CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY.C.

Thưa Qúi vị.

Bài đọc hôm nay trích từ Tin mừng thánh Luca về cuộc hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem (9,51). Câu chuyện xảy ra vào khoảng giữa cuộc hành trình ấy. Phần mở đầu mô tả Đức Giêsu quay mặt về hướng Giêrusalem. Phần tiếp theo là biến cố xảy ra trên đường vào thành thánh. Trước đó Đức Giêsu loan báo một khủng hoảng lớn sắp xảy ra và Ngài kêu gọi lòng ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa.

Câu chuyện bắt đầu bằng hai sự kiện lạnh xương sống. Sự kiện thứ nhất là việc Philatô sát hại dã man mấy người Galilêa khi họ đang dâng lễ tòan thiêu ở Giêrusalem. Xin hãy mường tượng tới giọng nói đầy khiêu khích của người kể chuyện lại cho Đức Giêsu ( Đây có lẽ là một cái bẫy giống như câu hỏi nộp thuế cho Caesar. Họ muốn Đức Giêsu nói điều chi chống lại Philatô và những quân lính người La- mã). Sự kiện thứ hai là tại nạn gây chết chóc. Tháp Silôê vừa tự dưng đổ xuống giết chết 18 người. Những biến cố này gợi lên trong đầu óc người ta những câu hỏi mà hầu hết chúng ta cũng muốn hỏi khi nghe tin ai đó vô tội mà lại phải gánh chịu những tai họa khôn lường : “Tại sao họ phải chịu đau khổ đến thế ? Cái gì đã làm cho họ gặp những tai ương này ?”. Những tai họa của ngày hôm nay cũng đầy dẫy và chúng cũng gợi lên trong thâm tâm nhậy cảm những câu hỏi tương tự. Động đất ở An Độ giết chết hàng ngàn người, hàng trăm ngàn người khác không còn nhà cửa. Ở Salvador mới đây hàng loạt những đợt động đất mạnh san bằng nhiều thành phố, làng mạc, giết chết cả chục ngàn sinh mạng. Còn lại ngôi trường các trẻ em đang học cũng bị sụp đổ xóa sổ các em khỏi mặt đất. Một tài xế xe vận tải đâm vào chiếc xe Đaihatsu đang chở học sinh đi học về giết chết tại chỗ 6 em và sau đó nhiều em khác khi được chở đến bệnh viện. Quân lính Israel hạ sát một viên chức Palestin ngay trên đường phố. Khi tôi ngồi viết bài suy gẫm này thì những tai họa vẫn không ngừng xẩy ra trên khắp hành tinh chúng ta.

Cứ theo như quan niệm phổ thông, thì từ xưa đến nay thiên hạ vẫn coi các tai họa loại này là hình phạt Thiên Chúa gởi tới. Nhưng Đức Giêsu không nghĩ thế. Ngài cảnh cáo: “Nếu các ông không sám hối thì tất cả các ông đều chết y như vậy”. Ngài có ý muốn nói gì ?

Thứ nhất: Ngài chống lại thành kiến coi bệnh tật, nghèo đói, qủi ám, câm điếc là kết qủa của tội lỗi người ta đã phạm. Ngay cả ngày nay, tư tưởng như thế vẫn còn. Người nghèo đói, bất hạnh, ăn xin vẫn phải chịu đựng nỗi nhục bị khinh rẻ, sống ngoài lề xã hội, làng mạc, thị thành. Họ vẫn bị gán cho tiếng xấu, lười biếng, ít tham vọng,không cố gắng vươn lên, vượt khó, an phận thủ thường hay hạ đẳng về tri tuệ, màu da…Liên kết với não trạng này là khuynh hướng coi thường kẻ ăn người ở trong nhà. Ngay cả chính vợ con hay những người sống phụ thuộc mình như ông bà, cháu chắt. Nếu tiếp tục suy nghĩ như vậy, thì người nghèo đói, bất hạnh không những phải kéo lê mãi mãi cuộc sống khó khăn mà còn vĩnh viễn chịu cái ô nhục là nạn nhân của số phận “đáng kiếp”.

Thứ hai: sau khi đã phủ nhận sự liện hệ giữa các tai họa và tội lỗi, Ngài đưa ra tính đích thực của tội là không sinh hoa kết qủa như Thiên Chúa hằng trông đợi. Chúa “trồng”chúng ta trên trái đất này, ở trong Hội Thánh này, là chúng ta có trách nhiệm phải mang lại hoa trái. Nếu không là tội của chúng ta. Cây vả là biểu tượng của mỗi người tín hữu hôm nay. Chúa kêu gọi chúng ta làm môn đệ là chúng ta có bổn phận làm việc cho Chúa trong hoàn cảnh gia đình, xã hội mà mình đang sống. Dĩ nhiên, chúng ta không luôn luôn mang lại hoa trái như Chúa muốn. Nhưng nhiều môn đệ chẳng bao giờ sinh hoa kết trái, bởi vì họ hoàn toàn ích kỷ, theo đuổi những mục tiêu riêng của mình. Thế thì đối với tất cả chúng ta mùa chay này được Chúa ban thêm thời gian và cơ hội để làm lại cuộc đời, đổi thay lối sống. Không phải vô tình bài đọc tin mừng Chúa nhật này được nối kết với ơn Chúa kêu gọi Môsê thực thi chương trình Chúa giải phóng dân Israel khỏi kiếp nô lệ Ai cập.

Hội thánh chọn ba bài đọc hôm nay để cho chúng ta hay Chúa luôn luôn có ý định giải phóng loài người khỏi vòng nô lệ tội lỗi và Ngài luôn luôn đi bước trước trong tiến trình đó. Ngài không bao giờ rút tay lại, nhưng luôn giơ tay giúp đỡ chúng ta ở bất cứ thời điểm nào, thế hệ nào. Ngõ hầu chúng ta luôn được tự do mà mang lại hoa trái.

Tiếng của người thợ làm vườn là tiếng của lòng thương xót. Cây vả cần thêm thời gian để có thể sản xuất. Nhưng cây vả không thể tự thân sản xuất. Người làm vườn phải bón thêm phân,tưới thêm nước để cây vả sản xuất hoa màu. Ở điểm này tư tưởng chủ yếu của bài Tin mừng được lộ rõ. Dụ ngôn không phải hướng về quá khứ, nhưng hướng về tương lai. Nếu như mùa chay này chúng ta muốn thay đổi nếp sống cũ, hay muốn phó thác mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn vào bàn tay Chúa dẫn dắt, thì nhất định chúng ta cần đến ơn Chúa trợ giúp. Chúng ta không thể tự làm một mình. Cũng như cây vả không thể tự thân sản xuất. Tính kiêu ngạo của loài người đã từng lập bàn thờ, thờ thần tự do, thần độc lập, không thèm cậy dựa vào ai hết, kể cả Thiên Chúa. Chúng ta tưởng dồn hết mọi nỗ lực nghiến răng, mím lợi trong mùa chay này để đổi thay cuộc đời. Chúng ta bỏ thuốc lá, bỏ TV, bỏ rượu chè, bài bạc là chúng ta sẽ thành công. Không đâu. Chúng ta lầm to. Công việc đầu tiên là của người làm vườn, bước đầu tiên để thay đổi tình thế cũng là của người làm vườn. Chúng ta cần Chúa giúp đỡ mới có thể sinh hoa kết trái. Vây chúng ta đang ở giữa mùa chay, dụ ngôn của Tin mừng nhắc nhớ chúng ta Chúa rất nhân từ, Ngài luôn ở bên cạnh để chúng ta có thể đổi thay thành công.

Mùa chay là ân huệ của thời gian, của ý thức cao độ về thân phận loài người. Mùa Hội Thánh kêu mời chúng ta chăm lo đời sống thiêng liêng. Thảm họa của những người Galilêa bất hạnh và những nạn nhân của tháp Silôê nhắc nhớ chúng ta lưu ý đến tính đột xuất của cái chết mỗi người. Chúng ta tỏ lòng thương xót mỗi khi nghe bạn bè, thân thích rơi vào những thảm họa tương tự hay vào bệnh tật, tai nạn bất thường. Chúng ta phải luôn cảnh giác cho chính cuộc đời mình và bày tỏ lòng cảm tạ Thiên Chúa về sự bình an Ngài ban. Hoặc nếu chúng ta lại là người gánh chịu những tai họa đó, chúng ta sẽ đưa ra muôn vàn chữ “nếu”…Vì vậy câu chuyện tin mừng hôm nay thức tỉnh lương tâm mỗi người phải biết làm điều gì đó hữu dụng khi chúng ta còn thời gian.

Xin đừng áp dụng dụ ngôn này một cách bừa bãi, kẻo làm hại thanh danh ai đó. Nhưng nên lưu ý, cây vả chẳng thể tự mình sinh hoa trái. Nó cần đến người làm vườn. Trong thánh lễ hôm nay, có rất nhiều anh chị em chúng ta cùng dâng lễ, chúng ta không cô độc. Chúng ta làm thành một cộng đoàn đức tin, nâng đỡ khích lệ nhau trong phụng vụ và trong lời cầu nguyện. Bác thợ làm vườn biến hóa trong nhiều hình dạng. Lời của bác hướng dẫn và ban sức mạnh cho chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn về phe với chúng ta. Ngài luôn luôn ban ơn trợ giúp và khuyến khích mọi người đổi mới cuộc đời. Ngõ hầu trong mùa chay này đời sống thiêng liêng mỗi người thêm phong phú và sinh hoa kết trái thực sự trước mặt Giáo hội và thế gian. Amen.

Gợi ý thêm:

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ về mùa chay như thời gian tăng cường lòng sùng mộ cá nhân và đạo đức cá nhân. Bài đọc thứ hai và bài đọc tin mừng gợi ý rằng Giáo hội xét như một cơ chế cũng cần có ăn năn hối cải. Mọi cơ chế đều có cái tâm lý an toàn gỉa tạo. Thí dụ như dân tộc Isrsel, cũng có tâm lý an toàn giả tạo đó. Bởi vì trong sa mạc họ được Chúa làm trọn lời hứa với Môsê trong bụi gai cháy bừng bừng là đưa họ ra khỏi Ai cập qua cột mây, cột lửa và biển cả, nuôi họ bằng manna, cho nước chảy ra từ tảng đá để họ khỏi khát. Dân Chúa mới cũng đã từng có an toàn gỉa tạo. Thí dụ giáo đoàn Côrintô. Họ kiêu hãnh vì có hai bảo đảm của Tin Mừng. Qúi vị giảng viên có thể khai triển và áp dụng tâm lý an toàn gỉa tạo này cho Giáo hội ngày nay xét như một cơ chế. (Trích chương: Lời Chúa cho giáo hội hôm nay).