Làng Nổi Chong Kneas thuộc tỉnh Siem Reap là nơi có đông đảo đồng bào người Việt chúng ta sinh sống. Họ không có thẻ khai sinh, không căn cước, không sổ hộ chiếu, không an sinh xã hội.

Với những khó khăn như thế, họ sinh sống ra sao ra sao trên đất nước này? Đó là chủ đề của bài phóng sự hôm nay của chúng tôi.

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Lan Vy xin trân trọng giới thiệu với quý vị và anh chị em linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây người đã ghé năm nơi “Chúa cũng ngậm ngùi” này.

Chúng con được biết, cha đã ghé vào sinh hoạt mục vụ với người dân Làng Nổi bên Campuchia. Xin cha cho chúng con biết sơ qua về Làng Nổi và nguyên nhân nào đã dẫn đến sự hình thành ngôi Làng Nổi.

Lm. Nguyễn Trung Tây: Kính chào Lan Vy và quý khán thính giả của Việt Catholic. Lời chào đầu tiên xin gửi tới Lan Vy và quý khán thính giả của ViệtCatholic lời chào Bình An trong Đức Kitô.

Vâng, tôi đoán chúng ta ai cũng đã có lần nghe qua địa danh Siem Reap của vương quốc Campuchia. Siem Reap có Đền Angkor Wat nổi tiếng một vùng. Nhưng tỉnh Siem Reap còn có một địa danh du lịch khác, cũng không kém phần hấp dẫn mà nhiều văn phòng du lịch Vương Quốc Campuchia thường nhắc tới tên, tôi muốn nói tới Làng Nổi Chong Kneas. Nhưng phải thành thật mà nói, trong khi Đền thờ Angkor Wat nổi tiếng với chiều dài lịch sử và lâu đài hoành tráng, Làng Nổi thì ngược lại nổi tiếng với nét đặc thù bấp bênh trên sóng nước và ngay cả cái nét bần hàn cơ cực của riêng mình.

Làng Nổi Chong Kneas, như cái tên gọi, là ngôi làng đã thành hình bởi nhiều thuyền gỗ trên Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Làng Nổi trên bản đồ Biển Hồ tương đối khá phức tạp. Dựa vào những điều tôi đã học hỏi được từ sách vở, truyền thông, người dân địa phương, và những nhà truyền giáo Dòng Tên đang chăm sóc đời sống mục vụ tại Làng Nổi, nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của Làng Nổi bắt nguồn từ những ngày đầu tiên của năm 1900, khi những người Việt Nam thời đó vượt biên giới qua sinh sống tại quốc gia láng giềng Campuchia. Sau một khoảng thời gian sinh sống trên vùng đất mới, người di dân lập gia đình với người Việt Nam; dòng thời gian trôi qua, hai thế hệ di dân đã được sinh ra trên vùng đất mới. Mặc dù đại đa số người dân Làng Nổi là con cháu của di dân của đầu thế kỷ 20, họ sinh ra tại Vương Quốc Campuchia, nhưng họ vẫn không được cấp giấy chứng nhận quốc tịch Campuchia, có lẽ bởi họ bị liệt kê vào danh sách di dân bất hợp pháp. Sống tại bất cứ một quốc gia nào trên thế giới với không thẻ khai sinh, không căn cước, không sổ hộ chiếu, độc giả có thể hình dung ra được những khó khăn và thiệt thòi mà người không quốc tịch phải đối diện. Tại Campuchia, người không quốc tịch và con cái không được ghi danh đi học, bệnh viện cũng từ chối ngay cả khi họ gặp trường hợp cấp cứu hay đau nặng, không quốc tịch cũng đồng nghĩa với không trợ cấp an sinh xã hội, quyền căn bản mà người dân bình thường nào cũng được hưởng. Khi bị từ chối tất cả những quyền căn bản của con người, nghèo túng và đời sống bần hàn là những điều người dân không quốc tịch và con cái của họ cuối cùng phải đối diện. Sau cùng những người dân không thuộc về bất cứ một quốc gia nào quay mặt ra Biển Hồ tìm kiếm những mảng thuyền gỗ. Trên những chiếc thuyền nhỏ bé này họ xây dựng nhà cửa, một nơi trú ngụ cho mình và con cái. Nhiều thuyền ghép chung sát cận lại với nhau tạo nên địa danh nổi tiếng Làng Nổi Chong Kneas của tỉnh Siem Reap.

