SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2015 VÀ HIỆN TRẠNG VIỆT NAM

I.- TÓM LƯỢC SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2015

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, mang chủ đề ‘Anh chị em hãy củng cố tâm hồn’ (Gc 5, 8), Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi nhắc ‘Mùa Chay, giờ thi ân (2 Cr 6,2), là khoảng thời gian canh tân của Giáo Hội, các cộng đoàn và của mỗi Kitô hữu’, đã viết : « Thiên Chúa chẳng đòi hỏi chúng ta điều gì mà chính Chúa trước đó đã không ban cho chúng ta. Người quan tâm đến mỗi người chúng ta, biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Chúa… Nhưng khi an mạnh và thoải mái, chúng ta thường quên những người khác, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu ».

Sự dửng dưng do thái độ thờ ơ ích kỷ mà, ngày nay, đang có chiều kích hoàn vũ như một thứ ‘hoàn cầu hóa sự dửng dưng’. Thờ ơ với tha nhân và với Thiên Chúa là một cám dỗ thực sự ngay cả đối với những Kitô hữu chúng ta. Chúa không làm ngơ thế giới này, nhưng yêu nó đến nỗi đã sai Con Mình vì ơn cứu độ cho nhân loại. Với việc Nhập Thể, cuộc sống tại thế, cái chết và sự phục sinh của Con Thiên Chúa, cánh cổng nối kết Thiên Chúa và con người, nối kết Thiên đàng và trái đất, đã mở ra một lần cho tất cả. Giáo Hội giống như cánh tay mở cánh cửa này ra, nhờ việc loan báo Lời Chúa, cử hành các bí tích và nhờ những chứng nhân đức tin được thực thi với lòng bác ái (x Gl 5,6). Nhưng thế giới có xu hướng rút vào chính mình và đóng cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đi vào trong thế giới và thế giới đi vào trong Người. Vì thế, bàn tay, là Giáo Hội, không bao giờ cảm thấy ngạc nhiên nếu bị loại trừ, đẩy lui và bị làm tổn thương. Để giúp các tín hữu khắc phục sự vô cảm, Đức Thánh Cha mời gọi toàn thể Giáo Hội ý thức rằng :

1. ‘Nếu một chi thể bị đau, thì toàn thân sẽ đau’ (1 Cr 12,26). Tình yêu Thiên Chúa giúp đập tan thái độ vô cảm nơi chúng ta được Giáo Hội trao ban qua giáo huấn và chứng tá. Kitô hữu là những người để cho Thiên Chúa dẫn đưa bằng sự tốt lành, lòng nhân ái, bằng chính Đức Kitô, để có thể trở thành những người phục vụ Thiên Chúa và người khác như Đức Kitô đã làm. Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, với nghi thức rửa chân, Phêrô không muốn Đức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng sau đó nhận ra rằng Người không chỉ muốn nêu gương mà để dạy chúng ta biết phải rửa chân cho nhau. Chỉ những ai để Người rửa chân mình thì mới có thể phục vụ người khác. Chỉ những người này mới được ‘thông dự’ với Người (Ga 13,8) và, nhờ đó, họ mới có thể phục vụ người khác.

2. ‘Em ngươi đâu’ (St 4,9). Những gì chúng ta đang nói về Giáo Hội toàn cầu hãy đem áp dụng cho đời sống các giáo xứ và cộng đoàn. Những cơ cấu này có giúp chúng ta cảm nghiệm được mình thông dự vào một thân thể không? Một thân thể lãnh nhận và chia sẻ điều Thiên Chúa muốn trao ban? Thân thể này biết chân nhận và chăm lo cho những người yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất và những chi thể kém cỏi nhất? Hay chúng ta lẫn trốn trong một tình yêu phổ phát bao trùm toàn thế giới, nhưng lại làm ngơ với Lazarô ngồi trước cánh cửa đóng kín (Lc 16,19-31)?

