Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo nhân loại chống lại “sự im lặng điếc đặc vì thờ ơ và ích kỷ” trước tiếng kêu của những ai đang phải sống dưới sự đe dọa của bom đạn và đang khẩn khoản cầu xin cho hòa bình.

Diễn từ của Đức Thánh Cha đã được trình bày trong buổi lễ cầu nguyện đại kết với các đại diện của các hệ phái Kitô giáo khác tại tầng dưới của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô lúc bế mạc ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi.

Đức Thánh Cha đã nói về “cơn khát” của Chúa Giêsu trong đó chúng ta có thể “nghe thấy tiếng kêu của sự thống khổ, tiếng than của những người vô tội đang bị thế giới này từ khước, lời cầu xin buồn thảm của những người nghèo và những người tha thiết cần đến hòa bình. Chiến tranh đang làm nhơ bẩn nhân loại với sự thù ghét và làm dơ trái đất này với vũ khí. Những nạn nhân của chiến tranh cầu xin hòa bình; anh chị em của chúng ta, đang sống dưới sự đe dọa của bom đạn và bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ra đi vào một phương trời bất định, bị tước đoạt tất cả mọi thứ, đang khẩn khoản van xin hòa bình”.

Và trước khi kết thúc với một lời cầu nguyện cho sự hiệp thông đầy đủ giữa tất cả các Kitô hữu, Đức Thánh Cha nói rằng cũng như Chúa Giêsu, các nạn nhân của chiến tranh “thường xuyên được trao cho dấm cay đắng của sự khước từ. Ai lắng nghe họ? Ai chịu khó đáp lại họ? Quá thường khi họ gặp phải sự im lặng điếc đặc của sự thờ ơ, sự ích kỷ của những bực mình vì bị quấy rầy, cái lạnh lùng của những ai bịt tai trước tiếng kêu của họ mong được giúp đỡ dễ dàng như thay đổi một kênh truyền hình trên TV.”


Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha:

Đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nghe những lời của Ngài vang lên với cả chúng ta nữa: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát, hơn cả đói, là nhu cầu lớn nhất của nhân loại, và cũng là sự đau khổ lớn lao của nhân sinh. Chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng Đấng vì lòng xót thương đã trở thành nghèo khó giữa nhân loại.

Chúa khao khát điều gì? Chắc chắn là nước, là thứ thiết yếu cho cuộc sống. Nhưng trên tất cả, Ngài khát khao cho tình yêu, là điều thiết yếu không kém cho cuộc sống. Ngài khao khát ban cho chúng ta nước hằng sống là tình yêu của Ngài, nhưng cũng khát khao nhận được tình yêu của chúng ta. Tiên tri Giêrêmia diễn tả khát khao của Thiên Chúa về tình yêu của chúng ta như sau: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn” (Gr 2: 2). Nhưng vị tiên tri cũng đề cập đến tiếng nói đau khổ của Thiên Chúa, khi con người bạc bẽo bỏ rơi tình yêu. Có vẻ như thể Chúa cũng đang nói những lời này ngày hôm nay – “chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước.” (c. 13). Đó là bi kịch của “một con tim khô héo”, của một tình yêu không được hồi đáp, một bi kịch được mở ra một lần nữa trong Tin Mừng, khi đáp lại cái khát của Chúa Giêsu, người ta đã đưa giấm chua cho Ngài uống. Như vịnh gia đã than thở một cách tiên tri: “Con khát nước, chúng lại cho uống giấm chua” (Tv 69:21).

“Tình yêu không được yêu”: thực tế này, theo nhiều trình thuật, là những gì làm Thánh Phanxicô thành Assisi khó chịu. Yêu mến Chúa chịu khổ đau, thánh nhân không ngại ngùng khóc to và ta thán (x. Fonti Francescane, số 1413). Thực tế này cũng phải ở trong trái tim của chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh, là Đấng khao khát tình yêu. Mẹ Têrêsa Calcutta mong muốn rằng trong mỗi nhà nguyện của các cộng đoàn các nữ tu của Mẹ những lời “Ta khát” phải được viết ngay bên cạnh thánh giá. Phản ứng của Mẹ là để làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu cho tình yêu trên Thánh Giá qua việc phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Cái khát của Chúa được dập tắt bởi tình yêu thương bác ái thực sự của chúng ta; Ngài được an ủi khi, trong danh Ngài, chúng ta cúi xuống trước những đau khổ của người khác. Vào ngày phán xét họ sẽ được gọi là những người được “chúc phúc” vì cho kẻ khát uống. Đó là những người trao ra những cử chỉ thương yêu thật sự cho những người đang túng quẫn: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 25:40).

Những lời của Chúa Giêsu thách thức chúng ta. Những lời ấy kiếm tìm một chỗ trong con tim chúng ta và một phản ứng liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Trong tiếng “Ta khát” của Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của sự thống khổ, tiếng than của những người vô tội đang bị thế giới này từ khước, lời cầu xin buồn thảm của những người nghèo và những người tha thiết cần đến hòa bình. Chiến tranh đang làm nhơ bẩn nhân loại với sự thù ghét và làm dơ trái đất này với vũ khí. Những nạn nhân của chiến tranh cầu xin hòa bình; anh chị em của chúng ta, đang sống dưới sự đe dọa của bom đạn và bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ra đi vào một phương trời bất định, bị tước đoạt tất cả mọi thứ, đang khẩn khoản van xin hòa bình. Họ đều là anh chị em của Đấng chịu đóng đinh, là những người nhỏ bé trong Vương Quốc của Ngài, là các thành viên bị thương và bị khô héo của thân thể Ngài. Họ khát. Nhưng, như Chúa Giêsu, họ thường xuyên được trao cho dấm chua cay đắng của sự khước từ. Ai lắng nghe họ? Ai chịu khó đáp lại họ? Quá thường khi họ gặp phải sự im lặng điếc đặc của sự thờ ơ, sự ích kỷ của những bực mình vì bị quấy rầy, cái lạnh lùng của những ai bịt tai trước tiếng kêu của họ mong được giúp đỡ dễ dàng như thay đổi một kênh truyền hình trên TV.

Trước Đức Kitô chịu đóng đinh, là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cor 1:24), chúng ta được mời gọi để chiêm ngưỡng mầu nhiệm của tình yêu không được yêu thương, và được kêu mời tuôn đổ lòng thương xót ra với thế giới này. Trên thập giá, cây sự sống, cái ác đã được cải biên thành điều thiện; chúng ta cũng như các môn đệ của Đấng chịu đóng đinh, được mời gọi trở thành “cây của sự sống” hấp thụ cái ô nhiễm của sự thờ ơ, để rồi phục hồi lại không khí tinh khiết của tình yêu cho thế giới. Từ cạnh sườn Chúa Kitô trên Thánh Giá nước chảy ra, đó là biểu tượng của Chúa Thánh Thần Đấng mang lại sự sống (Ga 19,34); để từ chúng ta, những môn đệ của Ngài, lòng từ bi cũng được tuôn chảy ra cho những ai đang khát ngày hôm nay.

Như Đức Maria dưới chân Thánh Giá, xin Chúa ban cho chúng ta được kết hợp với Người và gần gũi với những ai đang đau khổ. Khi đến gần với những ai sống như đang chịu đóng đinh, và khi được củng cố bởi tình yêu của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, cầu xin cho sự hòa hợp và hiệp thông của chúng ta được sâu đậm hơn nữa. “Chính Người là bình an của chúng ta” (Eph 2:14), “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (c. 17). Cầu xin Ngài giữ gìn tất cả chúng ta trong tình yêu của Ngài và hiệp nhất chúng ta, để chúng ta có thể nên “một” (Ga 17:21) như Ngài mong muốn.