TIẾNG THÉT TỪ THÂN THỂ CỦA EM BÉ AYLAN

CN 23 TN (B 2015)

Trong những ngày vừa qua, một bức ảnh hình cậu bé Aylan nằm chết trên bải biển thành phố du lịch Bodrum của Thỗ Nhĩ Kỳ mà nữ Nhiếp ảnh viên kiêm ký giả Nilufer Demir đã chụp được và đưa lên mạng đã làm cả thế giới bàng hoàng và tiếc thương. Đây chính là cái kết thương tâm cuộc hành trình di cư của gia đình bé Aylan gồm ba mẹ và một anh trai 5 tuôi, từ Syria sang Hy Lạp để hy vọng tìm được một “đất hứa thiên đàng” khỏi cảnh bom đạn chiến tranh điêu tàn nơi quê hương bổn xứ. Thế nhưng, đường đi đã không đến. Con tàu mang họ và nhiều người di cư bị chìm giữa khơi. Mẹ, anh trai và Aylan bị dòng nước cuốn trôi và xô dạt vào bải biển thị trấn Bodrum của Thỗ Nhĩ Kỳ….

Khi người ta phỏng vấn nữ nhiếp ảnh tác giả bức hình nầy có nhận xét gì khi chụp hình em bé, cô ta nói rằng : “Đây là tiếng thét vang lên từ thân thể của em”.

Quả thật, từ “tiếng thét thương tâm” nầy đã đánh động lương tâm các nhà lảnh đạo Phương Tây và các nước Âu Châu đang duyệt xét lại chính sách về di cư và tị nạn…

Trong một thế giới vô cảm và điếc lác trước những bất công và phẩm giá con người bị chà đạp, trước hàng hàng lớp lớp người nghèo bị bỏ rơi, trước bao nhiêu cuộc đời vô tội bị chết oan hay thương tật một đời bởi bom đạn chiến tranh, trước bao nhiêu đoàn người di cư vật vờ trên biển cả bị xua đuổi khước từ không nơi tiếp nhận, để cuối cùng bị chết chìm giữa đại dương bao la trong nổi thất vọng ai oán … thi cần phải có những “tiếng thét” như “tiếng thét từ thân thể cậu bé Aylan” để thức tỉnh thế giới, để đánh động lương tâm con người.

Sứ điệp Phụng Vụ hôm nay cũng vang lên một tiếng thét, một lời khẩn nguyện của Đấng Thiên Chúa làm người : Tiếng thét, tiếng nguyện cầu “EP-PHE-TA – HÃY MỞ RA” để làm cho đôi tai điếc lác được mở ra và môi miệng câm nín vang lên tiếng nói.

Vâng, thế giới hôm nay đang cần thiết biết bao những ngón tay uy hùng mạnh mẽ của Thiên Chúa qua chính con cái của Ngài, Giáo Hội của Ngài để nhiều người có thể “mở tai ra” mà lắng nghe được tiếng hát của niềm hy vọng, của Tin Mừng, của một thế giới mới được cứu độ trong công bình và chân lý, trong sự sống và niềm vui như dự báo ngày nào của sứ ngôn Isa-i-a mà chúng ta vừa nghe trong BĐ 1 :

“Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu…”.

Những gì chỉ có trong ước mơ và dự báo của một thời Cựu ước, thì lại được hiện thực nơi chính Đức Kitô, Người Thợ Mộc vô danh đến từ Na-da-rét.

Tin Mừng Thánh Mát-cô hôm nay tường thuật rằng : chính Đức Giêsu-Kitô, Đấng đến dùng bàn tay uy quyền “đụng chạm” vào thân phận bệnh hoạn tật nguyện, điếc lác, câm nín của một người để họ được “phục hồi chức năng” mà tiếp tục cuộc đời trong yên vui hạnh phúc. Dĩ nhiên, cũng như bao nhiêu ‘dấu lạ chữa lành” khác, dấu lạ nầy của Đức Ki-tô muốn xác định rằng : Ngài đến để chữa lành mỗi người trong chúng ta, phục hồi thân phận tội lỗi đuôi mù, câm điếc của linh hồn chúng ta cho trở nên con cái của tự do và ân sủng, con cái của của một dân tộc mới biết mở tai để nghe Lời Thiên Chúa và mở miệng để tuyên xưng và cao rao tình yêu của Ngài…

Tuy nhiên, để hiểu được tất cả dụng ý của sứ điệp Tin Mừng hôm nay khi muốn chuyển tải nội dung ý nghĩa của dấu lạ chữa lành người câm điếc nầy, chúng ta cần lưu ý những chi tiết sau đây :

- Đức Giê-su bỏ vùng Tia, qua ngả Xi-đon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập tỉnh : Một loạt địa danh nầy đã nói lên tất cả mọi miền của thế giới chúng ta hôm nay, nhất là những vùng miền đang cần được ánh sáng Tn Mừng soi chiếu mà ĐTC Phanxicô gọi tên là “những vùng rìa của thế giới”.