Để đón nhận điều Thiên Chúa trao ban cho mình và làm nó sinh hoa kết trái, chúng ta cần vượt qua biên giới Giáo Hội hữu hình bằng hai hướng :

- Thứ nhất, sự thông công với Giáo Hội trên bằng lời cầu nguyện. Khi Giáo Hội tại thế cầu nguyện, lời nguyện ấy tạo nên sự hiệp thông trong sự phục vụ lẫn nhau và sự tốt lành này bay lên trước Thiên Chúa. Cùng các thánh, chúng ta thông phần vào tình yêu đã chiến thắng được sự thờ ơ, thông dự vào công trạng và niềm vui của các thánh. Các ngài cũng tham dự vào những cuộc chiến đấu của chúng ta và vào ao ước bình an và hòa giải của chúng ta. Niềm vui của họ nơi chiến thắng của Đức Kitô Phục Sinh là sức mạnh dành cho chúng ta, giúp chúng ta chiến đấu để vượt qua sự thờ ơ và cái cứng cỏi của con tim mình.
- Thứ hai, cộng đoàn được mời gọi đi ra khỏi chính mình và dấn thân vào đời sống xã hội mà ta đang thuộc về, đặc biệt với người nghèo và những ai ở xa. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, không tự đóng trong chính mình nhưng được sai đi đến dân mọi nước. Đức Thánh Cha ao ước nơi nào Giáo Hội hiện diện, nhất là nơi giáo xứ và cộng đoàn, có những ‘đảo nhân ái nằm ngay giữa biển cả thờ ơ’.

3. ‘Hãy vững lòng!’ (Gc 5,8) – Cá nhân Kitô hữu cũng thường bị cám dỗ thờ ơ. Tin tức và hình ảnh con người bị đau khổ tràn ngập khắp nơi, và chúng ta thường cảm thấy mình bất lực để giúp đỡ họ. Chúng ta phải làm gì để không bị chi phối bởi sự sợ hãi và cảm giác thấy mình vô năng này?

Trước hết, chúng ta cần cầu nguyện trong sự hiệp thông với Giáo Hội tại thế cũng như Giáo Hội trên trời. Đừng xem thường sức mạnh do việc nhiều người hiệp ý cầu nguyện! Sáng kiến ‘Hai Mươi Bốn Giờ Dành Cho Chúa’, mà Đức Thánh Cha mời toàn Giáo Hội cùng cầu nguyện vào ngày 13-14 tháng 3.

Thứ đến, chúng ta có thể giúp đỡ bằng các công tác bác ái, đến với mọi người xa gần qua các tổ chức bác ái. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chúng ta bày tỏ sự quan tâm của ta dành cho những người khác và, qua những cử chỉ nhỏ bé nhưng cụ thể đó, cho thấy chúng ta cùng thuộc về một gia đình nhân loại.

Thứ ba, nỗi đau khổ của những người khác cũng là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của họ nhắc nhở mình nhớ đến sự mỏng dòn của cuộc sống và sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa và vào anh chị em mình. Nếu khiêm nhường cầu xin Ơn Chúa và chấp nhận những giới hạn mình, chúng ta sẽ tin tưởng vào những khả thể vô hạn nơi tình yêu Chúa. Chúng ta có thể sẽ kháng cự lại cơn cám dỗ hiểm độc bằng sức mình, cứu độ thế giới và chính mình.

Để có thể vượt qua sự thờ ơ và sự tự phụ cho mình là đã đủ, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người hãy sống mùa Chay này như một cơ hội để dấn thân vào điều mà Đức Biển Đức XVI gọi là sự huấn luyện con tim (x. Deus Caritas Est, 31). Một trái tim nhân từ không là trái tim yếu ớt. Ai muốn nên nhân từ phải có một trái tim mạnh mẽ và kiên định, đóng lại trước những cám dỗ và mở ra với Thiên Chúa. Một trái tim để Thần Khí xuyên qua và mang tình yêu đến tha nhân khắp nơi. Hơn hết, đó cũng là một trái tim thanh bần, nhận ra sự nghèo khó của mình và hiến dâng nó cho người khác cách nhưng không.

II.- HIỆN TRẠNG VIỆT NAM CỘNG SẢN.

Đặc biệt năm nay, Thứ tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay năm 2015, đã dứt đúng vào giao thừa bắt đầu Tân Niên Ất Mùi. Trong dịp này, báo Tiền Phong Online in hình ông Nông Đức Mạnh ngồi trên ngai đầu rồng nạm vàng, trong phòng khánh tiết gia đình lộng lẫy như tại cung đình vua chúa ngày xưa và mạng Dân làm báo đăng hình nội thất ông Lê Khả Phiêu, xa hoa kiêu kỳ với trống đồng cổ, cả tượng đồng ông ta, nhằm lưu danh thiên cổ. Hai cựu Tổng Bí thư Cộng đảng thời thoái trào bi đát đều lên ngôi do thời thế nhiễu loạn, để rồi vẫn ngỡ mình là vua. Tiền đâu ra ? Do tham nhủng hay bán biển và đất ? Ngoài ra, báo chí cũng in hình những những thành tích quái đản : chậu hủ tíu khổng lồ cho ngàn người ăn, cái bánh chưng nặng 7 tạ, một bánh phồng tôm vĩ đại 1,5 tạ và bánh tét dài 18 thước được các chức sắc đôỉc đảng đến ca ngợi, tán dương. Ai ‘lội’ vào chậu để đớp hủ tíu hay ăn hết những bánh này ? Cuối cùng, có thể tất cả đã mốc meo và đổ xuống cống. Một đám ‘đỉnh cao trí tuệ’ lỳ lợm và vô cảm trước sự nghèo đói của những nạn nhân do chúng gây ra. Xin mời xem ‘Những đứa trẻ ở Việt Nam ngày nay’ để so sánh tại :
https://nghiathuc.wordpress.com/2015/03/05/nhung-dua-tre-o-vn-ngay-nay/ và ‘Tết đến, người thân của các tù nhân lương tâm nghĩ gì?’
http://www.voatiengviet.com/media/video/2649934.html.

Chưa hết. Trong những ngày Tết, thời gian linh thiêng của Dân tộc, đã có đến hàng vạn vụ đánh đá, chém nhau làm cho 6.200 người phải nhập viện, hàng trăm người chết do ẩu đả và tai nạn giao thông. Một kỷ lục trong năm Cộng đảng vừa tròn 85 tuổi. Một thành tích thể hiện bản chất bạo lực đàn áp nhân dân lương thiện từ những kẻ cầm quyền cộng sản đã nhiễm sâu vào xã hội, tính hung ác và bất lương bao trùm xã hội. Đảng làm gương, đi đầu trong chà đạp nền pháp quyền và pháp luật thì người dân noi gương : dành quyền tự xử.

1. ‘Nếu một chi thể bị đau, thì toàn thân sẽ đau’. Có ba trong rất nhiều trường hợp có liên quan đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mà ‘Kitô hữu là những người để cho Thiên Chúa dẫn đưa bằng sự tốt lành, lòng nhân ái, bằng chính Đức Kitô, để có thể trở thành những người phục vụ Thiên Chúa và người khác như Đức Kitô đã làm’ không thể vô cảm với những đồng đạo dang chịu sự bất công hèn hạ của bạo quyền :

a./ Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, vì nói sự thật, nay đang sống đời Thánh hiến với nhiều ‘tế nhị’ trên Quê hương ;
b./ Giáo dân Giuse Lê Quốc Quân, Phó ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh, đang thọ án bởi tội trốn thuế ‘tưởng tượng’ mà nhiều báo chí ngoại quốc đều viết tội đó do Việt cộng buộc cho Anh vì Anh dùng nghề Luật sư để giúp những dân oan và dùng quyền Công dân để biểu tình chống Tàu cộng. Xin mời quý Giáo sĩ và đồng bào đã nghe Anh thuyết trình ngày 27.05.2011 tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài gòn, nhân dịp Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra mắt Ban Điều hành, cầu nguyện cho Anh.
c./ Như bao nhiêu cơ sở tôn giáo khác bị nhà nước sang đoạt, đầu năm nay, gần 6.000 giáo dân Công Giáo thuộc giáo xứ Dak Jak, huyện Dak Glei (Kon Tum) tập trung cầu nguyện để giữ lại ngôi nhà thờ tạm mà họ dựng lên để thờ phụng trong mấy năm qua bị nhà nước địa phương buộc phải tháo dỡ mà hạn chót là ngày 17.01.2014. Ngày 14.01.2014, biên tập viên Gia Minh (đài RFA) đã gặp Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kon Tum và Người trình bày là giáo xứ gặp những khó khăn để có nhà thờ làm nơi cầu nguyện. Cán bộ địa phương rất hiểu nhu cầu này, nhưng với thể chế luật lệ chằng chéo thì họ không làm khác được bởi vì đụng đến nồi cơm, địa vị của họ. Giáo phận làm đơn xin nhưng nhà nước cứ ở vòng lẩn quẩn ‘chưa có Nhà thờ thì chưa có linh mục, mà chưa có linh mục thì chưa có giáo xứ, mà chưa có giáo xứ thì chưa được cử linh mục làm việc’. Với cái vòng lẩn quẩn ấy thì không bao giờ giải quyết được, chỉ có đổi luật thôi vì điều này kéo dài lâu, ba-bốn chục năm rồi. Người Công Giáo đã làm hết mức : trình bày, làm đơn xin nhiều lần mà không cho thì nhu cầu người có đạo đến lúc họ không chịu đựng được nữa thì họ tự giải quyết cho họ thôi. Giống như người phụ nữ chưa đến ngày sinh thì họ trình bày từ từ, yêu cầu, đề nghị…, nhưng đến giờ sinh rồi thì không còn giờ xin phép nữa, phải sinh thôi! Thời gian ‘hẹn’ đã trôi qua, chúng tôi chưa có tin mới.

Ngoài ra, các cơ sở Dòng Mến Thánh giá Thủ thiêm, Giáo xứ Thủ thiêm và Khu vực Tỉnh Dòng La-san (Trường Lasan Taberd trước đây) thuộc Tổng Giáo phận Sài gòn đang bị đe dọa chiếm.

2. ‘Em ngươi đâu’. Đã từ ngót bốn thập niên qua, những ‘hải đảo nhân ái nằm ngay giữa biển cả thờ ơ’ đã hình thành trên Quê hương Việt Nam. Đó là những Dòng tu nam nữ đã cố gắng tiếp tục làm việc bác ái và giáo dục bất chấp sự nghi kỵ của nhà cầm quyền tự nhận xã hội chủ nghĩa để phục vụ đồng bào nghèo. Nhờ đó, các trẻ em khuyết tật hay mồ côi được nuôi nấng và dạy dỗ bởi nữ tu các Dòng. Các Dòng này phải nhờ sự trợ giúp từ Nhà Mẹ ở Rôma hay những người hảo tâm ngoại quốc trong việc xây dựng trường lẫn kinh phí điều hành và tạo dịp để đôi bên cầu nguyện cho nhau… Thời gian trôi qua, chế độ độc tài công an trị ngày càng tàn bạo đối với những dân oan (người bị cướp nhà đất) và đồng bào chống Tàu cộng xâm lược, thi hành Ơn Gọi noi gương Chúa Cứu thế, các tu sĩ Dòng này đồng hành với những người bị áp bức : https://www.youtube.com/watch?v=zE-piJ5_UKI .

Ngày 28.04.2014, Dòng Chúa Cứu thế Sài gòn cùng các tôn giáo bạn tổ chức bửa ăn để mời 421 thương phế binh Quân đội Việt Nam Cộng hòa và tặng quà tri ân. Ngày 30.04.1975, những thương binh đang điều trị tại các quân y viện đã bị đuổi thật tàn ác ra các nơi này. Đầu năm nay 12.01.2015, ngày Tri ân đã diễn ra để tiếp đón trên 1.000 thương phế binh đến để được bác sĩ khám bệnh, nhận thuốc cùng tiền để trị bịnh và chung vui trong bửa ăn có văn nghệ hát cho nhau nghe. Hội đồng Liên tôn Việt Nam (dĩ nhiên, phi quốc doanh) tổ chức dịp này tại Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu thế Sài gòn, với sự trợ giúp của các ân nhân và hơn 50 anh chị em tình nguyện viên thuộc các nhóm khác nhau tham gia việc tiếp đón, hướng dẫn.

Rất tiếc, những sinh hoạt tri ân và bác ái này đã bị sự chỉ trích bởi những người đồng đạo, kể cả những giáo sĩ biết giáo huấn xã hội Công Giáo, là làm chính trị. Để giúp chúng ta hiểu rõ : tại sao các tu sĩ Dòng Chúa Cứu thế đã hành động như vậy, xin mời nghe lời giảng của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toàn tại : https://www.youtube.com/watch?v=zN18OezFI2g


3. ‘Hãy vững lòng!’. Ngày 22.01.2002, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân dịp Ad limina 2002. Mở đầu, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa nói: « Việt Nam là quốc gia đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế quốc doanh chuyển sang kinh tế thị trường, từ chủ thuyết cô lập tiến vào việc hội nhập với cộng đồng thế giới tự do. Thế nhưng, trong tiến trình đổi mới nầy Giáo Hội vẫn còn chưa được hưởng tất cả những tự do cần thiết ».