Vâng, như Lan Vy vừa nói, đã có hai lần tôi ghé vào Làng Nổi Chong Kneas. Hành trình sinh hoạt với dân làng chỉ vỏn vẹn ba ngày ngắn ngủi nhưng lại trở thành một kỷ niệm hạnh phúc và một kinh nghiệm đổi đời. Sau khi tôi đặt chân lên sàn gỗ và sau những thăm hỏi, Ông Trùm của làng chở tôi trên chiếc thuyền gỗ nhỏ ghé vào thăm hỏi mục vụ từng gia đình. Sau hai mươi phút bập bềnh trên sóng nước mênh mông Biển Hồ, thuyền cặp vào bến gỗ căn nhà nổi đầu tiên, sau đó nhà nổi thứ hai, và rồi cứ thế, từng căn nhà. Tôi đã ngồi ngay trên sàn gỗ của cư dân làng nổi để thăm hỏi, để lắng nghe tâm sự và cùng với dân làng dâng lên thiên đàng những lời kinh cầu bình an và sức khỏe.

Lan Vy: Cha có dịp nào dâng thánh lễ cho người dân Làng Nổi hay không, thưa cha?

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng, cùng ngày hôm đó, khi mặt trời đổ nghiêng về hướng tây, Ông Trùm và dân làng gợi ý với tôi cử hành Thánh Lễ cầu bình an cho Làng Nổi. 6 giờ chiều, tôi nhớ, mặt trời nhiệt đới đỏ ối dần dần khuất dạng nơi cuối đường chân trời. Trời chiều Biển Hồ rộn ràng gió trời kéo tới cuốn trôi bầu không khí nóng hừng hực lửa của vùng xích đạo, gió trời cuồn cuộn nổi lên thổi tươi mát mặt người và mặt biển; khi đó cũng là giây phút những người dân làng, nam nữ, già trẻ, trên những con thuyền gỗ nhanh nhanh tấp vào bến của Nhà Thờ Làng Nổi.

Như chỉ đợi chờ giây phút đó, Nhà Thờ Làng Nổi bình thường yên lặng giờ đây vang vang tiếng nói tiếng cười, tiếng bước chân nhanh nhanh, tiếng trẻ em chạy nhảy, tiếng ca đoàn dã chiến hát thử những nốt nhạc, tiếng nổ tanh tách của nến đỏ đốt sáng bàn thờ, và tiếng chuông gõ báo hiệu giờ kinh bắt đầu. Nốt nhạc và lời ca đầu tiên của bài thánh ca rộn ràng vang lên, trong khi tôi lạ lùng bước lên cung thánh với những bước chân trần, không giầy không dép. Nguyện đường đơn sơ trên thuyền gỗ được thắp sáng với ngọn đèn vàng đục, điện phát ra từ một máy điện nhỏ chạy dầu. Ánh đèn chập chờn khi sáng khi tỏ khiến tôi nhiều khi phải nhíu mày, cúi sát trang kinh bởi không nhìn thấy chữ. Trong khi thánh lễ đang cử hành, từng quân đoàn muỗi rừng từ lùm cây bụi cỏ ồn ào kéo tới. Tương tự như ruồi sa mạc Úc Châu, những người khách không mời mà tới thản nhiên bay vào xôn xao chật kín một khoảng trời nhỏ của ngôi thánh đường; muỗi độc hớn hở liều lĩnh hạ cánh xuyên nhọn kim sắc, chích, đốt, cháy bỏng sưng u chù vù những khoảng thịt da!

Hội ngộ dưới những điều kiện thiếu thốn và khắc nghiệt, mọi người kể cả tôi với chân trần ngồi dưới sàn nhà vẫn rộn ràng lời kinh; lời kinh cầu bình an và sức khỏe cho toàn thể người dân Làng Nổi; lời kinh cầu một ngày xin ba bữa cơm vừa đủ vun đầy miệng chén, lời kinh bay cao tới thiên đàng cho những người dân trong làng đang vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo đặc biệt bệnh ung thư; lời kinh cầu cho dân làng sống tròn phẩm giá trong khi đối diện với thử thách và khó khăn trong hoàn cảnh khắc nghiệt của một kiếp lênh đênh phận người.

