Trong một diễn biến ngoạn mục thanh niên Hồi giáo của quận PK5 đã chịu bỏ vũ khí xuống đàm phán với lực lượng vũ trang Anti-Balaka hầu mưu tìm hòa bình.

Ca ngợi biến cố này, vị giám chức hàng đầu của Cộng hòa Trung Phi đã kêu gọi các tín hữu Kitô noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành "những người hành hương của hòa bình".

Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga, là người cùng với các giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu của quốc gia kêu gọi hòa bình, đã đến thăm vùng đất nguy hiểm PK5 của Hồi giáo thủ đô và nói rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng gần đây đã ảnh hưởng "sâu sắc" đến các thanh niên Hồi giáo trong vùng.

Trên chuyến bay từ phi trường M’Poko của thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, về Rôma, Đức Thánh Cha đã dành ra một giờ để trả lời phỏng vấn của giới báo chí.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các phóng viên rằng ngài nhận thức rõ rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, nhưng Đức Thánh Cha đã trải qua hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác trong chuyến thăm châu Phi đầy hào hứng.

Đức Giáo Hoàng trông rất mệt mỏi, nhưng rất vui. Ngài nói với các phóng viên rằng ngài đã cầu nguyện trong một đền thờ Hồi Giáo ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, và cùng dạo quanh một khu phố Hồi giáo với các lãnh tụ Hồi giáo ngồi với ngài trong chiếc xe popemobile. Cả hai điều này đều là các sáng kiến tự phát của Đức Giáo Hoàng vào ngày 30 tháng 11, ngày cuối cùng của ngài ở châu Phi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Những đám đông, những khuôn mặt hân hoan của những người có khả năng cử mừng ngay cả với một dạ dày trống rỗng” là những ấn tượng mà ngài sẽ mang về nhà với ngài sau chuyến đi sáu ngày tới Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.

Đức Thánh Cha nói với các phóng viên sau hai năm nội chiến, người dân của nước Cộng hòa Trung Phi muốn “hòa bình, hòa giải và tha thứ.”

“Trong nhiều năm, họ đã từng sống như anh chị em,” và giờ đây Đức Thánh Cha tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo, Hồi giáo và Tin Lành địa phương đang làm hết sức mình để giúp đỡ người dân của họ trở về tình trạng hòa bình, cùng tồn tại và tôn trọng lẫn nhau.

Các nhà lãnh đạo của mọi tôn giáo phải dạy bảo các tín hữu về những giá trị.

“Một trong những giá trị hiếm hoi nhất ngày nay đó là tình anh em,” một giá trị cần thiết cho hòa bình, ngài nói.