Từ đó đến nay, 13 năm đã trôi qua, hai Đức Thánh Cha Biển Đức 16 và Phanxicô đã 5 lần tiếp các lãnh đạo cao cấp Việt cộng, trong đó 2 lần với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình trạng ‘Giáo Hội vẫn còn chưa được hưởng tất cả những tự do cần thiết’ vẫn không thay đổi.

Trong Huấn từ trao cho các Đức Giám Mục Việt Nam, Thánh Giáo hoàng viết : « … cộng đồng chánh trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu ‘cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau’. Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy’, Giáo Hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng… ».

Ngày 27.06.2009, cũng nhân dịp Ad limina, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 nói với 29 Giám mục Việt Nam: « Cũng như tôi, Anh Em biết rằng một sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể. Về vấn đề này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng. Giáo Hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân. Khi tích cực tham dự vào chỗ đứng của mình và theo ơn gọi đặc thù, Giáo Hội không bao giờ có thể châm chước cho mình việc thực thi Bác ái trong tư cách là một hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và mặt khác, sẽ không bao giờ có một tình trạng trong đó người ta không cần lòng Bác ái của mỗi Kitô hữu, vì con người, ngoài sự công bằng, vẫn luôn cần tình thương (Deus caritas est, số 29) ».

Hai lĩnh vực mà việc thực thi Bác ái giữ một vai trò quan trọng là Giáo dục và Y tế vẫn luôn bị Nhà nước cộâng sản từ chối sự cộng tác của Giáo Hội Công Giáo trong khi tư nhân ngoại quốc được quyền thiết lập những bịnh viện và học viện với giá cả rất đắc. Nhưng giá cả cao không có nghĩa là kết quả lúc nào cũng tốt. Bách khoa toàn thư Wikipedia ghi nhận : « Các giáo sĩ khác như Da Coxta, Langerloi đã mang vào Đàng Trong phương pháp chữa bệnh theo lối Tây y nên được chúa cho mở nhà thương (bệnh viện). Tại Thăng Long - Kẻ Chợ, khi giáo sĩ Đắc Lộ truyền giáo đến đây cũng đã thiết lập một nhà thương chữa bệnh cho người nghèo ở Cầu Dền. Đây là những cơ sở từ thiện và chữa bệnh theo lối Tây y sớm nhất ở Việt Nam ». Khi chiếm Miền Bắc năm 1954 và Miền Nam năm 1975, họ đã tiếp thu nhiều bịnh viện trang bị dụng cụ tân tiến của các Dòng tu.

Về giáo dục, người ta lo ngại hệ thống các trường Công Giáo dạy Sự Thật và sẽ từ chối trừng phạt những học sinh, sinh viên đòi dân chủ hay biểu tình chống Tàu vì xảy ra ngoài phạm vi học đường. Trước năm 1975, các trường tư thục Công Giáo nổi tiếng như những trường thuộc Tỉng dòng Lasan Việt Nam (Taberd Sàigòn, Mossard Thủ đức, Giuse Mỹ tho, Adran Đà lạt, Pellerin Huế,…) dành cho nam sinh; Couvent des Oiseaux, Regina Pacis (Nữ vương Hòa bình), và Regina Mundi (Nữ vương Thế giới) dành cho nữ sinh. Tổng cộng Giáo Hội Công Giáo sở hữu 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học.

Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo còn điều hành hai Viện Đại học :
- Đà Lạt (1957) với 4 phân khoa: Chính trị Kinh doanh, Khoa học, Sư phạm,
Thần học và Văn khoa. Từ năm 1957 đến 1975, đào tạo 26.551 người.
- Minh Đức Sàigòn (1972) với 5 phân khoa: Kỹ thuật Canh nông, Khoa học Kỹ thuật, Kinh tế Thương mại, Nhân văn Nghệ thuật, và Y khoa.

Trong khi chờ đợi Nhà nước cộng sản từ bỏ sự kỳ thị đối với người Công Giáo, chúng ta hãy noi gương Đức Hồng Y Tôi tớ Chúa P.X. Nguyễn Văn Thuận dạy lại những gì mình biết hay thuật lại những sinh hoạt dân chủ nước ngoài mà chúng ta thấy cho những ai muốn thấu hiểu… Đến và đối thoại với người khác (Đức Hồng Y, nhờ đối thoại với những quản tù, đã giải trừ sự vô cảm nơi họ) là phương tiện để chúng ta không dửng dưng với người khác.

Hà Minh Thảo