Sau khi những nốt nhạc của bài thánh ca cuối cùng vừa chấm dứt ngân vang cung điệu, Ông Trùm mở gói kẹo phát cho thiếu nhi, riêng người lớn là những ly trà nóng thơm ngát mật ong. Đó là tất cả những gì Nhà Thờ Làng Nổi tối hôm đó có trong tay để gửi tặng dân làng, nhưng thế cũng đủ để tạo ra niềm vui xôn xao và tiếng cười rộn ràng trên mặt Biển Hồ tối khuya hôm đó. Thanh niên và phụ nữ rạng rỡ nụ cười bởi lâu lắm rồi, họ không có cơ hội quây quần chung nhau dâng cao lên tới thiên đàng lời kinh cầu bình an và sức khỏe. Tối nay giấc mơ, có thể là bình thường với nhiều người trên thế giới, đã trở thành một hiện thực tại Làng Nổi. Trẻ em vui mừng, bởi mấy khi các em có kẹo ngọt đậm đà trên đầu lưỡi. Và riêng tôi, hồn trần xôn xao rộn ràng, bởi dân Làng Nổi đã tạo cơ hội để nhà truyền giáo sa mạc Úc Châu thêm một lần nữa cảm nghiệm sâu xa ơn gọi tu sĩ của riêng mình. Tối hôm đó, tôi cười tươi thật thà uống chung trà nóng với người lớn, hớn hở rộn ràng nhai cục kẹo thơm với trẻ thơ. Tiếng cười rộn vang khắp nơi trong một khoảng không gian nhỏ bé ngôi thánh đường. Dư âm của tiếng cười đêm hôm đó vẫn còn vang dội trong hồn tôi khi đang ngồi viết những dòng chữ về Làng Nổi.

Lan Vy: Riêng về ngôi trường học của Làng Nổi, xin cha cho chúng con biết sơ qua về sinh hoạt của mấy em.

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng, sáng hôm sau và hai ngày còn lại, tôi gặp gỡ và sinh hoạt với các em học sinh Trường Tiểu học Làng Nổi, ngôi trường được dựng trên một chiếc thuyền lớn, cạnh ngay Nhà Thờ.

Một em học sinh với chân trần trên con thuyền gỗ tới trường học. Nhà thờ Làng Nổi với cây thánh giá cao trên đỉnh, phía bên phải của trường tiểu học.

Học sinh Làng Nổi (vào thời gian tôi có mặt) tổng số trên 50 em, chia đều từ Lớp Một tới Lớp Năm. Trường Tiểu học Làng Nổi do nhà thờ Công Giáo điều hành và phụ trách. Nhà thờ trả lương cho một ông thầy Việt Nam, cũng là cư dân làng, phụ trách cả năm lớp học từ thứ Hai cho tới thứ Sáu, mỗi ngày từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều.

Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn rất nhiều học sinh bị sún răng, kể cả răng sữa và răng người lớn. Khi ngồi sát các em, tôi nhận ra do kém vệ sinh nhiều em học sinh bị ghẻ ngứa. Trong ngày, nhiều du khách đã dừng thuyền du lịch lại, ghé vào thăm học sinh. Thông thường du khách tặng các em mì gói; nhiều em học sinh đã mở mì gói ăn ngay tại chỗ. Trong nhiều trường hợp, gói mì do du khách tặng đã trở thành phần ăn trưa của học sinh.

Lan Vy: Là một trường học mang nét đặc thù Làng Nổi, thưa cha, các em sinh hoạt giờ ra chơi như thế nào?

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng, học sinh Làng Nổi cũng có giờ ra chơi. Trong khi một số em dùng giờ chơi làm giờ học bài, các em còn lại bày trò chơi, chơi chung với nhau.

Làm bài tập trong giờ chơi. Độc giả có thể nhận ra mầu nước đục ngầu của Biển Hồ và đôi chân không dép của cả hai em học sinh.

Ba trò chơi các em chơi nhiều nhất trong giờ ra chơi là Rồng Rắn Lên Mây, Bắn Dây Thung, và Năm Mười.

Chơi Rồng Rắn Lên Mây, các em đặt tay lên vai nhau tạo thành một vòng tròn. Các em vừa đi vừa đọc to câu vè, “Rồng rắn lên mây. Có cây lúc lắc. Có nhà hiển vinh… Thầy thuốc có nhà hay không?” Chỉ đợi có thế, các em chạy tán loạn ra khắp bốn hướng. Em chậm chân còn sót lại sau cùng đứng giữa sàn nhà, theo luật, bị loại ra khỏi trò chơi.

Trong khi một số em chơi Rồng Rắn, một nhóm khác chơi Dây Thung. Mỗi em tự động góp hai hay ba sợi thung vào quỹ chung. Sau đó các em bắt đầu từng cặp Oẳn Tù Tì. Em nào thua bị loại tại chỗ. Em cuối cùng là người thắng, được hưởng tất cả những sợi thung trong quỹ. Có em dùng phấn vẽ hình vuông trên sàn nhà chơi Bắn Dây Thung. Dùng đầu ngón tay (trỏ/giữa/út) các em bắn nhuần nhuyễn từng sợi dây thung vào bên trong ô vuông. Em nào bắn được hết tất cả các sợi thung vào trong khung hình, những sợi thung trong ô vuông thuộc về em.

Sau khi chơi chán Rồng Rắn và Dây Thung, các em tụ lại với nhau chơi Năm Mười. Một em nhắm mắt lại bắt đầu đếm 1 tới 10, trong khi đó các em còn lại chạy tán loạn nấp trốn trong xó kẹt. Tôi cũng được mời tham dự chơi Năm Mười với các em. Một kỷ niệm khó quên! Nhìn các em chơi, tôi cũng háo hức vui theo.

Lan Vy: Cha có nhận xét riêng nào về học sinh Làng Nổi hay không, thưa cha?

Lm. Nguyễn Trung Tây: Học sinh tiểu học Làng Nổi lễ phép, gặp người lạ, các em tới gần vòng tay cúi đầu chào; các em tươi vui, ăn được một cục kẹo hoặc một sợi dây thung, em tươi ngay nét mặt; nhưng các em cũng rất hảo, em thua không còn một sợi thun để chơi, em chìa tay ra xin, em thắng cho ngay, cho hết, cho không tiếc nuối; trong giờ học, các em im lặng chăm chú nghe thầy giảng bài; tới giờ chơi, các em chơi chung với nhau, nhưng cũng biết nhường nhịn, không tranh cãi. Điểm đặc biệt gây nhiều ấn tượng nhất là học sinh Làng Nổi tươi vui, thân thiện, hay nhoẻn miệng cười.

Lan Vy: Sinh hoạt với giáo dân và học sinh Làng Nổi như vậy, con nghĩ một nhà truyền giáo Ngôi Lời như cha chắc cũng cảm nhận được nhiều điều về đời sống…

Lm. Nguyễn Trung Tây: Vâng! Tôi chia sẻ với bạn nơi vùng sa mạc Úc Châu và tại Mỹ, “Ai dám nói, mặc dù đối diện với khó khăn trong cuộc sống thường nhật, dân làng và học sinh của Làng Nổi không có hạnh phúc?” Vâng, đúng vậy, riêng bản thân tôi, mặc dù có gần như tất cả, có rất nhiều, nhưng vẫn chưa bao giờ cảm nghiệm được niềm vui như người dân và học sinh Trường Tiểu học Làng Nổi. Đời sống dân làng đơn giản nhưng niềm vui tràn trề!

Tôi nhớ có một lần trên con đường truyền giáo, Đức Giêsu gặp người thanh niên trẻ tuổi. Gặp Đức Giêsu, anh chàng tiến đến hỏi, “Thưa Thầy, làm sao để con sống hạnh phúc?” Đức Giêsu khuyên bảo người tuổi trẻ hãy quay về nhà, bán tất cả tài sản, lấy số tiền đó ban tặng cho người nghèo, sau đó quay lại nhập vào môn phái bình bát của Ngài. Nghe nói thế, người tuổi trẻ xa xầm khuôn mặt. Chàng tuổi trẻ bỏ đi không nói thêm một lời. Theo như câu chuyện, người tuổi trẻ là một người giàu có.

Ba năm một lần, thông thường tháng 12, tôi quay về Mỹ cho một lần nghỉ phép! Thật là ngạc nhiên, tại Mỹ, quốc gia tân tiến thượng thặng của quả địa cầu, tôi gặp nhiều khuôn mặt đăm chiêu lo lắng. Kể từ giây phút đặt chân xuống phi trường San Francisco, tôi đã nghe rất nhiều tâm sự buồn liên quan tới đời sống siêu xa lộ của Mỹ. Niềm vui và tiếng cười trống vắng trên khuôn mặt của nhiều cư dân Hoa Kỳ, Mỹ cũng như Việt. Chỉ tới khi đặt chân lên sàn gỗ của Làng Nổi Chong Kneas, nơi nổi tiếng với cái nghèo hàn cơ cực, tôi mới gặp lại tiếng cười dòn tan và khuôn mặt rạng rỡ. Khi đó tôi mới cảm nghiệm được niềm vui đơn giản và bình dị của những người dân, những người, theo định nghĩa, đang sống trôi nổi theo dòng nước bấp bênh Biển Hồ Tonle Sap. Nghèo nàn, nhưng người dân Làng Nổi lại nổi bật với những nét vui tươi, yêu đời, tha thiết gắn bó với cuộc sống.

Vâng! Nghĩ cho cùng, vật chất rõ ràng không phải là yếu tố duy nhất để quyết định hạnh phúc. Có một thứ gì đó lớn hơn rất nhiều…!?