- Người ta đem đến một người vừa câm vừa điếc tới Chúa Giêsu và xin đặt tay trên anh : Có biết bao nhiêu người đang cần bàn tay cứu giúp của chúng ta, của Hội Thánh, của những người chung quanh…để mang họ đến với Chúa. Chính vì thế, công cuộc truyền giáo, loan Tin Mừng, hoạt động bác ái…của Hội Thánh chưa bao giờ vô ích và lỗi thời. Cuộc sống đức tin đúng nghĩa luôn là hành vi kiểm điểm mỗi ngày thái độ và cung cách ứng xử của chúng ta đối với anh chị em chung quanh. Tôi đã mang người nào đến với Chúa chưa ? Hay tôi đang bỏ mặc biết bao anh chị em tôi đang sống vất vưởng, đang đói khổ tật nguyền, đang thất vọng đắng cay, đang bị chà đạp bóc lột bên vệ đường cuộc sống, như nạn nhân trên muôn vạn con đường Samari nào đó ?

- Ngài “kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông” : Sự hoạt động của ân thánh, đường đi của ơn cứu độ luôn phải được diễn ra như thế trong tâm hồn của mỗi người ; và muốn tái tạo thế giới nầy, trước hết, hãy khởi đi từ cuộc gặp gỡ “tay đôi” với Đấng là Mục tử nhân lành. Tất cả phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất, điểm cơ bản nhất đó chính là mối quan hệ giữa tôi và Chúa Giêsu.

- Ngài “đặt ngón tay vào lỗ tai anh” : Khi con người không còn khả năng để lắng nghe thì Thiên Chúa phải áp dụng biện pháp mạnh chứ sao ! Như thánh Augustinô đã từng cảm nhận trong tác phẩm “Tự Thuật” của Ngài : “Chúa gọi con, Chúa la to, và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng, Chúa chiếu tỏa và đã xua tan sự mù lòa của con !”. Ngày nay, Hội Thánh vẫn tiếp nối bàn tay của Chúa qua các cử hành Bí Tích để trực tiếp đụng chạm đến mỗi người chúng ta.

- Ngài “nhỗ nước miếng và bôi vào lưỡi anh” : Thiên Chúa quyền năng như thế, nhưng cũng phải tận dụng mọi phương thế nhân loại. Ngài đi trên con đường của nhân loại mà. Ngài cứu chúng ta cũng bằng chính thân xác nhân loại của người mà ! Như thế, việc Ngài dùng nước miếng con người để chữa lành cái môi miệng câm nín của con người thì có gì lạ đâu ? Bởi sau đó, chính Ngài cũng lấy chính Thịt Máu Ngài làm bánh hằng Sống nuôi dưỡng chúng ta kia mà !

- “Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha…” : Có phải đó là một lời bùa chú không ? Không. Đức Kitô thi hành nghĩa vụ cứu thế trong quyền năng của Chúa Thánh Linh. Chính Ngài luôn cầu nguyện trước mỗi một hành vi quan trọng của cuộc đời cứu thế để chứng tỏ Ngài luôn thuộc về Thiên Chúa Cha, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần.

Như thế, chúng ta vừa nhận được một sứ điệp đặc biệt của Lời Chúa hôm nay :

- Tội lỗi có thể biến chúng ta thành những con người điếc lác thiêng liêng và câm nín trước Thiên Chúa và con người, khi chúng ta không còn biết lắng nghe tiếng nói của sự thật, lẽ phải, công lý và tình người ; khi chúng ta đóng kín mọi mối hiệp thông với anh chị em chung quanh bằng một cái tai điếc lác kiêu căng, tự ái, chỉ biết nhắm mắt tuân theo những mệnh lệnh của bản năng và dục vọng ; khi chúng ta thay vì dùng miệng lưởi để cao rao tình thương và quyền năng Thiên Chúa, để nói lời chân lý, để chung xây hòa bình…thì lại tung ra những tiếng nói giận hờn, chua chát, ghét ghen, hằn học, kết án bất công, dèm pha, chữi rũa hoặc im thin thít trước những hoàn cảnh cần phải lên tiếng như : bênh vực cho sự thật công lý, tranh đấu cho lẽ phải, công bằng, làm chứng cho đạo đức, và những giá trị nhân bản đích thực….

- Và thế giới hôm nay có biết bao nhiêu người đang mang tật bệnh câm điếc như thế. Thiên Chúa yêu thương đã ra tay can thiệp. Hôm nay, Ngài vẫn can thiệp như thế qua hội Thánh, qua các bí tích, qua Lời Chúa được công bố, qua giáo huấn của hội Thánh, qua những anh chị em đang nỗ lực phục vụ con người dưới nhiều hình thức hoạt động bác ái xã hội, thăng tiên con người, nỗ lực xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống…

Nếu “tiếng thét từ thân thể của em bé Aylan” đã thức tỉnh lương tâm của bao người trên hế giới, thì tiếng thét “EP-PHA-TTA” hôm nay của Đức Ki-tô thật là cần thiết hơn bao giờ hết để thế giới tìm thấy niềm tin và hy vọng.

Và như thế, điều cần thiết nhất trong giây phút nầy, đó là chúng ta lại bắt chước nghĩa cử của dân vùng Thập Tỉnh ngày xưa đem người câm điếc đến cho Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy dâng thế giới nầy cho Chúa cùng với mọi tật bệnh câm điếc tinh thần của cộng đoàn chúng ta, của mỗi người chúng ta để xin Chúa một lần nữa chạm tay với mệnh lệnh của tình yêu và ân sủng : “Ep-pha-tha – Hãy mở ra”.. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền