được đề nghị như một loại suy đối với các tình huống gia đình có vấn đề; b) luật tiệm tiến; c) mức độ hiệp thông với Giáo Hội của những người đang rơi vào các tình huống bất hợp lệ. Đối với nội dung a) và c), nhóm thấy việc sử dụng chúng có thể gây khó khăn cho việc đại kết; đối với nội dung b), nhóm thấy có nguy cơ thay vì luật của tiệm tiến sẽ là tính tiệm tiến của luật.

Sau khi tranh luận gay gắt, cả Nhóm, trong đó có các nghị phụ xác tín hơn ai hết về sự thiện của các ý niệm này, tin rằng tốt hơn là không nên dùng chúng trong bản văn.

Phần thứ ba

Nhóm thảo luận lâu hơn về phần này, và khá chi tiết, quanh các đề nghị dẫn tới một số thay đổi đối với kỷ luật hiện nay liên quan tới các cuộc hôn nhân thất bại. Tuy nhiên, khía cạnh đáng để ý nhất là việc Nhóm lượng giá đoạn nói rằng toàn bộ hoạt động mục vụ phải “bắt đầu trở lại từ gia đình”. Nhóm xác tín rằng Tin Mừng Gia Đình cho ta một dịp tốt đẹp nhất để công bố các nội dung chủ yếu của Tin Mừng trong thế giới ngày nay.

Nhóm cho rằng đoạn trên có một ý nghĩa đặc biệt về văn hóa mà theo Nhóm cần được suy nghĩ thêm. Thực vậy, gia đình là trường học của nhân loại, vì nó là trường dạy tình yêu trong cuộc sống và trong việc lớn mạnh của bản thân, nhờ các mối liên hệ mà hôn nhân vốn đòi hỏi nơi vợ chồng với nhau và nơi cha mẹ và con cái. Nó là trường dạy xã hội hóa, vì nó hỗ trợ con người trong việc khai triển các khả năng phục vụ xã hội của họ. Nó là nơi ấp ủ đời sống Giáo Hội, nơi dạy ta cách sống hiệp thông với Giáo Hội và trở thành các người chủ đạo tích cực trong Giáo Hội. Sau cùng, nó là trường dạy thánh hóa, trong đó, hành trình thánh thiện của vợ chồng và của con cái được diễn tiến và nuôi dưỡng; nó phải là cơ sở huấn luyện đặc biệt của ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Chính vì các lý do này, Giáo Hội công bố giá trị và vẻ đẹp của gia đình, và với việc công bố này đã hữu hiệu phục vụ một thế giới đang van nài được ánh sáng hy vọng soi chiếu.

Liên quan tới việc trên, Nhóm nhấn mạnh một số khía cạnh chuyên biệt hơn, nhằm phong phú hóa các đề nghị đã được đề ra trong bản văn: phải minh nhiên nhắc tới các phong trào về gia đình; phải có một số dành riêng cho việc nhận con nuôi; phải mời gọi các cuộc nghiên cứu về những sự hiện diện mới trong lãnh vực giáo dục; phải trở về với Tài Liệu Làm Việc khi đề cập tới các cuộc kết hợp đồng tính; phải kêu gọi các định chế phát huy các chính sách có lợi cho gia đình.

Về thay đổi kỷ luật, Nhóm nhất trí đề nghị: phải nghiên cứu để mở rộng việc thi hành Quyền Chìa Khóa (Potestas Clavium) và các điều kiện để giải quyết bằng một thủ tục pháp chế đặc biệt các vụ không đòi một phán quyết thông thường; các giám mục được yêu cầu khởi diễn một nền mục vụ có tính pháp chế thận trọng, chuẩn bị đủ các thừa tác viên, cả giáo sĩ lẫn giáo dân.

Về việc cho phép người ly dị lãnh các bí tích, đa số trong Nhóm, dựa vào nguyên tắc vừa coi Thánh Thể như là bí tích giúp người ta lớn lên trong cuộc sống Kitô hữu vừa bám chắc vào tín lý bất khả tiêu của hôn nhân, đã bỏ phiếu tán thành đề nghị cho rằng trong một số hoàn cảnh chuyên biệt và ở những lúc do đời sống Giáo Hội và đời sống gia đình xác định, có thể cho phép việc này.
à
Tuy nhiên, một số nghị phụ vẫn duy trì kỷ luật hiện thời; một số vị khác thấy rằng việc nghiên cứu về nền tảng thần học nhằm cho phép việc thay đổi trên chưa đủ chín mùi.